Theo đó, tổng kim ngạch xuất khẩu
tháng Ba ước đạt 12 tỷ USD, tăng 2,46 tỷ USD so tháng trước.
Lũy kế quý I, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 33,35 tỷ USD, tăng 14,1% so với cùng
kỳ năm 2013. Trong đó, khu vực doanh nghiệp 100% vốn trong nước xuất khẩu gần
10,9 tỷ USD, tăng 9,8%; các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu
thô) đạt 22,47 tỷ USD, tăng 16,3%.
Đóng góp lớn vào kết quả xuất khẩu chung phải kể đến nhóm hàng công nghiệp chế
biến, khi 3 tháng đầu năm, nhóm này đem về hơn 23,5 tỷ USD, chiếm 70,6% trong
tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng 17,6% so với cùng kỳ năm 2013, tương đương với
tăng hơn 3,5 tỷ USD.
Trong đó, đóng góp nhiều nhất là gỗ và sản phẩm gỗ với mức tăng 23,3%; hàng dệt
và may mặc tăng 21,9%; giày, dép các loại tăng 25,9%; điện thoại các loại và
linh kiện tăng 22,7%; phương tiện vận tải và phụ tùng tăng 26,7%; máy móc,
thiết bị phụ tùng tăng 9,7%.
Xét về thị trường hàng hóa xuất khẩu, trong quý I, Hoa Kỳ là thị trường lớn
nhất với kim ngạch ước đạt 5,9 tỷ USD, tăng 22,9% so với cùng kỳ 2013. Ngoài ra
EU cũng đạt 5,9 tỷ USD, tăng 7,5%; ASEAN đạt 4,7 tỷ USD, tăng 6,4%; Trung Quốc
3,8 tỷ USD, tăng 30,2%; Nhật Bản 3,6 tỷ USD, tăng 17,8%.
Bên cạnh những con số tăng trưởng như vậy, giá và lượng của nhiều mặt hàng xuất
khẩu chủ lực đang giảm mạnh là gam màu tối của bức tranh xuất khẩu quý I nói
chung.
Theo thống kê 3 tháng đầu năm, nhóm hàng nông sản bao gồm các mặt hàng như cà
phê, cao su, sắn và sản phẩm từ sắn do chịu ảnh hưởng của thời tiết nên giá
xuất khẩu đã bị giảm từ 2-24,8%.
Ngoài ra, nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản quý I năm 2014 ước đạt 2,3 tỷ USD,
chiếm gần 7,0% trong tổng kim ngạch xuất khẩu cũng giảm 9,0% so với cùng kỳ năm
2013 do giá nhiều mặt hàng trong nhóm này đi xuống. Trong đó, giảm sâu nhất là
mặt hàng quặng và khoáng sản giá giảm tới 66,3%; than đá giảm 26,9%...
Với mục tiêu kim ngạch xuất khẩu cả năm đạt 145,4 tỷ USD, tăng 10% so với năm
ngoái thì bình quân mỗi tháng tiếp theo phải đạt hơn 12,4 tỷ USD, trong khi ba
tháng đầu năm mới đạt 11,12 tỷ USD/tháng. Vì vậy, để cán đích như kế hoạch đề
ra thì cần nhiều hơn nữa những cơ chế chính sách tháo gỡ khó khăn cho doanh
nghiệp.
Nhập khẩu cũng đang gặp áp lực với mục tiêu kiểm soát kim ngạch nhập khẩu cả
năm ở mức dưới 10 tỷ USD. Tính trong quý I/2014, lượng hàng hóa cần kiểm soát
nhập khẩu đã tăng 12,0%, còn nhóm hàng cần hạn chế nhập khẩu tăng 9,2% so với
cùng kỳ, trong đó ôtô nguyên chiếc dưới 9 chỗ tăng 78,7%, điện thoại di động
tăng 25,3%.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Dương Quang yêu cầu các cơ quan chức năng thuộc Bộ
thường xuyên tiếp xúc với doanh nghiệp để trực tiếp lắng nghe những phản ánh và
vướng mắc, qua đó đề xuất những giải pháp hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp.
Bộ Công Thương cũng kiến nghị các bộ ngành liên quan, tiếp tục ưu tiên cấp tín
dụng, bảo đảm đủ vốn cho nông dân và doanh nghiệp mua gom nguyên liệu sản xuất
hàng xuất khẩu; khuyến khích doanh nghiệp đa dạng hóa ngoại tệ trong giao dịch;
có quy chế để ngân hàng thương mại bảo đảm lãi suất cho doanh nghiệp sản xuất
và xuất khẩu.
Theo Bộ Công Thương, 3 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu cả
nước đạt 33,35 tỉ USD, tăng 14,1% so với cùng kỳ năm 2013. Kim ngạch nhập khẩu
đạt 32,3 tỷ USD, tăng 12,4% so với cùng kỳ năm 2013. Tính chung cả quý I, cả
nước xuất siêu hơn 1 tỷ USD, trong khi khối các doanh nghiệp trong nước nhập
siêu hơn 2,9 tỷ USD thì khối các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài xuất
siêu hơn 3,9 tỷ USD.
Tính đến hết quý I năm 2014 đã có 10 nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu đạt trên
1 tỷ USD là thủy sản, cà phê, dầu thô, gỗ và sản phẩm gỗ, dệt may, da giày, máy
vi tính, sản phẩm điện tử; điện thoại các loại và linh kiện, máy móc thiết bị
dụng cụ phụ tùng và phương tiện vận tải.