Tham dự Hội nghị có bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), Phó Trưởng ban Thư ký Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động; bà Lê Thị Mây - đại diện Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; bà Chu Thị Thu Hương - Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Quản lý thị trường; ông Nguyễn Quang Huy - Phó Chánh Văn phòng Bộ Công Thương (khu vực phía Nam).
Về phía tỉnh Bình Phước có bà Lê Thị Xuân Trang - Uỷ viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận, Chủ tịch Uỷ ban Mặt Trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh - Trưởng Ban chỉ đạo Cuộc vận động tỉnh Bình Phước; ông Trần Văn Mi - Tỉnh ủy viên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước; ông Đỗ Đại Đồng - Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh; đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Ban Dân vận Tỉnh ủy cùng đại diện lãnh đạo các Sở, ban ngành, các hiệp hội, tổ chức thuộc tỉnh Bình Phước.
Theo báo cáo của Ban chỉ đạo Cuộc vận động tỉnh Bình Phước, thực hiện Chỉ thị 03-CT/TTg ngày 19/5/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong tình hình mới; Chỉ thị số 28-CT/TTg của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định 386/QĐ-TTg ngày 17/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; Kế hoạch số 530/KH-MTTW-BCĐTWCVĐ ngày 15/4/2022 về việc triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” năm 2022; trên tinh thần chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy tại Công văn số 415-CV/TU ngày 7/6/2021 về việc quán triệt triển khai thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW của Ban Bí thư; Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bình Phước (Thường trực Ban Chỉ đạo Cuộc vận động) đã ban hành Kế hoạch số 241/KH-MTTQ-BTT, ngày 04/03/2022 để triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” năm 2022 trên địa bàn tỉnh.
Đồng thời, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 11/KH-UBND ngày 13/01/2022 về việc triển khai thực hiện Cuộc vận động năm 2022; Ngoài ra, các thành viên trong Ban Chỉ đạo cũng đã ban hành nhiều văn bản triển khai thực hiện trong hệ thống của mình,.
Bên cạnh đó, trong năm 2022, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động tỉnh Bình Phước đã phân công trách nhiệm cho các thành viên Ban Chỉ đạo triển khai tuyên truyền rộng rãi trong đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân về các nội dung trong Cuộc vận động với nhiều hình thức phong phú và đa dạng nhằm nâng cao nhận thức của toàn dân trong việc ưu tiên sử dụng các hàng hoá do Việt Nam sản xuất. Đặc biệt, các thành viên Ban Chỉ đạo đã sử dụng hiệu quả mạng xã hội, như: Zalo, Facebook, Fanpage, trên các trang báo in, báo điển tử của tỉnh, phát sóng trên truyền hình, trên hệ thống loa tại các cụm khu dân cư để tuyên truyền rộng rãi đến từng người dân trên địa bàn tỉnh; phát hành tờ rơi tuyên truyền về cuộc vận động đến từng hộ gia đình tại cộng đồng khu dân cư.
Các thành viên trong Ban Chỉ đạo đã có nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp và xúc tiến thương mại như: Sở Công Thương đã xác nhận cho 13 thương nhân trên địa bàn tỉnh đăng ký xác nhận chương trình khuyến mại với tổng giá trị khuyến mại khoảng 1,2 tỷ đồng; tiếp nhận 16.466 thông báo thực hiện chương trình khuyến mại trên địa bàn tỉnh; xác nhận cho 4 thương nhân đăng ký tổ chức 39 hội chợ thương mại trên địa bàn tỉnh, đến nay, đã tổ chức được 16 hội chợ thương mại, có 460 lượt doanh nghiệp tham gia với khoảng 1.120 gian hàng, thu hút được hơn 160.000 lượt khách tham quan, mua sắm.
Hội nghị kết nối tiêu thụ nông sản tỉnh Bình Phước trong khuôn khổ Hội chợ trái cây và hàng nông sản năm 2022 đã thu hút sự tham gia của 55 cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ doanh nghiệp, HTX, hộ nông dân được tiếp xúc, trao đổi trực tiếp với 3 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thương mại điện tử về cách thức tham gia kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử; từng bước chuyển đổi số, mở rộng hình thức kinh doanh, giảm thiểu các hạn chế trong kinh doanh trực tiếp, phục vụ đa dạng khách hàng.
Bình Phước cũng tham gia Hội nghị kết nối cung cầu giữa TP.HCM với các tỉnh, thành năm 2022: có 16 Doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh tham gia hoạt động trưng bày nhằm quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm đối tác kinh doanh, đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, phát triển thị trường cho các sản phẩm thế mạnh của tỉnh.
Tổ chức Phiên chợ không dùng tiền mặt tại thành phố Đồng Xoài: Phiên chợ có 25 đơn vị đăng ký tham gia với 30 gian hàng tiêu chuẩn, với mục đích nhằm thúc đẩy chuyển đổi số, tạo môi trường thanh toán lành mạnh an toàn…
Đặc biệt trong công tác kiểm tra, kiểm soát xử lý vi phạm trong thực hiện Cuộc vận động ‘Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam’ năm 2022, các sở, ngành cùng các thành viên của Ban chỉ đạo tỉnh Bình Phước, đã tổ chức thanh tra, kiểm soát tại 1.037 cơ sở (có 46 đơn vị vi phạm với 886.348.795 đồng) và 2.130 vụ (xử phạt 1022 vụ với số tiền 4 tỷ 624,14 triệu đồng)…
Nhìn chung, dư luận xã hội đồng tình với Cuộc vận động, cho đây là một chủ trương có ý nghĩa rất lớn, vừa thể hiện lòng tự hào, tự tôn dân tộc của mỗi người dân, vừa khẳng định vai trò, năng lực sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam, đồng thời thể hiện sự đúng đắn của Đảng, Nhà nước trong việc điều chỉnh các giải pháp kích cầu để góp phần định hướng, thúc đẩy các doanh nghiệp phát triển trong bối cảnh suy thoái kinh tế diễn ra trên diện rộng.
Cuộc vận động đã được cấp ủy, chính quyền trong tỉnh quan tâm, gắn với các giải pháp thực hiện nhiệm vụ chính trị và các phong trào thi đua yêu nước mà Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã đề ra.
Một điểm mới là các doanh nghiệp trong tỉnh đã quan tâm nhiều hơn đến thị trường nội địa, coi trọng việc cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm, quan tâm hơn đến công tác xúc tiến thương mại. Các doanh nghiệp cũng không ngừng thay đổi cách thức phân phối hàng hóa, kết hợp hình thức phân phối hiện đại với truyền thống và hàng năm triển khai nhiều đợt khuyến mại, giảm giá, kích thích mua sắm từ đó từng bước thay đổi hành vi của người tiêu dùng khi lựa chọn hàng hóa.
Phát biểu tại hội nghị, bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước góp ý thêm, để tiếp tục thực hiện Cuộc vận động có hiệu quả hơn, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động tỉnh cần định hướng một số nhiệm vụ trọng tâm thực hiện trong năm 2023 như sau: Tiếp tục tuyên truyền, quán triệt và tổ chức thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” theo tinh thần Thông báo kết luận số 264-TB/TW ngày 31 tháng 7 năm 2009 của Bộ Chính trị; Kết luận số 107–KL/TW ngày 10 tháng 4 năm 2015 của Ban Bí thư và Chỉ thị số 24/CT-TTg, ngày 17 tháng 9 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong các cấp, các ngành, địa phương, doanh nghiệp, tạo nên phong trào thi đua sôi nổi trong các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia hưởng ứng thực hiện cuộc vận động; đồng thời, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong thực hiện cuộc vận động, gương mẫu đi đầu trong mua sắm, ưu tiên sử dụng hàng hóa thương hiệu Việt.
Bên cạnh đó, cần hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã xây dựng và áp dụng các giải pháp công nghệ số (công nghệ mã vạch, mã QR code, công nghệ blockchain...) để truy xuất nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm, xây dựng thương hiệu trực tuyến và tiếp thị sản phẩm trên môi trường điện tử. Hỗ trợ, liên kết Website của thương nhân kết nối, tham gia Sàn giao dịch nông sản tỉnh Bình Phước; thường xuyên, kịp thời cung cấp các thông tin trên Sàn giao dịch về thị trường sản phẩm, hàng hóa, thủ tục, quy định xuất nhập khẩu của các nước ký Hiệp định thương mại với Việt Nam.
Kết luận tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải - Phó Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã đánh giá cao sự quyết liệt chỉ đạo và gương mẫu của các cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc nghiêm túc triển khai Cuộc vận động. Thường trực Ban Chỉ đạo Cuộc vận động tỉnh, đã ban hành các văn bản Kế hoạch hướng dẫn cụ thể các địa phương cơ quan từ tỉnh đến cơ sở triển khai thực hiện. Tỉnh đã rà soát cũng cố, kiện toàn Ban chỉ đạo Cuộc vận động ‘Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Thực hiện nghiêm túc việc phân công, phân việc cụ thể cho từng thành viên trong Ban chỉ đạo. Tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền về Cuộc vận động.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải - Phó Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, cũng đề nghị Ban chỉ đạo Cuộc vận động tỉnh Bình Phước tiếp tục triển khai thực hiện Cuộc vận động theo tinh thần của Thông báo kết luận số 264-TB/TW ngày 31/7 của Bộ Chính trị. Kết luận số 107-KL/TW ngày 10/4 2025 của Ban Bí thư. Chỉ thị số 28/CT-TTg. Quyết định 386/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Tiếp tục rà soát ban hành các văn bản hướng dẫn, các chương trình, kế hoạch, Tuyên truyền về Cuộc vận động theo đúng tinh thần chỉ đạo tại Chỉ thị 03-CT/TW ngày 19/5/2021 của Ban Bí thư. Tỉnh cần đặc biệt chú trọng đẩy mạnh công tác quản lý thị trường, chống hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng hóa không đảm bảo an toàn thực phẩm, đặc biệt là hàng làm giả nguồn gốc xuất xứ từ Việt Nam làm ảnh hưởng đến các doanh nghiệp sản xuất hàng Việt Nam chân chính.
Tiếp tục quan tâm đời sống người dân trên địa bàn tỉnh, đặc biệt khi dịp Tết Nguyên đán đang sắp đến, lồng ghép các hoạt động kích thích tiêu dùng hàng Việt Nam, bình ổn thị trường, phục hồi kinh tế hậu Covid. Cần có chính sách tôn vinh, khen thưởng các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân óc thành tích trong Cuộc vận động, Đề nghị các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, đổi mới công nghệ sản xuất hàng hóa có chất lượng ngày càng được nâng cao.
Đồng thời trên cơ sở ý kiến các thành viên Đoàn kiểm tra và các đại biểu tại hội nghị, đề nghị tính hoàn thiện báo cáo về kết quả thực hiện Cuộc vận động ‘Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” năm 2022, phương hướng nhiệm vụ năm 2023, để báo cáo Ban Chỉ đạo TW Cuộc vận động.
Trước đó, sáng cùng ngày, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải - Phó Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, đã đẫn đầu Đoàn kiểm tra đến khảo sát thực tế tại các doanh nghiệp sản xuất, phân phối trên địa bàn tỉnh Bình Phước.
Tại buổi làm việc với ông Vũ Mạnh Tùng - Giám đốc Công ty TNHH Hạt Điều Vàng cho biết, Hạt Điều Vàng là công ty khởi nghiệp của ông với ước mơ giới thiệu hạt điều, một sản phẩm đặc trưng được nuôi dưỡng từ vùng đất của tỉnh Bình Phước, một sản phẩm 100% do người Việt Nam tự sản xuất, đóng gói (bao bì sản phẩm được nhập 100% từ Nhật Bản), giới thiệu đến với thị trường trong nước và quốc tế.
Hiện nay 80% sản phẩm Hạt Điều Vàng đã XK sang thị trường Nhật Bản, Úc, Na Uy, theo ông Vũ Mạnh Tùng hiện tại công ty đang đàm phán với một số nước khác, các sản phẩm hạt điều của công ty đều được chọn lọc và chế biến trên dây chuyền sản xuất hiện đại. Các sản phẩm của Công ty đều được chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao.
Điểm đến tiếp theo là cửa hàng trưng bày sản phẩm tiêu biểu tỉnh Bình Phước (thuộc Hợp tác xã Bombo Bình Phước). Báo cáo với đoàn công tác, ông Nghiệp Quốc Vượng - Giám đốc Hợp tác xã Bombo Bình Phước cho biết: Cửa hàng là nơi trưng bày các sản phẩm hàng Việt ở khắp các vùng miền. Đặc biệt tập trung các sản phẩm OCOP của Bình Phước như: Điều, cam, hồ tiêu, bưởi da xanh, dưa lưới… tất cả các sản phẩm tại cửa hàng đều được kiểm tra kỹ, đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm.