Quốc hội Indonesia ủng hộ lệnh cấm xuất khẩu các loại quặng thô từ năm 2014

Hãng tin Bloomberg dẫn lời bộ trưởng Bộ Khoáng sản và năng lượng Indonesia Jero Wacik cho biết, Chính phủ Indonesia sẽ thực thi kế hoạch cấm xuất khẩu toàn bộ các loại quặng khoáng sản vào năm 2014 sa

Ông Jero Wacik đã cho biết, Bộ Khoáng sản và năng lượng Indonesia và Ủy ban luật pháp thuộc Quốc hội Indonesia đã đạt được sự nhất trí trong việc thực thi Luật Khoáng sản năm 2004 của nước này. Theo đó, các loại quặng được khai thác tại Indonesia cần phải được xử lý trong nội địa trước khi được xuất khẩu.

Indonesia, quốc gia khai thác niken lớn nhất thế giới, hiện đang tìm cách kiểm soát nguồn cung niken và gia tăng giá trị xuất khẩu của kim loại này. Lượng quặng niken của Indonesia chủ yếu được xuất sang Trung Quốc để sản xuất gang niken, nguyên liệu dùng để sản xuất thép không gỉ. Indonesia cũng xuất khẩu quặng bauxite cho ngành công nghiệp nhôm trên toàn cầu. Trong tháng 11/2013, tập đoàn tài chính Mỹ Citigroup Inc. đã nâng dự báo giá niken trong năm 2014 lên mức 17.000 USD/tấn, tăng 3,8% so với dự báo trước đó do Citigroup Inc. cho rằng thị trường đang đánh giá sai tác động của động thái cắt giảm nguồn cung quặng từ Indonesia.

Giá niken giao sau 3 tháng (giá chào bán) trên sàn LME (1/11 - 5/12)

Trong ngày 6/12, giá niken trên Sàn giao dịch kim loại London (LME) đã tăng 2% lên mức 13.918 USD/tấn – đạt mức cao nhất trong vòng hơn 3 tuần qua. Tính từ đầu năm đến nay, giá niken đã sụt giảm 19% và trở thành kim loại có mức giảm giá mạnh nhất trong số 6 kim loại cơ bản được giao dịch trên sàn LME. Giá niken giảm xuống do nguồn cung niken ra thị trường hiện ở mức cao, lượng dự trữ niken trong các nhà kho được theo dõi bởi sàn LME trong năm nay đã tăng lên mức cao kỷ lục.

Trong một bản báo cáo được đưa ra vào ngày 6/12, ông Leon Westgate, chuyên gia phân tích của tập đoàn tài chính Standard Bank Plc (Anh) nhận định, việc Indonesia tuyên bố thực hiện lệnh cấm đã đẩy giá niken tăng mạnh. Ông Leon Westgate cho biết: “Có vẻ quyết tâm thực hiện lệnh cấm của Chính phủ Indonesia cao hơn các dự đoán”.

Trước đó, nhiều chuyên gia phân tích đã nhận định rằng Chính phủ Indonesia không có đủ khả năng để xử lý hết lượng quặng thô mà nước này khai thác. Do đó, một lệnh cấm sẽ gây thiệt hại đến hoạt động xuất khẩu quặng của nước này.

“Bước ngoặt lớn”

Trong ngày 2/12, ông Luciano Siani, giám đốc tài chính của hãng khai khoáng Vale SA nhận định, lệnh cấm của Indonesia có thể là một “bước ngoặt lớn” cho ngành công nghiệp niken. Dự kiến từ ngày 12/1/2014 trở đi, Indonesia sẽ cấm xuất khẩu quặng niken thô

Ông Jero Wacik cho biết, các công ty khai khoáng sẽ chỉ được phép xuất khẩu quặng cho đến ngày 12/1/2014. Trong ngày 6/12, ông Sutan Bathoegana, chủ tịch Ủy ban luật pháp đã cho biết, Ủy ban này yêu cầu lệnh cấm xuất khẩu các loại quặng phải được thực hiện đầy đủ và nhất quán và không đồng tình với việc miễn trừ cấm xuất khẩu đối với một số công ty.

Trước đó, Chính phủ Indonesia đã đưa ra kế hoạch miễn việc cấm xuất khẩu đối với các công ty khai khoáng đang hoặc có kế hoạch xây dựng các lò luyện kim nhằm xử lý quặng thô trước khi xuất khẩu. Cùng ngày 6/12, thứ trưởng Bộ Khoáng sản và năng lượng Indonesia Susilo Siswoutomo đã nói rằng Chính phủ Indonesia đã nhận được 125 đề xuất xây dựng các lò luyện kim, trong đó có 28 lò đang được tiến hành xây dựng.

“Động thái chiến lược”

Tuy nhiên, theo nhận định của ông Xavier Jean – giám đốc xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp của Standard & Poor’s tại Singapore, bản tuyên bố của Ủy ban luật pháp Indonesia có thể chỉ là một “động thái chiến lược” của Chính phủ Indonesia nhằm tạo ra sức nặng trong các cuộc đàm phán giữa Chính phủ Indonesia với các công ty khai thác quặng.

Theo ông Harya Adityawarman, thư ký Tổng cục than và khoáng sản thuộc Bộ Khoáng sản và năng lượng Indonesia, trong 10 tháng đầu năm 2013, Indonesia đã xuất khẩu được 46,5 triệu tấn quặng niken, cao hơn mức 41,1 triệu tấn được xuất khẩu trong cả năm 2012.

Indonesia cũng là nước xuất khẩu thiếc lớn nhất thế giới, nhưng kể từ ngày 30/8/2013, Chính phủ Indonesia đã buộc các công ty khai khoáng phải giao dịch thiếc trong nội địa trước khi xuất khẩu; điều này đã đẩy giá thiếc trên thị trường quốc tế tăng cao.