Quốc tế nổi bật: Mỹ chấp thuận thương vụ tên lửa khổng lồ cho Nhật Bản

Bộ Ngoại giao Mỹ đã chấp thuận khả năng bán các tên lửa không đối không tiên tiến AIM-120D-3 và AIM-120C-8 cùng các thiết bị liên quan cho Nhật Bản với tổng giá trị 3,64 tỷ USD.

Mỹ chấp thuận thương vụ tên lửa khổng lồ cho Nhật Bản

Các tên lửa không đối không tiên tiến AIM-120 và AIM-9 của Mỹ 
Các tên lửa không đối không tiên tiến AIM-120 và AIM-9 của Mỹ 

Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh Tokyo đang đẩy mạnh hiện đại hóa quân đội nhằm tăng cường khả năng phòng thủ trước những thách thức an ninh khu vực ngày càng gia tăng.

Theo thông báo từ Cơ quan Hợp tác An ninh Quốc phòng Mỹ (DSCA), chính phủ Nhật Bản đã đề nghị mua 1.200 tên lửa AIM-120 thuộc dòng không đối không tầm trung tiên tiến (AMRAAM). Loại vũ khí này được thiết kế để tiêu diệt mục tiêu trên không với độ chính xác cao, là trang bị chủ lực trong các hệ thống phòng không của nhiều quốc gia. 

Thành viên EU, NATO không được Ba Lan mời dự lễ nhậm chức Chủ tịch EU

Thủ tướng Hungary Viktor Orban
Thủ tướng Hungary Viktor Orban

Ba Lan đã quyết định không mời đại sứ Hungary tham dự sự kiện bắt đầu nhiệm kỳ Chủ tịch Liên minh châu Âu (EU) của Vacsava (Warsaw) diễn ra cùng ngày, sau khi Budapest cấp quyền tị nạn cho một cựu Thứ trưởng Ba Lan đang bị điều tra vì cáo buộc lạm dụng công quỹ.

Ngoài ra, theo Thứ trưởng Ngoại giao Ba Lan phụ trách các vấn đề châu Âu, bà Magdalena Sobkowiak-Czarnecka, Thủ tướng Hungary Viktor Orban cũng không được mời tham dự buổi lễ tại Nhà hát Lớn Vacsava.

Syria siết chặt nhập cảnh với Liban

Quang cảnh khu vực biên giới Syria-Liban
Quang cảnh khu vực biên giới Syria-Liban

Syria vừa áp đặt các biện pháp hạn chế mới đối với việc nhập cảnh của công dân Liban.  Động thái này diễn ra sau một cuộc đụng độ biên giới giữa quân đội Liban và các tay súng Syria.

Những diễn biến này dường như là trường hợp đầu tiên xảy ra bất đồng ngoại giao giữa hai nước láng giềng kể từ khi các lực lượng đối lập do nhóm HTS lãnh đạo lật đổ nhà lãnh đạo Syria Bashar al-Assad vào tháng trước.

Trước đây, công dân Liban được phép nhập cảnh vào Syria mà không cần thị thực, chỉ cần sử dụng hộ chiếu hoặc căn cước.

Thủ tướng Ukraine công bố kế hoạch sản xuất tên lửa

 Tên lửa Trembita
 Tên lửa Trembita

Ngày 3/1, Thủ tướng Ukraine Denis Shmyhal tuyên bố nước này có kế hoạch sản xuất khoảng 3.000 tên lửa hành trình và "missile-drone" (mẫu vũ khí kết hợp giữa tên lửa và thiết bị bay không người lái) trong năm 2025.

Tại cuộc họp chính phủ, ông nhấn mạnh chi tiêu cho vũ khí và trang thiết bị quân sự sẽ lên tới ít nhất 739 tỷ UAH (khoảng 17,5 tỷ USD) trong tổng số 2.230 tỷ UAH chi cho quốc phòng và an ninh. Ông cho biết Ukraine sẽ đặc biệt chú ý đến chương trình tên lửa và thiết bị tầm xa.

CH Séc mở lại đại sứ quán tại Syria

Ngoại trưởng CH Séc Jan Lipavsky.
Ngoại trưởng CH Séc Jan Lipavsky.

CH Séc đã khôi phục hoạt động của phái bộ ngoại giao của nước này tại Syria sau khi tạm ngừng hoạt động vào tháng 12/2024 sau diễn biến đáng kể tại quốc gia Trung Đông này dẫn đến sự sụp đổ của chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad.

Trong thông báo đưa ra cuối ngày 2/1 theo giờ địa phương, Ngoại trưởng CH Séc Jan Lipavsky nêu rõ nước này đã khôi phục hoạt động của đại sứ quán tại Syria vào dịp Giáng sinh vừa qua và người đứng đầu bộ phận phụ trách các vấn đề liên quan đến quan hệ giữa Mỹ và Syria đã quay trở lại làm việc.

Bờ Biển Ngà gia nhập làn sóng chấm dứt hợp tác quân sự Pháp

Binh lính Pháp tại Đông Bắc Mali. 
Binh lính Pháp tại Đông Bắc Mali. 

 Bờ Biển Ngà đã trở thành quốc gia thứ sáu trong danh sách ngày càng dài các nước châu Phi cắt đứt quan hệ quân sự với Pháp.

Các quan chức Bờ Biển Ngà cho biết, quân đội Pháp đóng quân tại nước này trong nhiều thập kỷ sẽ sớm rời đi trong bối cảnh sự bất bình của người dân địa phương ngày càng gia tăng, khiến các đồng minh một thời ở Tây và Trung Phi cắt đứt quan hệ quân sự với Paris.

Mỹ chủ trì họp với hơn 50 quốc gia thảo luận viện trợ quân sự cho Ukraine

 Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin.
 Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin dự kiến sẽ triệu tập một cuộc họp Nhóm liên lạc quốc phòng Ukraine với các đồng minh của Ukraine tại căn cứ không quân Ramstein ở Đức vào ngày 9/1 sắp tới để thảo luận về viện trợ quân sự - chỉ vài ngày trước khi Tổng thống đắc cử Donald Trump trở lại Nhà Trắng.

Tại cuộc họp dự kiến vào tuần sau, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Austin sẽ chủ trì cuộc thảo luận giữa các bộ trưởng quốc phòng từ hơn 50 quốc gia lần thứ 25. Trước đó, cuộc họp đầy đủ thành phần được diễn ra lần gần đây nhất vào tháng 9.

Xuân An (t/h)