TÓM TẮT:
Bài viết nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định tham gia du lịch cộng đồng của người dân tại xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Kết quả nghiên cứu định lượng cho thấy quyết định tham gia hoạt động du lịch cộng đồng bị tác động bởi 8 nhân tố như giả thuyết đưa ra ban đầu. Một số hàm ý quản trị cũng được nêu ra trong nghiên cứu để gợi ý cho các nhà quản lý du lịch, người dân địa phương và các doanh nghiệp du lịch tham khảo để phát triển du lịch cộng đồng tại địa phương.
Từ khóa: nhân tố ảnh hưởng, du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, Bàu Cá Cái, xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.
1. Đặt vấn đề
Xã Bình Thuận nằm phía Đông - Đông Bắc huyện Bình Sơn, nằm trong vùng trọng điểm của Khu Kinh tế Dung Quất với diện tích tự nhiên hơn 18,5km2, với dân số khoảng 9.000 người (Hiền, 2023). Cư dân sinh sống chủ yếu bằng nghề nông, đánh bắt thủy sản và buôn bán. Đây là vùng đất có lịch sử hình thành lâu đời cách đây hơn 200 năm mang trong mình dấu tích xưa - cũ, vẫn giữ được sự yên bình, vẽ đẹp hoang sơ tự nhiên. Có cảnh quang thiên nhiên tuyệt đẹp... gắn liền với các địa danh như: mũi Co co, núi U bò, núi Nam châm, biển Suối khoai, bãi Nhứt... Cảnh đẹp của thiên nhiên cùng với đời sống văn hóa phong phú đa dạng của con người nơi đây đã được du khách biết đến. Một minh chứng rõ nét nhất là trong dip lễ 30/4 và 1/5 năm 2022, lượng khách đến Bình Thuận đạt 1.000 lượt, một con số ấn tượng đối với một địa phương chưa được nhiều du khách biết đến.
Tuy nhiên, do điều kiện hạ tầng nơi đây chưa đảm bảo, lượng du khách còn ít và không thường xuyên, người dân chưa quen với việc làm du lịch, chưa mạnh dạn đầu tư nên chất lượng dịch vụ còn hạn chế; tổ chức hoạt động còn mang tính tự phát chưa thu hút được du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng. Từ đó dẫn đến việc thu hút người dân tham gia vào phát triển du lịch cộng đồng, phát triển kinh tế địa phương gặp nhiều trở ngại. Trước những thực trạng đó, để góp phần phát triển bền vững ngành du lịch của địa phương và thu hút người dân tham gia vào hoạt động du lịch cộng đồng tại xã Bình Sơn, tác giả quyết định thực hiện đề tài “Nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến quyết định tham gia du lịch cộng đồng của người dân tại xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi”. Nghiên cứu này sẽ góp phần tìm ra các nhân tố ảnh hưởng sự tham gia hoạt động du lịch cộng đồng của người dân tại địa phương.
2. Cơ sở lý luận và mô hình nghiên cứu
Tại Việt Nam, Luật Du lịch (2017) giải thích: “Du lịch cộng đồng là loại hình du lịch được phát triển dựa theo cơ sở các giá trị văn hóa cộng đồng, do cộng đồng dân cư quản lý, khai thác và hưởng lợi”.
Theo Võ Quế (2006): “Du lịch dựa vào cộng đồng là phương thức phát triển du lịch, trong đó cộng đồng dân cư tổ chức cung cấp các dịch vụ để phát triển du lịch, đồng thời tham gia bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và môi trường, từ đó cộng đồng được hưởng quyền lợi về vật chất và tinh thần từ phát triển du lịch và bảo tồn tự nhiên”. Bùi Thị Hải Yến (2012) thì cho rằng: “Du lịch cộng đồng có thể hiểu là phương thức phát triển bền vững mà ở đó cộng đồng địa phương có sự tham gia trực tiếp và chủ yếu trong các giai đoạn phát triển và mọi hoạt động du lịch”.
Trong khi đó, cộng đồng quốc tế cũng có những cách giải thích khác. Theo Quỹ Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới WWF: “Du lịch cộng đồng là loại hình du lịch ở đó cộng đồng địa phương có sự kiểm soát vào sự phát triển và quản lý hoạt động du lịch, phần lớn lợi nhuận thu được từ hoạt động du lịch được giữ lại cho cộng đồng”.
Nicole & Wolflang (2000) cho rằng: “Du lịch cộng đồng là loại hình du lịch ở đó cộng đồng địa phương có sự kiểm soát và tham gia chủ yếu vào sự phát triển và quản lý các hoạt động du lịch, phần lớn các lợi nhuận thu được từ hoạt động du lịch được giữ lại cho cộng đồng”.
Điểm qua một số nghiên cứu trên ta thấy các tác giả đưa ra những nhận định riêng của mình, nhưng chung quy thấy có những điểm chung sau:
Đầu tiên, các nghiên cứu thừa nhận cộng đồng dân cư địa phương là chủ thể của hoạt động du lịch cộng đồng. Tiếp đến, khách du lịch là người mang lại lợi ích kinh tế cho cộng đồng. Cuối cùng, cộng đồng địa phương sẽ nhận được lợi ích về mặt kinh tế và nâng cao dân trí. Vì vậy, trong nghiên cứu này tác giả xây dựng gồm 8 biến độc lập và 1 biến phụ thuộc được đo lường bằng thang đo có 5 lựa chọn (Hoàn toàn không đồng ý, Không đồng ý, Bình thường, Đồng ý, Hoàn toàn đồng ý). Nhiều biến trong mô hình được kế thừa từ kết quả của một số nghiên cứu trong và ngoài nước cùng với kết quả phỏng vấn chuyên gia. Các nhân tố ảnh hưởng và các biến quan sát tác động đến quyết định tham gia du lịch cộng đồng của người dân xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, bao gồm: 1) Cơ chế, chính sách của nhà nước; 2) Lợi ích từ hoạt động du lịch ở địa phương; 3) Nhận thức của cộng đồng địa phương về hoạt động kinh tế du lịch; 4) Năng lực du lịch của cộng đồng địa phương; 5) Cơ sở hạ tầng tại địa phương; 6) Mối quan hệ giữa doanh nghiệp du lịch và cộng đồng địa phương; 7) Hoạt động quảng bá hình ảnh du lịch của địa phương và 8) Lượng khách du lịch đến địa phương.
Mô hình nghiên cứu đề xuất: (Hình 1)
Hình 1: Mô hình nghiên cứu đề xuất
Các giả thuyết đề xuất:
H1: Cơ chế, chính sách của nhà nước có tương quan dương (+) với quyết định tham gia du lịch cộng đồng của người dân địa phương.
H2: Lợi ích từ hoạt động du lịch ở địa phương có tương quan dương (+) với quyết định tham gia du lịch cộng đồng của người dân địa phương.
H3: Nhận thức của cộng đồng địa phương về hoạt động kinh tế du lịch có tương quan dương (+) với quyết định tham gia du lịch cộng đồng của người dân địa phương.
H4: Năng lực du lịch của cộng đồng địa phương có tương quan dương (+) với quyết định tham gia du lịch cộng đồng của người dân địa phương.
H5: Cơ sở hạ tầng tại địa phương có tương quan dương (+) với quyết định tham gia du lịch cộng đồng của người dân địa phương.
H6: Mối quan hệ giữa doanh nghiệp du lịch và cộng đồng địa phương có tương quan dương (+) với quyết định tham gia du lịch cộng đồng của người dân địa phương.
H7: Hoạt động quảng bá hình ảnh du lịch của địa phương có tương quan dương (+) với quyết định tham gia du lịch cộng đồng của người dân địa phương.
H8: Lượng khách du lịch đến địa phương có tương quan dương (+) với quyết định tham gia du lịch cộng đồng của người dân địa phương.
3. Phương pháp nghiên cứu
Đề tài nghiên cứu sử dụng phương pháp kết hợp giữa phương pháp định tính và định lượng.
Nghiên cứu định tính bao gồm: tìm hiểu các lý thuyết về vấn đề du lịch cộng đồng, các công trình nghiên cứu nền tảng của vấn đề du lịch cộng đồng trong và ngoài nước cùng cácl ý thuyết có liên quan. Xác định thang đo chính thức và thực hiện phỏng vấn cộng đồng địa phương và nhóm chuyên gia để hoàn thiện thang đo chính thức của đề tài.
Nghiên cứu định lượng: sau khi có bảng câu hỏi chính thức, tác giả xác định tổng thể nghiên cứu và chọn mẫu nghiên cứu để phát phiếu khảo sát. Mẫu nghiên cứu trong đề tài gồm 450 đơn vị mẫu. Sau khi thu lại phiếu khảo sát, tác giả sử dụng phần mềm SPSS 20.0 để phân tích dữ liệu, các bước phân tích dữ liệu gồm: thống kê mô tả mẫu để xác định các đặc điểm ban đầu của mẫu, thống kê giá trị trung bình mẫu, tiếp đến phân tích Cronbach alpha để xác định mức độ tin cậy của dữ liệu, phân tích EFA để xác định mức độ hội tụ của dữ liệu (nhân tố), phân tích hồi qui đề xem mức độ của từng nhân tố tác động lên biến phụ thuộc.
Phương pháp lấy mẫu theo kỹ thuật thuận tiện, cỡ mẫu nghiên cứu 450 đơn vị mẫu, tuy nhiên sau khi thu lại và kiểm tra dữ liệu còn lại 406 đơn vị mẫu đưa vào phần mềm đề phân tích. Với cỡ mẫu 406 đơn vị đưa vào phân tích định lượng như vậy hoàn toàn đạt mức độ tin cậy của nghiên cứu.
4. Kết quả nghiên cứu
4.1. Kết quả phân tích mô tả định lượng
Kết quả phân tích mô tả các thang đo đều có mức trung bình từ 3,37 đến 3,58. Với mức trung bình như trên, người khảo sát chấp nhận ở mức trung lập và đồng ý. Giá trị trung bình chung ở mức đánh giá của 406 người khảo sát cho các thang đo như Bảng 1.
Bảng 1. Kết quả phân tích mô tả định lượng
Nguồn: Tác giả xử lý số liệu, 2024
4.2. Kết quả phân tích Cronbach’s Alpha
Tác giả tiến hành đánh giá độ tin cậy của các thang đo của 8 nhân tố tác động và nhân tố mục tiêu bằng hệ số tin cậy Cronbach’s Alpha, sẽ giúp loại đi các biến quan sát không đạt yêu cầu hay các thang đo chưa đạt yêu cầu trong quá trình nghiên cứu. Kết quả đánh giá hệ số tin cậy Cronbach’s Alpha với các biến quan quan sát trong các thang đo đều lớn hơn 0.6 và các hệ số tương quan tổng biến quan sát phù hợp lớn hơn 0.3. Kết quả trên cho thấy tất cả các thang đo đều đạt độ tin cậy để đưa vào phân tích nhân tố khám phá EFA được thể hiện ở Bảng 2.
Bảng 2. Phân tích Cronbach’s Alpha
Nguồn: Tác giả xử lý số liệu, 2024
4.3. Kết quả phân tích nhân tố khám phá (EFA)
Kết quả phân tích EFA cho thấy tất cả các biến quan sát của các thang đo và tất cả các thang đo điều tin cậy thông kê để phân tích các bước tiếp theo. Kết quả phân tích 8 nhân tố tác động đến quyết định tham gia DLCĐ có KMO đạt 0,858; Eigenvalue > 1 dừng ở nhân tố thứ 8, tổng phương sai trích dùng để giải thích nhân tố 61,174% > 50% và không có biến quan sát nào có hệ số tải nhân tố < 0,5. Tương tự kết quả phân tích EFA của thang đo quyết định tham gia DL CĐ tất cả 03 biến quan sát hội tụ và các hệ số đều tin cậy cho nghiên cứu tiếp theo. Thang đo này có kết quả KMO là 0,700; giá trị Eigenvalue = 2,087 > 1; phương sai trích đạt 69,565% > 50%, đạt yêu cầu. Các biến quan sát đều có hệ số tải nhân tố > 0,5. Qua các bước phân tích nhân tố khám phá tất cả các biến quan sát và các thang đo đều được giữa lại và không thay đổi.
4.4. Kết quả phân tích tương quan (Pearson)
Kết quả phân tích cho thấy các biến độc lập đều có hệ số tương quan với biến phụ thuộc r > 0,1, tất cả các biến độc lập đều tương quan với biến phụ thuộc. Vì không có hệ số tương quan giữa tường cặp nào bằng 1 (r = 1) nên không xuất hiện hiện tượng đa cộng tuyến giữa các biến độc lập với nhau. Như vậy, các biến độc lộc đều phù hợp phân tích hồi quy.
4.5. Phân tích hồi quy và kiểm định mô hình
Nhìn vào Bảng 3 ta thấy hệ số xác định R2 = 0,673 và R2 hiệu chỉnh (Adjuster R Square) = 0,666. Như vậy, mô hình hồi quy là phù hợp, các biến độc lập trong mô hình giải thích được khoảng 67% phương sai của biến TGDLCĐ. Còn lại 33% là do sự tác động của các yếu tố khác không được đưa vào mô hình nghiên cứu.
Kết quả kiểm định giả thuyết về độ phù hợp của mô hình Bảng 3 cho giá trị thống kê F được tính từ giá trị R2 đầy đủ khác 0, giá trị Sig < 0,0001 nên giả thuyết của mô hình sử dụng là phù hợp.
Thêm vào đó, hệ số phóng đại phương sai VIF của các biến độc lập trong mỗi mô hình đều nhỏ hơn 2, thể hiện tính đa cộng tuyến của các biến độc lập là không có và các biến trong mô hình đều được chấp nhận.
Hệ số Durbin-Watson = 2,157 cho thấy mô hình không vi phạm khi sử dụng phương pháp hồi qui bội, chấp nhận giả thuyết không có sự tương quan chuỗi bật nhất trong mô hình. Như vậy, mô hình hồi quy bội thỏa mãn các điều kiện đánh giá và kiểm định độ phù hợp cho việc rút ra các kết quả nghiên cứu.
Kiểm định giả thuyết về ý nghĩa của hệ số hồi quy, kết quả cho thấy các biến độc lập đều có hệ số Sig < 0,05. Kết quả này có thể kết luận tất cả các biến độc lập đều có ý nghĩa thống kê và được chấp nhận.
Như vậy, mô hình hồi quy đánh giá mức độ ảnh hưởng của các yếu tố tới quyết định tham gia DLCĐ của CĐP xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn, Tỉnh Quảng Ngãi được viết lại như sau:
Y = 0,256PCLI + 0,224NLCĐ + 0,220QBHA + 0,175QHDN + 0,161CSNN
+ 0,150NTCĐ + 0,097LKDL + 0,033CSHT
Bảng 3. Kết quả phân tích hồi quy
Nguồn: Tác giả xử lý số liệu, 2024
5. Kết luận
Kết quả thống kê mô tả cho thấy mức trung bình về quyết định tham gia DL CĐ ở mức 3,46. Với kết quả này có thể khẳng định cộng đồng địa phương vẫn có hướng quyết định tham gia vào hoạt động du lịch cộng đồng tại địa phương.
Sự tham gia hoạt động du lịch cộng đồng của người dân địa phương chịu sự tác động bởi 8 biến độc lập (Bảng 3), thể hiện mức độ quan tâm của người dân tại xã Bình Thuận đối với mỗi biến độc lập. Theo mô hình hồi quy ở trên, ta thấy nhân tố “Lợi ích từ hoạt động du lịch ở địa phương” (beta chuẩn hoá = 0,256) tác động mạnh nhất đến quyết định tham gia hoạt động du lịch cộng đồng của người dân tại xã Bình Thuận, thể hiện mức độ quan tâm hàng đầu của người dân về những lợi ích mà du lịch công đồng mang lại cho họ. Nhìn vào kết quả thống kê mô tả cho thấy mức đánh giá của du khách là 3,5 - ở mức trung lập, vẫn chưa đồng ý hoàn toàn với “Lợi ích từ hoạt động du lịch ở địa phương”. Theo quan sát thực tế của tác giả, du lịch mang lại thu nhập tăng thêm cho người dân nhưng chưa biết hiểu rõ nguồn lợi thu về được chia sẻ như thế nào giữa các bên tham gia. Tuy nhiên, do quy mô hoạt động du lịch tại đia phương còn nhỏ và sự hiểu biết về hoạt động kinh tế du lịch tại địa phương còn hạn chế.
Tiếp theo nhân tố “Năng lực du lịch của CĐ ĐP” có hệ số hồi quy là 0,224 lớn thứ hai trong các hệ số hồi quy, nên nhân tố này cũng tác động lớn đến quyết định tham gia hoạt động du lịch cộng đồng của người dân xã Bình Thuận. Tuy nhiên ta thấy mức đánh giá trung bình cho nhân tố này thấp 3,37, điều này cũng dễ lý giải vì tỷ lệ người dân được đào tạo bài bản về hoạt động kinh tế du lịch, cách quản lý và khả năng giao tiếp phục vụ khách du lịch còn khiêm tốn. Bên cạnh đó, thiếu vốn đầu tư ban đầu cũng làm ảnh hưởng đến năng lực tham gia.
Nhân tố “Hoạt động quảng bá hình ảnh du lịch của địa phương” có hệ số hồi quy là 0,220 lớn thứ ba, nên nhân tố này cũng tác động lớn đến quyết định tham gia hoạt động du lịch cộng đồng của người dân xã Bình Thuận. Vì người dân quan tâm đến việc làm sao để thu hút khách du lịch đến với địa phương của mình. Người dân cần chính quyền địa phương có những hoạt động nhằm đưa hình ảnh địa phương đến với du khách, cũng như hỗ trợ họ cách quảng cáo và giới thiệu hình ảnh của họ.
Tiếp đến nhân tố “Mối quan hệ giữa doanh nghiệp du lịch và cộng đồng địa phương” có hệ số hồi quy là 0,175 lớn thứ tư, nên nhân tố này cũng tác động lớn đến quyết định tham gia hoạt động du lịch cộng đồng của người dân xã Bình Thuận. Điều này cũng dễ hiểu khi người dân cần các doanh nghiệp đưa khách đến với địa phương, doanh nghiệp vừa là đối tác vừa là người hỗ trợ người dân trong việc phục vụ và chăm sóc du khách. Với hoạt động du lịch cộng đồng thì sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các doanh nghiệp và cộng đồng địa phương lại được thể hiện rất rõ trong thực tiễn.
Càng về sau mức độ quan tâm của người dân đối với các biến độc lập càng thấp hơn thể hiện theo thứ tự sau: “Cơ chế, chính sách của nhà nước” với hệ số hồi quy là 0,161 đứng thứ năm; “Nhận thức của CĐ ĐP về hoạt động kinh tế du lịch” hệ số hồi quy là 0,150 đứng thứ sáu; “Lượng khách du lịch đến địa phương” hệ số hồi quy là 0,097 đứng thứ bảy; “Cơ sở hạ tầng tại địa phương” hệ số hồi quy là 0,033 đứng thứ tám. Rỏ ràng các nhân tố này đều có ảnh hưởng đến quyết định tham gia hoạt động du lịch cộng đồng của người dân tại xã Bình Thuận, nhưng mức độ ảnh hưởng thấp hơn vì người dân ưu tiên quan tâm đến các nhân tố mà họ cho là có tác động nhiều hơn được thể hiện qua hàm hồi quy mà tác giả đã nghiên cứu ở trên.
6. Hàm ý quản trị
Để khuyến khích và giúp người dân tham gia vào hoạt động du lịch cộng đồng tại xã Bình Thuận, tác giả đưa ra vài hàm ý quản trị để người dân và chính quyền địa phương tham khảo, cải tiến mô hình hoạt động du lịch cộng đồng tại địa phương.
Thứ nhất, các bên tham gia vào hoạt động du lịch cần phải minh bạch trong việc phân chia nguồn lợi thu được theo các nguyên tắt đã thống nhất từ trước. Chính quyền nên là trung gian đảm bảo hài hòa lợi ích các bên tham gia, đảm bảo công bằng và đúng với pháp luật cũng như chính sách phát triển du lịch tại địa phương.
Thứ hai, người dân chủ động trong việc tìm hiểu các kiến thức về hoạt động của kinh tế du lịch, các kỹ năng trong quản lý, giao tiếp, phục vụ và giới thiệu hình ảnh đến khách du lịch. Chính quyền, đoàn thể địa phương doanh nghiệp cùng hỗ trợ người dân trong việc tiếp cận nguồn vốn, cũng như các hoạt động đào tạo về du lịch, là chỗ dựa vững chắc cho người dân quyết định tham gia vào hoạt động du lịch.
Thứ ba, xã Bình Thuận là điểm đến du lịch còn tương đối mới chưa được biết đến nhiều trên cả nước, vì vậy cần phải tăng cường công tác xúc tiến, quảng bá hình ảnh du lịch địa phương trên các phương tiện thông tin đại chúng và trên không gian mạng Internet. Các doanh nghiệp tích cực trong việc quảng cáo điểm đến, đặc biệt là hệ sinh thái ngập nước Bàu Cá Cái.
Thứ tư, tiếp tục hoàn thiện mô hình du lịch cộng đồng tại địa phương, hướng đến liên kết mạnh mẽ hơn nữa giữa quản lý nhà nước, các doanh nghiệp du lịch và cộng đồng địa phương. Mối quan hệ giữa doanh nghiệp và cộng đồng địa phương có tính tương hỗ với nhau, mục đích là cùng phục vụ để thỏa mãn nhu cầu của khách du lịch. Cộng đồng địa phương xây dựng hình ảnh mang tính tập thể và thống nhất, tránh trường hợp mỗi người làm mỗi kiểu và phân biệt khách du lịch.
Thứ năm, đối với cơ quan quản lý nhà nước cần xây dựng chiến lược và chính sách phát triển du lịch rõ ràng, hỗ trợ người dân về tiếp cận nguồn vốn, cách thức tổ chức quản lý. Chính quyền địa phương tăng cường hướng dẫn cho cộng đồng địa phương bằng các buổi tập trung hoặc dạng sổ tay hướng dẫn trình bày đơn giản dễ hiểu. Tuyên truyền nâng cao nhận thức và hỗ trợ các doanh nghiệp, cộng đồng địa phương tham gia các hoạt động du lịch; đồng thời khuyến khích, tôn vinh các tổ chức, cá nhân điển hình trong xã.
Thứ sáu, nhận thức của người dân tại xã Bình Thuận về du lịch cộng đồng cũng là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến quyết định tham gia hoạt động du lịch. Tác giả kiến nghị chính quyền địa phương phải tiếp tục vận động tuyên truyền người dân tham gia, phát huy mạnh mẽ vai trò của các đoàn thể chính trị xã hội, đặc biệt là Đoàn Thanh Niên, Hội Phụ Nữ xã trong hoạt đông này.
Thứ bảy, lượng khách đến với xã cũng là một trong những yếu tố thu hút người dân tham gia, nhân tố này có ý nghĩa đặc biệt, kích thích người dân tham gia vào hoạt động du lịch cộng đồng. Do đó, công tác quảng bá của nhà nước cũng như các doanh nghiệp phải tiếp tục mạnh mẽ hơn nữa, mở rộng thị trường và tìm kiếm thị trường mới, tập trung vào chất lượng nguồn khách, kéo dài thời gian lưu trú cũng như mức chi tiêu bình quân của họ.
Cuối cùng, người dân địa phương nên cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất phục vụ du lịch, đảm bảo an toàn và an ninh cho khách như số lượng người trên thuyền, áo phao và các phương án xử trí khi có sự cố ngoài ý muốn.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Bùi Thị Hải Yến, (2012). Du lịch cộng đồng. Hà Nội: Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.
2. Hiền (2023). Xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn đạt chuẩn nông thôn mới. Truy cập tại https://nongthonmoi.quangngai.gov.vn/i141-xa-binh-thuan,-huyen-binh-son-dat-chuan-nong-thon-moi.aspx#
3. Quốc hội (2017). Luật số 09/2017/QH14: Luật Du lịch, ban hành ngày 19 tháng 6 năm 2017.
4. Võ Quế (2006). Du lịch cộng đồng lí thuyết và vận dụng, tập 1. Hà Nội: Nxb Khoa học và Kĩ thuật
5. Nicole Hausler & Wolfang Strasdas (2000). Community - based Sustainable Tourism: A Reader. USA: ASSET Press.
A STUDY ON THE FACTORS AFFECTING LOCAL PEOPLE'S DECISION
TO PARTICIPATE IN COMMUNITY-BASED TOURISM
IN BINH THUAN COMMUNE, BINH SON DISTRICT, QUANG NGAI PROVINCE
• Master. VO CHI LINH
Lecturer, Faculty of Business Administration, Ho Chi Minh City Open University
ABSTRACT:
This study explored the factors affecting local people's decision to participate in community-based tourism in Binh Thuan commune, Binh Son district, Quang Ngai province. The study’s quantitative research results showed that the decision of local people to participate in community-based tourism activities is influenced by eight factors as initially hypothesized. Some management implications were proposed to help tourism managers, local people, and tourism businesses develop local community-based tourism.
Keywords: influencing factors, community-based tourism, eco-tourism, Bau Ca Cai, Binh Thuan commune, Binh Son district, Quang Ngai province.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghê, số 14 tháng 6 năm 2024]