Theo đó, thực vật biến đổi gen đủ điều kiện sử dụng làm thực phẩm, thức ăn chăn nuôi phải được đánh giá theo 5 tiêu chí rủi ro, trong đó có đánh giá khả năng hình thành các hợp chất mới, khả năng gây bệnh hoặc các tác động bất lợi khác đến sức khoẻ con người và vật nuôi; đánh giá khả năng gây độc tố của các chất mới là sản phẩm biểu hiện của gen chuyển nếu được sử dụng làm thực phẩm, thức ăn chăn nuôi…
Thực vật biến đổi gen chỉ được cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện sử dụng làm thực phẩm, thức ăn chăn nuôi nếu đã được nước phát triển cho phép sử dụng làm thực phẩm, thức ăn chăn nuôi và chưa xảy ra rủi ro ở các nước đó trong vòng ít nhất 5 năm hoặc đã được Hội đồng an toàn thực phẩm, thức ăn chăn nuôi (Hội đồng) thẩm định hồ sơ đăng ký cấp Giấy xác nhận thực vật biến đổi gen đó đủ điều kiện sử dụng làm thực phẩm, thức ăn chăn nuôi và kết luận thực vật biến đổi gen đó không có các rủi ro không kiểm soát được đối với sức khỏe của con người và vật nuôi.
Trong trường hợp thực vật biến đổi gen đã được cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện sử dụng làm thực phẩm thì thực vật biến đổi gen đó được sử dụng làm thức ăn chăn nuôi. Thông tư cũng cho phép cấp Giấy xác nhận cho thực vật biến đổi gen là kết quả của quá trình lai quy tụ bằng phương pháp lai tạo truyền thống từ hai hoặc nhiều sự kiện chuyển gen đơn lẻ đã được cấp Giấy xác nhận.
Bên cạnh đó, Giấy xác nhận sẽ bị xem xét thu hồi trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 29 và khoản 1 Điều 34 của Nghị định 69/2010/NĐ-CP ngày 21/6/2010 của Chính phủ về an toàn sinh học đối với sinh vật biến đổi gen, mẫu vật di truyền và sản phẩm của sinh vật biến đổi gen (gọi tắt là Nghị định 69/2010/NĐ-CP). Căn cứ từng trường hợp cụ thể, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, quyết định việc thu hồi Giấy xác nhận.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 10 tháng 3 năm 2014. Chi tiết Thông tư số 02/2014/TT-BNNPTNT về quy định trình tự, thủ tục cấp và thu hồi giấy xác nhận thực phẩm biến đổi gen đủ điều kiện sử dụng làm thực phẩm, thức ăn chăn nuôi xem tại đây.