Dự báo quy mô giá trị thương mại điện tử tăng gấp 3 lần
![Thương mại điện tử](https://imgcdn.tapchicongthuong.vn/thumb/w_1000/tcct-media/25/2/10/quy-mo-thuong-mai-dien-tu-viet-nam-du-bao-tang-gap-3-lan-trong-5-nam-toi_67a97c8ec0120.jpg)
Báo cáo "E-Economy SEA 2024" mới công bố của Google, Temasek, Bain & Company cho thấy, quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam trong năm 2024 ước đạt 22 tỷ USD theo tổng giá trị hàng hóa (Gross Merchanise Value - GMV), đứng thứ 3 trong 6 nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á (bao gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thailand và Việt Nam).
Báo cáo cũng đưa ra dự báo quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam sẽ đạt 63 tỷ USD, tương đương mức tăng gần gấp 3 lần so với hiện tại, và sẽ vươn lên đứng thứ 2 khu vực vào năm 2030.
Cũng phải nói thêm, trong 6 nước có nền kinh tế phát triển nhất Đông Nam Á, Việt Nam được dự báo sẽ ghi nhận tốc độ tăng trưởng trung bình năm giai đoạn 2024 - 2030 cao thứ hai (sau Philippines), ở mức 18,7%.
![Thương mại điện tử](https://imgcdn.tapchicongthuong.vn/thumb/w_1000/tcct-media/25/2/10/quy-mo-thuong-mai-dien-tu-viet-nam-du-bao-tang-gap-3-lan-trong-5-nam-toi_67a9779248a8b.jpg)
Theo đánh giá mới đây của Chứng khoán Rồng Việt, hoạt động thương mại điện tử tại Việt Nam đang có nhiều yếu tố thuận lợi, hỗ trợ duy trì tốc độ tăng trưởng cao trong thời gian tới. Cụ thể, mức độ phổ cập Internet và điện thoại thông minh tại Việt Nam hiện đã rất cao (xấp xỉ 80% dân số) và dự kiến còn tiếp tục tăng qua các năm. Trong khi đó, thu nhập bình quân đầu người được dự báo sẽ tăng trưởng trung bình 7,0%/năm trong giai đoạn 2023 - 2030, mức khá cao trong khu vực và trên thế giới.
Sau đại dịch COVID-19, sự thay đổi thói quen tiêu dùng của người dân với việc ngày càng ưa chuộng hình thức mua hàng trực tuyến. Người tiêu dùng cũng ngày càng hiểu rõ cách thức sử dụng và quen thuộc với các hình thức thanh toán, giao dịch điện tử. Các hình thức này đang được sử dụng tại cả các cửa hàng lớn và các hộ kinh doanh nhỏ, ngay cả hàng rong ven đường.
![Tăng trưởng thương mại điện tử](https://imgcdn.tapchicongthuong.vn/thumb/w_1000/tcct-media/25/2/10/quy-mo-thuong-mai-dien-tu-viet-nam-du-bao-tang-gap-3-lan-trong-5-nam-toi_67a965b218180.jpg)
Dữ liệu của Chứng khoán Rồng Việt cho thấy, tốc độ tăng trưởng trung bình của các hình thức thanh toán, giao dịch điện tử đạt 96,0%/năm trong giai đoạn 2019-2024 về giá trị thanh toán (từ mức nền thấp và được dự phóng sẽ tiếp tục tăng ở mức cao cho tới 2030 ở mức trung bình 14,5%/năm về giá trị thanh toán.
Trợ lực từ các cơ quan chức năng
Những nỗ lực của cơ quan chức năng trong việc hoàn thiện khung pháp lý cũng là yếu tố quan trọng giúp thương mại điện từ bước vào giai đoạn “bùng nổ”, theo Chứng khoán Rồng Việt.
Điển hình, vào tháng 6/2023, Quốc hội đã thông qua Luật giao dịch điện tử (sửa đổi) (hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024) với nhiều chính sách nổi bật liên quan đến giao dịch điện tử.
Trước đó, Chính phủ cũng đã phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Chiến lược xác định phát triển kinh tế số là trụ cột, phấn đấu đưa tỷ trọng của kinh tế số trong GDP tăng lên 20% năm 2025 và 30% năm 2030. Chiến lược đề ra các nhiệm vụ cụ thể về phát triển kinh tế số ở từng ngành, lĩnh vực trọng tâm, trong đó, thương mại điện tử là một trong những lĩnh vực điển hình của kinh tế số.
![Thương mại điện tử](https://imgcdn.tapchicongthuong.vn/thumb/w_1000/tcct-media/25/2/10/quy-mo-thuong-mai-dien-tu-viet-nam-du-bao-tang-gap-3-lan-trong-5-nam-toi_67a97cbea9e32.jpg)
Ngoài ra, Chính phủ trong các năm gần đây cũng đã ban hành một loạt các Nghị định, thông tư sửa đổi, ngày càng hoàn thiện khung pháp lý cho hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, ví dụ như: Nghị định 85/2021/NĐ-CP về thương mại điện tử (sửa đổi Nghị định 52/2013/NĐ-CP); Nghị định 98/2020/NĐ-CP; Nghị định 91/2022/NĐ-CP…
“Bên cạnh đó, Chính phủ đã và đang triển khai loạt biện pháp thúc đẩy ứng dụng công nghệ, số hoá trong hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt là phát triển hạ tầng Internet - viễn thông, thanh toán điện tử, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data), blockchain… Cùng với đó là các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, cá nhân tham gia thương mại điện tử như hỗ trợ về vốn, đào tạo kỹ năng, tư vấn… Qua đó, tạo nền tảng vững chắc cho thương mại điện tử phát triển”, Chứng khoán Rồng Việt nhấn mạnh.
Ba thách thức lớn cho phát triển thương mại điện tử bền vững
Tuy tiềm năng, hoạt động kinh doanh của thị trường thương mại điện tử Việt Nam vẫn hiện hữu một số thách thức khó khăn nhất định.
Thứ nhất, cơ sở hạ tầng giao thông và cơ sở hạ tầng kỹ thuật số còn chưa phát triển tương xứng. Điều này được phản ánh rõ nét khi chỉ số Logistics Performance Index (LPI – chỉ số đo lường hiệu suất logistics) của Việt Nam vẫn còn ở mức thấp so với các nền kinh tế còn lại trong 6 nền kinh tế phát triển nhất Đông Nam Á.
Dữ liệu của PwC và Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam cho thấy chi phí logistics/GDP của Việt Nam là 17%, so với mức 13% của Malaysia, 14,3% của Indonesia…
![tỷ lệ chi phí thương mại điện tử](https://imgcdn.tapchicongthuong.vn/thumb/w_1000/tcct-media/25/2/10/quy-mo-thuong-mai-dien-tu-viet-nam-du-bao-tang-gap-3-lan-trong-5-nam-toi_67a974c09e708.jpg)
Chứng khoán Rồng Việt kỳ vọng việc Chính phủ đẩy mạnh đầu tư các dự án giao thông trọng điểm sẽ hỗ trợ cho việc vận chuyển hàng hóa được nhanh chóng và tiết kiệm chi phí. Đồng thời, một số doanh nghiệp lớn như Viettel Post (VTP), Vietnam Post… đang dồn lực xây dựng hệ thống kho bãi, vận chuyển và giao nhận trên quy mô toàn quốc nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng, đặc biệt ở các vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa.
Thứ hai, cả công suất trung tâm dữ liệu (data center) hiện tại và sau khi cộng thêm công suất tăng thêm dự kiến trong tương lai của Việt Nam đều thấp hơn các nước trong khu vực.
Tăng trưởng công suất trung tâm dữ liệu ở mức thấp sẽ khiến các doanh nghiệp gặp khó trong việc xử lý số lượng lớn giao dịch, đặc biệt là trong các dịp cao điểm mua sắm với lưu lượng truy cập tăng đột biến; phân tích dữ liệu và cá nhân hoá trải nghiệm người dùng… Theo một nghiên cứu của hãng công nghệ Akamai Technologies, mỗi 100 mili giây truy cập chậm thêm có thể làm giảm tỷ lệ chuyển đổi trong giao dịch điện tử lên tới 7%.
Bên cạnh đó, việc bảo vệ dữ liệu khách hàng và giao dịch là yếu tố then chốt trong thúc đẩy thương mại điện tử phát triển bền vững, nhất là khi các hoạt động tấn công mạng, lừa đảo trực tuyến… có xu hướng diễn biến phức tạp. Việc xây dựng các trung tâm dữ liệu hiện đại giúp doanh nghiệp giảm thiểu rủi ro an ninh mạng, xây dựng lòng tin với khách hàng.
![Cạnh tranh thương mại điện tử](https://imgcdn.tapchicongthuong.vn/thumb/w_1000/tcct-media/25/2/10/quy-mo-thuong-mai-dien-tu-viet-nam-du-bao-tang-gap-3-lan-trong-5-nam-toi_67a97cf1d0651.jpg)
Cuối cùng, mức độ cạnh tranh trong thương mại điện tử tại Việt Nam đang ngày càng trở nên “khốc liệt”, nhưng chủ yếu diễn ra dưới hình thức cạnh tranh về giá. Điều này được thể hiện ở việc các sàn thương mại điện tử liên tục tung những chương trình khuyến mãi, giảm giá cùng chiến lược “đốt tiền” để giành giật thị phần.
“Các sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử tuy rất đa dạng nhưng về cơ bản không khác nhau nhiều về chất lượng, mẫu mã, giá bán. Người tiêu dùng có thể dễ dàng so sánh giá giữa các nền tảng trong khi mức độ trung thành của người tiêu dùng Việt Nam là không cao”, Chứng khoán Rồng Việt đánh giá.
Việc các sàn thương mại điện tử cạnh tranh bằng cách hạ giá sẽ khiến doanh nghiệp cung ứng sản phẩm, dịch vụ chịu áp lực giảm biên lợi nhuận và cắt giảm đầu tư cho chất lượng sản phẩm cũng như dịch vụ hậu mãi. Hệ quả là, môi trường kinh doanh trở nên thiếu bền vững, đồng thời người tiêu dùng chỉ tập trung vào giá rẻ mà bỏ qua giá trị thực sự của sản phẩm, từ đó làm trầm trọng thêm sự mất cân bằng và “cuộc chạy đua xuống đáy” trong ngành
Chứng khoán Rồng Việt cũng lưu ý, do có cùng tệp khách hàng và sản phẩm là tương đồng, kênh thương mại điện tử cạnh tranh trực tiếp với thương mại/bán lẻ truyền thống tại Việt Nam.
Dữ liệu tổng hợp từ Google, Temasek, Bain & Company và Fiinpro cho thấy thị phần của thương mại điện tử trong tổng doanh thu bán lẻ trên cả nước đi theo xu hướng tăng dần qua các năm trong giai đoạn 2018 - 2024. Có thể thấy thương mại điện tử đang lấy dần thị phần của thương mại truyền thống, đặc biệt là ở các thành phố lớn và đối với các mặt hàng như quần áo thời trang, làm đẹp, đồ gia dụng…
"Tuy nhiên, với những lợi thế của mình, thương mại truyền thống vẫn giữ một vị thế nhất định, nhất là ở thị trường nông thôn và đối với các mặt hàng thực phẩm tươi sống. Trong tương lai, tuy thương mại điện tử sẽ tiếp tục gia tăng thị phần, thương mại truyền thống vẫn sẽ có chỗ đứng nhất định và tiếp tục phát triển. Cơ hội sẽ dành cho những doanh nghiệp nào biết tích hợp và khai thác hiệu quả lợi thế của cả hai loại hình thương mại điện tử và thương mại truyền thống", theo Chứng khoán Rồng Việt.