Xuất nhập khẩu tăng trưởng khá
Theo Sở Công Thương tỉnh Quảng Ngãi, 6 tháng đầu năm 2024, tình hình sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh có những dấu hiệu tích cực. Đa số các ngành công nghiệp thuộc ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đã hồi phục sản xuất, trong đó nhiều ngành tăng khá; ngành sản xuất sản phẩm từ kim loại tiếp tục là ngành góp phần lớn vào tăng trưởng chung của ngành công nghiệp tỉnh.
Các hoạt động xúc tiến thương mại được đẩy mạnh, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá có những khởi sắc và đạt được những kết quả tích cực. 6 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 9,1%.
Với sự phục hồi của thị trường thế giới, các doanh nghiệp xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đã dần khắc phục khó khăn và đang phục hồi, các đơn hàng xuất khẩu gia tăng; nhu cầu nhập khẩu vật tư, máy móc, thiết bị và nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất tăng nên hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá trong 6 tháng đầu năm tăng trưởng khá.
Lũy kế 6 tháng đầu năm kim ngạch xuất khẩu ước đạt 1.355 triệu USD, đạt 54% kế hoạch năm (KH: 2.500 triệu USD) và tăng 12,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu có vốn đầu tư trong nước ước đạt 711 triệu USD, tăng 4,9% so với cùng kỳ; kim ngạch xuất khẩu có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 643 triệu USD, tăng 22,6% so với cùng kỳ.
Các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng so với cùng kỳ năm trước như: thủy sản chế biến ước đạt 14,9 triệu USD (tăng 7,4%); hàng thực phẩm chế biến ước đạt 2,7 triệu USD (tăng 16,4%); sơ, sợi dệt các loại ước đạt 82,2 triệu USD (tăng 15,4%); thép ước đạt 619,5 triệu USD (tăng 43%); giày, túi xách da các loại ước đạt 101,6 triệu USD (tăng 5,1%).
Sở Công Thương Quảng Ngãi cũng cho biết, trong 6 tháng đầu năm, hầu hết các doanh nghiệp vẫn duy trì nhịp độ tăng trưởng khá; đa số các sản phẩm công nghiệp đều tăng so với cùng kỳ năm trước.
Riêng sản phẩm chủ lực của tỉnh là sản phẩm lọc hóa dầu giảm 737.331 tấn (-20,6%) so với cùng kỳ năm trước, do Nhà máy lọc dầu Dung Quất tạm dừng hoạt động để bảo dưỡng tổng thể lần thứ 5 và một số sản phẩm khác giảm như: điện sản xuất giảm 26%; dăm gỗ nguyên liệu giấy giảm 4%.
Phối hợp xây dựng Đề án Trung tâm lọc hóa dầu và năng lượng quốc gia tại Khu Kinh tế Dung Quất
Những tháng còn lại năm 2024, Sở Công Thương tỉnh Quảng Ngãi cho hay, đơn vị sẽ triển khai thực hiện và phối hợp thực hiện các quy hoạch và kế hoạch thực hiện quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thời kỳ 2021 - 2030; tầm nhìn đến năm 2050 và các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh; gồm: Quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung; Quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia; Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia (Quy hoạch điện VIII); Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản; Quy hoạch phát triển hạ tầng dữ trự, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia phù hợp, đồng bộ với Quy hoạch tỉnh.
Đồng thời, tiếp tục phối hợp với Bộ Công Thương trong việc xây dựng Đề án Trung tâm lọc hóa dầu và năng lượng quốc gia tại Khu Kinh tế Dung Quất. Kiểm tra chủ đầu tư các dự án thủy điện thực hiện công tác phòng chống lụt bão đảm bảo an toàn đập, phương án ứng phó tình huống khẩn cấp đập, hồ chứa thủy điện, công tác vận hành của các nhà máy thủy điện trên địa bàn tỉnh.
Ngoài ra, đơn vị sẽ tiếp tục thực hiện chương trình xúc tiến thương mại, kích cầu tiêu dùng nội địa, mở rộng thị trường trong nước, quảng bá, đưa các sản phẩm đặc trưng của tỉnh vào các hệ thống siêu thị, trung tâm phân phối, tham gia hội nghị kết nối cung cầu trong và ngoài tỉnh; hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh; đẩy mạnh xuất khẩu, góp phần thúc đẩy sản xuất; Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2021-2025; Chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.
Theo Đề cương Đề án Trung tâm lọc hóa dầu và năng lượng quốc gia tại Khu kinh tế Dung Quất tại tỉnh Quảng Ngãi do Bộ Công Thương phê duyệt vào tháng 12/2023, khu vực hình thành trung tâm này nằm trong Phân khu công nghiệp phía Đông Dung Quất (thuộc KKT Dung Quất).
Khu vực này hiện có 18 dự án liên quan đến Lọc hóa dầu và Năng lượng, với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 122,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 1/3 tổng vốn đăng ký vào KKT Dung Quất. Trong đó, có 11 dự án đã đi vào hoạt động và 7 dự án khác đang triển khai.
Dự kiến phương án phát triển Trung tâm Lọc hóa dầu và Năng lượng Quốc gia tại KKT Dung Quất sẽ bao gồm tích hợp nguyên liệu của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất để sản xuất hóa dầu mang lại giá trị gia tăng cao và thân thiện với môi trường, làm nguyên liệu phục vụ cho các ngành công nghiệp khác; tái chế các sản phẩm hóa dầu sau sử dụng và các dự án hạ tầng khác.
Ngoài ra, trong định hướng phát triển, còn có các dự án nhà máy tuabin khí hỗn hợp, các dự án điện gió gần bờ, điện gió ngoài khơi; sản xuất hydro xanh từ năng lượng tái tạo; sử dụng hydro xanh thay thế một phần nhiên liệu của Nhà máy Lọc dầu; sản xuất hydro xanh lam kết hợp thu giữ, lưu trữ và sử dụng carbon.