Quy định về bồi thường thiệt hại mang tính trừng phạt ở Trung Quốc và gợi mở cho Việt Nam

Bài viết "Quy định về bồi thường thiệt hại mang tính trừng phạt ở Trung Quốc và gợi mở cho Việt Nam" do Cao Thị Lê Thương (Viện Nhà nước và Pháp luật - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) thực hiện.

Tóm tắt:

Trung Quốc đã hoàn tất việc thiết lập hệ thống bồi thường thiệt hại mang tính trừng phạt đối với quyền sở hữu trí tuệ ở cấp lập pháp bằng việc quy định trong Bộ luật Dân sự năm 2020. Bài viết này tìm hiểu những quy định pháp luật và thực tiễn áp dụng về bồi thường thiệt hại mang tính trừng phạt của Trung Quốc, từ đó đưa ra gợi mở cho Việt Nam.

Từ khóa: sở hữu trí tuệ, thiệt hại trừng phạt, bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.

1. Quy định chung về bồi thường thiệt hại mang tính trừng phạt của pháp luật Trung Quốc

Pháp luật về bồi thường thiệt hại của Trung Quốc trước kia tuân theo nguyên tắc “bồi thường”, nhấn mạnh số tiền bồi thường phải tương xứng để bù đắp cho những tổn thất thực tế. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của kinh tế, xã hội, Trung Quốc dần nhận ra những quy định của pháp luật chỉ quy định không thể kiềm chế, răn đe những trường hợp cố ý vi phạm. Do đó, năm 1993, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã quy định “tăng gấp đôi mức bồi thường thiệt hại cho người tiêu dùng” (Điều 49)[1]. Đây là lần đầu tiên hệ thống bồi thường trừng phạt được thiết lập dưới hình thức luật đặc biệt. Kể từ đó, Trung Quốc tiếp tục tăng cường quy định về bồi thường thiệt hại mang tính trừng phạt trên nhiều lĩnh vực như: Luật An toàn thực phẩm năm 2009 quy định ngoài việc được bồi thường thiệt hại, người tiêu dùng còn được “bồi thường gấp mười lần hoặc gấp ba lần thiệt hại” (Khoản 2 Điều 148)[2]; Điều 87 của "Luật Hợp đồng lao động" năm 2007[3]; Điều 70 của Luật "Luật Du lịch" 2013[4]; Điều 47 của "Luật Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vi phạm" năm 2009[5].

Năm 2020, Bộ luật Dân sự Trung Quốc đã thiết lập những quy định tiêu chuẩn về bồi thường thiệt hại mang tính trừng phạt. Đáng lưu ý, quy định này được đặt ngay tại phần 1 "Những nguyên tắc cơ bản", Chương 8 về “Trách nhiệm dân sự”, cho thấy tầm quan trọng của bồi thường thiệt mang tính trừng phạt tại Trung Quốc. Cụ thể Điều 179 quy định về “các cách chịu trách nhiệm dân sự chủ yếu” đã nêu rõ “nếu pháp luật có quy định về bồi thường thiệt hại mang tính trừng phạt thì phải tuân theo quy định đó”. Cũng trong Bộ Luật này, pháp luật Trung Quốc cũng quy định 3 trường hợp cụ thể có thể áp dụng bồi thường thiệt hại mang tính trừng phạt, đó là trách nhiệm pháp lý vi phạm sản phẩm (Điều 1207), trách nhiệm pháp lý làm ô nhiễm môi trường (Điều 1232) và trách nhiệm pháp lý vi phạm Sở hữu trí tuệ (Điều 1185)[6]. Như vậy, Điều 179 và Điều 1185 BLDS Trung Quốc làm căn cứ để trong trường hợp nếu các luật chuyên ngành về sở hữu trí tuệ không quy định về các khoản bồi thường thiệt hại mang tính trừng phạt thì thẩm phán có thể áp dụng quy định này để quy định mức bồi thường thiệt hại tương ứng theo từng trường hợp cụ thể.

2. Quy định về bồi thường thiệt hại mang tính trừng phạt trong các lĩnh vực sở hữu trí tuệ của Trung Quốc

Trong lĩnh vực quyền sở hữu trí tuệ của Trung Quốc, Luật Nhãn hiệu năm 2013 là luật đầu tiên đưa vào hệ thống bồi thường thiệt hại mang tính trừng phạt. Cụ thể, Khoản 1 Điều 63 quy định phương pháp xác định số tiền bồi thường do vi phạm nhãn hiệu quy định: “Đối với hành vi xâm phạm độc quyền sử dụng nhãn hiệu với mục đích xấu, nếu tình tiết nghiêm trọng thì có thể xác định mức bồi thường với số tiền cố định không ít hơn một lần nhưng không quá năm lần số tiền được xác định”, và bản sửa đổi năm 2019 của luật này tiếp tục tăng bội số thiệt hại trừng phạt lên từ 1 đến 5 lần[7]. Năm 2015, Luật Giống cây trồng của Trung quốc sửa đổi cũng quy định đối với hành vi vi phạm nghiêm trọng quyền đối với giống cây trồng mới, mức bồi thường thiệt hại có thể gấp 1 đến 3 lần mức bồi thường đã xác định (Khoản 3 Điều 73)[8]. Năm 2019, Luật Chống cạnh tranh không lành mạnh được sửa đổi lần đầu tiên, khoản 3 Điều 17 quy định trường hợp nhà điều hành cố ý xâm phạm bí mật kinh doanh, tình tiết nghiêm trọng có thể bị xử phạt từ một đến gấp năm lần số tiền đã xác định[9]. Năm 2020, tại Khoản 1 Điều 72 Luật Sáng chế sửa đổi lần thứ 4 sau khi liệt kê các phương pháp xác định mức bồi thường đã quy định rõ: “Đối với hành vi cố ý vi phạm quyền sáng chế và các tình tiết nghiêm trọng thì số tiền bồi thường có thể được xác định không ít hơn một lần nhưng không quá năm lần số tiền được xác định”[10]. Luật Bản quyền sửa đổi lần thứ ba năm 2020 quy định rằng đối với hành vi cố ý xâm phạm quyền tác giả hoặc quyền tác giả, quyền liên quan, nếu tình tiết nghiêm trọng thì có thể bị phạt nặng từ một đến năm lần mức bồi thường đã được xác định (Khoản 1 Điều 53)[11]. Những quy định cho thấy, hệ thống bồi thường thiệt hại mang tính trừng phạt đã cơ bản được bao phủ trong các lĩnh vực sở hữu trí tuệ của Trung Quốc.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề cần phải phải thích và để thống nhất trong áp dụng. Ngày 3/3/2021, Tòa án nhân dân tối cao Trung Quốc đã ban hành Giải thích số 04: “Giải thích của Tòa án nhân dân tối cao về áp dụng hình thức bồi thường thiệt hại trong xét xử vụ án dân sự liên quan đến xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ[12] (Sau đây gọi là Giải thích số 04 năm 2021)” quy định cụ thể về phạm vi áp dụng hình thức bồi thường thiệt hại trừng phạt trong vụ án dân sự về sở hữu trí tuệ, xác định hành vi cố ý và tình tiết nghiêm trọng, xác định cơ sở tính…

Sau đó, Tòa án nhân dân tối cao cũng ban hành “Các trường hợp điển hình về áp dụng hình thức bồi thường thiệt hại trong các vụ án dân sự xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ[13]” ngày 15/3/2021 bao gồm 6 tranh chấp. Mặc dù các trường hợp điển hình không phải là án lệ, tuy nhiên trong những Bản án này, Tòa án Nhân dân tối cao Trung Quốc đã giải thích đầy đủ, rõ ràng các yếu tố cần xác định khi áp dụng bồi thường thiệt hại mang tính trừng phạt như: “lỗi cố ý chủ quan”, “hành vi có ác ý’, “tình tiết nghiêm trọng”, “chứng cư, chứng minh”, “lợi nhuận thu được từ việc vi phạm”, “căn cứ để tính số tiền và mức phạt vi phạm”. Điều này đã giúp cho việc áp dụng quy định về bồi thường thiệt hại mang tính trừng phạt ở Trung Quốc được rõ ràng, minh bạch, góp phần để phán quyết của Tòa án có sức thuyết phục hơn.

Ngày 22/9/2021, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc và Quốc hội Trung Quốc đã ban hành “Đề cương xây dựng đất nước hùng mạnh về sở hữu trí tuệ (2021-2035)”, trong đó có tuyên bố rõ ràng việc thiết lập và thực hiện toàn diện hệ thống bồi thường trừng phạt đối với hành vi vi phạm và tăng cường bồi thường thiệt hại trong sở hữu trí tuệ[14]. Theo sau đó, Tòa án nhân dân cấp cao Bắc Kinh đã đưa ra “Hướng dẫn xét xử áp dụng hình thức bồi thường thiệt hại trừng phạt trong các vụ án dân sự về xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ”[15] quy định cụ thể về các yêu cầu áp dụng và phương pháp tính toán các khoản bồi thường thiệt hại mang tính trừng phạt, cũng như các vấn đề nội dung và thủ tục khác có liên quan. Hướng dẫn xét xử có nhiều điểm sáng như: tóm tắt các quy định chung về bồi thường thiệt hại mang tính trừng phạt trong các loại vụ việc sở hữu trí tuệ dựa trên thực tiễn xét xử; đơn giản hóa việc xác định các yếu tố bồi thường thiệt hại mang tính trừng phạt và quy định một cách sáng tạo các trường hợp cố ý vi phạm, làm rõ các tình tiết nghiêm trọng; xác định rõ phương pháp tính tổng mức thiệt hại trừng phạt được áp dụng và đưa ra quy định phương pháp tính toán rõ ràng khi áp dụng các khoản bồi thường mang tính trừng phạt; nhấn mạnh nguyên tắc thận trọng tích cực, xây dựng một hệ thống các quy tắc áp dụng cho các khoản bồi thường mang tính trừng phạt.

3. Điều kiện áp dụng bồi thường thiệt hại mang tính trừng phạt ở Trung Quốc

Từ những văn bản pháp luật trên về bồi thường thiệt hại mang tính trừng phạt có thể thấy Trung Quốc đã có những bước đầu quy định về điều kiện áp dụng đối với mức bồi thường mang tính trừng phạt như: yếu tố lỗi của người thực hiện hành vi, xác định tình tiết nghiêm trọng của vụ việc, hậu quả của hành vi vi phạm, căn cứ xác định mức phạt để lấy đó làm căn cứ tính bội số cho mức phạt vi phạm

          Thứ nhất, yếu tố lỗi. Lỗi là trạng thái tinh thần của người vi phạm, biểu hiện dưới hai hình thức: cố ý và lỗi vô ý. Việc hình thành trách nhiệm bồi thường thiệt hại mang tính trừng phạt đòi hỏi người thực hiện hành vi phải có trạng thái nhận thức có thể thấy trước và xác định được kết quả thiệt hại nhưng vẫn trực tiếp theo đuổi hoặc gián tiếp cho phép kết quả này xảy ra hay còn gọi là lỗi cố ý. Tuy nhiên, khi xem xét yếu tố lỗi Giải thích số 4 năm 2021 chỉ ra rằng cần xem xét toàn diện nhiều yếu tố bao gồm loại đối tượng sở hữu trí tuệ bị xâm phạm, tình trạng quyền và mức độ phổ biến của sản phẩm liên quan cũng như mối quan hệ giữa bị đơn và bên bị xâm phạm. Nguyên đơn hoặc các bên liên quan (Đoạn 1, Điều 3). Vì vậy, trong thực tiễn xét xử cần phân biệt các loại đối tượng khác nhau và trên cơ sở thống nhất giữa tính chủ quan và tính khách quan, tổng hợp các yếu tố của vụ án để xác định xem liệu "cố ý" có được thiết lập hay không. Để đảm bảo áp dụng chính xác các khoản bồi thường thiệt hại mang tính trừng phạt, khoản 2 Điều 3 phần “Giải thích” liệt kê 5 tình huống có thể xác định sơ bộ là “cố ý” trên cơ sở tổng hợp các tiền lệ tư pháp trước đó. Có thể phân loại các tình huống xác định là “cố ý” thành 5 loại sau: cố ý dựa trên hành vi vi phạm nhiều lần, cố ý dựa trên mối quan hệ cụ thể của nguyên đơn và bị đơn, cố ý dựa trên việc vi phạm bản quyền và làm giả nhãn hiệu đã đăng ký, cố ý dựa trên nhãn hiệu đã có trước, cố ý dựa trên đối thủ cạnh tranh trong cùng khu vực, lĩnh vực.

Thứ hai, xác định tình tiết nghiêm trọng của vụ việc.  Khoản 1 Điều 4, của Giải thích Số 04 năm 2021 quy định, việc xác định “tình tiết nghiêm trọng” phải xem xét toàn diện các yếu tố như phương tiện, tần suất vi phạm, thời hạn, phạm vi địa lý, quy mô, hậu quả của hành vi vi phạm cũng như hành vi của người vi phạm. trong vụ kiện. Đoạn 2 liệt kê thêm các trường hợp cụ thể có thể được coi là nghiêm trọng. Các tình tiết nghiêm trọng có thể chia thành 2 loại: (1) tính chất vi phạm là nghiêm trọng (ví dụ: vi phạm nhiều lần, kéo dài và quy mô lớn, Lập nghiệp từ việc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ[16], Giả mạo, tiêu hủy hoặc che giấu chứng cứ vi phạm, tái phạm…), (2) Hậu quả của hành vi vi phạm là nghiêm trọng (ví dụ: Lợi nhuận khổng lồ từ việc vi phạm, gây hiệt hại lớn cho bên bị vi phạm về tài chính, tuy tín và thị phần, hành vi xâm phạm có thể gây tổn hại đến lợi ích công cộng hoặc sức khỏe cá nhân)

Thứ ba, căn cứ tính mức bồi thường trừng phạt. Việc xác định căn cứ tính toán là một vấn đề khó khăn trong hệ thống bồi thường thiệt hại trừng phạt, nếu không quy định rõ thì không có cơ sở để xác định được thiệt hại và không thể áp dụng mức bồi thường trừng phạt. Khoản 1 Điều 5 của Giải thích số 04 năm 2021 quy định khi xác định mức phạt vi phạm thì lấy số tiền thiệt hại thực tế của nguyên đơn, số lợi bất hợp pháp của bị đơn hoặc lợi tức thu được từ hành vi vi phạm làm căn cứ tính toán,. Khoản 2 Điều 5 còn quy định thêm “khi khó tính toán được số tiền thiệt hại thực tế, số lợi bất hợp pháp, lợi nhuận từ hành vi xâm phạm thì tòa án sẽ xác định hợp lý số tiền đó bằng cách căn cứ vào mức phạt của lệ phí cấp giấy phép theo quy định tại khoản 2 Điều này và lấy đó làm căn cứ để tính mức bồi thường thiệt hại”. Trong đó, số thu nhập bất hợp pháp của bị cáo và lợi nhuận từ hành vi vi phạm là những cách thể hiện khác nhau ở các luật khác nhau và cần được hiểu giống nhau về mặt ý nghĩa.

Thứ 4, xác định mức phạt. Việc xác định mức phạt thiệt hại trừng phạt là vấn đề cốt lõi của hệ thống bồi thường thiệt hại trừng phạt Trung Quốc, các mức phạt được quy định từ bằng 01 lần đến 10 lần số tiền vi phạm đã xác định được từ những căn cứ tính mức bồi thường. Điều 6 Giải thích số 04 năm 2021 quy định: Khi Tòa án nhân dân xác định mức phạt nhiều lần theo quy định của pháp luật thì phải xem xét toàn diện các yếu tố như lỗi chủ quan của bị đơn và mức độ nghiêm trọng của hành vi vi phạm. Vì vậy, việc xác định mức phạt thiệt hại trừng phạt phải được xác định một cách toàn diện dựa trên yếu tố chủ quan và khách quan của thiệt hại trừng phạt. Đặc biệt, việc xác định bội số thiệt hại trừng phạt phải phù hợp với khả năng phạm tội chủ quan và khách quan của người vi phạm, đồng thời các cơ quan thực thi pháp luật hành chính cũng cần được xem xét và các biện pháp xử phạt tài sản do cơ quan tư pháp áp đặt đối với cùng hành vi vi phạm để tránh sự trừng phạt quá nặng đối với người vi phạm. 

4. Một số gợi mở cho Việt Nam

Bồi thường thiệt hại mang tính trừng phạt nói chung và trong sở hữu trí tuệ nói riêng không phải là cách chịu trách nhiệm dân sự truyền thống của pháp luật Trung Quốc, cũng như của Việt Nam mà bắt nguồn từ hệ thống pháp luật Anh-Mỹ. Tuy nhiên, trong thời đại kinh tế tri thức, giá trị xã hội của sở hữu trí tuệ ngày càng nổi bật, ngược lại vấn đề xâm phạm sở hữu trí tuệ ngày càng nghiêm trọng, đa dạng và phức tạp. Đứng trước nhu cầu cấp thiết của việc sửa chữa và cải tiến pháp luật, Trung Quốc đã lựa chọn quy định về bồi thường thiệt hại mang tính trừng phạt để có thêm tính ngăn chặn và răn đe đối với những hành vi cố ý vi phạm và với mức độ nghiêm trọng.

Xét tình trạng thực thi quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam có thể thấy khá tương đồng với Trung Quốc khi liên lục nằm trong danh sách theo dõi những đối tác thương mại mà Hoa Kỳ đang có nhiều lo ngại nhất liên quan đến quyền SHTT[17]. Bản báo cáo có tên gọi “Thúc đẩy và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam”[18] đã chỉ ra Việt Nam đang đứng trước những nguy cơ lớn về tình trạng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ ngày càng tăng cao khi đối tượng xâm phạm ngày càng tinh vi, sử dụng công nghệ cao, phổ biến và khó kiểm soát trong môi tường internet.

Trước tình hình các hành vi xâm phạm quyền SHTT ngày càng diễn biến phức tạp, số vụ vi phạm lớn thì 95% vụ xâm phạm quyền SHTT được xử lý bằng biện pháp hành chính[19], Các chế tài dân sự hoặc hình sự rất ít được áp dụng và không phát huy được hiệu quả. Việc phân định ranh giới giữa áp dụng biện pháp hình sự và biện pháp hành chính chưa rõ ràng, dẫn đến tình trạng: có những vụ xâm phạm quyền ở mức độ rất nghiêm trọng, giá trị hàng hóa xâm phạm lên tới trên 500 triệu đồng, làm ảnh hưởng xấu đến trật tự xã hội, môi trường kinh doanh, tuy nhiên vẫn chỉ dừng ở mức xử phạt hành chính. Trong khi đó, đối với biện pháp hình sự, giá trị hàng hóa vi phạm chỉ từ 50 triệu đồng cũng có thể bị xử lý về hình sự. Trong 10 năm qua, chỉ có khoảng 40 vụ xử lý dân sự và 5 vụ án hình sự được đưa ra xét xử với 4 vụ phạt tiền và 01 vụ phạt tù nhưng với mức án thấp[20]. Chính vì vậy, giải pháp để có một hình phạt trung gian, nặng hơn phạt hành chính nhưng chưa đến mức xử lý hình sự đang là nhu cầu cấp thiết và bồi thường thiệt hại mang tính trừng phạt đang là lựa chọn tối ưu để lấp lỗ hổng pháp lý này.

Để có thể áp dụng quy định về bồi thường thiệt hại mang tính trừng phạt đối với sở hữu trí tuệ ở Việt Nam vẫn còn là một chặng đường dài. Nhiệm vụ trước mắt là có nhận thức đầy đủ giá trị và ý nghĩa của việc áp dụng quy định này, việc này đòi hỏi phải không ngừng tìm tòi cả về lý thuyết và thực tiễn hơn nữa. Bài viết này dựa trên các văn bản pháp luật và một số Bản án được Tòa án Trung Quốc công khai đã cho thấy cái nhìn tổng quát về quy định pháp luật của Trung Quốc. Qua bài viết này nhằm góp thêm gợi mở cho Việt Nam về áp dụng bồi thường thiệt hại mang tính trừng phạt vào trong thực thi quyền sở hữu trí tuệ, đặc biệt là cách Trung Quốc quy định chi tiết những điều kiện áp dụng bồi thường thiệt hại mang tính trừng phạt như yếu tố lỗi, tính nghiêm trọng của hành vi hay cách xác định mức phạt./.

 

CÁC TRÍCH DẪN TRONG BÀI:

[1] Quốc hội Trung Quốc (1993), Luật Bảo vệ quyền và lợi ích người tiêu dùng, Điều 49 quy định “Nếu nhà kinh doanh có hành vi gian lận trong việc cung cấp hàng hóa, dịch vụ thì phải tăng mức bồi thường thiệt hại cho người tiêu dùng theo yêu cầu của người tiêu dùng. Gấp đôi giá hàng hóa hoặc phí nhận dịch vụ. Xem tại https://www.gov.cn/banshi/2005-08/31/content_68770.htm. Bản sửa đổi năm 2013 đã tăng số tiền “tăng mức bồi thường” lên gấp ba lần và gọi rõ ràng đây là “thiệt hại mang tính trừng phạt” tại Điều 55, xem tại https://www.gov.cn/jrzg/2013-10/25/content_2515601.htm

[2] Quốc hội Trung Quốc (2009), Luật An toàn thực phẩm ban hành năm 2009 và sửa đổi năm 2015, xem tại https://www.gov.cn/zhengce/2015-04/25/content_2853643.htm truy cập ngày 06/8/2023. Quy định này hạn chế bồi thường thiệt hại mang tính trừng phạt sẽ không được áp dụng đối với các hành vi vi phạm khác ngoài trách nhiệm pháp lý đối với sản phẩm

[3] Quốc hội Trung Quốc (2007), Luật Hợp đồng lao động. Xem tại https://www.gov.cn/flfg/2007-06/29/content_669394.htm

[4] Quốc hội Trung Quốc (2013), Luật Du lịch. Xem tại https://www.gov.cn/flfg/2013-04/25/content_2390945.htm

[5] Quốc hội Trung Quốc (2009), Luật Trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, Xem tại  https://www.gov.cn/flfg/2009-12/26/content_1497435

[6] Quốc hội Trung Quốc (2020), Bộ luật Dân sự, xem tại https://www.gov.cn/xinwen/2020-06/01/content_5516649.htm

[7] Quốc hội Trung Quốc (2019), Luật Nhãn hiệu, xem tại https://www.gov.cn/guoqing/2020-12/24/content_5572941.htm

[8] Quốc hội Trung Quốc (2015), Luật Giống cây trồng, xem tại http://www.moa.gov.cn/ztzl/xfxcz/flfg/201812/t20181203_6164266.htm

[9] Quốc hội Trung Quốc (2019), Luật Chống cạnh tranh không lành mạnh, xem tại http://www.npc.gov.cn/zgrdw/npc/xinwen/2019-05/07/content_2086834.htm

[10] Quốc hội Trung Quốc (2020), Luật Sáng chế, xem tại  https://www.cnipa.gov.cn/art/2020/11/23/art_97_155167.htm   

[11]  Quốc hội Trung Quốc (2020), Luật Bản quyền, xem tại https://www.gov.cn/guoqing/2021-10/29/content_5647633.htm

[12] Toà án nhân dân Tối cao Trung Quốc (2021), Giải thích Số 04, xem tại https://www.waizi.org.cn/doc/104937.html

[13] Toà án nhân dân tối cao  Trung Quốc (2021), Các trường hợp điển hình về áp dụng hình thức bồi thường thiệt hại trong các vụ án dân sự xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, Xem tại  https://ipvipo.com/zhichanweiquan/zhichanweiquanjujiao/20230516/568.html

[14] Đảng Cộng sản Trung quốc, Quốc hội Trung Quốc (2021), Đề cương xây dựng đất nước hùng mạnh về sở hữu trí tuệ (2021-2035), xem tại https://www.gov.cn/zhengce/2021-09/22/content_5638714.htm

[15] Tòa án Nhân dân cấp cao Bắc Kinh (2022), Hướng dẫn của Tòa án Nhân dân cấp cao Bắc Kinh về áp dụng hình thức bồi thường thiệt hại trong các vụ án dân sự về vi phạm sở hữu trí tuệ, xem tại https://www.beijing.gov.cn/zhengce/fygfxwj/202308/t20230817_3224613.html 

[16] Tòa án Nhân dân tối cao Trung Quốc (2021), “Công bố 10 vụ sở hữu trí tuệ hàng đầu và 50 vụ sở hữu trí tuệ tiêu biểu tại tòa án Trung Quốc năm 2021”, Vụ án thứ 6: Vụ án bồi thường thiệt hại mang tính trừng phạt liên quan đến nhãn hiệu “Wyeth”, Xem tại  https://www.cnipa.gov.cn/art/2022/4/22/art_2863_174920.html, Bản án dân sự Chiết Giang số 294

[17] USTR - Cơ quan Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (2020, 2021, 2022), Báo cáo đặc biệt 301 các năm 2020, 2021, 2022 về thực thi và bảo vệ sở hữu trí tuệ.

[18] Báo cáo bằng tiếng Việt có tên gọi “Thúc đẩy và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam” có thể xem tại link: https://iccwbo.org/publication/icc-bascap-promoting-and-protecting-intellectual-property-in-vietnam/

[19] Tổng cụ quản lý thị trường (2021), “Báo động đỏ về các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ”Xem https://dms.gov.vn/tin-chi-tiet/-/chi-tiet/bao-%C4%91ong-%C4%91o-ve-cac-hanh-vi-xam-pham-quyen-so-huu-tri-tue-39225-2.html

[20] https://hanoimoi.vn/day-manh-bien-phap-tu-phap-khi-thuc-thi-quyen-so-huu-tri-tue-595120.html

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Các văn bản pháp luật và chính sách của Trung Quốc: Bộ luật Dân sự; Luật Bảo vệ quyền và lợi ích người tiêu dùng; Luật Chống cạnh tranh không lành mạnh; Luật An toàn thực phẩm; Luật Nhãn hiệu; Luật Cây trồng; Luật Sáng chế; Luật Bản Quyền; Luật Du lịch, Luật Hợp đồng lao động, Luật Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng; Giải thích 04/2021 của TAND tối cao; Hướng dẫn của Tòa án Nhân dân cấp cao Bắc Kinh về áp dụng hình thức bồi thường thiệt hại trong các vụ án dân sự về vi phạm sở hữu trí tuệ; Công bố 10 vụ sở hữu trí tuệ hàng đầu và 50 vụ sở hữu trí tuệ tiêu biểu tại tòa án Trung Quốc năm 2021; Đề cương xây dựng đất nước hùng mạnh về sở hữu trí tuệ (2021-2035).
  2. USTR (Cơ quan đại diện thương mại Hoa Kỳ), Báo cáo đặc biệt 301 các năm 2021, 202, 2023 về thực thi và bảo vệ sở hữu trí tuệ.
  3. Báo cáo “Thúc đẩy và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam” của VCCI và VIAC.
  4. https://dms.gov.vn/tin-chi-tiet/-/chi-tieat/bao-%C4%91ong-%C4%91o-ve-cac-hanh-vi-xam-pham-quyen-so-huu-tri-tue-39225-2.html

5.https://hanoimoi.vn/day-manh-bien-phap-tu-phap-khi-thuc-thi-quyen-so-huu-tri-tue-595120.html

 

Regulations on punitive damages in China and implications for Vietnam

LLM. Cao Thi Le Thuong

Institute of State and Law

Vietnam Academy of Social Sciences

Abstract:

China has completely established a punitive damages system for intellectual property rights at the legislative level through regulations under the 2020 Civil Code. This paper presents and analyzes regulations and practices of China's punitive damages compensation, thereby offering suggestions for Vietnam.

Keywords: intellectual property, punitive damages, non-contractual liability

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 23 tháng 10 năm 2023]