Nga rút khỏi thỏa thuận hợp tác hạt nhân với châu Âu
Thỏa thuận MNEPR được ký kết tại Stockholm vào ngày 21/5/2003 và có hiệu lực từ ngày 14/4/2004. Mặc dù thỏa thuận này đã góp phần quan trọng trong việc giảm thiểu ô nhiễm phóng xạ ở khu vực Tây Bắc nước Nga, nhưng theo Bộ Ngoại giao Nga, hoạt động hợp tác trong khuôn khổ thỏa thuận này thực tế đã bị đình chỉ từ giai đoạn 2015-2017.
Các dự án thuộc MNEPR được quỹ Northern Dimension tài trợ và do EBRD quản lý. Theo điều khoản của thỏa thuận, bất kỳ bên tham gia nào đều có thể rút khỏi thỏa thuận bằng cách gửi thông báo bằng văn bản về việc chấm dứt tới ít nhất một trong các bên lưu chiểu, là Ngoại trưởng Nga hoặc Tổng thư ký Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).
Mỹ tăng tốc viện trợ cho Ukraine
Mỹ chuẩn bị công bố gói viện trợ quân sự mới trị giá 1,25 tỷ USD cho Ukraine. Động thái diễn ra trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Joe Biden đang thúc đẩy việc cung cấp càng nhiều viện trợ cho quốc gia Trung Đông càng tốt trước khi kết thúc nhiệm kỳ vào ngày 20/1 tới.
Theo các quan chức Mỹ, có khả năng Chính quyền Tổng thống Joe Biden sẽ chính thức công bố chi tiết gói viện trợ quân sự cho Ukraine trong ngày 30/12. Gói viện trợ này bao gồm một lượng lớn đạn dược, hệ thống tên lửa đất đối không tiên tiến quốc gia (NASAMS) và hệ thống phòng không HAWK. Nguồn tin cho biết thêm, tên lửa Stinger và đạn pháo 155 mm và 105 mm cũng sẽ nằm trong gói viện trợ quân sự lần này.
Slovakia ra tối hậu thư cho Ukraine
Hợp đồng vận chuyển khí đốt 5 năm từ Nga sang châu Âu qua Ukraine sắp hết hạn. Nga tuyên bố không có thời gian đàm phán hợp đồng mới nhưng sẵn sàng tiếp tục cung cấp khí đốt. Ukraine muốn “ngã giá” với châu Âu, nhưng Slovakia cảnh báo sẽ phản ứng ngay nếu Ukraine không gia hạn.
Thủ tướng Slovakia Robert Fico ngày 27/12 tuyên bố, nước này sẽ xem xét các biện pháp đáp trả Ukraine, như ngừng cung cấp điện dự phòng cho nước này sau ngày 1/1 tới, nếu Ukraine dừng vận chuyển khí đốt của Nga sang Slovakia như tuyên bố trước đó.
Nga mở rộng danh sách cấm thị thực đối với EU
Ngày 28/12, Bộ Ngoại giao Nga thông báo nước này đã đáp trả gói trừng phạt mới của Liên minh châu Âu (EU) bằng cách mở rộng đáng kể danh sách các quan chức của EU và các nước thành viên EU bị cấm nhập cảnh vào Nga.
Trước đó, hôm 23/12, EU đã áp đặt gói trừng phạt thứ 15 đối với Nga, tập trung vào các nỗ lực làm suy yếu năng lực quân sự, công nghiệp của Nga và nhắm vào doanh thu xuất khẩu của nước này.
Tia hy vọng cho TikTok
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã đệ đơn lên Tòa án Tối cao yêu cầu tạm hoãn lệnh cấm nền tảng chia sẻ video ngắn TikTok cho đến khi chính phủ mới của Mỹ có thể theo đuổi một "giải pháp chính trị" cho vấn đề này.
Động thái trên diễn ra giữa lúc TikTok và chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đệ trình những bản tường trình đối lập lên tòa. Trong đó, TikTok cho rằng tòa nên bác bỏ đạo luật có thể cấm nền tảng này vào ngày 19/1/2025, trong khi Chính phủ Mỹ nhấn mạnh quan điểm rằng đạo luật này là cần thiết để loại bỏ nguy cơ an ninh quốc gia.
Giao tranh tại biên giới Pakistan - Afghanistan
Giao tranh đã nổ ra giữa lực lượng biên phòng Pakistan với các tay súng Afghanistan được lực lượng Taliban hậu thuẫn tại biên giới hai nước đêm 27/12, rạng sáng ngày 28/12. Pakistan cho biết, lực lượng biên phòng nước này đã đáp trả và khiến hơn 15 tay súng, bao gồm cả các thành viên Taliban thiệt mạng và nhiều người khác bị thương. Chiến dịch này đã buộc Taliban phải bỏ lại 6 đồn dọc biên giới. Biên phòng Pakistan tuyên bố họ không có trường hợp tử vong nào và chỉ có 3 người bị thương.
Trong khi đó, lực lượng Taliban đang nắm quyền tại Afghanistan tuyên bố đã phát động cuộc đột kích gây thiệt hại về người cho ít nhất 19 binh sĩ Pakistan, 3 thường dân Afghanistan đã thiệt mạng .
Nhật Bản có thể sắp tổ chức 'siêu bầu cử'
Ngày 28/12, Thủ tướng Nhật Bản Ishiba Shigeru đã không loại trừ khả năng sẽ kêu gọi tổ chức bầu cử Hạ viện cùng thời điểm với cuộc bầu cử Thượng viện đã được lên kế hoạch vào mùa Hè năm tới.
ông Ishiba cho biết, việc giải tán Hạ viện có thể xảy ra nếu chính phủ không thể thông qua các dự luật quan trọng hoặc đối mặt với một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm.
Ông Ishiba nhấn mạnh: "Nếu chính phủ giải thích về ngân sách và các dự luật mà họ cho là đúng đắn nhưng Quốc hội từ chối thông qua, người dân sẽ là người quyết định... Không có quy định nào cấm việc tổ chức bầu cử đồng thời".