Tại Việt Nam, kinh tế tuần hoàn đã được xác định là một trong những định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030. Khảo sát năm 2023 của Nielsen IQ cho thấy, 49% người tiêu dùng mang túi riêng, sử dụng túi tái chế; 47% chỉ mua đồ cần thiết, tránh lãng phí; 45% người tiêu dùng có ý thức phân loại rác tái chế và tiết kiệm điện.
Nghiên cứu cũng chỉ rõ, sự kỳ vọng của người tiêu dùng với doanh nghiệp về những sáng kiến và hành động thiết thực nhằm cải thiện môi trường và phát triển bền vững. Theo đó, 38% người tiêu dùng đánh giá sáng kiến và hành động thiết thực của doanh nghiệp nhằm cải thiện môi trường là cực kỳ quan trọng. 80% người tiêu dùng Việt sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho các sản phẩm có cam kết “xanh” và “sạch”, sản xuất từ những nguyên liệu thân thiện với môi trường.
Còn khảo sát về xu hướng tiêu dùng xanh từ góc nhìn của người tiêu dùng tại TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh của Intage Việt Nam cũng cho thấy, tiêu dùng xanh đang trở thành vấn đề tất yếu. Họ nhận thức được sự cần thiết của các hoạt động bảo vệ môi trường và thay đổi hành vi, thói quen để có các tác động tích cực và bảo vệ môi trường.
Dưới sự chỉ đạo của các Bộ, ban, ngành cùng sự tích cực của các doanh nghiệp thời gian qua đã góp phần thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững.
Trong tiêu dùng là đẩy mạnh liên kết bền vững giữa sản xuất - phân phối - tiêu dùng, tăng sự hiện diện của sản phẩm được dán nhãn sinh thái, thân thiện môi trường tại cơ sở phân phối hiện đạị và cơ sở phân phối truyền thống.
Trong xúc tiến thương mại là khuyến khích các hoạt động xúc tiến thương mại thúc đẩy nhập khẩu thiết bị máy móc hiện đại, công nghệ nguồn, nguyên liệu đầu vào phục vụ cho chế biến sâu, có hàm lượng giá trị gia tăng cao phục vụ xuất khẩu.
Trong khoa học công nghệ là triển khai hiệu quả chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ, trong đó chú trọng các giải pháp về tư vấn, đào tạo nguồn nhân lực; hỗ trợ xây dựng và vận hành mô hình nhà máy thông minh, chuyển đổi số, sản xuất xanh, sản xuất sạch. Cùng với đó, để cạnh tranh hiệu quả, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư mạnh hơn vào khâu chế biến, đa dạng hóa sản xuất, liên kết với nhau tạo thành phong trào sản xuất các sản phẩm hữu cơ và phát triển rộng khắp cả nước.
Song, sự xuất hiện của sản phẩm xanh trong hệ thống bán lẻ hiện đại tại Việt Nam vẫn còn chừng mực và khiêm tốn. Các thương hiệu có cam kết “xanh” và “sạch” hiện có mức tăng trưởng chỉ khoảng 4%/năm. Tuy nhiên, phần lớn các hoạt động thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững mới chỉ dừng lại ở những hoạt động đơn lẻ, chưa kết nối với nhau, phạm vi tác động hẹp, chưa có tính phổ biến và tính bền vững.
Trong bối cảnh thị trường trong và ngoài nước đòi hỏi ngày càng cao, cần có những giải pháp quyết liệt hơn để thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững trên nền tảng đổi mới, sáng tạo, thực hành và phát triển các mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững. Đặc biệt là nâng cao nhận thức của người dân và doanh nghiệp về vấn đề này, qua đó đẩy mạnh sản xuất và tiêu dùng nội địa bền vững, tạo việc làm ổn định và việc làm xanh, thúc đẩy lối sống bền vững và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, hướng đến phát triển nền kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam.