Bà Kamala Harris tập trung đến người da màu
Ứng cử viên đảng Dân chủ và là đương kim Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris vừa xuất hiện trên cuộc đua vận động tranh cử cùng cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama ở vùng ngoại ô phía đông Atlanta, một khu vực sôi động và mang tính biểu tượng của bang Georgia. Bà Kamala Harris đã tuyên bố "cuộc chiến của chúng ta là vì tương lai". Bà Kamala Harris nói rằng ông Donald Trump sẽ cắt giảm Đạo luật Chăm sóc giá cả phải chăng và bãi bỏ mức giới hạn 35 USD cho insulin. Ngoài ra, bà Kamala Harris cũng tái khẳng định sự ủng hộ của mình đối với quyền phá thai. Chiến dịch của bà Kamala Harris đang tập trung hơn vào thông điệp của mình tới cử tri da màu trong giai đoạn đua nước rút.
Indonesia sẽ kết bạn với tất cả các quốc gia
Tân Ngoại trưởng Indonesia Sugiono vừa lên tiếng khẳng định, việc Indonesia gia nhập tổ chức BRICS thể hiện chính sách đối ngoại độc lập của nước này. Hiện, Indonesia là quốc gia theo đuổi chính sách đối ngoại không liên kết. Trước đó, tân Tổng thống Prabowo Subianto, người vừa nhậm chức ngày 20/10, nhiều lần nhấn mạnh rằng, Indonesia sẽ kết bạn với tất cả các quốc gia, dù là Trung Quốc hay Mỹ. Đặc biệt, Jakarta sẽ không tham gia bất kỳ khối quân sự nào.
Mỹ tăng cường sử dụng AI
Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan vừa lên tiếng khẳng định rằng Mỹ phải vượt qua các đối thủ, bao gồm cả Trung Quốc, trong việc khai thác công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI). Theo một bản ghi nhớ của Nhà Trắng mới ban hành, các cơ quan liên bang được yêu cầu "cải thiện an ninh và sự đa dạng của chuỗi cung ứng chip... với sự cân nhắc về AI". Bản ghi nhớ này cũng yêu cầu các cơ quan an ninh Mỹ "theo dõi, đánh giá và giảm thiểu các rủi ro liên quan đến AI như xâm phạm quyền riêng tư, thiên vị và phân biệt đối xử, an toàn của cá nhân và nhóm, cũng như các vi phạm nhân quyền khác". Ngoài ra, văn bản cũng khuyến khích Washington hợp tác với các đồng minh để đảm bảo rằng AI "được phát triển và sử dụng theo đúng luật pháp quốc tế trong khi bảo vệ nhân quyền và các quyền tự do cơ bản".
Quan hệ Nga – Mỹ sẽ phụ thuộc vào ai?
Bên lề Hội nghị cấp cao BRICS tại Kazan, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã lên tiếng khẳng định rằng mối quan hệ với Mỹ sau cuộc bầu cử tổng thống vào đầu tháng 11 sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào thiện chí của Mỹ. Ngoài ra, ông Vladimir Putin cũng cho biết Moscow sẵn sàng cân nhắc mọi kế hoạch chấm dứt xung đột tại Ukraine, song sẽ phải căn cứ vào tình hình thực tế.
Tỷ phú Elon Musk tiếp tục chi tiền khủng ủng hộ ông Donald Trump
Tỷ phú Elon Musk vừa chi thêm khoảng 44 triệu USD cho nhóm hành động chính trị ủng hộ ông Donald Trump trong nửa đầu tháng 10 này. Khoản tiền trên được nêu trong báo cáo của America PAC (một ủy ban hành động chính trị được CEO Tesla thành lập nhằm tài trợ cho ông Donald Trump) gửi lên Ủy ban Bầu cử liên bang. Báo cáo trước đó cho thấy tỷ phú Elon Musk chuyển cho nhóm này khoảng 75 triệu USD trong thời gian từ tháng 7- 9 vừa qua.
Hiện tại Đức không muốn Ukraine gia nhập NATO
Thủ tướng Đức Olaf Scholz vừa lên tiếng cho biết những quốc gia đang có xung đột không thể trở thành thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Câu nói trên của Thủ tướng Đức Olaf Scholz nhằm ám chỉ bác bỏ yêu cầu mà Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đưa ra trong kế hoạch chấm dứt xung đột. Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết các lãnh đạo NATO từng đề cập tư cách thành viên của Ukraine trong tương lai xa tại các hội nghị thượng đỉnh năm 2023-2024. Tuy nhiên, ông Olaf Scholz cho rằng hiện tại không cần đưa ra bất kỳ quyết định mới nào.
Cảnh báo về sức khỏe của ông Donald Trump
Nhóm hành động chính trị Anti-Psychopath Pac vừa tập hợp hơn 200 chữ của chuyên gia sức khỏe tâm thần cảnh báo ông Donald Trump có những triệu chứng đáng lo ngại khó có thể chữa khỏi như "rối loạn nhân cách và tự luyến ác tính". Các chuyên gia y tế nhiều lần đưa ra cảnh báo những triệu chứng sức khỏe tâm thần khiến ông Donald Trump "hoàn toàn không đủ năng lực" để trở lại lãnh đạo nước Mỹ. Trong khi đó, ông Donald Trump từng nhiều lần chỉ trích vấn đề tuổi tác và sức khỏe trí lực của Tổng thống Joe Biden.