Kết quả đó đạt được có phần đóng góp tích cực của lĩnh vực Công nghiệp - Thương mại. Hoạt động sản xuất công nghiệp, thương mại của tỉnh Quảng Bình trong 6 tháng đầu năm 2024 tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định. Một số ngành và sản phẩm năm 2023 gặp nhiều khó khăn song đến nay đã có tín hiệu khởi sắc và tăng trưởng trở lại.
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) của tỉnh Quảng Bình 6 tháng đầu năm 2024 tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8,0%; sản xuất và phân phối điện tăng 4,1%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 8,3% so với cùng kỳ năm trước…
Theo đó, giá trị sản xuất công nghiệp theo giá so sánh 2010 ước tính 6 tháng đầu năm 2024 đạt 8.995,1 tỷ đồng, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 7.984,0 tỷ đồng, tăng 8,7%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt 599,4 tỷ đồng, tăng 4,3%; ngành cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải đạt 79,9 tỷ đồng, tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước.
Những sản phẩm công nghiệp chủ yếu sản xuất trong 6 tháng đầu năm 2024 đạt mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm trước bao gồm: gỗ xẻ được xử lý, bảo quản đạt 6.433 m3, tăng 213,8%; bia đóng chai đạt 3.071 nghìn lít, tăng 94,8%; sản phẩm tinh bột sắn đạt 5.812 tấn, tăng 79,8%; thủy điện đạt 23,1 triệu KWh, tăng 70,4%...
Các cơ sở sản xuất hiện có đang duy trì hoạt động ổn định (chế biến thực phẩm, sản xuất đồ uống, sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất, sản xuất và phân phối điện). Một số lĩnh vực như sản xuất trang phục, sản xuất gỗ và sản phẩm từ gỗ (ván ép) giảm mạnh trong trong năm 2023, đến nay tăng trưởng khá và đã có đơn hàng ký kết đến quý III/2024.
Bên cạnh đó, một số nhà máy mới được đầu tư và đi vào hoạt động trong thời gian qua như Nhà máy giấy Quảng Bình - Công ty Cổ phần Xenlulo Quảng Bình; Nhà máy sản xuất viên nén gỗ Dũng Nguyệt Anh; Nhà máy bê tông Nghi Sơn Quảng Bình… góp phần thúc đẩy tăng trưởng toàn ngành công nghiệp.
Hoạt động thương mại trong 6 tháng đầu năm 2024 cũng đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, tiếp tục đạt mức tăng trưởng khá. Các doanh nghiệp, nhà phân phối, các chợ truyền thống, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tạp hóa,… hoạt động bình thường. Cung ứng các mặt hàng đa dạng, phong phú, đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu của người dân, không xảy ra hiện tượng khan hàng, sốt giá.
Thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước về thương mại, Sở Công Thương chỉ đạo các trung tâm thương mại, siêu thị, cơ sở kinh doanh thương mại trên địa bàn đảm bảo hàng hóa, ổn định giá cả và an toàn thực phẩm dịp Lễ và mùa du lịch; đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy trong mùa khô.
Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại trên địa bàn tỉnh; tích cực tuyên truyền Tuần lễ Thương hiệu quốc gia; các doanh nghiệp, nhà phân phối, các chợ truyền thống, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tạp hóa… thực hiện nhiều chương trình kích cầu tiêu dùng, tháng khuyến mại tập trung, chương trình bình ổn thị trường, kết nối cung cầu hàng hóa, nguồn cung hàng hóa dồi dào, đa dạng, đáp ứng đầy đủ nhu cầu mua sắm của người dân.
Để thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu kế hoạch năm 2024, cùng với việc nghiêm túc triển khai thực hiện các giải pháp của Chính phủ, Bộ Công Thương và UBND tỉnh, trong 6 tháng cuối năm 2024, Sở Công Thương Quảng Bình sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp chủ yếu.
Theo đó, tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện tốt Nghị quyết của Chính phủ, Nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh và Kế hoạch hành động của UBND tỉnh về thực hiện các giải pháp đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội năm 2024, các giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024, định hướng đến năm 2025. Phối hợp với các sở, ngành tập trung tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở sản xuất công nghiệp hiện có, các dự án mới đầu tư đi vào sản xuất ổn định, khai thác tốt công suất thiết bị và hiệu quả đầu tư.
Đồng thời, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ các dự án công nghiệp chế biến, chế tạo và công nghiệp sản xuất điện để đưa vào hoạt động trong năm 2024. Thực hiện hiệu quả các Đề án khuyến công, xúc tiến thương mại quốc gia và địa phương năm 2024. Tiếp tục nắm bắt tình hình hoạt động của các doanh nghiệp, siêu thị, TTTM, chợ, cửa hàng xăng dầu trên địa bàn tỉnh để kịp thời bình ổn thị trường, giá cả. Đảm bảo cung cầu hàng hóa phục vụ tốt nhu cầu tiêu dùng và kinh doanh sản xuất của các doanh nghiệp.
Trên những cơ sở đó, ngành Công Thương tỉnh Quảng Bình kỳ vọng năm 2024 sẽ tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực, với mục tiêu: Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) năm 2024 tăng 8,0% so với năm 2023; Giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh 2010) đạt 18.129 tỷ đồng, tăng 8,5% so với năm 2023; Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 58.885 tỷ đồng, tăng 10,9% so với năm 2023. Trong đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa đạt 51.020 tỷ đồng, tăng 11,0% so với năm 2023…