Quy chuẩn kỹ thuật (QC) và Văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) đang tồn tại hai quan niện khác nhau, dẫn tới sự chồng chéo khi ban hành QC và VBQPPL trong các bộ, cơ quan ngang bộ, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Hai quan niệm đó như sau:
1. Quan niệm thứ nhất, cho rằng: QC là VBQPPL
Quan niệm này dựa trên ba luận cứ sau:
a) QC và VBQPPL có một số điểm khá tương đồng và mang tính đặc trưng, cụ thể:
- Chủ thể có thẩm quyền xây dựng, ban hành QC (QC quốc gia và QC và VBQPPL đều do cơ quan nhà nước có thẩm quyền xây dựng và ban hành. Ví dụ, QCVN do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ xây dựng, ban hành; QCĐP do Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng, ban hành .
Nhưng chủ thể có thẩm quyền ban hành VBQPPL lại rộng hơn chủ thể ban hành QC. Theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 và Luật về việc Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân, thì Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ và Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, cũng có thẩm quyền ban hành VBQPPL.
Theo quy định Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật thì cả QC và VBQPPL đều được ban hành dưới dạng văn bản có nội dung quy định chung cho các đối tượng áp dụng. Trong đó cả QC và VBQPPL đều có tính hiệu lực bắt buộc chung. Trong đó, QCVN, cũng như VBQPPL do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ ban hành có hiệu lực trong phạm vi cả nước; còn QCĐP cũng như VBQPPL do Uỷ ban nhân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ban hành có hiệu lực trong phạm vi quản lý của Uỷ ban nhân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ban hành QC hay VBQPPL đó.
Ngoài ra, QCVN và VBQPPL của Bộ, cơ quan ngang bộ còn có một nguyên tắc cơ bản là tính công khai trong quá trình xây dựng, ban hành thông qua việc tổ chức lấy ý kiến rộng rãi, công khai về dự thảo trong thời gian ít nhất sáu mươi ngày (ngoại trừ trong trường hợp cần thiết khi QCVN liên quan đến sức khoẻ, an toàn, môi trường)...
b) Với việc quy định tại khoản 1 Điều 8 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008: “Văn bản quy phạm pháp luật phải được quy định cụ thể để khi văn bản đó có hiệu lực thì thi hành được ngay; trường hợp trong văn bản có điều, khoản mà nội dung liên quan đến quy trình, quy chuẩn kỹ thuật, những vấn đề chưa có tính ổn định cao thì ngay tại điều, khoản đó có thể giao cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định chi tiết. Cơ quan được giao ban hành văn bản quy định chi tiết không được ủy quyền tiếp”, Quốc hội đã gián tiếp công nhận QC là VBQPPL;
c) Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 trực tiếp khẳng định QC là VBQPPL:
“Thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ được ban hành để quy định về quy trình, quy chuẩn kỹ thuật, định mức kinh tế - kỹ thuật của ngành, lĩnh vực do mình phụ trách”. Như vậy, nội dung của văn bản chính để áp dụng, thực thi trong cuộc sống được ban hành kèm theo thông tư hiển nhiên là văn bản quy phạm pháp luật.
2. Quan niệm thứ hai, cho rằng: QC không phải là VBQPPL
Các ý kiến của các luật gia cho rằng QC không phải là VBQPPL dựa trên 2 luận cứ: xuôi chiều và ngược chiều về tính tuân thủ trình tự, thủ tục, hình thức ban hành của VBQPPL
a) Luận cứ xuôi chiều
Ngay tại điều khoản đầu tiên, cơ quan nhà nước đã quy định không coi QC là VBQPPL, với nội dung: “Văn bản quy phạm pháp luật là văn bản do cơ quan nhà nước ban hành hoặc phối hợp ban hành theo thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục được quy định trong Luật này hoặc trong Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân...”
Tuy nhiên, trên thực tế và cũng theo quy định của pháp luật, thì QC được ban hành theo một trình tự, thủ tục dưới hình thức hoàn toàn khác với VBQPPL được quy định tại Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật và các văn bản hướng dẫn thi hành (Nghị định số 127/2007/NĐ-CP của Chính phủ ngày 01 tháng 8 năm 2007 và Thông tư số 23/TT-BKHCN của Bộ Khoa học và Công nghệ ngày 28 tháng 9 năm 2007). Những điểm khác biệt cơ bản ở đây phải kể đến:
+ Đối với QC yêu cầu cần phải có quy hoạch, còn VBQPPL thì không;
+ Về đơn vị, cơ quan thẩm định QC và VBQPPL: đối với QCVN thì cơ quan thẩm định là Bộ Khoa học và Công nghệ, đối với Thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ là tổ chức pháp chế bộ, cơ quan ngang bộ; Đối với VBQPPL của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, trước khi ban hành Sở Tư pháp sẽ được giao trọng trách thẩm định, còn đối với QCĐP thì Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh sẽ ban hành QCĐP trong thời hạn ba mươi ngày kể từ ngày có ý kiến đồng ý của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ phụ trách ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của quy chuẩn;
+ Việc áp dụng hình thức để ban hành QC cũng có vấn đề. Theo Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật thì QC được ban hành dưới hình thức quyết định (...ra quyết định ban hành), dưới hình thức này, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ không được ban hành VBQPPL. Theo quy định tại khoản 2 Điều 16 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 thì Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ ban hành thông tư để quy định về QC, điều này lại trái với hình thức để ban hành QC được quy định tại Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật.
Ngoài ra QC và VBQPPL do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ và Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh ban hành còn khác nhau về căn cứ, cơ sở để xây dựng, khác nhau về thời gian thẩm định, nội dung thẩm định v.v...
b) Luận cứ ngược chiều
Như phân tích ở trên, chúng ta thấy QC và VBQPPL do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ và Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh được xây dựng, thẩm định, ban hành theo các quy định khác nhau, thuộc hai hệ thống văn bản quy phạm pháp luật khác nhau, không được trích dẫn, liên thông đến nhau. Những người cho rằng, QC không phải là VBQPPL còn căn cứ trên cơ sở quy định của chính Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật: “Văn bản do cơ quan nhà nước ban hành hoặc phối hợp ban hành không đúng thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục được quy định trong Luật này hoặc trong Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân thì không phải là văn bản quy phạm pháp luật” .
c) Những luận cứ bổ sung
Hai luận cứ trên cho chúng ta thấy, QC và VBQPPL do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ và Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh được xây dựng, thẩm định, ban hành theo các quy định ở các văn bản khác nhau, với các nội dung về trình tự, thủ tục hoàn toàn khác nhau. Để có cơ sở pháp lý chắc chắn hơn, khẳng định sự khác biệt giữa hai văn bản nêu trên, những người theo ý kiến thứ hai còn đưa ra một số tiêu chí để so sánh về sự khác nhau giữa hai văn bản này, cụ thể:
Tiêu chí QC VBQPPL
d) Nguyên tắc ưu tiên - áp dụng pháp luật chuyên ngành
Thực tế, khi có các quy định khác nhau giữa các luật, thì các nhà quản lý, người áp dụng pháp luật cũng như cơ quan tư pháp sẽ căn cứ vào pháp luật chuyên ngành làm căn cứ chắc chắn hơn để khẳng định khi xây dựng, soạn thảo, thẩm định, ban hành, thông báo, quy định thời điểm có hiệu lực và đánh giá sự phù hợp với QC và VBQPPL.
Qua phân tích ở trên ta thấy, sự quy định không rõ ràng, chồng chéo và không gắn kết với nhau giữa hai hệ thống pháp luật (chung và chuyên ngành) làm cho các luật gia - những người am hiểu về luật nhất cũng có những lập luận và cách giải thích khác nhau. Chúng tôi mong muốn, Quốc hội khi xây dựng luật mới, cũng như sửa hai đạo luật: Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn, cần soát xét kỹ hơn để, những đạo luật không mâu thuẫn, không triệt tiêu quy định của nhau, có tính khả thi cao trong cuộc sống. Điều mong muốn sau cùng là, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thực hiện chức trách của mình cũng cần có giải thích cho rõ QC có phải là VBQPPL trong thời gian sớm nhất.