Ukraine đã nhận được bom chùm của Mỹ
Phát ngôn viên quân khu phía nam Ukraine Valeryi Shershen xác nhận nước này đã nhận được bom chùm từ Mỹ, đồng thời cam kết sẽ chỉ sử dụng chúng để tấn công các nơi tập trung binh lính của quân đội Nga. Ông Shershen nhận định bom chùm sẽ “làm giảm động lực của quân đội Nga” và “về cơ bản thay đổi mọi thứ theo hướng có lợi cho lực lượng vũ trang Ukraine”. Tuy nhiên, ông khẳng định loại vũ khí bom chùm đặc biệt nguy hiểm này sẽ không được sử dụng trên lãnh thổ Nga mà chỉ được sử dụng ở “những khu vực tập trung lực lượng quân sự Nga để chọc thủng hàng phòng thủ”.
Bom chùm là loại vũ khí giải phóng một số lượng lớn các quả bom nhỏ hơn ở bên trong trên một khu vực rộng lớn. Hiện có hơn 100 quốc gia, trong đó có nhiều thành viên NATO, đã cấm sản xuất và sử dụng bom chùm.
Mỹ không nên can thiệp vào nội bộ Trung Quốc
Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Đối ngoại Trung ương Trung Quốc Vương Nghị vừa lên tiếng kêu gọi Washington ngừng can thiệp vào các công việc nội bộ và "hợp tác với Trung Quốc" để cải thiện quan hệ. Ngoài ra, ông Vương Nghị cũng kêu gọi Mỹ "ngừng chèn ép Trung Quốc về kinh tế, thương mại, khoa học và công nghệ, đồng thời dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt bất hợp pháp và không chính đáng đối với Trung Quốc".
Anh không muốn tiếp tục giúp đỡ Ukraine?
Bên lề hội nghị thượng đỉnh NATO ở thủ đô Vilnius của Litva, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace vừa lên tiếng khẳng định nước này "không phải là dịch vụ vận chuyển vũ khí của Amazon" cho Ukraine, nhấn mạnh Kiev nên “biết ơn” đối với các thành viên NATO thay vì chỉ trích. Trong khi đó, Thủ tướng Anh Rishi Sunak lại cho rằng Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky “đã nhiều lần bày tỏ lòng biết ơn đối với những gì chúng tôi đã làm”.
Ukraine không nên gia nhập NATO
Tổng thống Nga Vladimir Putin vừa lên tiếng khẳng định việc Ukraine theo đuổi tư cách thành viên khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đặt ra mối đe dọa với an ninh của Nga và cuộc xung đột hiện nay xảy ra với một phần lý do vì Ukraine cố gắng gia nhập liên minh quân sự NATO. Theo quan điểm của ông Putin thì bất cứ quốc gia nào cũng có quyền "theo đuổi con đường" đảm bảo an ninh của chính mình. "Chỉ có một vấn đề, đó là việc đảm bảo an ninh của quốc gia này không được trở thành mối đe dọa với quốc gia khác".
Ông Netanyahu vướng nhiều vụ kiện
Tòa án Công lý Tối cao Israel cho biết, cơ quan này đang thụ lý một đơn kiện tập thể yêu cầu truất quyền lãnh đạo của Thủ tướng Benjamin Netanyahu và sẽ đưa ra xét xử sớm nhất có thể. Bản kiến nghị cũng kêu gọi Tòa án Công lý tối cao ra lệnh tạm thời ngăn chặn ông Netanyahu tham gia vào kế hoạch cải cách tư pháp. Ông Netanyahu đang bị điều tra hình sự trong 3 vụ án vì thế ông bị hạn chế quyền tham gia vào quá trình thực thi pháp luật và bổ nhiệm tư pháp, bởi điều này có thể can thiệp và tác động tới tiến trình điều tra, xét xử 3 vụ án chống lại ông.
Lời cảnh báo từ Nga
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov vừa lên tiếng cho rằng nếu Mỹ chuyển giao chiến đấu cơ F-16 cho Ukraine, Moscow sẽ coi đây là mối đe dọa trong lĩnh vực hạt nhân. Ông Sergei Lavrov cũng lưu ý rằng Mỹ và các đồng minh NATO của tạo ra nguy cơ xung đột vũ trang trực tiếp với Nga và điều này dẫn đến nhiều hậu quả thảm khốc. Trước đó Nga cũng đã cảnh báo việc Anh cung cấp đạn xuyên giáp làm từ uranium nghèo cho Ukraine cũng bị xem là nguy cơ dẫn đến xung đột hạt nhân.
Ấn Độ đặt hàng Pháp nhiều máy bay, tàu ngầm
Bộ Quốc phòng Ấn Độ vừa thông qua kế hoạch mua 26 máy bay chiến đấu Rafale và 3 tàu ngầm thông thường lớp Scorpene do Pháp sản xuất cho lực lượng Hải quân nước này. Thỏa thuận trên trị giá khoảng 11 tỷ USD, dự kiến sẽ được công bố trong chuyến thăm Pháp của Thủ tướng Narendra Modi. Theo đó, Hải quân Ấn Độ sẽ nhận được 22 máy bay chiến đấu Rafale cùng với 4 máy bay huấn luyện. Trong khi 3 tàu ngầm lớp Rafale sẽ được Hải quân Ấn Độ mua lại theo điều khoản lặp như một phần của Đề án 75 và sẽ được đóng tại nhà máy đóng tàu Mazagon ở thành phố Mumbai.