Quyết định đã được thông qua với 97 phiếu thuận và 9 phiếu trắng. Các văn kiện được thông qua còn bao gồm các thư song phương với Australia, Canada, và Malaysia nhằm xác nhận một loạt các thỏa thuận liên quan đến sản phẩm, công nghiệp văn hóa và giải quyết tranh chấp.
Chủ tịch Ủy ban Ngoại giao Quốc hội Peru, ông Gilmer Trujillo đã chỉ ra rằng việc thông qua Hiệp định là "chiến lược phù hợp" của Peru. Nó sẽ cho phép Peru tiếp cận thị trường 11 nước thành viên với tổng dân số 502 triệu dân, chiếm 13,5% GDP toàn cầu và 14,5% thương mại toàn cầu. CPTPP đặc biệt quan trọng trong bối cảnh hiện tại, khi mà các công ty đa quốc gia đang tìm cách đa dạng hóa các nhà cung cấp và dịch chuyển chuổi cung ứng do COVID-19.
Bộ trưởng Ngoại thương và Du lịch, Claudia Cornejo cũng hoan nghênh việc phê chuẩn Hiệp định CPTPP và nhấn mạnh rằng Peru đã thực hiện "một bước đi quan trọng" khi thực thi Hiệp định gồm 11 nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương.
Việc phê chuẩn Hiệp định CPTPP góp phần đưa Peru vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu, đồng thời tạo cơ hội cho Peru tiếp tục khẳng định vị thế xuất khẩu ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Bà Cornejo cũng chỉ ra rằng "các doanh nghiệp xuất khẩu Peru giờ đây sẽ có thêm nhiều cơ hội tiếp cận và có khả năng cạnh tranh hơn tại các thị trường quốc tế".
Với việc thực thi Hiệp định CPTPP, hàng hóa xuất khẩu của Peru có thể tiếp cận và được hưởng ưu đãi thuế quan từ các nước thành viên trong khối, đặc biệt là New Zealand, Việt Nam, Brunei và Malaysia - những nước mà Peru chưa có Hiệp định thương mại song phương
CPTPP sẽ có hiệu lực đối với Peru sau 60 ngày kể từ khi nước này hoàn tất thông báo việc thông qua Hiệp định với Nước lưu chiểu (New Zealand).
Ước tính rằng những sản phẩm được hưởng lợi nhiều nhất của Peru là áo thun bông và áo polo, bơ, nho, nam việt quất, chế phẩm thức ăn chăn nuôi, đồng, các sản phẩm gỗ, ván ép, các sản phẩm từ sữa, sản phẩm sắt và thép, đầu vào hóa học, ethanol và bánh kẹo.
Peru đã ký hiệp định CPTPP vào ngày 8/3/2018 tại Santiago, Chile. CPTPP đã có hiệu lực với Australia, Canada, Nhật Bản, Mexico, New Zealand, Singapore vào ngày 30/12/2018 và có hiệu lực với Việt Nam vào ngày 14/1/2019.