Quốc tế nổi bật: Thuyết hạt nhân mới của Nga

Theo học thuyết hạt nhân mới, Nga có thể sử dụng vũ khí hạt nhân để ngăn chặn sự xâm lược của các thế lực thù địch và các khối quân sự sở hữu vũ khí hủy diệt hàng loạt hoặc kho vũ khí thông thường lớn.

Thuyết hạt nhân mới của Nga

Vladimir Putin thuyết hạt nhân mới của Nga
Tổng thống Nga Vladimir Putin 

Tổng thống Nga Vladimir Putin vừa phê chuẩn học thuyết hạt nhân mới. Tổng thống Nga vẫn là người đưa ra quyết định về việc có sử dụng kho vũ khí hạt nhân của nước này hay không. Tổng thống Nga cũng có thẩm quyền truyền đạt ý định và hành động của mình liên quan đến các loại vũ khí đó cho các quốc gia nước ngoài.

Theo học thuyết hạt nhân mới, Nga có thể sử dụng vũ khí hạt nhân để ngăn chặn sự xâm lược của các thế lực thù địch và các khối quân sự sở hữu vũ khí hủy diệt hàng loạt hoặc kho vũ khí thông thường lớn. Chính sách này cũng áp dụng với các quốc gia cung cấp không gian chủ quyền của mình cho các bên khác chuẩn bị và tiến hành một cuộc tấn công chống lại Nga.

Philippines thắt chặt liên minh với Mỹ

Ferdinand Marcos Jr
Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr

Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr vừa lên tiếng thông báo cho biết ông vừa có cuộc điện đàm với Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump, để trao đổi về liên minh giữa hai nước và mong muốn làm sâu sắc quan hệ song phương. Ông Ferdinand Marcos Jr cho biết thêm rằng cuộc điện đàm diễn ra trong không khí “rất thân thiện” và “rất hiệu quả”, đồng thời cho biết ông định sẽ gặp ông Donald Trump càng sớm càng tốt. Năm ngoái, ông Ferdinand Marcos Jr thực hiện chuyến thăm chính thức đầu tiên của một nhà lãnh đạo Philippines đến Mỹ trong hơn 10 năm.

Mỹ thất hứa với Ukraine?

Volodymyr Zelensky
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky vừa lên tiếng cho rằng đến nay nước này chỉ nhận được "chưa đến một nửa" số viện trợ quân sự mà Mỹ đã hứa. Ông Volodymyr Zelensky nói rằng “một nửa” mà ông đề cập chỉ nói về viện trợ quân sự và không bao gồm hỗ trợ nhân đạo, hỗ trợ tài chính và các dự án nhân đạo riêng biệt cho các khu vực khác nhau.

Bộ trưởng Giao thông Vận tải của ông Trump là ai?

Sean Duffy
Ông Sean Duffy

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump vừa lên tiếng cho biết sẽ đề cử ông Sean Duffy, cựu Hạ nghị sĩ Cộng hòa đại diện cho bang Wisconsin và hiện là người dẫn chương trình của đài truyền hình Fox News, làm Bộ trưởng Giao thông Vận tải. Ông Sean Duffy, sinh năm 1971, là thành viên Hạ viện Mỹ trong 8 năm và đã trải qua các vị trí như thành viên Ủy ban Tài chính Hạ viện, Chủ tịch Tiểu ban Điều tra - giám sát Hạ viện. Ông Sean Duffy làm cộng tác viên cho đài Fox News từ năm 2020 và dẫn chương trình “The Bottom Line” trên Fox Business Network từ năm 2023. Nếu được Thượng viện Mỹ phê chuẩn, ông Sean Duffy sẽ lãnh đạo một bộ lớn với hơn 57.000 nhân viên, chịu trách nhiệm giám sát các chính sách về hàng không, ô tô, đường sắt, cầu cảng, vận tải công cộng và các chính sách vận tải khác.

Jakarta sẽ là vùng đặc biệt

Thành phố Jakarta
Thành phố Jakarta

Quốc hội Indonesia vừa thông qua một dự luật, chính thức chỉ định Jakarta là vùng đặc biệt sau khi thành phố này không còn là thủ đô của đất nước. Indonesia đã chính thức chuyển thủ đô từ Jakarta trên đảo Java sang Nusantara ở huyện Bắc Penajam Paser, thuộc tỉnh Đông Kalimantan. Thủ đô mới đang trong quá trình xây dựng, với việc di dời các công chức dự kiến bắt đầu vào đầu năm 2025. 

Hàng nghìn người Lebanon thiệt mạng

Trẻ em ở Lebanon
Đã có hơn 200 trẻ em đã thiệt mạng tại Lebanon trong gần 2 tháng

Liên hợp quốc vừa đưa ra thông báo đã có hơn 200 trẻ em đã thiệt mạng tại Lebanon trong gần 2 tháng kể từ khi các cuộc tấn công leo thang. Tính trung bình mỗi ngày có 3 trẻ em thiệt mạng và hơn 1.100 trẻ em bị thương hoặc sang chấn tâm lý. Ngoài ra, Theo số liệu của giới chức Lebanon, kể từ khi xung đột giữa Hezbollah và Israel xảy ra từ tháng 10 năm ngoái, hơn 3.510 người tại Lebanon đã thiệt mạng, với đa số người thiệt mạng được báo cáo kể từ cuối tháng 9/2024.

Ukraine không thể đẩy xung đột leo thang

Dmitry Peskov
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov vừa lên tiếng nói rằng nếu thông tin về việc Tổng thống Mỹ Joe Biden cho phép Ukraine dùng vũ khí tầm xa của Mỹ đánh sang Nga được xác nhận thì đó sẽ là sự leo thang đáng kể của cuộc xung đột. Theo ông Dmitry Peskov, quan điểm của Moscow về vấn đề này đã được Tổng thống Nga Vladimir Putin nêu rõ vào hồi đầu năm nay rằng Ukraine không thể thực hiện các cuộc tấn công bằng vũ khí tầm xa nếu không có sự đóng góp trực tiếp của tình báo và chuyên môn quân sự phương Tây.

Linh Đan