Quảng Bình nhiều giải pháp tích cực hỗ trợ hàng Việt

Sức tiêu thụ hàng Việt ở Quảng Bình trở nên sôi động hơn, lựa chọn tiêu dùng hàng nội đã trở thành thói quen của nhiều người dân trên địa bàn nơi đây.

Những chuyến hàng Việt về nông thôn

Đây chính là kết quả đáng mong đợi mà toàn ngành Công Thương Quảng Bình nỗ lực trong suốt những năm vừa qua. Hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, ngành Công Thương Quảng Bình đã phối hợp với các đơn vị để tổ chức đưa hàng Việt về nông thôn. Những chuyến hàng đã mang cả tâm tư, tình cảm của các doanh nghiệp sản xuất cũng như các nhà phân phối, nhằm mục đích bình ổn giá thị trường, tạo điều kiện cho người dân tại địa phương mua hàng hóa bảo đảm chất lượng, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng và giá cả hợp lý với điều kiện thu nhập.

Theo bà Lương Thị Kiều Lan Chi, Giám đốc Siêu thị Co.opmart Quảng Bình, trong năm 2023, Co.opmart Quảng Bình đã tổ chức được 5 chuyến bán hàng lưu động, đưa hơn 600 mặt hàng thiết yếu với tổng doanh số gần 160 triệu đồng đến các vùng nông thôn trên địa bàn các huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh, TX. Ba Đồn; thu hút hàng nghìn khách tham quan gian hàng, trong đó gần 300 khách hàng trực tiếp mua sắm.

quang binh hang viet
Quảng Bình mong muốn nâng cao chất lượng sản phẩm “made in Việt Nam”

“Đây chính là một trong những nỗ lực của siêu thị chúng tôi trong việc triển khai thực hiện chương trình “Đưa hàng Việt về nông thôn” năm 2023”, bà Chi cho hay.

Dự kiến, thời điểm cuối năm khi mà Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán cận kề, những chuyến hàng này sẽ gia tăng đột biến để phục vụ nhu cầu của bà con.

Theo Sở Công Thương Quảng Bình, vấn đề quan trọng và có tính bền vững cho việc thực hiện Cuộc vận động thực sự thành công, thiết thực, hiệu quả đó là làm sao để nâng cao chất lượng sản phẩm “made in Việt Nam”. Phó Giám đốc sở Công Thương Quảng Bình Phan Hoài Nam nhận định: “Khi chất lượng hàng Việt Nam tốt rồi thì người tiêu dùng Quảng Bình chúng tôi chẳng có lý do gì mà không ưa chuộng cả”.

quang binh hang viet anh nhieu
Sở Công Thương Quảng Bình tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ hàng Việt

Để hỗ trợ cho hàng Việt nhiều hơn nữa, Sở Công Thương sẽ tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp, như: Hỗ trợ kinh phí cho các doanh nghiệp có dự án đầu tư phát triển công nghiệp, thương mại, xây dựng điểm hàng Việt; tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về công tác XTTM, quảng bá sản phẩm, kỹ năng bán hàng, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, bao bì sản phẩm cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh; triển khai lồng ghép các hoạt động hội chợ, triển lãm, kết nối cung cầu trong và ngoài nước để quảng bá, giới thiệu sản phẩm, hàng hóa của tỉnh Quảng Bình, qua đó từng bước xây dựng thương hiệu và chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm chủ lực của tỉnh nhằm tăng tính cạnh tranh trên thị trường, hướng đến xuất khẩu.

“Bùng nổ” nhiều hoạt động XTTM

Không chỉ đưa hàng Việt về nông thôn, năm 2023, Sở Công Thương Quảng Bình còn tư vấn, hướng dẫn hồ sơ dự án đầu tư cửa hàng tiện ích bán hàng Việt cho 7 đơn vị đủ điều kiện hỗ trợ kinh phí xúc tiến thương mại (XTTM) địa phương.

Vui vẻ, phấn khởi là tâm trạng chung của các đơn vị được hỗ trợ kinh phí XTTM này. Ai cũng cho rằng đa số các mặt hàng họ bày bán đều là hàng Việt Nam. Tuy nhiên, có thêm sự hỗ trợ về nguồn kinh phí của Trung tâm Khuyến công -XTTM, họ sẽ thêm phần tự tin hơn trong việc đưa hàng Việt đến với người tiêu dùng. Ai cũng nhìn nhận rằng, người dân Quảng Bình rất ưa chuộng những sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng của Việt Nam, đặc biệt là các sản phẩm OCOP của Quảng Bình.

quang binh yeu hang viet
Tỷ lệ hàng Việt Nam trong tiêu dùng của người dân ngày càng cao, chiếm trên 85%

Năm 2023 cũng là năm ngành Công Thương Quảng Bình triển khai thực hiện có hiệu quả nhiều hoạt động XTTM địa phương cũng như tổ chức tham gia nhiều hoạt động XTTM của các tỉnh, thành phố trong và ngoài nước. Ngành đã phối hợp tổ chức “Hội chợ Xuân Quảng Bình năm 2023”; tổ chức khu gian hàng trưng bày các sản phẩm OCOP tỉnh Quảng Bình tại hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Quảng Bình và Xúc tiến đầu tư năm 2023 tại Thủ đô Hà Nội; trưng bày các sản phẩm OCOP, VietGAP tại hội thảo khoa học quốc tế nhân dịp kỷ niệm 20 năm Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới...

Những hội chợ để lại ấn tượng sâu đậm như “Hội chợ triển lãm hàng công nghiệp nông thôn khu vực Bắc Trung bộ-Quảng Bình năm 2023”, “Tuần lễ triển lãm, giới thiệu, quảng bá sản phẩm nông sản, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, OCOP, đặc sản tỉnh Quảng Bình tại TP. Hồ Chí Minh”; “Hội nghị kết nối giao thương xúc tiến xuất khẩu hàng hóa giữa doanh nghiệp (DN) 6 tỉnh Bắc Trung bộ-Việt Nam với các DN xuất nhập khẩu nước CHDCND Lào và Vương quốc Thái Lan”,... đã góp phần quảng bá, giới thiệu những sản phẩm chất lượng của Việt Nam nói chung, tỉnh Quảng Bình nói riêng tới các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

quang binh khoan khoan
Đa số các chợ, siêu thị, quầy bách hóa tổng hợp, doanh nghiệp đầu mối trên địa bàn tỉnh phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân chủ yếu là hàng Việt Nam

Ông Nguyễn Ngọc Hải, Trưởng phòng Quản lý Thương mại, Sở Công Thương Quảng Bình cho biết: “Chúng tôi rất phấn khởi vì qua khảo sát thị trường nội địa, đa số các chợ, siêu thị, quầy bách hóa tổng hợp, doanh nghiệp đầu mối trên địa bàn tỉnh phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân chủ yếu là hàng Việt Nam, tỷ lệ hàng Việt Nam trong tiêu dùng của người dân ngày càng cao chiếm trên 85% và trở thành kênh hàng hóa, nhu yếu phẩm thiết yếu trong tiêu dùng mua bán sinh hoạt hàng ngày của nhân dân”.

Để “bảo vệ” hàng Việt chất lượng cao, Sở Công Thương Quảng Bình cũng đã phối hợp với Cục Quản lý thị trường, UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước tăng cường kiểm tra, kiểm soát giả cả hàng hóa thị trường, ngăn chặn việc vận chuyển, kinh doanh hàng nhập lậu, sản xuất và buôn bán hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ... nhằm bảo vệ hàng hóa sản xuất trong nước, nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa nội địa.

Ngày càng đi vào thực chất, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã tạo được bước chuyển biến tích cực, có sự lan tỏa đến doanh nghiệp, người dân và toàn xã hội. Nhân dân Quảng Bình đã không chỉ tin, yêu khi sử dụng hàng Việt, mà tình yêu đó đã trở thành niềm tự hào!

Minh Thủy