Kinh tế Đà Nẵng có bước chuyển biến tích cực
Sáng 28/6, Cục Thống kê thành phố Đà Nẵng tổ chức Họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2024.
Theo báo cáo của Cục Thống kê thành phố Đà Nẵng, nhịp độ tăng trưởng trong quý 1/2024 có phần yếu đi so với cùng kỳ năm 2023. Tuy nhiên, bước sang quý 2, kinh tế Đà Nẵng đã có bước chuyển biến tích cực.
Cụ thể, tính chung 6 tháng đầu năm 2024, GRDP của thành phố ước tăng 5%, cao hơn mức tăng 3,48% của cùng kỳ năm 2023 và cao hơn mức tăng bình quân 3,54% của 6 tháng đầu năm giai đoạn 2020-2024.
Ông Trần Văn Vũ - Cục Trưởng Cục Thống kê thành phố Đà Nẵng thông tin, trong mức tăng 5% toàn nền kinh tế trong 6 tháng qua, khu vực dịch vụ tăng 5,99%, đóng góp chính cho tăng trưởng GRDP chung với 4,17 điểm phần trăm; khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 1,70%, đóng góp 0,32 điểm; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng nhẹ 0,85%, đóng góp 0,02 điểm và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 5,17%, đóng góp 0,49 điểm.
Quy mô nền kinh tế thành phố trong 6 tháng theo giá hiện hành ước đạt hơn 72.303 tỷ đồng, mở rộng hơn 7.050 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2023.
Xét trên phạm vi cả nước, quy mô GRDP của Đà Nẵng trong 6 tháng đầu năm 2024 tiếp tục duy trì vị trí thứ 17/63 tỉnh, thành phố và dẫn đầu các tỉnh, thành phố khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ.
Thương mại và dịch vụ tiếp tục là điểm sáng
Về khu vực công nghiệp và xây dựng, theo báo cáo của Cục Thống kê thành phố Đà Nẵng, sự tăng trưởng mạnh mẽ của kinh tế số và xu hướng chuyển đổi xanh, liên kết kinh tế đã và đang tạo ra những cơ hội lớn cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam nói chung và thành phố Đà Nẵng nói riêng bứt phá, tăng tốc. Tuy nhiên, với khả năng chịu đựng các cú sốc bên ngoài còn yếu, các ngành công nghiệp hỗ trợ chậm phát triển, sản xuất, xuất khẩu phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu nguyên, vật liệu; phát triển kinh tế xanh, bảo vệ môi trường luôn là thách thức đối với các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trên địa bàn.
Giá trị tăng thêm của cả khu vực công nghiệp và xây dựng 6 tháng đầu năm 2024 ước tăng 1,70% so với cùng kỳ năm 2023, đóng góp 0,32 điểm phần trăm vào mức tăng GRDP chung. Trong đó, ngành công nghiệp tăng 0,94%7 và ngành xây dựng tăng 4,03%8.
Với lĩnh vực công nghiệp, trong mức tăng 0,94% của VA toàn ngành công nghiệp 6 tháng qua, lĩnh vực sản xuất và phân phối điện tăng 14,38%, đóng góp 0,69 điểm phần trăm vào mức tăng chung toàn ngành; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 1,11%, đóng góp 0,97 điểm; cung cấp nước; hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 2,01%, đóng góp 0,08 điểm; ở chiều ngược lại, hoạt động khai khoáng giảm 23,56%, làm giảm 0,81 điểm phần trăm của mức tăng chung toàn ngành công nghiệp.
Ông Trần Văn Vũ cũng cho biết, khu vực thương mại và dịch vụ tiếp tục là điểm sáng, đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế chung của thành phố. Đặc biệt, số lượng khách quốc tế đến Đà Nẵng đã đạt mức tăng ấn tượng và vượt cùng kỳ năm 2019, thời điểm chưa xảy ra dịch bệnh Covid-19.
"Tuy nhiên, thị trường bất động sản vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi; tăng trưởng tín dụng đạt thấp; cước vận tải tăng cao,... đang là rào cản khiến tăng trưởng khu vực dịch vụ trong 6 tháng qua tuy có khả quan nhưng vẫn chưa đạt được mức kỳ vọng", ông Vũ thông tin.
Về xuất, nhập khẩu hàng hóa, sức mua của thị trường thế giới tuy đã có dấu hiệu khởi sắc nhưng chưa đáng kể; giá nguyên liệu, chi phí vận chuyển tăng... khiến cho một số ngành hàng chủ lực của thành phố dù vẫn duy trì được đơn hàng tốt nhưng tốc độ tăng trưởng giá trị xuất khẩu không cao so với cùng kỳ năm 2023. Ước tính 6 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa hai chiều đạt 1.591 triệu USD, tăng 11,3% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, xuất khẩu hàng hóa ước đạt 918 triệu USD, tăng 1,8%; nhập khẩu hàng hóa ước đạt 672 triệu USD, tăng 27,7%.
Đối với Đà Nẵng, năm 2024 được xác định là năm cần tạo ra bứt phá để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XXII Đảng bộ thành phố và Nghị quyết của HĐND thành phố Đà Nẵng, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025.
Để đạt được mục tiêu tăng trưởng theo kế hoạch đã đề ra, các ngành, các cấp cần tăng cường dự báo, chủ động điều hành linh hoạt, phù hợp với tình hình, kịp thời ứng phó với các tình huống phát sinh, tập trung triển khai hiệu quả đồng bộ các chính sách hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Trong đó, tập trung các nguồn lực để đưa vào khai thác các sản phẩm du lịch mới, góp phần tăng sức cạnh tranh của điểm đến để thu hút khách du lịch; tiếp tục xúc tiến mở các đường bay quốc tế trực tiếp đến Đà Nẵng từ các thị trường quốc tế; nghiên cứu các giải pháp hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp thiếu vốn, chịu ảnh hưởng của giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm; tập trung mọi nguồn lực để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong đầu tư xây dựng, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, đa dạng hóa đối tác và hình thức đầu tư.