Điều chỉnh cục bộ Phân khu 1
Quy hoạch chung Hạ Long 2019 đã được thay thế bằng Quy hoạch chung Hạ Long 2023, trong đó có một số định hướng tại một số khu vực đã có sự thay đổi, điều chỉnh so với Quy hoạch chung Hạ Long 2019 và Quy hoạch phân khu Phân khu 1 đã được phê duyệt trước đó.
Cụ thể, Phân khu 1 tại các phường: Hồng Gai, Trần Hưng Đạo, Bạch Đằng, Hồng Hải, Hồng Hà và một phần diện tích thuộc các phường: Hà Tu, Hà Trung, Cao Thắng, Hà Lầm và Yết Kiêu.
Để phù hợp với Quy hoạch chung Hạ Long 2023, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Quảng Ninh đã báo cáo các nội dung đề nghị điều chỉnh cục bộ tại các khu vực: khu vực Khu văn hóa núi Bài Thơ; khu vực 2 bên đường lên sân golf FLC; khu vực Chợ Hạ Long 3 và lô đất liền kề phía Đông Bắc, phường Hồng Hải; khu vực phía Tây Nam Bảo tàng-Thư viện tỉnh; khu vực Trường THPT nội trú tỉnh.
Các nội dung dự kiến điều chỉnh quy hoạch phân khu Phân khu 1 nêu trên không làm thay đổi tính chất, ranh giới, định hướng phát triển chung của đô thị; tính chất, chức năng, quy mô và các giải pháp quy hoạch chính của khu vực lập quy hoạch phân khu, không làm quá tải hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của khu vực dự kiến điều chỉnh quy hoạch; mục tiêu điều chỉnh để phục vụ lợi ích cộng đồng, phù hợp với tình hình phát triển đô thị, đảm bảo điều kiện điều chỉnh quy hoạch đô thị.
Việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân khu Phân khu 1 theo định hướng Quy hoạch chung Hạ Long 2023 là cần thiết, làm cơ sở quản lý, triển khai lập, phê duyệt các đồ án quy hoạch chi tiết, triển khai các dự án đầu tư; phù hợp với điều kiện điều chỉnh quy hoạch đô thị.
Việc điều chỉnh phải đảm bảo nguyên tắc tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về quy hoạch và thực hiện quy hoạch, xây dựng, đất đai.... phát huy cao nhất giá trị sử dụng nguồn lực từ đất đai, tuyệt đối không để lợi dụng việc lập quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch nhằm hợp thức hóa cho các sai phạm trong quá trình quản lý, sử dụng đất của các tổ chức, cá nhân và hình thành ý tưởng để phát sinh “lợi ích nhóm”, tham nhũng, tiêu cực, đầu cơ, trục lợi, sử dụng đất đai lãng phí, gây thất thoát ngân sách Nhà nước.
Đối với việc điều chỉnh cục bộ Quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 Phân khu 1 tại một số phường của TP Hạ Long, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã thống nhất về chủ trương đối với 4 khu vực: khu vực Khu văn hóa núi Bài Thơ; khu vực 2 bên đường lên sân golf FLC; khu vực Chợ Hạ Long 3 và lô đất liền kề phía Đông Bắc, phường Hồng Hải; khu vực Trường THPT nội trú tỉnh.
Điều chỉnh phù hợp định hướng phát triển chung
Ban Cán sự Đảng chỉ đạo UBND tỉnh cùng các sở, ngành liên quan và TP. Hạ Long rà soát lại toàn bộ các khu vực này liên quan đến quy hoạch, đất đai, dự án cũng như các chủ trương trước đây để đảm bảo việc điều chỉnh phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội, không gian đô thị của TP. Hạ Long; đảm bảo nguyên tắc bảo tồn hệ sinh thái, bảo vệ môi trường cảnh quan để phát triển bền vững về môi trường, đặc biệt là vịnh Hạ Long cũng như đảm bảo lợi ích cộng đồng.
Theo quy hoạch chung TP. Hạ Long đã được Chinh phủ phê duyệt và được công bố vào tháng 3/2023, TP. Hạ Long sẽ được xây dựng phát triển trở thành đô thị du lịch, dịch vụ, văn minh, thân thiện, trung tâm dịch vụ-du lịch quốc gia mang tầm quốc tế với hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội hiện đại và đồng bộ gắn kết giữa bảo tồn và phát triển bền vững di sản kỳ quan thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long và khu bảo tồn thiên nhiên Đồng Sơn-Kỳ Thượng.
Thành phố Hạ Long phát triển theo hướng bền vững phù hợp với yêu cầu tăng trưởng xanh và thích ứng với biến đổi khí hậu, lấy vịnh Cửa Lục làm trung tâm kết nối, theo hướng đa cực, hài hòa với di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long và các vùng núi phía Bắc thành phố.
Về phát triển đô thị, thành phố Hạ Long sẽ có quy mô dân số khoảng 620.000-650.000 người vào năm 2030 và có khoảng 800.000-830.000 người vào năm 2040.
Thành phố Hạ Long phát triển theo mô hình gồm 5 vùng. Cụ thể, vùng Hạ Long là vùng bảo tồn và phát huy các giá trị di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long.
Vùng phía Đông là vùng đô thị hiện hữu gắn với các chức năng trung tâm hành chính-chính trị, văn hóa cấp tỉnh, trung tâm tổng hợp.
Vùng phía Tây là vùng đô thị phát triển mở rộng gắn với chức năng dịch vụ, du lịch và vui chơi giải trí quốc tế, dịch vụ cảng và công nghiệp, công nghệ cao, trung tâm y tế, thể dục thể thao cấp vùng.
Ngoài ra, vùng vịnh Cửa Lục và khu vực phía Bắc vịnh Cửa Lục là vùng đô thị mới, phát triển dịch vụ du lịch sinh thái, văn hóa, vui chơi giải trí, công nghiệp công nghệ cao, dự trữ phát triển các trung tâm dịch vụ công cộng cấp tỉnh.
Vùng đồi núi phía Bắc là khu vực nông thôn, đồi núi gắn với các chức năng bảo tồn sinh thái, sản xuất nông, lâm nghiệp, du lịch sinh thái cộng đồng.
Trong mô hình tổ chức không gian phát triển của tỉnh “một tâm, hai tuyến đa chiều, hai mũi đột phá, ba vùng động lực”: Thành phố Hạ Long được xác định là tâm, là trung tâm chính trị-hành chính-kinh tế-văn hóa của tỉnh. Đồng thời, trong vùng động lực đại đô thị Hạ Long mở rộng gồm: Hạ Long, Cẩm Phả, Quảng Yên, Uông Bí, Đông Triều.
Đây là trung tâm động lực tổng hợp đa ngành của tỉnh, với ngành kinh tế trọng tâm là du lịch, dịch vụ, công nghiệp chế biến chế tạo, công nghệ cao, công nghiệp khai khoáng, cảng biển, các ngành năng lượng sạch,...