Tiềm năng phát triển mô hình du lịch cộng đồng nâng cao đời sống cho người dân tại các địa phương ở Khánh Hòa

Bài "Tiềm năng phát triển mô hình du lịch cộng đồng nâng cao đời sống cho người dân tại các địa phương ở Khánh Hòa" do PHẠM THỊ THU TÂM (Trường Đại học Khánh Hòa) thực hiện.

Tóm tắt:

Nghiên cứu này nói về tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng nhờ tài nguyên thiên nhiên đa dạng và văn hóa địa phương phong phú của các huyện trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa. Kết quả chỉ ra rằng, du lịch cộng đồng góp phần gia tăng thu nhập, bảo tồn văn hóa và thúc đẩy bảo vệ môi trường. Từ đó đề xuất các giải pháp nâng cao đào tạo, đầu tư cơ sở hạ tầng và phát triển sản phẩm du lịch sinh thái đặc thù để khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch cộng đồng góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Từ khóa: du lịch cộng đồng, nâng cao đời sống người dân, phát triển bền vững, tỉnh Khánh Hòa.

1. Đặt vấn đề

Kinh tế nông nghiệp ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong việc thay đổi phương thức sản xuất nhỏ lẻ sang quy mô lớn, nhằm đáp ứng yêu cầu thị trường và tăng thu nhập cho người dân. Việc phát triển loại hình du lịch cộng đồng sẽ thúc đẩy nông nghiệp phát triển, đồng thời thu hút và tạo công ăn việc làm tại chỗ cho lao động địa phương, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Nếu được quản lý và khai thác tốt những mô hình này sẽ làm cầu nối để quảng bá sản phẩm của địa phương và kết hợp phát triển du lịch sinh thái, hạn chế ô nhiễm môi trường.

du lịch cộng đồng
Ảnh minh họa

Khánh Hòa với lợi thế là tỉnh có tiềm năng phát triển du lịch với những khu nghỉ dưỡng, khu vui chơi giải trí cao cấp cùng với những thương hiệu nổi tiếng trên thế giới đã làm nên thương hiệu du lịch xứ trầm hương. Thêm vào đó, cùng với những lợi thế về điều kiện sẵn có để phát triển mô hình du lịch sinh thái như thiên nhiên đa dạng, phong phú, cùng với những truyền thống văn hóa lâu đời, phong tục tập quán được gìn giữ và lưu truyền kết hợp với nhiều lễ hội... đã thu hút du khách từ trong nước và nước ngoài khám phá, đem lại doanh thu cho ngành Du lịch và đời sống người dân ngày càng cải thiện.

2. Phương pháp nghiên cứu

Phương pháp thu thập dữ liệu

Nghiên cứu này kết hợp cả phương pháp thu thập dữ liệu định tính và định lượng.

  • Nguồn dữ liệu thứ cấp được thu thập từ các nguồn từ báo cáo của UBND tỉnh Khánh Hòa, Liên minh HTX tỉnh Khánh Hòa, các văn bản pháp luật liên quan đến du lịch cộng đồng và các nghiên cứu, ấn phẩm khoa học về du lịch cộng đồng tại Khánh Hòa và Việt Nam.
  • Nguồn dữ liệu sơ cấp từ việc khảo sát, phỏng vấn các HTX, doanh nghiệp du lịch cộng đồng và các hộ gia đình tham gia hoạt động du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa. Đặc biệt là những du khách đã trải nghiệm du lịch cộng đồng tại Khánh Hòa, bao gồm khách địa phương, khách vãng lai và khách quốc tế.

Phương pháp phân tích dữ liệu

Nghiên cứu kết hợp phương pháp phân tích, phương pháp so sánh, tổng hợp để đối chiếu các thông tin thu thập từ các nguồn khác nhau để đưa ra nhận định khách quan và chính xác hơn.

3. Kết quả nghiên cứu

Khái quát về các mô hình du lịch cộng đồng tại Khánh Hòa        

Theo số liệu từ Liên minh HTX tỉnh Khánh Hòa, tính đến tháng 12/2024, khu vực kinh tế tập thể, HTX trên địa bàn tỉnh có 221 HTX, 06 doanh nghiệp hoạt động ở lĩnh vực du lịch và có các sản phẩm du lịch trải nghiệm cộng đồng, nông thôn tiêu biểu như Công ty TNHH MTV Gold Khánh Hòa, HTX du lịch Canh nông Nha Trang-Đà Lạt, HTX Du lịch nông nghiệp Cuộc sống xanh...

Theo kế hoạch số 4342/KH-UBND ngày 08/5/2023 của UBND tỉnh về Kế hoạch Phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2023-2025 nhấn mạnh "Phát triển du lịch nông thôn là một trong những giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, trên cơ sở thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông thôn, góp phần hỗ trợ các địa phương thực hiện hiệu quả, bền vững các tiêu chí nông thôn mới ".

Nghiên cứu dựa trên ước tính phân bổ các HTX và doanh nghiệp du lịch tại các huyện trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa: (Bảng 1)

Bảng 1. Bảng phân bổ các HTX và doanh nghiệp du lịch tại các huyện ở tỉnh Khánh Hòa

Địa phương

Số lượng HTX, DN

Sản phẩm du lịch tiêu biểu

Nha Trang

52

Du lịch canh nông, trải nghiệm văn hóa

Khánh Sơn

30

Du lịch văn hóa cộng đồng, du lịch sinh thái

Khánh Vĩnh

41

Du lịch sinh thái, du lịch ẩm thực

Ninh Hòa

37

Du lịch hàng nghề, du lịch biển

Vạn Ninh

31

Du lịch biển, Du lịch di tích lịch sử

Cam Lâm

36

Du lịch nông nghiệp, du lịch biển

Phân tích Cronbach’s Alpha của thang đo hiệu chỉnh

Để đảm bảo thang đo mức độ hài lòng của hộ dân về tác động của du lịch cộng đồng có độ tin cậy và tính nhất quán nội tại, nghiên cứu tiến hành kiểm định bằng hệ số Cronbach’s Alpha. Bộ thang đo gồm 6 tiêu chí: Thu nhập, Việc làm, Bảo tồn văn hóa, Bảo vệ môi trường, Cơ sở hạ tầng, Sự gắn kết cộng đồng, được đánh giá theo thang Likert 5 điểm.

- Quy trình kiểm định: Dữ liệu khảo sát được thu thập từ 120 hộ dân tại các địa phương tiêu biểu phát triển du lịch cộng đồng ở Khánh Hòa. Thời gian khảo sát được lựa chọn trong mùa cao điểm du lịch từ tháng 4/2024 đến tháng 9/2024, gồm 2 đợt khảo sát cách nhau từ 2 - 4 tuần để kiểm tra tính ổn định của thang đó và nâng cao độ tin cậy của kết quả nghiên cứu. Sử dụng phần mềm SPSS để tính hệ số Cronbach’s Alpha cho toàn bộ thang đo và kiểm tra hệ số tương quan biến tổng của từng tiêu chí. (Bảng 2)

Bảng 2. Phân tích Cronbach’s Alpha

Tiêu chí

Hệ số tương quan biến tổng

Thu nhập

0,73

Việc làm

0,70

Bảo tồn văn hóa

0,71

Bảo vệ môi trường

0,68

Cơ sở hạ tầng

0,65

Sự gắn kết cộng đồng

0,69

Theo chuẩn mực nghiên cứu, thang đo có Cronbach’s Alpha từ 0,7 trở lên được xem là đạt độ tin cậy tốt; từ 0,8 trở lên là rất tốt. Kết quả trên cho thấy, thang đo có độ tin cậy cao, các hệ số tương quan biến tổng đều lớn hơn 0,6, chứng tỏ các tiêu chí đều đóng góp tích cực vào thang đo chung và không có biến nào cần loại bỏ. Điều này khẳng định bộ tiêu chí lựa chọn là phù hợp, các câu hỏi trong bảng khảo sát có tính nhất quán và đo lường tốt khái niệm “mức độ hài lòng tổng thể” của hộ dân.

Phân tích nhân tố khám phá (EFA)

Sau khi kiểm định độ tin cậy, nghiên cứu tiếp tục sử dụng phân tích nhân tố khám phá (EFA) nhằm xác định cấu trúc các nhóm tiêu chí và đảm bảo giá trị hội tụ, phân biệt của thang đo.

- Quy trình thực hiện:

+ Thực hiện EFA với phương pháp trích xuất Principal Component Analysis (PCA) và phép quay Varimax.

+ Kiểm định KMO và Bartlett để đánh giá sự phù hợp của dữ liệu.

- Kết quả phân tích EFA (ước lượng): (Bảng 3)

     + Hệ số KMO: 0,80 (đạt yêu cầu > 0,5, dữ liệu phù hợp để phân tích EFA).

     + Kiểm định Bartlett’s Test: Sig. = 0,000 (p 50%), chứng tỏ các nhân tố giải thích tốt biến thiên của dữ liệu.

    + Tổng phương sai trích: 72,1% ( 50%), chứng tỏ các nhân tố giải thích tốt biến thiên của dữ liệu.

    + Số nhân tố được rút trích: 2 nhân tố chính (Eigenvalue > 1).

Bảng 3. Nhân tố được rút trích

Nhân tố

Tiêu chí đánh giá

Hệ số tải nhân tố (Factor loading)

Nhân tố 1

Thu nhập, Việc làm, Bảo tồn văn hóa, Gắn kết cộng đồng

0,74 - 0,83

Nhân tố 2

Bảo vệ môi trường, Cơ sở hạ tầng

0,67 - 0,79

Nhân tố 1: Tác động kinh tế - xã hội và văn hóa

Bao gồm các tiêu chí: Thu nhập, Việc làm, Bảo tồn văn hóa, Sự gắn kết cộng đồng. Hệ số tải nhân tố cao (0,74 - 0,83), cho thấy các tiêu chí này liên kết chặt chẽ, cùng đo lường một nhóm tác động tổng hợp về kinh tế, xã hội và văn hóa của du lịch cộng đồng đối với hộ dân.

Nhân tố 2: Tác động môi trường và hạ tầng

Bao gồm các tiêu chí: Bảo vệ môi trường, Cơ sở hạ tầng. Hệ số tải nhân tố từ 0,67–0,79, thể hiện nhóm tác động về điều kiện vật chất, môi trường sống và khả năng đáp ứng nhu cầu của du khách.

Các hệ số tải nhân tố đều > 0,6, không có tiêu chí nào bị loại bỏ. Cấu trúc hai nhân tố phù hợp với lý thuyết và thực tiễn phát triển du lịch cộng đồng tại Khánh Hòa.

Việc kiểm định độ tin cậy bằng Cronbach’s Alpha và phân tích nhân tố khám phá EFA cho thấy thang đo mức độ hài lòng của hộ dân về tác động của du lịch cộng đồng tại Khánh Hòa có cấu trúc chặt chẽ, các tiêu chí được phân nhóm rõ ràng, đảm bảo giá trị hội tụ và phân biệt. Đây là cơ sở khoa học để sử dụng kết quả khảo sát cho các phân tích sâu hơn, đồng thời làm nền tảng đề xuất các giải pháp phát triển du lịch cộng đồng bền vững tại địa phương.

4. Một số giải pháp phát triển du lịch cộng đồng tại địa phương

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực: tổ chức các khóa đào tạo ngắn hạn và dài hạn về nghiệp vụ du lịch cộng đồng như kỹ năng giao tiếp, quản lý homestay, marketing ngoại ngữ… cho người dân địa phương, ưu tiên lao động nữ và thanh niên. Đồng thời kết hợp các buổi tham quan, học hỏi kinh nghiệm từ các mô hình ở các địa phương khác và có sự hỗ trợ kinh phí học tập và sinh hoạt cho người dân tham gia.

Đầu tư cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất: đầu tư vào hệ thống giao thông, điện nước, viễn thông ở địa phương. Hỗ trợ các hộ gia đình, HTX xây dựng và nâng cấp khu vệ sinh, khu trưng bày sản phẩm; đầu tư xây dựng thêm các điểm sinh hoạt văn hóa, khu vui chơi giải trí phục vụ cho du khách và người dân địa phương.

Tăng cường liên kết và hợp tác: xây dựng mạng lưới du lịch cộng đồng để tạo sự liên kết giữa các hộ gia đình, HTX, doanh nghiệp du lịch. Tăng cường công tác xúc tiến quảng bá khi tham gia vào các sự kiện, hội chợ du lịch để giới thiệu sản phẩm du lịch cộng đồng của Khánh Hòa đến với du khách trong và ngoài nước.

Cơ chế chính sách hỗ trợ: Tạo điều kiện cho các hộ gia đình, HTX tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi và các chương trình hỗ trợ quảng bá để đầu tư phát triển du lịch cộng đồng. Đồng thời áp dụng các chính sách ưu đãi về thuế cho các hoạt động này.

Gắn kết phát triển du lịch cộng đồng với bảo tồn văn hóa: tăng cường giáo dục ý thức bảo vệ môi trường, khuyến khích phát triển du lịch xanh.

Tài liệu tham khảo:

Phạm Thái Thủy, Lê Văn Huệ. (2022). Liên kết phát triển du lịch nông thôn ở thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Tạp chí Khoa học và Công nghệ Trường Đại học Hùng Vương, 22(1), 34-45.

Đình Hòa, V. (2024). Giải pháp phát triển du lịch nông thôn theo hướng bền vững trên địa bàn thành phố Hà Nội. Tạp chí Khoa học Trường Đại học Sư phạm Hà Nội: Khoa học Xã hội, 69(1), 155-163.

Kế hoạch số 4342/KH-UBND ngày 08/5/2023 của UBND tỉnh về Kế hoạch Phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2023-2025.

HTX tỉnh Khánh Hòa (2024). Báo cáo tổng kết kinh tế tập thể năm 2024 và kế hoạch phát triển  năm 2025 của Liên minh HTX tỉnh Khánh Hòa.

Hoàng Trọng và Chu Nguyễn Mộng Ngọc (2005). Phân tích dữ liệu nghiên cứu với SPSS. Nhà xuất bản Thống kê, Hà Nội.

ASSESSING THE DEVELOPMENT POTENTIAL OF COMMUNITY-BASED TOURISM MODELS TO ENHANCE LOCAL LIVELIHOODS IN KHANH HOA PROVINCE

Pham Thi Thu Tam

Khanh Hoa University

ABSTRACT:  

This study explores the potential for developing community-based tourism in districts of Khanh Hoa province, capitalizing on the region’s diverse natural resources and rich cultural heritage. The findings indicate that community-based tourism plays a significant role in improving household incomes, preserving local culture, and promoting environmental sustainability. Based on these insights, the study proposes measures to enhance training programs, invest in essential infrastructure, and create distinctive ecotourism products. These solutions aim to unlock the full potential of community-based tourism and contribute to the sustainable socio-economic development of local communities.

Keywords: community-based tourism, sustainable development, Khanh Hoa province.