Ông Donald Trump sẽ tiếp tục hầu tòa vào 14/8
Thẩm phán liên bang Aileen Cannon vừa đưa ra quyết định ngày 14/8 tới sẽ bắt đầu phiên tòa xét xử cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump do liên quan cáo buộc cố ý cất giữ tài liệu mật của chính phủ và cản trở công lý. Thẩm phán cũng ra điều kiện nghiêm ngặt liên quan việc tiếp cận của cựu Tổng thống Donald Trump này với các tài liệu đó. Bản cáo trạng gồm 37 tội danh buộc tội ông Donald Trump. Ông Donald Trump đã bị buộc tội tại tòa án liên bang ở Miami vào thứ Ba tuần trước. Tại phiên tòa, ông Donald Trump đã không nhận tội đối với các cáo buộc lưu giữ bất hợp pháp các tài liệu an ninh quốc gia sau khi rời nhiệm sở và nói dối các quan chức đang tìm cách thu hồi chúng. Bất kể đang bị truy tố hình sự trong hai vụ việc khác nhau, các cuộc thăm dò dư luận cho thấy ông Donald Trump vẫn duy trì vị trí dẫn đầu trong cuộc đua trở thành đại diện của đảng Cộng hòa tranh cử tổng thống năm 2024.
Ý nghĩa của “Air Defender 2023”
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg vừa lên tiếng cho biết, cuộc tập trận mang tên “Air Defender 2023”, nhằm ngăn chặn xung đột hơn là kích động xung đột. Trước đó, Tham mưu trưởng lực lượng không quân Đức Ingo Gerhartz khẳng định, cuộc tập trận phòng không Air Defender của NATO là nhằm phô trương khả năng phòng thủ của tổ chức này, chứ không nhằm vào bất kỳ quốc gia cụ thể nào. Cuộc tập trận có sự tham gia của khoảng 10.000 quân nhân, trong đó có 6.000 người từ Đức. Khoảng 250 máy bay sẽ được huy động tham gia tập trận.
Pháp chi tiền mua tên lửa phòng không
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron vừa lên tiếng thông báo nước này cùng Bỉ, Cyprus, Estonia và Hungary đã cùng thống nhất thực hiện thương vụ mua 1.000 tên lửa phòng không Mistral trị giá khoảng 500 triệu euro. Các hệ thống phòng không Mistral do MBDA Missile Systems, một trong những tập đoàn phát triển và chế tạo tên lửa lớn nhất châu Âu, chế tạo.
Anh hỗ trợ Ukraine 3 tỷ USD
Ngày 21/6, Thủ tướng Anh Rishi Sunak vừa đưa ra công bố gói hỗ trợ lớn cho Ukraine, bao gồm các khoản bảo lãnh bổ sung trị giá 3 tỷ USD nhằm giải ngân khoản vay của Ngân hàng Thế giới (WB) cho Ukraine. Theo kế hoạch, Anh sẽ cung cấp bảo lãnh tín dụng trị giá 3 tỷ USD cho Ukraine trong vòng 3 năm tới. Kể từ khi xung đột bùng phát tại Ukraine vào năm ngoái, Anh là một trong những bên viện trợ chính cho Ukraine.
Mỹ tiếp tục trừng phạt Triều Tiên
Tổng thống Mỹ Joe Biden vừa công bố gia hạn một loạt các biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm vào Triều Tiên, cũng như tuyên bố về tình trạng khẩn cấp quốc gia liên quan tới mối đe dọa hạt nhân mà nước này cáo buộc do Bình Nhưỡng gây ra. Các biện pháp trừng phạt đối với Triều Tiên và tình trạng khẩn cấp quốc gia lần đầu tiên được đưa ra khi cựu Tổng thống George W. Bush ký một sắc lệnh hành pháp vào năm 2008. Sắc lệnh hành pháp bao gồm một loạt các hạn chế đối với Triều Tiên, trong đó có việc đóng băng tài sản, cấm vận thương mại, cấm đi lại và cấm các công ty Mỹ tìm cách kinh doanh tại Triều Tiên. Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nhiều lần kêu gọi Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân. Kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2021.
Châu Âu có kế hoạch cho ngân sách chung
Chủ tịch Uỷ ban châu Âu bà Usurla Von der Leyen vừa lên tiếng kêu gọi các nước thành viên đóng góp thêm 66 tỷ euro cho ngân sách tài khoá chung trong vòng 4 năm tới để giải quyết những khó khăn về kinh tế và chính trị hiện nay, nhất là tỷ lệ lạm phát phi mã, lãi suất tăng cao cũng như các gói tài trợ ồ ạt dành cho Ukraine. Bà Usurla Von der Leyen cho biết sẽ dành phần lớn ngân sách bổ sung dự kiến để lập một quỹ dự phòng tài chính trị giá 50 tỷ euro phục vụ các chương trình cho vay cũng như viện trợ cho Ukraina trong việc tái thiết đất nước và phục hồi nền kinh tế. Ưu tiên thứ hai là dành 10 tỷ euro để đối phó với cuộc khủng hoảng nhập cư, trong đó đặc biệt tập trung vào vấn đề tăng cường quản lý biên giới châu Âu. Và khoảng 6 tỷ euro sẽ được sử dụng để thúc đẩy tài trợ cho các lĩnh vực công nghệ mũi nhọn như số hoá, chuyển đổi xanh và công nghệ sinh học.
Nga tố cáo phương Tây
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov vừa lên tiếng cho rằng NATO không muốn xung đột Ukraine kết thúc mà đang tiếp tục tiến hành chiến tranh với Nga. Theo Ngoại trưởng Nga, một số lãnh đạo phương Tây đang bắt đầu "tỉnh táo" về bản chất của xung đột, nhưng Ukraine tiếp tục yêu cầu chuyển giao vũ khí. Liên minh châu Âu (EU), với 22 thành viên thuộc NATO, cũng đưa ra kế hoạch cung cấp một triệu quả đạn pháo cho Ukraine và củng cố ngành công nghiệp quốc phòng.