Ông Donald Trump vẫn được ủng hộ cao
Cuộc khảo sát tại Mỹ do đài phát thanh NPR, đài truyền hình PBS, Đại học Marist hợp tác thực hiện cho biết, ở nhóm người trung lập, 58% nghĩ cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump nên rút khỏi cuộc đua cho vị trí chủ Nhà Trắng năm 2024 và 50% tin ông đã phạm pháp.
Nhưng ở nhóm người ủng hộ đảng Cộng hòa, 83% muốn cựu Tổng thống Donald Trump tiếp tục tranh cử, 64% nói rằng ông Donald Trump là lựa chọn của họ ở bầu cử sơ bộ của đảng Cộng hòa sắp diễn ra. Đặc biệt 50% nghĩ ông Donald Trump không phạm pháp. 76% người ủng hộ đảng Cộng hòa và người trung lập hơi nghiêng về đảng Cộng hòa có thiện cảm với cựu Tổng thống Donald Trump.
Cuộc Khảo sát cho thấy, lực lượng ủng hộ ông Donald Trump chủ yếu đến từ nhóm dân số da trắng không tốt nghiệp đại học, thu nhập dưới 50.000 USD/năm, sống tại thị trấn nhỏ, phụ nữ ủng hộ đảng Cộng hòa hoặc trung lập hơi nghiêng về đảng Cộng hòa, da trắng theo đạo Tin lành.
Nga không ngại đối thoại với phương Tây
Tổng thống Nga Vladimir Putin vừa lên tiếng khẳng định: Moscow chưa bao giờ từ chối tham gia đối thoại với tập thể phương Tây, đưa ra một đề xuất thỏa thuận an ninh toàn diện ngay trước khi các hành động thù địch đang diễn ra bắt đầu. Tuy nhiên, phương Tây đã từ chối đối thoại, nhưng cuối cùng họ sẽ buộc phải từ bỏ lập trường đối đầu. Về việc có cần tiến hành đối thoại với họ hay không, tôi nhắc lại một lần nữa, chúng tôi không bác bỏ cuộc đối thoại này. Chính họ đã quyết định cắt đứt cuộc đối thoại này với chúng tôi.
Tầm quan trọng của ông Donald Trump
Thủ tướng Hungary Viktor Orban vừa lên tiếng cho rằng: “Nếu có một người ở thế giới phương Tây có thể ngăn chặn cuộc chiến này và mang lại hòa bình, thì đó chính là cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump. Hungary sẽ được hưởng lợi nếu có một người ủng hộ hòa bình đứng đầu nước Mỹ”. Thủ tướng Orban cho rằng, hòa bình ở Ukraine chỉ có thể được thiết lập sau các cuộc đàm phán giữa Nga - Mỹ và châu Âu.
Mỹ và Iran chưa thống nhất thỏa thuận
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken vừa lên tiếng bác bỏ thông tin cho rằng Mỹ và Iran đang tiến gần đến các thỏa thuận hạn chế chương trình hạt nhân của Iran và trả tự do cho các công dân Mỹ bị giam giữ tại nước này. Còn về phía Iran cho biết họ đang tiến hành đàm phán gián tiếp với Mỹ thông qua Oman, với các chủ đề chính là vấn đề hạt nhân, lệnh trừng phạt của Mỹ và những người bị giam giữ.
Nga đặt vũ khí hạt nhân tại Belarus
Tổng thống Nga Vladimir Putin vừa lên tiếng cho biết các đầu đạn hạt nhân đầu tiên của Nga đã được chuyển đến Belarus và toàn bộ lô vũ khí này sẽ được triển khai vào cuối năm nay. Đây là lần đầu tiên Moscow triển khai vũ khí hạt nhân tầm gần ở ngoài lãnh thổ Nga kể từ khi Liên Xô tan rã vào năm 1991. Trước đó, Tổng thống Belarus Lukashenko thông báo Minsk đã bắt đầu tiếp nhận các lô vũ khí hạt nhân chiến thuật đầu tiên của Nga.
Pháp và Saudi Arabia lo cho tình trạng của Liban
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman vừa lên tiếng kêu gọi "chấm dứt nhanh chóng khoảng trống chính trị thể chế ở Liban”. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho rằng tình trạng không có Tổng thống kéo dài "vẫn là trở ngại lớn trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế-xã hội nghiêm trọng của Liban”.
NATO bất đồng về kế hoạch phòng thủ mới
Theo hãng tin Reuters, các Bộ trưởng quốc phòng NATO ngày 16/6 đã không thể đi tới sự đồng thuận về kế hoạch phòng thủ mới trong bối cảnh căng thẳng giữa liên minh quân sự này và Nga không ngừng leo thang thời gian qua.
Sau cuộc họp kéo dài 2 ngày của Bộ trưởng Quốc phòng các nước thành viên NATO tại Brussels (Bỉ) Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg chỉ tuyên bố rằng các nước thành viên đã xích lại gần nhau hơn.
Đây là lần đầu tiên kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh, kế hoạch này được đưa ra bàn luận sau khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào tháng 2 năm ngoái.