TÓM TẮT:
Bài viết phân tích thực trạng, vấn đề về bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng ở Việt Nam như những thiệt hại có thể được bồi thường, căn cứ áp dụng các biện pháp bồi thường thiệt hại và các trường hợp miễn trách nhiệm trong bồi thường thiệt hại. Bên cạnh đó, tác giả cũng đưa ra những kiến nghị và các giải pháp để hoàn thiện những vấn đề còn phát sinh pháp luật trong việc bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng tại Việt Nam.
Từ khóa: bồi thường thiệt hại, vi phạm hợp đồng, pháp luật.
1. Đặt vấn đề
Bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng là một trong những vấn đề quan trọng mà các nước trên thế giới đều xem đây là một trong những vấn đề cần quan tâm hoàn thiện. Ngày nay, mặc dù Việt Nam đã có hành lang pháp lý về bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng, nhưng vẫn còn phát sinh những khó khăn trong thực tiễn áp dụng của hệ thống pháp luật cần được quan tâm như:
- Các thiệt hại có thể được bồi thường;
- Các căn cứ áp dụng biện pháp bồi thường thiệt hại;
- Các trường hợp miễn trách nhiệm bồi thường.
Các nội dung này vẫn chưa giải quyết được một cách triệt để trong pháp luật về hợp đồng của Việt Nam. Vì vậy, cần nghiên cứu pháp luật hợp đồng tại Việt Nam bằng cách đối chiếu với các quy định tại nước Anh và các văn bản pháp lý quốc tế khác để hoàn thiện pháp luật về hợp đồng tại Việt Nam trong việc áp dụng biện pháp bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng.
2. Một số khái niệm
2.1. Hợp đồng
Theo quy định tại Điều 385 Bộ luật Dân sự 2015 (BLDS 2015), hợp đồng là “sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự”. Như vậy, theo BLDS 2015, hợp đồng được xác định là sự thỏa thuận nhằm thiết lập các quyền và nghĩa vụ của các chủ thể, thông qua mối liên hệ tự nguyện xác lập hợp đồng.
2.2. Vi phạm hợp đồng
Theo Luật Hợp đồng của Anh và các quốc gia sử dụng Common law: “vi phạm hợp đồng” được áp dụng để chỉ việc thực hiện không đúng cam kết trong hợp đồng, bao gồm: không thực hiện một phần/toàn bộ; chậm thực hiện; thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ hợp đồng.
Theo CISG (United Nations Convention on Contracts for the International Sale of Goods), UPICC (UNIDROIT Principles of International Commercial Contracts) và PECL (The Principles of European Contract Law): có các quy định khác nhau về vi phạm hợp đồng. Trong khi CISG dùng cụm từ “vi phạm hợp đồng” thì UPICC và PECL dùng cụm từ “không thực hiện hợp đồng” để đề cập hành vi không thực hiện cam kết hợp đồng. Ngoài ra, CISG còn phân biệt “vi phạm cơ bản” và “vi phạm không cơ bản” theo mức độ nghiêm trọng, còn UPICC và PECL chia thành “không thực hiện hợp đồng được miễn trách nhiệm” và “không thực hiện hợp đồng không được miễn trách nhiệm”.
Theo pháp luật Việt Nam: sử dụng cả “vi phạm hợp đồng” và “không thực hiện hợp đồng” để nói về hành vi không thực hiện đúng theo những cam kết trên hợp đồng. Cụ thể, tại khoản 12 Điều 3 Luật Thương mại 2005 (LTM 2005) quy định: “vi phạm hợp đồng là việc một bên không thực hiện, thực hiện không đầy đủ hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ theo thỏa thuận giữa các bên hoặc theo quy định của Luật này”. Ngoài ra, tại khoản 1 Điều 351 BLDS 2015 quy định: “Vi phạm nghĩa vụ là việc bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ đúng thời hạn, thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ hoặc thực hiện không đúng nội dung của nghĩa vụ”. Nghĩa vụ của hợp đồng được quy định tại Điều 398 BLDS 2015.
2.3. Biện pháp khắc phục hậu quả của hành vi vi phạm hợp đồng
Theo Civil law, Common law, CISG, UPICC và PECL: biện pháp khắc phục tình trạng vi phạm hợp đồng, gồm: biện pháp khắc phục do vi phạm hợp đồng /không thực hiện hợp đồng; chế tài đối với vi phạm hợp đồng.
Theo pháp luật Việt Nam: quy định tại BLDS 2015 sử dụng “chế tài”, “trách nhiệm dân sự”, LTM 2005 sử dụng “trách nhiệm bồi thường thiệt hại”, “biện pháp” chỉ các biện pháp khắc phục hậu quả cho hành vi không thực hiện đúng hợp đồng. Mặt khác, BLDS 2015 và LTM 2005 đều xác định “chế tài” gồm cả những biện pháp không mang lại “hậu quả pháp lý bất lợi”, mà chỉ “buộc bên vi phạm phải thực hiện nghĩa vụ mà trước đó họ đã tự nguyện cam kết thực hiện”. Điều này làm cho thuật ngữ “chế tài” để chỉ các biện pháp nhằm khắc phục việc vi phạm hợp đồng tại Việt Nam không hoàn toàn giống với cách hiểu chung của quy định quốc tế. Tại Việt Nam, “chế tài” là những biện pháp về tài sản áp dụng khi có sự vi phạm hợp đồng nhằm ngăn chặn hoặc khắc phục hậu quả của hành vi vi phạm hợp đồng, còn bồi thường thiệt hại chỉ là một “chế tài” dân sự. Điều này làm cho pháp luật về hợp đồng Việt Nam chưa có sự phân biệt giữa “trách nhiệm dân sự”, “chế tài” và “biện pháp khắc phục”.
Bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng:
- Tại Việt Nam: Điều 306 BLDS 2015 quy định “Trường hợp có thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ gây ra thì bên có nghĩa vụ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác”. Theo đó, trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ, bao gồm trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng và trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Khoản 1 Điều 229 LTM 2005 quy định bồi thường thiệt hại “là việc bên có quyền lợi bị vi phạm yêu cầu bên vi phạm trả tiền bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng gây ra”.
- Theo Common law: bồi thường thiệt hại là việc chi trả một khoản tiền như là khoản bù đắp cho những thiệt hại mà bên bị vi phạm có quyền yêu cầu bên vi phạm phải trả.
- Theo Civil law: bồi thường thiệt hại là việc chi trả một khoản tiền nhằm khắc phục những thiệt hại do chủ thể vi phạm gây ra.
3. Mối tương quan giữa biện pháp khắc phục hậu quả của hành vi vi phạm hợp đồng và bồi thường thiệt hại
Theo Luật Hợp đồng của Anh: thường sử dụng bồi thường thiệt hại nhằm mục đích khắc phục hậu quả hành vi vi phạm hợp đồng. Khi Tòa án thấy việc áp dụng bồi thường thiệt hại là không thích đáng có thể áp dụng biện pháp buộc tiếp tục thực hiện hợp đồng. Bên cạnh đó, việc hủy bỏ hợp đồng có thể được áp dụng khi hành vi vi phạm hợp đồng là vi phạm cơ bản. Tuy nhiên, không thể áp dụng kết hợp biện pháp bồi thường thiệt hại và buộc tiếp tục thực hiện hợp đồng. Ngoài ra, còn có thể áp dụng kết hợp biện pháp hủy bỏ hợp đồng và bồi thường thiệt hại nếu hành vi vi phạm hợp đồng là là vi phạm cơ bản hoặc dẫn tới hậu quả nghiêm trọng.
Theo CISG, UPICC và PECL: biện pháp buộc tiếp tục thực hiện hợp đồng được ưu tiên áp dụng nhằm duy trì sự tồn tại của hợp đồng. Ngoài ra, các văn bản này còn xem trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng là trách nhiệm không cần lỗi và biện pháp bồi thường thiệt hại có thể kết hợp với buộc tiếp tục thực hiện hợp đồng hoặc hủy bỏ hợp đồng.
Theo pháp luật Việt Nam: BLDS 2015 và LTM 2005 quy định 3 biện pháp khắc phục hậu quả của hành vi vi phạm hợp đồng tương tự luật hợp đồng của Anh, CISG, UPICC và PECL là buộc tiếp tục thực hiện hợp đồng, bồi thường thiệt hại và hủy bỏ hợp đồng. Mặc dù pháp luật hợp đồng Việt Nam không có quy định chỉ rõ thứ tự ưu tiên áp dụng biện pháp khắc phục do vi phạm hợp đồng, nhưng dựa trên các quy định tại BLDS 2015, LTM 2005 và theo nguyên tắc tại khoản 2 Điều 3 BLDS 2015 thì Việt Nam ưu tiên áp dụng biện pháp buộc tiếp tục thực hiện hợp đồng hơn bồi thường thiệt hại. Ngoài ra, theo Điều 360 BLDS 2015 và Điều 297 LTM 2005, để áp dụng bồi thường thiệt hại có các căn cứ sau đây: Thứ nhất, có hành vi vi phạm hợp đồng; Thứ hai, có thiệt hại xảy ra; Thứ ba, có quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm hợp đồng và thiệt hại xảy ra. Tại Việt Nam, việc phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại là 2 biện pháp được áp dụng riêng biệt. Theo khoản 3 Điều 418 BLDS 2015 cho thấy phạt vi phạm là có thể được áp dụng độc lập, hoặc kết hợp với bồi thường thiệt hại. Nếu các bên có thỏa thuận trước thì phạt vi phạm được áp dụng độc lập và bên vi phạm hợp đồng chỉ phải chịu phạt vi phạm mà không phải bồi thường thiệt hại. Việc chỉ phải chịu phạt cũng áp dụng nếu các bên có thỏa thuận về phạt vi phạm nhưng không thỏa thuận về việc vừa chịu phạt vi phạm và vừa bồi thường thiệt hại. Việc áp dụng kết hợp 2 biện pháp chỉ được thực hiện khi các bên thỏa thuận bên vi phạm hợp đồng vừa phải chịu phạt vi phạm và vừa phải bồi thường thiệt hại.
4. Nguyên tắc bồi thường thiệt hại
Theo quy định của Anh, CISG, UPICC và PECL: những nguyên tắc bồi thường theo thỏa thuận và bồi thường toàn bộ được thừa nhận rộng rãi.
Tại Việt Nam: việc bồi thường thiệt hại nhằm mục đích khắc phục những hậu quả của hành vi không thực hiện đúng hợp đồng. Theo Điều 360 BLDS 2015 quy định: “Trường hợp có thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ gây ra thì bên có nghĩa vụ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại”. Ngoài ra, LTM 2005 quy định tại khoản 2 Điều 302 “Giá trị bồi thường thiệt hại bao gồm giá trị tổn thất thực tế, trực tiếp mà bên bị vi phạm phải chịu do bên vi phạm gây ra và khoản lợi trực tiếp mà bên bị vi phạm đáng lẽ được hưởng nếu không có hành vi vi phạm”. Các quy định trên cho thấy bồi thường thiệt hại dựa trên nguyên tắc bồi thường toàn bộ thiệt hại. Tuy nhiên, đến nay, chưa có văn bản giải thích “bồi thường toàn bộ thiệt hại” làm cho việc hiểu “toàn bộ thiệt hại” chưa được thống nhất.
5. Thực tiễn áp dụng biện pháp bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng
Theo BLDS 2015, có 3 căn cứ để áp dụng biện pháp bồi thường thiệt hại, cụ thể:
Thứ nhất, có hành vi vi phạm hợp đồng: Hành vi vi phạm hợp đồng là điều kiện cơ bản và là tiền đề làm phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng. Vi phạm hợp đồng là hành vi không thực hiện đúng hợp đồng: không thực hiện một phần; không thực hiện toàn bộ; chậm thực hiện; thực hiện hợp đồng không đầy đủ. Bên cạnh đó, pháp luật hợp đồng Việt Nam còn quy định các trường hợp vi phạm hợp đồng, cụ thể: chậm thực hiện nghĩa vụ; không thực hiện nghĩa vụ giao vật; không thực hiện một công việc hoặc thực hiện một công việc không được phép thực hiện… Một số vi phạm hợp đồng như sau:
- Một là, vi phạm đối tượng của hợp đồng: đối tượng của hợp đồng được quy định tại Điều 281 BLDS 2015 “1. Nghĩa vụ phải thực hiện một công việc là nghĩa vụ mà theo đó bên có nghĩa vụ phải thực hiện đúng công việc đó. 2. Nghĩa vụ không được thực hiện một công việc là nghĩa vụ mà theo đó bên có nghĩa vụ không được thực hiện công việc đó”. Vi phạm trường hợp đối tượng của hợp đồng là tài sản gồm: không giao đúng vật đặc định, giao vật đặc định không đúng tình trạng đã cam kết, không giao vật cùng loại đúng số lượng và chất lượng... Vi phạm trong trường hợp đối tượng của hợp đồng là công việc, gồm: hành vi thực hiện công việc không đúng chất lượng, số lượng.
- Hai là, vi phạm thời hạn thực hiện hợp đồng: Thời hạn thực hiện hợp đồng là khoảng thời gian có hiệu lực của hợp đồng được xác định dựa trên sự thỏa thuận của các bên hoặc theo quy định của pháp luật hoặc quyết định của cơ quan có thẩm quyền. Nếu bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ trong khoảng thời gian đó thì bị xem là hành vi vi phạm hợp đồng.
- Ba là, vi phạm về địa điểm thực hiện hợp đồng: Địa điểm thực hiện hợp đồng là nơi nghĩa vụ hợp đồng được thực hiện. Về nguyên tắc, địa điểm thực hiện nghĩa vụ hợp đồng được pháp luật hợp đồng Việt Nam xác định dựa trên cơ sở sự thỏa thuận hợp pháp của các bên. Trong trường hợp các bên không có thỏa thuận về địa điểm thực hiện hợp đồng thì địa điểm này sẽ được xác định tùy thuộc tính chất của đối tượng nghĩa vụ hợp đồng. Ví dụ, nếu đối tượng là bất động sản thì địa điểm thực hiện hợp đồng là nơi có bất động sản, nếu đối tượng không phải là bất động sản thì địa điểm thực hiện hợp đồng được xác định là nơi cư trú hoặc trụ sở của bên có quyền. Trường hợp vi phạm Điều 277 BLDS 2015, Điều 35 Luật thương mại 2005 nghĩa là vi phạm về địa điểm thực hiện hợp đồng.
- Bốn là, vi phạm về phương thức thực hiện hợp đồng: là vi phạm về cách thức thực hiện hợp đồng mà các bên đã thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật hoặc theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Thứ hai, có thiệt hại xảy ra: thiệt hại có thể là trực tiếp, gián tiếp, thiệt hại về vật chất hoặc tinh thần. Cụ thể như sau:
- Thiệt hại trực tiếp và thiệt hại gián tiếp: Thiệt hại trực tiếp là những tổn thất phát sinh một cách tự nhiên khi xuất hiện hành vi vi phạm hợp đồng. Thiệt hại gián tiếp là thiệt hại không phát sinh một cách trực tiếp, mà phát sinh từ hệ quả của hành vi vi phạm hợp đồng. Thiệt hại gián tiếp thường là cơ hội bị mất. Các loại thiệt hại được bồi thường được quy định tại: khoản 2 Điều 302 LTM năm 2005 quy định: “Giá trị bồi thường thiệt hại bao gồm giá trị tổn thất thực tế, trực tiếp mà bên bị vi phạm phải chịu do bên vi phạm gây ra và khoản lợi trực tiếp mà bên bị vi phạm đáng lẽ được hưởng nếu không có hành vi vi phạm”; khoản 2 Điều 361 BLDS năm 2015 quy định để được bồi thường thì thiệt hại phải là “tổn thất vật chất thực tế” hoặc “tổn thất vật chất thực tế xác định được”. Theo đó, BLDS 2015 thể hiện thiệt hại được bồi thường gồm cả thiệt hại trực tiếp và gián tiếp.
- Thiệt hại vật chất và thiệt hại tinh thần: BLDS 2015 quy định thiệt hại có thể được bồi thường bao gồm thiệt hại về vật chất và thiệt hại về tinh thần. Theo khoản 2 Điều 361 BLDS 2015, thiệt hại về vật chất là những “tổn thất vật chất thực tế xác định được bao gồm tổn thất về tài sản, chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế, khắc phục thiệt hại, thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút”. Khoản 2 Điều 361 BLDS 2015 chưa đề cập đến các tổn thất vật chất về tính mạng, sức khỏe dù nó được ghi nhận tại Điều 590 và Điều 591 BLDS 2015. Ngoài ra, những thiệt hại vật chất nêu tại khoản 2 Điều 361 BLDS 2015, chưa bao gồm các chi phí như chi phí cho luật sư, chi phí giám định… trong khi những chi phí này được hiểu theo quy định tại khoản 2 Điều 419 BLDS 2015 là: “Người có quyền còn có thể yêu cầu người có nghĩa vụ chi trả chi phí phát sinh do không hoàn thành nghĩa vụ hợp đồng mà không trùng lặp với mức bồi thường thiệt hại cho lợi ích mà hợp đồng mang lại.”. Ngoài ra, tổn thất về tài sản do không thực hiện đúng hợp đồng được xác định trên cơ sở quy định tại điều 589 BLDS 2015. Bồi thường thiệt hại về tinh thần được quy định tại khoản 3 Điều 419 BLDS 2015: “Theo yêu cầu của người có quyền, Tòa án có thể buộc người có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại về tinh thần cho người có quyền”. Theo khoản 3 Điều 361 BLDS 2015, thiệt hại về tinh thần là những “tổn thất về tinh thần do bị xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín và các lợi ích nhân thân khác”. Nhưng BLDS 2015 không đề cập đến những thiệt hại tinh thần do thiệt hại về tài sản mang lại. Theo Điều 590 - 592, Điều 606, Điều 607 BLDS 2015, bên có hành vi vi phạm phải trả “một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần”. Do đó, BLDS Việt Nam nên bổ sung thiệt hại về tinh thần do thiệt hại về tài sản từ VPHĐ gây ra.
Thứ ba, có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm hợp đồng và thiệt hại: Nếu không có mối liên hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm hợp đồng và thiệt hại thì sẽ không thể xác lập trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Hệ thống Common law và Civil law thường đòi hỏi cần có mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại và hành vi vi phạm hợp đồng để xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Do đó, việc chứng minh hành vi vi phạm hợp đồng liên quan đến thiệt hại có vai trò mang tính quyết định đến có bồi thường thiệt hại hay không. Đối với thiệt hại gián tiếp, ngoài việc bên bị thiệt hại chứng minh được hành vi vi phạm hợp đồng đã gây ra thiệt hại, thì bên bị thiệt hại cũng cần phải chứng minh thiệt hại có mối liên hệ với hành vi vi phạm hợp đồng. Tại Việt Nam, khoản 3 Điều 303 LTM 2005 quy định: “hành vi vi phạm hợp đồng là nguyên nhân trực tiếp gây ra thiệt hại”. Pháp luật hợp đồng Việt Nam không áp đặt trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi gặp phải sự kiện bất khả kháng, khiến cho không thể thực hiện đúng nghĩa vụ hợp đồng. Mặc dù đều xác định cần có quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm hợp đồng và thiệt hại xảy ra nhưng việc xác định thiệt hại nào là thiệt hại được bồi thường thì hệ thống pháp luật các nước có thể quy định khác nhau. Đối với thiệt hại trực tiếp, các hệ thống pháp luật trên thế giới và Việt Nam đều buộc bên vi phạm hợp đồng phải bồi thường thiệt hại nếu thiệt hại đó là hệ quả thực tế, trực tiếp của hành vi vi phạm hợp đồng. Đối với thiệt hại gián tiếp, các văn bản pháp lý quốc tế và luật của Anh cho phép bồi thường thiệt hại đối với thiệt hại gián tiếp nếu thỏa mãn những điều kiện nhất định. Tại Việt Nam, quy định khoản 2 Điều 302 LTM 2005 quy định thiệt hại phải có mối liên hệ “thực tế, trực tiếp”. Việc này dễ tạo ra sự lầm tưởng rằng có sự mâu thuẫn giữa Điều 361 BLDS 2015 và Điều 589 BLDS 2015, vì những thiệt hại có thể được bồi thường theo điều khoản này gồm cả những thiệt hại gián tiếp.
Nhìn chung, pháp luật Việt Nam và các hệ thống pháp luật các nước trên thế giới đều đòi hỏi hành vi vi phạm hợp đồng và thiệt hại phải có mối quan hệ nhân quả và nhìn nhận việc bồi thường thiệt hại có thể phát sinh cả khi thiệt hại đó không phát sinh trực tiếp từ hành vi vi phạm hợp đồng mà có thể là hệ quả của việc không thực hiện đúng hợp đồng.
Ngoài ra, trách nhiệm bồi thường thiệt hại còn dựa trên yếu tố lỗi: nghĩa là trách nhiệm bồi thường thiệt hại là trách nhiệm dựa trên lỗi và việc bồi thường thiệt hại chỉ được thực hiện khi một bên có lỗi trong việc thực hiện hợp đồng.
- Theo hệ thống Common law: lỗi là “sự vi phạm những quy định của hợp đồng”. Theo đó, có sự hợp nhất lỗi với hành vi không thực hiện đúng hợp đồng.
- Theo Luật Hợp đồng của Anh: việc xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng không dựa trên yếu tố lỗi, mà việc vi phạm hợp đồng được xem là lỗi. Do đó, việc áp dụng biện pháp bồi thường thiệt hại không quan tâm đến việc bên vi phạm có lỗi hay không. Trường hợp không có điều khoản cụ thể, việc xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại phụ thuộc vào đặc tính của hợp đồng. Ví dụ, nếu hợp đồng bị vi phạm là hợp đồng dịch vụ thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại thường là trách nhiệm dựa trên lỗi, ngược lại, nếu hợp đồng bị vi phạm không phải là hợp đồng dịch vụ, mà là hợp đồng mua bán hàng hóa, thì điều khoản quan trọng là hàng hóa phải phù hợp với mô tả, phù hợp về mục đích sử dụng, chất lượng đảm bảo theo thỏa thuận trên hợp đồng. Do đó, nếu bên bán giấu những khiếm khuyết đối với hàng hóa thì cũng phải bồi thường thiệt hại không phụ thuộc vào yếu tố lỗi.
- Tại Việt Nam: lỗi được xác định dựa vào thái độ tâm lý của người có hành vi gây ra thiệt hại trên cơ sở xác định việc có nhận thức được hành vi sẽ gây thiệt hại cho người khác hay không. Pháp luật Việt Nam có sự hợp nhất lỗi với hành vi vi phạm hợp đồng. Như vậy, pháp luật Việt Nam không có sự khác biệt lớn với các quy định quốc tế trong việc xác định lỗi như hành vi vi phạm nghĩa vụ hợp đồng. Việc BLDS 2015 và LTM 2005 không quy định lỗi là căn cứ làm phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại đã giúp pháp luật hợp đồng Việt Nam tương đồng với các quy định về luật hợp đồng của các nước trên thế giới. Bên cạnh đó, LTM 2005 và BLDS năm 2015 còn xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại của bên vi phạm hợp đồng khi có hành vi thực hiện không đúng hợp đồng mà không đòi hỏi xác định trạng thái tâm lý của bên gây thiệt hại hoặc nguyên nhân dẫn đến việc không thực hiện đúng hợp đồng. Tuy nhiên, một số trường hợp để áp dụng biện pháp bồi thường thiệt hại đòi hỏi phải chứng minh bên vi phạm hợp đồng có lỗi. Ngoài ra, Khoản 2 và khoản 5 Điều 3 BLDS 2015 và các quy định về trách nhiệm dân sự do không thực hiện đúng nghĩa vụ ghi nhận nguyên tắc suy đoán lỗi trong bồi thường thiệt hại, đó là nếu không thực hiện đúng nghĩa vụ đã cam kết thì sẽ bị suy đoán là có lỗi và phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Luật của Anh và BLDS 2015 đều quy định ngoại lệ của nguyên tắc này, đó là “trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác”. Về tiêu chí để xác định lỗi pháp luật Việt Nam xem xét khả năng nhận thức việc thực hiện hành vi vi phạm có gây thiệt hại cho người khác hay không, BLDS 2015 chưa ghi nhận các điều khoản ngầm định đánh giá mức độ hoàn thành nghĩa vụ để xác định bên không thực hiện đúng nghĩa vụ có lỗi hay không có lỗi trong trường hợp bồi thường thiệt hại dựa trên lỗi. Qua đó cho thấy BLDS 2015 chưa đưa ra tiêu chí xác định lỗi khi không thực hiện đúng theo nghĩa vụ của hợp đồng.
Điều 79, 80 LTM 2005 quy định nghĩa vụ của bên cung ứng dịch vụ có thể là nghĩa vụ theo kết quả công việc hoặc nghĩa vụ theo nỗ lực và khả năng cao nhất dựa vào tính chất của loại dịch vụ mà các bên thỏa thuận trong hợp đồng.
6. Kiến nghị
Từ những phân tích nêu trên, tác giả có một số kiến nghị nhằm hoàn thiện chế định bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng tại Việt Nam như sau:
Một là, sửa đổi, bổ sung quy định về nghĩa vụ hợp đồng trong BLDS 2015: Để có thể áp dụng thống nhất trong việc đánh giá mức độ hoàn thành nghĩa vụ và lỗi của bên vi phạm, cần bổ sung phần nghĩa vụ và hợp đồng của BLDS 2015 điều khoản về tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nghĩa vụ và đánh giá lỗi của bên vi phạm bằng cách ghi nhận nghĩa vụ tương tự quy định tại Điều 79, 80 LTM 2005 và bổ sung thêm các quy định về điều khoản về tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nghĩa vụ và đánh giá hành vi không thực hiện đúng hợp đồng trong các hợp đồng có lỗi hay không.
Hai là, sửa đổi Điều 361 BLDS 2015: Xuất phát từ việc không thống nhất các quy định của pháp luật về yêu cầu đối với thiệt hại được bồi thường như khoản 2 Điều 302 LTM 2005 xác định để thiệt hại được bồi thường thì thiệt hại đó phải là thiệt hại thực tế, trực tiếp, nhưng khoản 2 Điều 361 BLDS 2015 xác định tổn thất vật chất thực tế xác định được là những thiệt hại có thể được bồi thường. Điều này làm cho khoản 2 Điều 361 BLDS 2015 có sự mâu thuẫn khi xác định tổn thất vật chất thực tế xác định được không chỉ bao gồm thiệt hại trực tiếp, mà còn bao gồm cả thiệt hại gián tiếp. Theo đó, thiệt hại có thể được bồi thường tại khoản 2 Điều 419 BLDS 2015 là khoản lợi bị mất. Mặt khác, việc liệt kê tổn thất vật chất thực tế tại khoản 2 Điều 361 làm cho điều khoản này không thể bao quát hết tất cả các thiệt hại về vật chất. Ví dụ, tổn hại về sức khỏe có thể xác định là thiệt hại vật chất, nhưng lại không được liệt kê trong điều này. Do vậy, chúng ta có thể bổ sung tổn hại về sức khỏe vào danh sách tại khoản 2 Điều 361 BLDS 2015. Trên cơ sở đó, cần sửa lại Điều 361 BLDS 2015 nhằm góp phần nâng cao tính khái quát của BLDS, đồng thời giúp việc hiểu và áp dụng pháp luật được thống nhất và hiệu quả.
Ba là, sửa đổi Điều 302 LTM 2005: Khoản 2 Điều 302 LTM năm 2005 quy định: “Giá trị bồi thường thiệt hại bao gồm giá trị tổn thất thực tế, trực tiếp mà bên bị vi phạm phải chịu do bên vi phạm gây ra và khoản lợi trực tiếp mà bên bị vi phạm đáng lẽ được hưởng nếu không có hành vi vi phạm”. Quy định này dường như đã loại bỏ những thiệt hại được bồi thường là thiệt hại gián tiếp, do đó nó cần được sửa đổi để đảm bảo tính thống nhất với BLDS 2015.
7. Kết luận
Từ những phân tích trên cho thấy thực trạng, vấn đề về bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng ở Việt Nam như những thiệt hại có thể được bồi thường, căn cứ áp dụng các biện pháp bồi thường thiệt hại và các trường hợp miễn trách nhiệm trong bồi thường thiệt hại. Bên cạnh đó, tác giả cũng đưa ra những kiến nghị và các giải pháp để hoàn thiện những vấn đề còn phát sinh pháp luật trong việc bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng tại Việt Nam.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Quốc hội (2015). Luật số 91/2015/QH13: Bộ luật Dân sự, ban hành ngày 24 tháng 11 năm 2015.
- Quốc hội (2005). Luật số 36/2005/QH11: Luật Thương mại, ban hành ngày 21 tháng 6 năm 2005.
- United Kingdom (1990). English contract law Act. UK.
- Europe (2012). The Principles of European Contract Law - PECL.
- UPICC - UNIDROIT Principles of International Commercial Contracts. [Online] Availabile at https://www.unidroit.org/wp-content/uploads/2021/06/Unidroit-Principles-2016-English-bl.pdf
- CISG - United Nations Convention on Contracts for the International Sale of Goods. [Online] Availabile at https://uncitral.un.org/sites/uncitral.un.org/files/media-documents/uncitral/en/19-09951_e_ebook.pdf
- Janet OSullivan and Jonathan Hilliard (2012). The Law of Contract. UK: Oxford University Press.
LEGAL PROVISIONS FOR COMPENSATION
FOR DAMAGES FROM BREACH OF CONTRACT IN VIETNAM:
CURRENT SITUATION AND SOLUTIONS
• Master. VAN CAP HUY
Director, Bright Vista Co.,Ltd
ABSTRACT:
This paper analyzes the current situation and issues relating to the compensatory damages for breach of contract in Vietnam, such as damages that can be compensated, legal basis for applying compensation measures, and cases of exemption from liability for compensation. The paper also makes some recommendations and proposes solutions to solve legal issues about compensation for damages from breach of contract in Vietnam.
Keywords: compensatory damages, breach of contract, law.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 3, tháng 2 năm 2023]