Đây là thông tin được lãnh đạo Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Quảng Ninh đưa ra trong buổi làm việc với Cục Nghiệp vụ QLTT sáng 18/11/2021. Buổi làm việc được triển khai theo Quyết định số 533/QĐ-CNV về việc thành lập Đoàn kiểm tra đôn đốc thực hiện Kế hoạch đấu tranh phòng, chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ giai đoạn 2021-2025 (Kế hoạch 888).
Ông Nguyễn Đức Lê - Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ QLTT cho biết, Kế hoạch 888 là kế hoạch dài hơi, triển khai trong 5 năm.
Năm 2021, Kế hoạch tập trung vào những địa bàn trọng tâm, những mặt hàng trọng điểm, trong đó có tỉnh Quảng Ninh - địa bàn nóng, nổi cộm về vấn nạn hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Phó Cục trưởng Nguyễn Đức Lê chia sẻ, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc đôn đốc, triển khai Kế hoạch còn gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, nhiều đơn vị chưa nhận thức được tầm quan trọng của Kế hoạch, do vậy, dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo Tổng cục QLTT, Cục Nghiệp vụ QLTT có buổi làm việc trực tiếp với một số Cục địa phương, trong đó có tỉnh Quảng Ninh để theo dõi, nắm bắt tình hình cũng như lắng nghe những vướng mắc trong giai đoạn đầu triển khai Kế hoạch 888, từ đó có những giải pháp kịp thời và hiệu quả trong công tác đấu tranh phòng, chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền.
Ông Nguyễn Đình Hưng - Quyền Cục trưởng Cục QLTT Quảng Ninh cho biết, kể từ khi triển khai Kế hoạch 888, Cục QLTT Quảng Ninh xác định công tác tuyên truyền phổ biến ký cam kết với các cơ sở kinh doanh, trung tâm thương mại, Ban Quản lý chợ, Hiệp hội... là nhiệm vụ trọng tâm, hàng đầu.
Tính đến ngày 15/11/2021, kể từ khi Kế hoạch 888 được ban hành, Cục QLTT Quảng Ninh đã tuyên truyền, ký cam kết với hơn 2.367 cơ sở kinh doanh; kiểm tra, kiểm soát 101 vụ, xử phạt 93 vụ việc vi phạm, số tiền xử phạt vi phạm là hơn 700 triệu đồng.
"Kết quả này đúng với mục tiêu đã đề ra trong giai đoạn đầu Cục QLTT Quảng Ninh triển khai Kế hoạch 888", quyền Cục trưởng Nguyễn Đình Hưng nhấn mạnh.
Báo cáo cụ thể với Đoàn công tác về kết quả thực hiện Kế hoạch 888 của Tổng cục QLTT, ông Trần Sơn - Trưởng Phòng Nghiệp vụ Tổng hợp, Cục QLTT Quảng Ninh cho biết, thực hiện Kế hoạch 888, Cục QLTT Quảng Ninh đã ban hành Kế hoạch 222 về đấu tranh phòng, chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.
Trọng tâm của Kế hoạch 222 là 100% các siêu thị, trung tâm thương mại không kinh doanh, bày bán công khai hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, hàng hóa xâm phạm quyền; 80% các cơ sở kinh doanh tại các khu vực, tuyến phố du lịch trên địa bàn tỉnh không bày bán công khai hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, hàng xâm phạm quyền; 60% cơ sở kinh doanh được tuyên truyền vận động, phổ biến pháp luật, ký cam kết không kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, hàng xâm phạm quyền…
Ông Trần Sơn cho rằng, việc triển khai Kế hoạch 888 được thực hiện thống nhất từ lãnh đạo Cục đến các kiểm soát viên, người lao động.
“Sau 8 tháng triển khai Kế hoạch, tình hình vi phạm về hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh cơ bản được kiểm soát, không để hình thành các điểm nóng.
Đặc biệt, nhận thức của các tổ chức, cá nhân kinh doanh về hàng giả đã có nhiều chuyển biến. Nhiều hộ đã ký cam kết không kinh doanh hàng giả, hàng hóa vi phạm”, ông Sơn khẳng định.
Tuy nhiên, ông Trần Sơn thẳng thắn cho rằng, do địa bàn quản lý rộng, trải dài cùng với những tác động tiêu cực của đại dịch đã gây không ít khó khăn cho công tác rà soát địa bàn, kiểm tra, xử lý.
Bên cạnh đó, vi phạm về hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền hiện nay rất đa dạng với những phương thức tinh vi, đặc biệt là việc các đối tượng chuyển từ phương thức mua bán truyền thống sang nền tảng số gây rất nhiều vướng mắc trong công tác kiểm tra, kiểm soát, quản lý địa bàn.
Đáng chú ý, theo chia sẻ của quyền Cục trưởng Nguyễn Đình Hưng, hàng hóa giả mạo, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ nếu có chủ thể quyền thì việc xử lý, giám định thực hiện thuận lợi, dễ dàng. Tuy nhiên, nhiều vụ việc hàng hóa vi phạm không có chủ thể quyền gây rất nhiều khó khăn cho lực lượng trong việc giám định, kiểm tra và xử lý.
Mặt khác, ông Hưng cho rằng, khung pháp lý điều chỉnh hoạt động trong một số lĩnh vực chưa hoàn thiện, gây khó khăn trong áp dụng pháp luật, nhất là đối với mặt hàng thuốc lá điện tử.
Ngoài ra, nội hàm của khái niệm hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ rất rộng, phức tạp, nhiều hộ kinh doanh không nhận thức được hết, do vậy, nhiều trường hợp vô ý mua phải hàng giả về bán dẫn đến vi phạm. Trong khi đó, chế tài xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực này là tương đối cao so với mặt bằng thu nhập của các hộ kinh doanh trên tuyến huyện, miền núi, do vậy, việc đôn đốc chấp hành quyết định xử phạt gặp nhiều khó khăn.
Do vậy, quyền Cục trưởng Nguyễn Đình Hưng kiến nghị, cần tăng cường tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ về công tác tuyên truyền, xử lý vi phạm về hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Chia sẻ thêm những khó khăn trong công tác triển khai Kế hoạch 888, Phó Cục trưởng Cục QLTT Quảng Ninh Nguyễn Văn Thoại nhận định, vi phạm trên thương mại điện tử ngày càng diễn biến phức tạp, các đối tượng lợi dụng thị trường thương mại điện tử để giao dịch, mua bán hàng giả. Song song đó, lợi dụng các phương tiện chuyển phát nhanh để vận chuyển hàng giả với nhiều đơn hàng nhỏ lẻ, gây khó khăn trong công tác kiểm soát, xử lý.
Phó Cục trưởng Nguyễn Văn Thoại đề xuất, Tổng cục QLTT cùng các cơ quan có thẩm quyền chia sẻ dữ liệu về thương mại điện tử phục vụ cho công tác kiểm tra, xử lý vi phạm. Cùng với đó, có sự chỉ đạo sâu sát, tăng cường hơn nữa công tác phối hợp giữa Cục QLTT các địa phương trong việc chia sẻ dữ liệu thông tin để nâng cao hiệu quả kiểm tra, kiểm soát.
Ghi nhận những vướng mắc của Cục QLTT Quảng Ninh trong quá trình triển khai Kế hoạch 888 của Tổng cục QLTT, Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ QLTT Nguyễn Đức Lê khẳng định, Cục Nghiệp vụ sẽ tổng hợp tất cả những vướng mắc để báo cáo lãnh đạo Tổng cục, từ đó sớm có giải pháp khắc phục, để công tác phòng, chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, hàng hóa vi phạm quyền sở hữu đạt nhiều hiệu quả hơn nữa.
Riêng kiến nghị về công tác phối hợp giữa các Cục QLTT địa phương, ông Nguyễn Đức Lê nhấn mạnh, Cục Nghiệp vụ QLTT sẽ đề xuất lãnh đạo Tổng cục xây dựng đường dây thông tin liên tỉnh, phối hợp trong việc theo dõi, kiểm tra, kiểm soát các vụ việc, từ đó ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm.
Tiếp tục Chương trình làm việc, ngày 19/11/2021, Cục Nghiệp vụ QLTT sẽ có buổi làm việc với Cục QLTT Hải Phòng. Phóng viên Tạp chí Quản lý thị trường sẽ tiếp tục thông tin.