Toạ đàm bàn tròn do Liên hiệp Khoa học phát triển du lịch bền vững (STDe) vừa diễn ra tại Hà Nội đã đi sâu vào nội dung: “Qui hoạch và kiến trúc du lịch hậu Covid-19”. Toạ đàm đã qui tụ các sáng kiến, giải pháp từ các nhà quản lý, nhà khoa học, kiến trúc sư, doanh nghiệp, báo chí… nhằm thích ứng với bối cảnh đại dịch Covid-19.
Các chuyên gia tại toạ đàm đã tập trung thảo luận 3 vấn đề chính: Xu hướng du lịch hậu Covid- 19 tác động như thế nào đến qui hoạch và kiến trúc du lịch? Qui hoạch và kiến trúc du lịch cần thay đổi như thế nào? Đề xuất hướng đi, giải pháp trước mắt và kế hoạch lâu dài để qui hoạch, kiến trúc du lịch thích ứng với hậu Covid- 19 và các biến đổi thiên nhiên xã hội khác.
Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, GS.TS Nguyễn Quốc Thông đặt vấn đề: Covid-19 là cơ hội để con người nhìn lại chính mình và sản phẩm của chính mình để xem có cần sửa chữa, điều chỉnh gì không? Covid khiến con người phải dãn cách và cách ly để an toàn, phải chăng đây cũng là thông điệp của Covid đến xu hướng sắp tới của qui hoạch và kiến trúc, phải chăng đã đến lúc qui hoạch và kiến trúc cần phải dãn cách và giữ mật độ xây dựng thấp để đảm bảo sự an toàn và tính linh hoạt, để có thể sống chung với các biến đổi thiên nhiên, xã hội.
Covid- 19 cũng là cơ hội để con người tìm về chính mình để sáng tạo ra bản sắc của riêng mình. Thời gian qua, kiến trúc Việt Nam đã hướng quá nhiều về phương Tây đến mức không còn bản sắc. Giai đoạn này chính là cơ hội để kiến trúc Việt Nam tìm về bản sắc truyền thống. Không gian qui hoạch và kiến trúc cần đa dạng, linh hoạt và thích ứng để góp phần hỗ trợ con người có được tâm lý thanh thản, an nhiên trước những biến động cuộc đời.
Tại toạ đàm, TS. KTS. Nguyễn Thu Hạnh (Chủ tịch Liên hiệp Khoa học Phát triển Du lịch bền vững STDe) nhận định: sau đại dịch, đa số khách du lịch sẽ quan tâm đến các loại hình du lịch nghỉ dưỡng, hồi phục và chăm sóc sức khoẻ; Du lịch trở về thiên nhiên hoang dã, môi trường trong sạch, yên tĩnh; Du lịch tìm về chính mình (du lịch cách ly ở trong những khu du lịch có mật độ thấp, nhà nghỉ độc lập, tự cung tự cấp); Du lịch qua thế giới ảo, khám phá và trải nghiệm thế giới bằng công nghệ 4.0.
Theo quan điểm của TS. Hạnh, hậu Copvid-19 sẽ có 3 xu hướng chính trong qui hoạch và kiến trúc du lịch, đó là: Xu hướng qui hoạch - kiến trúc Sinh thái, xu hướng kiến trúc hữu cơ và kiến trúc bản địa.
Xu hướng qui hoạch- kiến trúc sinh thái và kiến trúc hữu cơ có điểm chung là đều tôn trọng thiên nhiên, dựa vào cấu trúc của thiên nhiên để qui hoạch và thiết kế công trình du lịch. Qui hoạch và kiến trúc gắn liền với tự nhiên, tích hợp với các đặc điểm cơ bản của tự nhiên, tận dụng năng lượng tự nhiên, giảm thiểu ô nhiễm.
Chính nhờ sự gắn bó hữu cơ với tự nhiên nên kiến trúc dễ dàng tạo dựng tính độc đáo cho riêng mình do các điều kiện tự nhiên ở mỗi khu vực đều có đặc điểm riêng, không có sự trùng lặp. Xu hướng qui hoạch- kiến trúc bản địa khai thác mô hình làng xã truyền thống trong bố cục qui hoạch không gian và kiến trúc công trình, phù hợp với đặc trưng văn hóa và điều kiện khí hậu Việt Nam.
Những bộ mái dốc, kết cấu che nắng, các họa tiết trang trí truyền thống kết hợp với cây xanh, mặt nước khi được đưa vào một cách hợp lý trong các công trình hiện đại có thể dễ dàng tạo ra hình thái kiến trúc độc đáo mang tính bản địa rõ ràng. Kiến trúc bản địa thường sử dụng vật liệu địa phương, thân thiện với môi trường, dễ dàng tạo ra tính độc đáo của công trình,
Từ thực tế, phó Chủ tịch Hội Quy hoạch đô thị Việt Nam, GS.TS Nguyễn Lân nhìn nhận, qua thời gian đối phó với dịch Covid-19, có thể thấy khách du lịch quốc tế không mong muốn phải ở trong tình trạng cách ly 14 ngày khi tới một điểm tham quan bên ngoài quốc gia, hơn thế nữa khi về địa phương họ lại tiếp tục chịu cách ly thêm 14 ngày, thậm chí nhiều hơn nữa.
“ Nắm bắt tâm lý đó, các doanh nghiệp cần lên kế hoạch xây dựng sản phẩm du lịch với các loại hình không gian lưu trú phù hợp sao cho khai thác được khoảng thời gian cách ly của khách ngay sau khi đón khách quốc tế trở lại. Không gian cho loại hình du lịch này chính là những hòn đảo, bãi biển, khu sinh thái... đủ điều kiện về cảnh quan, thiên nhiên, môi trường và các điều kiện y tế...”, GS.TS Nguyễn Lân cho hay.
Đề xuất hướng đi và giải pháp trước mắt và kế hoạch lâu dài để quy hoạch, kiến trúc du lịch thích ứng với thời kỳ hậu Covid-19, PGS.TS Phạm Hùng Cường ( Đại học Xây Dựng) cho rằng, các làng truyền thống sẽ là một giải pháp lựa chọn giúp du khách có khoảng thời gian cách ly an toàn.
Bài học rút ra từ việc chống dịch của làng Hạ Lôi (Hà Nội), Sơn Lôi (Vĩnh Phúc)... cho thấy, đây vừa là gợi ý, vừa là cơ hội để các gia đình cho con em mình tham gia vào các hoạt động trải nghiệm sinh thái nông thôn, loại hình du lịch này cũng giúp phục hồi hệ sinh thái đang dần mất đi tại vùng nông thôn.
“Tôi thích một kiến trúc mà mình phải dựa vào nó, đó không thể khác là các làng quê. Bởi thực tế, nhiều làng quê tại Việt Nam đã tồn tại từ 400 - 500 năm, là khoảng thời gian bền vững, từ đó cho thấy một giá trị mới mà chúng ta phát hiện ra qua đại dịch vừa rồi là tính thích nghi với các vấn đề bất thường, nói theo thuật ngữ của kiến trúc là tính phục hồi, tính giảm thiểu, thích ứng rất tốt”, ông Cường nói.
Để thiết kế các công trình kiến trúc nhằm thích ứng với bối cảnh đại dịch, KTS Hồ Mộng Long, CEO HML-Architecture đưa ý kiến, cần xác định rõ mục đích nhà đầu tư mong muốn mô hình đầu tư nào, khai thác tiềm năng gì. Từ đó mới tính đến những tư duy về tiết kiệm năng lượng và bền vững. Ví dụ, công trình đó có thể lưu giữ nước mưa, khai thác ánh sáng và gió trời.
Kết thúc hội thảo, TS. Nguyễn Thu Hạnh, chủ tịch STDe bày tỏ mong muốn được liên kết chặt chẽ với các nhà quản lý, các nhà khoa học và doanh nghiệp trên diện rộng để triển khai đầu tư các dự án du lịch theo cách tư duy mới, linh hoạt và thích ứng tốt hơn với giai hậu Covid-19.