Làm gì để hiện thực hóa quy hoạch tỉnh Quảng Nam đến năm 2030?

Nhiều chuyên gia đã gợi mở, đề xuất các ý tưởng, giải pháp thực hiện quy hoạch một cách hiệu quả, bền vững để đưa Quảng Nam phát triển theo đúng kỳ vọng.

Cần định vị rõ lợi thế

Tại Hội thảo "Nhiệm vụ và giải pháp triển khai thực hiện hiệu quả quy hoạch tỉnh Quảng Nam đến năm 2030" vừa được tổ chức mới đây, PGS-TS.Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cho biết, chúng ta luôn tự hào Quảng Nam là mảnh đất giàu truyền thống và có tiềm năng lớn nhưng cũng cần “biết xấu hổ” vì một số mặt chưa phát triển tương xứng như kỳ vọng.

Theo PGS-TS.Trần Đình Thiên, cần phải có sự cam kết gắn với trách nhiệm trong các mục tiêu của quy hoạch tỉnh. Cam kết ở đây không chỉ của riêng Quảng Nam mà là cam kết với quốc gia, cam kết vùng với các chiến lược cụ thể, định tính, định lượng xác định đủ rõ ràng, phải đạt trong một thời hạn nhất định. “Hiện nay, chúng ta đang đứng trước bổi cảnh bùng nổ của sự phát triển và là thời cơ để tạo đột phá, do đó Quảng Nam không nên và không được phép bỏ qua cơ hội hiếm có này”, PGS-TS.Trần Đình Thiên nhấn mạnh.

PGS-TS.Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ
PGS-TS.Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ. Ảnh: Q.T

PGS-TS.Trần Đình Thiên cũng đưa ra những lựa chọn ưu tiên trong quá trình triển khai quy hoạch: Xem xét lại hệ mục tiêu quy hoạch đến năm 2030, trong đó, mấu chốt là các mục tiêu kinh tế. Cần định hướng tập trung ưu tiên rõ nét và quyết liệt cho các dự án công nghệ cao và thông minh sáng tạo.

Để làm được điều này, Quảng Nam cần định vị rõ lợi thế vượt trội về “đất đai – mặt bằng”, tạo thế mặc cả trong cạnh tranh thu hút đầu tư cho cả hai tuyến: khu – cụm công nghiệp và đô thị. Đây là lợi thế đi sau – vượt trước.

Đồng thời, chú ý các động thái, xu thế kinh tế - chính trị diễn ra trên thế giới và khu vực để có những quyết sách mạnh về đầu tư phát triển sân bay Chu Lai và cho Khu Kinh tế gắn với sân bay, nhanh chóng nâng hạng sân bay vượt cấp, biến nó thành động lực phát triển mạnh tầm cỡ Vùng – Quốc gia, giúp xoay chuyển cục diện phát triển của Quảng Nam. Tạo động lực phát triển mạnh du lịch, lấy Hội An làm tọa độ hạt nhân, tạo không gian liên kết hiệu quả với các tọa độ khác để phát huy đầy đủ tiềm năng lợi thế.

Song song đó, tiếp tục ưu tiên thúc đẩy phát triển xanh bằng việc xây dựng Quảng Nam thành thí điểm phát triển xanh của quốc gia, phát triển thị trường tín chỉ carbon, xác lập và thực thi các tiêu chuẩn xanh trong việc thu hút đầu tư phát triển và quản lý vận hành công nghiệp – đô thị…

Các nguyên lãnh đạo tỉnh Quảng Nam qua các thời kỳ cũng đã đưa ra nhiều ý kiến quý báu trong giải pháp thực hiện quy hoạch tỉnh.

Trong đó, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Đinh Văn Thu đề xuất cần lựa chọn thứ tự ưu tiên trong hơn 100 danh mục đầu tư được tỉnh đưa ra tại Quy hoạch tỉnh; cải thiện môi trường đầu tư; cần có sự tháo gỡ trong vướng mắc về hạ tầng, đặc biệt có cơ chế, chính sách kịp thời trong công tác giải phóng mặt bằng; cải thiện toàn diện các thủ tục hành chính liên quan về đất đai…

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lê Trí Thanh cũng chỉ ra những yếu tố quan trọng góp phần thực hiện hiệu quả Quy hoạch tỉnh: Cải thiện môi trường đầu tư cũng như năng lực làm việc của đội ngũ cán bộ; đào tạo nguồn lao động chất lượng cao; đẩy mạnh chuyển đổi số; bố trí đầu tư công hợp lý giữa đáp ứng nhu cầu hiện tại với những công trình trọng điểm, mang tính dẫn dắt, thu hút đầu tư; thu hút đầu tư phải thận trọng, không nóng vội, đặc biệt các dự án thu hút đầu tư không làm ảnh hưởng môi trường…

Khu công nghiệp Thaco
Quảng Nam phấn đấu đưa Khu kinh tế mở Chu Lai trở thành khu kinh tế động lực của vùng và quốc gia.

Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp

Chủ tịch tỉnh Quảng Nam, ông Lê Văn Dũng cho biết, quá trình lập quy hoạch tỉnh Quảng Nam được triển khai một cách công phu, bài bản, kỹ lưỡng, xác định rõ điểm mạnh, điểm yếu, thách thức đặt ra, cơ hội phát triển để xác định các chính sách, giải pháp, nguồn lực thực hiện quy hoạch.

Tuy nhiên, việc xây dựng, lập quy hoạch đã khó, việc triển khai, cụ thể hóa quy hoạch còn khó hơn, đòi hỏi phải rất nỗ lực, đoàn kết, khẩn trương của cả hệ thống chính trị và nhân dân tỉnh Quảng Nam thì mới thực hiện được.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - Lê Văn Dũng phát biểu tại hội thảo
Ông Lê Văn Dũng - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam. Ảnh: Q.T

Để hiện thực hoá các quan điểm, mục tiêu phát triển trong Quy hoạch tỉnh Quảng Nam cần phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.

Trong đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Quảng Nam dựa trên 4 trụ cột chính, gồm phát triển du lịch; công nghiệp chế biến, chế tạo và công nghiệp năng lượng; thương mại, dịch vụ logistics và nông, lâm nghiệp và thủy sản ứng dụng công nghệ cao. Hoàn thiện bộ máy nhà nước tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; ứng dụng công nghệ số, xây dựng chính quyền số.

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả điều hành thu, chi ngân sách và đầu tư công; thu hút các nhà đầu tư chiến lược có khả năng dẫn dắt, hình thành hệ sinh thái các ngành kinh tế trọng điểm.

Đồng thời xây dựng cơ chế chính sách đột phá để thu hút nguồn nhân lực; nâng cao chất lượng và hiệu quả sử dụng nguồn nhân lực. Đẩy mạnh hợp tác liên tỉnh, thúc đẩy mối liên kết với thành phố Đà Nẵng; liên kết giữa Khu kinh tế mở Chu Lai với Khu kinh tế Dung Quất để hình thành Trung tâm công nghiệp ven biển trọng điểm…

Quy hoạch tỉnh Quảng Nam được triển khai với quan điểm: Chủ động kiến tạo, đổi mới mạnh mẽ tư duy, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của tỉnh; không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế; phát triển kinh tế với tư duy kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, carbon thấp. Kết hợp giữa nội lực với ngoại lực, phấn đấu một số ngành, lĩnh vực thuộc nhóm dẫn đầu cả nước như: công nghiệp ô tô và công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí; công nghiệp chế biến sản phẩm nông nghiệp, dược liệu; công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản, vật liệu xây dựng; dịch vụ du lịch. Phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ gắn với dịch vụ hậu cần, logistic cảng biển, sân bay, đường sắt.

Mục tiêu phấn đấu đưa Quảng Nam trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước; là cực tăng trưởng quan trọng của khu vực miền Trung - Tây Nguyên vào năm 2030; đến năm 2050, Quảng Nam phát triển toàn diện, hiện đại và bền vững; phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc trung ương; là trung tâm du lịch quốc tế quan trọng.

Hạ Vĩ