Qui tắc trọng tài Uncitral 1976 được Ðại hội Ðồng thông qua vào ngày 15 tháng 12 năm 1976
PHẦN II: CƠ CẤU UỶ BAN TRỌNG TÀI
QUI TẮC MỞ ĐẦU
Ðiều 1: Phạm vi áp dụng:
1. Trường hợp các bên tham gia hợp đồng đồng ý bằng văn bản liên quan đến hợp đồng này sẽ đưa tranh chấp ra trọng tài giải quyết theo Qui tắc Trọng tài Uncitral, thì tranh chấp đó sẽ được giải quyết phù hợp với Qui tắc này tùy theo việc sửa đổi mà các bên có thể thoả thuận bằng văn bản sau đó.
2. Qui tắc này sẽ điều chỉnh quá trình trọng tài trừ khi bất cứ qui định nào trong Qui tắc này trái với một qui định của Luật áp dụng cho trọng tài mà các bên không thể vi phạm được, thì qui định của Luật áp dụng đó sẽ có giá trị cao hơn.
Ðiều 2: Thông báo và tính toán thời hạn
1 Ðể thực hiện Qui tắc này, mọi thông báo, bao gồm việc báo tin, liên lạc hoặc đề nghị sẽ được coi là đã nhận nếu được trao tận tay cho người nhận hoặc được gởi tới nơi cư trú thường xuyên, nơi làm việc hoặc địa chỉ giao dịch của bên đó, hoặc nếu không tìm thấy được một trong các địa chỉ trên sau khi đã tiến hành tìm hiểu việc này hợp lý, thì sẽ được gửi tới nơi làm việc hay nơi cư trú cuối cùng được biết đến của người nhận. Thông báo được coi là đã nhận được vào ngày được gửi đến.
2 Ðể tính thời hạn theo Qui tắc này, thời hạn này sẽ bắt đầu được tính từ ngày tiếp theo ngày nhận được thông báo, báo tin, liên lạc hoặc đề nghị. Nếu ngày cuối cùng của thời hạn đó là ngày lễ chính thức hoặc ngày nghỉ tại nơi cư trú hoặc nơi đặt trụ sở kinh doanh của người nhận thì thời hạn sẽ được kéo dài tới ngày làm việc đầu tiên tiếp theo. Những ngày lễ chính thức hoặc ngày nghỉ diễn ra trong khoảng thời gian đó cũng được xét đến khi tính thời hạn này.
Ðiều 3: Thông báo ra trọng tài giải quyết
1. Bên có ý định tiến hành trọng tài theo Qui tắc này (sau đây được coi là "Nguyên đơn") sẽ gửi cho bên kia (sau đây được gọi là "Bị đơn") một Thông báo ra trọng tài giải quyết.
2. Tố tụng trọng tài sẽ được coi là bắt đầu từ ngày mà Bị đơn nhận được Thông báo ra Trọng tài này.
3. Thông báo ra Trọng tài bao gồm các nội dung sau:
a. Yêu cầu đưa tranh chấp ra trọng tài giải quyết
b. Tên và địa chỉ của các bên tham gia trọng tài.
c. Văn bản chỉ ra điều khoản trọng tài hay thoả thuận trọng tài riêng biệt được văn bản đó dẫn chiếu tới.
d. Văn bản dẫn chiếu tới hợp đồng mà tranh chấp phát sinh hoặc liên quan tới.
e. Một bản nội dung chung về khiếu nại và số tiền trị giá tranh chấp liên quan (nếu có)
f. Yêu cầu đòi bồi thường;
g. Văn bản đề xuất về số lượng trọng tài viên (một hay là ba), nếu các bên không có thoả thuận trước đó.
4. Thông báo ra trọng tài giải quyết còn có thể bao gồm:
a. Các đề nghị về việc chỉ định một trọng tài viên duy nhất và một cơ quan có thẩm quyền chỉ định theo Ðiều 6, đoạn 1;
b. Thông báo về việc chỉ định một trọng tài viên nêu ở Ðiều 7; và
c. Bản trình bày khiếu kiện nêu tại Ðiều 18.
Ðiều 4: Ðại diện và hỗ trợ
Các bên có thể nhờ người đại diện hoặc người trợ giúp theo sự lựa chọn của mình. Tên tuổi và địa chỉ của những người này phải được thông báo bằng văn bản cho bên kia, việc thông báo đó phải ghi rõ rằng việc chỉ định nhằm mục đích đại diện hay là trợ giúp
CƠ CẤU UỶ BAN TRỌNG TÀI
Ðiều 5: Số lượng trọng tài viên
Nếu các bên không thoả thuận trước về số lượng trọng tài viên (một hay là ba), và nếu trong thời hạn 15 ngày sau khi Bị đơn nhận được Thông báo ra Trọng tài mà các bên không thoả thuận được với nhau thì sẽ chỉ định một trọng tài viên duy nhất hoặc ba trọng tài viên.
Các Ðiều (từ Ðiều 6 đến Ðiều 8): Chỉ định các trọng tài viên
Ðiều 6:
1. Trường hợp phải chỉ định một trọng tài viên duy nhất, thì một trong các bên có thể đưa ra đề xuất với bên kia về
(a) Tên của một hoặc nhiều người và một trong số đó sẽ làm trọng tài viên duy nhất; và
(b) Tên hoặc các tên của một hoặc nhiều tổ chức hoặc cá nhân sẽ chỉ định làm cơ quan có thẩm quyền chỉ định, nếu như các bên không thoả thuận được cơ quan có thẩm quyền chỉ định này.
2. Nếu trong thời hạn 30 ngày kể từ khi một bên nhận được đề nghị theo Ðoạn (1) nói trên mà các bên không đạt được thoả thuận về việc chọn một trọng tài viên duy nhất thì trọng tài viên duy nhất đó sẽ được chỉ định bởi cơ quan có thẩm quyền do hai bên đã thoả thuận. Nếu như hai bên không có thoả thuận về cơ quan có thẩm quyền chỉ định đó hoặc cơ quan này từ chối hoặc không chỉ định trọng tài viên trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu của một bên thì một trong các bên có thể yêu cầu Tổng Thư ký của Toà án Trọng tài Thường trực tại La Hay (Hague) để bổ nhiệm cơ quan thẩm quyền chỉ định này.
3. Cơ quan thẩm quyền chỉ định sẽ, theo yêu cầu của một trong các bên, sẽ chỉ định ngay trọng tài viên duy nhất. Trong quá trình chỉ định, cơ quan có thẩm quyền chỉ định sẽ sử dụng danh sách, trừ khi cả hai bên thoả thuận rằng không nên sử dụng danh sách hoặc trừ khi cơ quan có thẩm quyền chỉ định tự xác định là việc sử dụng danh sách là không phù hợp với vụ việc.
(a) Theo yêu cầu của một trong các bên, cơ quan có thẩm quyền chỉ định sẽ gửi cho cả hai bên cùng một bản sách sách gồm ít nhất tên của 3 trọng tài viên;
(b) Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được danh sách này, mỗi bên sẽ gửi trả lại bản danh sách cho cơ quan có thẩm quyền chỉ định sau khi xoá đi tên hoặc các tên mà bên đó phản đối và liệt kê những tên còn lại trong Danh sách theo thứ tứ ưu tiên của mình.
(c ) Sau khi hết thời hạn nói trên, cơ quan có thẩm quyền chỉ định sẽ chỉ định trọng tài viên duy nhất từ trong số các tên đã được phê chuẩn trong danh sách gửi lại cho cơ quan chỉ định và phù hợp với thứ tự ưu tiên mà các bên chỉ ra.
(d) Nếu vì một lý do nào đó, việc chỉ định không thực hiện được theo thủ tục này thì cơ quan có thẩm quyền chỉ định có thể tự mình quyết định việc chỉ định trọng tài viên duy nhất này.
4. Trong quá trình chỉ định, cơ quan có thẩm quyền chỉ định sẽ tính đến những cân nhắc để đảm bảo việc chỉ định một trọng tài viên khách quan và độc lập và sẽ xét tới khả năng chỉ định một trọng tài viên có quốc tịch khác với quốc tịch của các bên.
Ðiều 7:
1. Trường hợp phải có 3 trọng tài viên được chỉ định, thì mỗi bên sẽ chỉ định một trọng tài viên. Hai trọng tài viên được chỉ định sẽ chọn trọng tài viên thứ 3 làm chủ tịch ủy ban trọng tài.
2. Nếu trong thời hạn 30 ngày kể từ khi nhận được thông báo của một bên về việc chỉ định trọng tài viên mà bên kia không thông báo cho bên đầu tiên về trọng tài viên mình chọn thì:
(a) Bên đã chỉ định có thể yêu cầu cơ quan có thẩm quyền chỉ định mà hai bên chọn trước đó, chỉ định trọng tài viên thứ hai; hoặc
(b) Nếu các bên không chọn được cơ quan có thẩm quyền chỉ định trước đó hoặc cơ quan này từ chối hoặc không chỉ định được trọng tài viên trong thời hạn 30 ngày sau khi nhận được yêu cầu của một bên thì bên đã chỉ định có thể yêu cầu Tổng Thư ký của Toà án Trọng tài Thường trực tại La Hay để bổ nhiệm cơ quan chỉ định này. Bên đã chỉ định có thể sau đó yêu cầu cơ quan có thẩm quyền chỉ định trọng tài viên thứ 2 này. Trong một của hai trường hợp trên, cơ quan có thẩm quyền chỉ định có thể tự mình tiến hành việc chỉ định trọng tài viên.
3. Nếu trong thời hạn 30 ngày sau khi chỉ định trọng tài viên thứ 2, mà hai trọng tài viên không thoả thuận chọn được Chủ tịch Trọng tài thì Chủ tịch Trọng tài sẽ được cơ quan có thẩm quyền chỉ định theo cách thức tương tự như chỉ định trọng tài viên duy nhất theo Ðiều 6.
Ðiều 8
1. Khi yêu cầu cơ quan có thẩm quyền chỉ định một trọng tài viên theo Ðiều 6 và Ðiều 7, thì bên đưa ra yêu cầu sẽ gửi đến cơ quan có thẩm quyền chỉ định một bản thông báo ra trọng tài, một bản hợp đồng mà tranh chấp liên quan hoặc phát sinh từ đó và một bản thoả thuận trọng tài nếu thoả thuận đó không nằm trong hợp đồng. Cơ quan có thẩm quyền chỉ định có thể yêu cầu một trong các bên những thông tin mà cơ quan này thấy là cần thiết cho việc thực hiện chức năng của mình.
2. Trường hợp đề xuất tên của một hoặc nhiều cá nhân được chỉ định làm trọng tài viên, thì phải nêu rõ tên đầy đủ, địa chỉ và quốc tịch của họ cùng với những phẩm chất của họ.
Các Ðiều (Từ Ðiều 9 đến Ðiều 12): Việc khước từ các trọng tài viên
Ðiều 9:
Một người sẽ được chỉ định làm trọng tài viên sẽ phải công khai với những người sẽ chỉ định anh ta về mọi hoàn cảnh tạo cơ sở cho các nghi ngờ chính đáng về tính vô tư và độc lập của mình. Một trọng tài viên, một khi đã được chọn hoặc chỉ định, sẽ công khai những hoàn cảnh đó cho các bên trừ khi các bên đã được người này thông báo cho biết những hoàn cảnh này rồi.
Ðiều 10:
1. Bất cứ trọng tài viên nào cũng có thể bị khước từ nếu có những hoàn cảnh gây nên sự nghi ngờ chính đáng về tính độc lập và khách quan của trọng tài viên đó.
2. Một bên có thể khước từ trọng tài viên mà mình đã chỉ định chỉ vì những lý do mà bên đó biết được sau khi đã tiến hành xong việc chỉ định này.
Ðiều 11:
1. Một bên có ý định khước từ một trọng tài viên sẽ gửi thông báo khước từ trong thời hạn 15 ngày sau khi việc chỉ định trọng tài viên bị khước từ đó đã được thông báo cho bên khước từ hoặc trong thời hạn 15 ngày sau khi các hoàn cảnh nêu trong các Ðiều 9 và Ðiều 10 được bên đó biết.
2. Việc khước từ sẽ phải được thông báo cho phía bên kia, trọng tài viên bị khước từ và tới các thành viên khác của ủy ban trọng tài. Thông báo phải được lập bằng văn bản và phải nêu các nguyên do của việc khước từ đó.
3. Khi trọng tài viên bị một bên khước từ, phía bên kia có thể đồng ý với việc khước từ đó. Trong cả hai trường hợp, thì thủ tục được nêu tại Ðiều 6 hoặc Ðiều 7 sẽ phải áp dụng đầy đủ cho việc chỉ định trọng tài viên thay thế, ngay cả trong trường hợp trong quá trình chỉ định trọng tài viên bị khước từ mà một bên không được thực hiện quyền chỉ định hoặc không tham gia chỉ định.
Ðiều 12:
1. Nếu phía bên kia không đồng ý với việc khước từ và trọng tài viên bị khước từ không rút khỏi nhiệm vụ của mình thì quyết định về việc khước từ sẽ được đưa ra:
(a) Bởi cơ quan có thẩm quyền chỉ định nếu việc chỉ định ban đầu được thực hiện bởi cơ quan này và
(b) Trong trường hợp việc chỉ định ban đầu không do cơ quan có thẩm quyền chỉ định mà lại do một cơ quan chỉ định được bổ nhiệm trước đó thực hiện thì sẽ do cơ quan này đưa ra quyết định khước từ.
(c) Trong mọi trường hợp, bởi cơ quan có thẩm quyền chỉ định được ủy thác thực hiện theo thủ tục chỉ định cơ quan có thẩm quyền được qui định tại Ðiều 6.
2. Nếu cơ quan có thẩm quyền chỉ định xác nhận việc khước từ thì trọng tài viên thay thế sẽ được chỉ định hoặc chọn theo thủ tục áp dụng cho việc chỉ định hay chọn trọng tài viên như qui định ở Ðiều 6 đến Ðiều 9 trừ khi thủ tục này yêu cầu bổ nhiệm một cơ quan có thẩm quyền chỉ định thì việc chỉ định trọng tài viên sẽ được thực hiện bởi chính cơ quan có thẩm quyền đã quyết định về việc khước từ đó.
Ðiều 13: Việc thay thế trọng tài viên:
1. Trong trường hợp trọng tài viên bị chết hoặc xin thôi việc trong quá trình trọng tài thì trọng tài viên thay thế sẽ được chỉ định hoặc chọn theo thủ tục nêu trong các Ðiều từ Điều 6 đến Ðiều 9 áp dụng cho việc chỉ định hoặc chọn trọng tài viên bị thay thế.
2. Trong trường hợp trọng tài viên không thực hiện hoặc không có khả năng trên thực tế thực hiện nhiệm vụ của mình thì thủ tục về khước từ và thay thế trọng tài viên như qui định trong các Ðiều ở trên sẽ được áp dụng.
TỐ TỤNG TRỌNG TÀI
Ðiều 14: Mở lại các phiên họp trong trường hợp thay thế một trọng tài viên
Nếu theo các Ðiều từ Ðiều 11 tới Ðiều 13 trọng tài viên duy nhất hay Chủ tịch ủy ban Trọng tài bị thay thế thì mọi phiên họp được tổ chức trước đó sẽ được mở lại; nếu bất kỳ trọng tài viên nào khác bị thay thế thì việc mở lại các phiên họp trước đó sẽ do ủy ban trọng tài sẽ tự quyết định.
Ðiều 15: Các điều khoản chung
1. Theo Qui tắc này, ủy ban trọng tài có thể tiến hành trọng tài theo cách thức mà ủy ban thấy là phù hợp, với điều kiện là các bên đều được đối xử công bằng và tại bất cứ giai đoạn nào của quá trình tố tụng từng bên có được cơ hội đầy đủ để trình bày vụ việc của mình.
2. Nếu một trong các bên có yêu cầu tại bất cứ giai đoạn nào của quá trình tố tụng, ủy ban Trọng tài sẽ tổ chức phiên họp để các nhân chứng trình bày chứng cứ, kể cả nhân chứng giám định viên hoặc tranh luận. Trong trường hợp không có yêu cầu này thì ủy ban Trọng tài sẽ quyết định xem là tổ chức phiên họp thẩm vấn hay là việc tổ chức xét xử sẽ chỉ tiến hành trên cơ sở các tài liệu hoặc giấy tờ khác.
3. Mọi tài liệu hoặc thông tin do một bên đưa ra cho ủy ban trọng tài sẽ đồng thời gửi cho bên kia.
Ðiều 16: Ðịa điểm trọng tài
1. Trừ khi các bên đã có thoả thuận về địa điểm tổ chức trọng tài, nếu không ủy ban trọng tài sẽ xác định địa điểm có tính đến các hoàn cảnh cụ thể của vụ kiện.
2. Ủy ban Trọng tài có thể quyết định địa điểm trọng tài theo các bên thoả thuận. Ủy ban có thể nghe các nhân chứng trình bày và tổ chức các cuộc gặp để tham vấn ý kiến trong số các thành viên tại bất kỳ nơi nào mà ủy ban thấy là phù hợp, có tính đến hoàn cảnh của vụ việc.
3. Ủy ban Trọng tài có thể gặp tại bất cứ địa điểm nào mà thấy là thích hợp cho việc giám định hàng hoá, tài sản hoặc tài liệu khác. Các bên sẽ được thông báo đầy đủ để có thể có mặt tại nơi kiểm tra đó.
4. Phán quyết sẽ được lập tại địa điểm trọng tài.
Ðiều 17: Ngôn ngữ trọng tài
Theo thoả thuận của các bên, ngay sau khi được chỉ định, ủy ban trọng tài sẽ xác định ngôn ngữ hay các ngôn ngữ được sử dụng trong quá trình trọng tài. Việc xác định này sẽ áp dụng cho đơn trình bày khiếu nại, đơn biện hộ và mọi văn bản giải trình thêm và nếu có tiến hành phiên họp thẩm vấn thì cũng theo ngôn ngữ hoặc các ngôn ngữ được sử dụng trong các phiên họp xét xử .
Ðiều 18: Ðơn trình bày khiếu nại
1. Trừ khi đơn trình bày khiếu nại nằm trong Thông báo ra Trọng tài giải quyết, trong thời hạn được ủy ban trọng tài xác định, Nguyên đơn sẽ gửi đơn trình bày khiếu nại của mình bằng văn bản tới Bị đơn và từng trọng tài viên. Một bản hợp đồng, một bản thoả thuận trọng tài nếu không nằm trong hợp đồng sẽ được đính kèm theo đơn trình bày đó.
2. Ðơn trình bày khiếu nại sẽ bao gồm các nội dung cụ thể sau:
(a) Tên và địa chỉ của các bên
(b) Bản trình bày các sự việc biện minh cho đơn khiếu nại
(c ) Các vấn đề đang tranh cãi.
(d) Yêu cầu đòi bồi thường
Nguyên đơn có thể đính kèm theo đơn trình bày khiếu nại tất cả các tài liệu mà bên đó thấy là thích hợp hoặc có thể bổ sung văn bản tham chiếu tới hoặc bằng chứng khác mà bên đó sẽ nộp.
Ðiều 19: Ðơn biện hộ
1. Trong thời hạn được ủy ban trọng tài xác định, Bị đơn sẽ gửi đơn biện hộ bằng văn bản của mình cho Nguyên đơn và từng trọng tài viên.
2. Ðơn biện hộ sẽ phải trả lời các vấn đề cụ thể (b), (c) và (d) của đơn trình bày khiếu nại (Ðiều 18, đoạn2). Bị đơn có thể đính kèm bản giải trình bày của mình các tài liệu mà bên đó dựa vào hoặc có thể bổ sung văn bản tham chiếu tới các tài liệu hoặc chứng cứ mà bên này sẽ nộp.
3. Trong đơn biện hộ của mình hoặc tại giai đoạn sau của quá trình tố tụng, nếu ủy ban trọng tài quyết định rằng việc trì hoãn là hợp lý theo hoàn cảnh vụ việc, thì Bị đơn có thể đưa ra đơn kiện lại phát sinh từ hợp đồng đó hoặc dựa trên đơn kiện phát sinh từ cùng hợp đồng để thực hiện việc kiện lại.
4. Các điều khoản của Ðiều 18, đoạn 2 và sẽ áp dụng với Ðơn kiện lại và đơn kiện để nhằm mục đích thực hiện việc kiện lại.
Ðiều 20: Sửa đổi đơn kiện hoặc đơn biện hộ
Trong quá trình tố tụng trọng tài, một trong các bên có thể sửa đổi hoặc bổ sung đơn kiện hoặc đơn biện hộ trừ khi ủy ban Trọng tài thấy rằng không phù hợp để cho phép việc sửa đổi này, có tính đến việc trì hoãn trong quá trình ra quyết định hoặc ảnh hưởng tới bên kia hoặc bất cứ hoàn cảnh nào khác. Tuy nhiên, đơn kiện có thể không được sửa đổi theo cách thức mà đơn kiện đã sửa đổi nằm ra ngoài phạm vi của điều khoản trọng tài hoặc thoả thuận trọng tài riêng.
Ðiều 21: Kiến nghị về thẩm quyền xét xử của ủy ban Trọng tài
1. Ủy ban trọng tài sẽ có quyền quyết định về việc phản đối ủy ban trọng tài không có thẩm quyền giải quyết, kể cả bất cứ sự phản đối về việc tồn tại hoặc giá trị pháp lý của điều khoản trọng tài hoặc thoả thuận trọng tài riêng.
2. Ủy ban trọng tài sẽ có quyền quyết định về sự tồn tại hoặc giá trị pháp lý của hợp đồng mà trong đó điều khoản trọng tài hợp thành như là một phần của nó. Vì mục đích của Ðiều 21 này, một điều khoản trọng tài sẽ được xem như là một thoả thuận độc lập với các điều khoản khác của hợp đồng. Một quyết định bởi ủy ban trọng tài cho rằng hợp đồng là vô hiệu và không có giá trị sẽ không kéo theo làm mất hiệu lực pháp lý của điều khoản trọng tài.
3. Ðơn kiến nghị là ủy ban Trọng tài không có thẩm quyết giải quyết sẽ phải đưa ra chậm nhất là trong đơn biện hộ hoặc đối với đơn kiện lại thì chậm nhất là trong văn thư trả lời đơn kiện lại.
4. Nói chung, ủy ban Trọng tài nên giải quyết đơn kiến nghị liên quan tới thẩm quyền của ủy ban như là một vấn đề mở đầu. Tuy nhiên, ủy ban Trọng tài có thể tiếp tục tiến hành trọng tài và giải quyết kiến nghị này trong phán quyết chung thẩm của mình.
Ðiều 22: Các văn bản giải trình thêm
Uỷ ban Trọng tài sẽ quyết định xem những văn bản giải trình nào thêm, ngoài đơn trình bày khiếu nại và bản biện hộ, sẽ yêu cầu các bên đưa ra hoặc có thể được các bên trình bày và sẽ ấn định thời hạn để gửi các văn bản giải trình đó.
Ðiều 23: Thời hạn
Thời hạn được ủy ban trọng tài ấn định để gửi các văn bản giải trình (kể cả đơn trình bày khiếu nại và đơn biện hộ) sẽ không được quá 45 ngày. Tuy nhiên, ủy ban Trọng tài có thể cho phép gia hạn thời hạn này nếu ủy ban cho rằng việc gia hạn này là hợp lý.
Các Ðiều (Ðiều 24 và Ðiều 25): Bằng chứng và các phiên họp
Ðiều 24:
1. Từng bên sẽ có nghĩa vụ chứng minh các sự việc mà dựa vào đó để biện minh cho đơn khiếu nại hoặc đơn biện hộ của mình.
2. Ủy ban Trọng tài có thể, nếu thấy phù hợp, yêu cầu một bên gửi cho ủy ban và bên kia, trong thời hạn mà ủy ban trọng tài sẽ quyết định, một bản tóm tắt các tài liệu và bằng chứng khác mà bên đó định xuất trình để chứng minh cho các sự việc được nêu tại đơn trình bày khiếu nại của mình hoặc đơn biện hộ của mình.
3. Tại bất cứ thời điểm nào trong quá trình tố tụng trọng tài, ủy ban Trọng tài có thể yêu cầu các bên xuất trình tài liệu, tang vật hoặc bằng chứng khác trong thời hạn mà ủy ban sẽ ấn định.
Ðiều 25:
1. Trong trường hợp tổ chức phiên xét xử thẩm vấn thì ủy ban Trọng tài sẽ ra thông báo đầy đủ trước về ngày, giờ và địa điểm của phiên họp xét xử đó.
2. Nếu các nhân chứng được mời đến để tham gia phiên họp xét xử thì ít nhất 15 ngày trước khi bắt đầu phiên họp từng bên sẽ gửi cho ủy ban trọng tài và bên kia tên tuổi và địa chỉ của các nhân chứng mà bên đó định mời ra, chủ đề và các ngôn ngữ mà theo đó các nhân chứng sẽ đưa ra lời khai có tuyên thệ.
3. Ủy ban Trọng tài sẽ thu xếp phiên dịch cho việc trình bày tại phiên xét xử và ghi chép phiên họp nếu ủy ban tùy theo hoàn cảnh của vụ việc thấy là cần thiết hoặc nếu các bên thoả thuận đồng ý và gửi thoả thuận đó cho ủy ban Trọng tài ít nhất là 15 ngày trước khi mở phiên họp.
4. Phiên họp sẽ được xử kín trừ khi các bên có thoả thuận khác. Ủy ban có thể yêu cầu việc rút khỏi của bất cứ nhân chứng nào hoặc các nhân chứng trong quá trình thẩm vấn. Ủy ban Trọng tài tự do quyết định cách thức mà các nhân chứng được thẩm tra.
5. Bằng chứng của các nhân chứng có thể sẽ được trình bày dưới hình thức bản tường trình được các nhân chứng ký nhận.
6. Ủy ban trọng tài sẽ quyết định về việc chấp nhận, sự liên quan, tính xác đáng và trọng lượng chứng cứ đưa ra.
Ðiều 26: Các biện pháp bảo toàn tạm thời
1. Theo yêu cầu của một trong các bên, ủy ban trọng tài có thể đưa ra các biện pháp bảo toàn tạm thời khi cần thiết áp dụng cho đối tượng tranh chấp, bao gồm các biện pháp bảo giữ hàng hoá là đối tượng tranh chấp, chẳng hạn yêu cầu bên này ký thác với bên thứ 3 hoặc bán hàng dễ hỏng.
2. Các biện pháp tạm thời đó có thể được lập dưới hình thức một phán quyết tạm thời. Ủy ban trọng tài sẽ có quyền yêu cầu sự bảo đảm cho những chi phí của các biện pháp này.
3. Ðơn yêu cầu áp dụng các biện pháp tạm thời do bất cứ bên nào đưa tới cho một cơ quan tư pháp sẽ bị coi là không phù hợp với thoả thuận ra trọng tài giải quyết hay coi như là sự từ bỏ thoả thuận trọng tài đó.
Ðiều 27: Các chuyên gia
1. Ủy ban trọng tài có thể chỉ định một hoặc nhiều chuyên gia báo cáo cho ủy ban bằng văn bản về những vấn đề cụ thể được ủy ban trọng tài xác định. Một bản các điều khoản tham chiếu của chuyên gia, được ủy ban trọng tài xác lập, sẽ được gửi đi cho các bên.
2. Các bên sẽ cung cấp cho chuyên gia bất kỳ thông tin liên quan hoặc xuất trình để thẩm định các tài liệu liên quan hoặc hàng hoá mà chuyên gia yêu cầu. Mọi tranh chấp giữa một bên và chuyên gia đó về tính liên quan của các thông tin yêu cầu hoặc việc xuất trình sẽ phải đưa ra ủy ban trọng tài để quyết định.
3. Ngay khi nhận được báo cáo của chuyên gia, ủy ban sẽ gửi một bản báo cáo cho các bên, những người sẽ được trao cơ hội để trình bày bằng văn bản ý kiến của họ về báo cáo. Một bên sẽ có quyền kiểm tra bất kỳ tài liệu nào mà chuyên gia này căn cứ vào đó trong báo cáo của mình.
4. Theo yêu cầu của một trong các bên, chuyên gia sau khi chuyển báo cáo có thể được mời đến phiên họp xét xử để các bên có cơ hội trình bày và để thẩm vấn chuyên gia này. Tại phiên họp này một trong các bên có thể đưa ra các nhân chứng chuyên gia để thẩm tra các vấn đề đang tranh cãi. Các qui định của Ðiều 25 sẽ áp dụng với trình tự tố tụng đó.
Ðiều 28: Vắng mặt
1. Nếu, trong thời hạn ủy ban Trọng tài ấn định, nguyên đơn không gửi đơn khiếu nại của mình mà không chỉ rõ nguyên do đầy đủ về việc không thực hiện này thì ủy ban Trọng tài sẽ ra quyết định để quá trình tố tụng tiếp tục.
2. Nếu một trong các bên được thông báo hợp lệ theo Qui tắc này không hiện diện tại phiên xét xử mà không có lý do xác đáng cho việc này thì ủy ban Trọng tài vẫn có thể tiếp tục tiến hành.
3. Nếu một trong các bên, được mời hợp lệ để xuất trình bằng chứng tài liệu, không thực hiện việc này trong thời hạn xác định mà không chỉ ra lý do xác đáng thì ủy ban trọng tài có thể ra quyết định về bằng chứng đó trước ủy ban.
Ðiều 29: Kết thúc phiên xét xử
1. Ủy ban trọng tài có thể yêu cầu các bên nếu các bên có thêm bất kỳ bằng chứng nào đưa ra hoặc các nhân chứng hoặc các văn bản đệ trình nào khác, nếu không có thì ủy ban có thể tuyên bố phiên họp kết thúc.
2. Ủy ban trọng tài có thể nếu thấy thích hợp vì các trường hợp ngoại lệ chủ động quyết định hoặc theo yêu cầu của một bên mở lại các phiên họp vào bất kỳ lúc nào trước khi phán quyết được lập.
Ðiều 30:
Một bên khi biết rằng bất cứ điều khoản hoặc yêu cầu nào theo Qui tắc này không được tuân thủ mà vẫn tiến hành quá trình trọng tài mà không thông báo ngay việc phản đối của mình về sự không tuân thủ đó thì sẽ coi như là từ bỏ quyền phản đối của mình.
PHÁN QUYẾT
Ðiều 31: Các quyết định
1. Trường hợp có 3 trọng tài viên, thì mọi phán quyết hoặc quyết định của ủy ban Trọng tài sẽ phải được lập theo nguyên tắc đa số.
2. Trong trường hợp có những vấn đề về thủ tục, khi không đạt được nguyên tắc đa số hoặc khi ủy ban Trọng tài ủy nhiệm cho Chủ tịch ủy ban Trọng tài có thể tự quyết định, tùy thuộc vào sự xét duyệt (nếu có) của ủy ban Trọng tài.
Ðiều 32: Hình thức và giá trị của phán quyết
1. Bên cạnh việc ra phán quyết chung thẩm, ủy ban Trọng tài sẽ có quyền ra các phán quyết tạm thời, phán quyết về các vấn đề tố tụng hoặc phán quyết từng phần.
2. Phán quyết sẽ phải được lập bằng văn bản và sẽ là chung thẩm và ràng buộc các bên, các bên cam kết thực thi phán quyết không chậm trễ.
3. Ủy ban trọng tài sẽ phải nêu những căn cứ mà phán quyết dựa vào, trừ khi các bên thoả thuận không cần phải nêu những căn cứ đó.
4. Một phán quyết sẽ được các trọng tài viên ký và phán quyết sẽ ghi ngày và nơi phán quyết được lập. Trường hợp có 3 trọng tài viên và một trong số đó không ký vào thì phán quyết sẽ nêu lý do của việc khuyết chữ ký này.
5. Phán quyết chỉ có thể công bố công khai khi có sự đồng ý của các bên.
6. Các bản phán quyết được các trọng tài viên ký sẽ được ủy ban trọng tài gửi cho các bên.
7. Nếu luật trọng tài của quốc gia nơi phán quyết được lập yêu cầu phán quyết phải được ủy ban trọng tài đăng ký hoặc lưu giữ thì ủy ban trọng tài sẽ phải tuân thủ yêu cầu này trong thời hạn mà luật qui định.
Ðiều 33: Luật áp dụng, Người trung gian hoà giải (Amiable Compositeur)
1. Ủy ban trọng tài sẽ áp dụng luật mà các bên chọn áp dụng cho nội dung tranh chấp. Nếu không có việc chọn này của các bên, thì ủy ban Trọng tài sẽ áp dụng luật được xác định bởi nguyên tắc xung đột luật mà ủy ban thấy là phù hợp.
2. Ủy ban Trọng tài sẽ quyết định như là một người trung gian hoà giải hay quyết định theo sự công bằng nếu các bên ủy quyền rõ cho ủy ban trọng tài làm như vậy và nếu luật áp dụng với tố tụng trọng tài cho phép quá trình trọng tài này.
3. Trong mọi trường hợp, ủy ban Trọng tài sẽ quyết định theo các điều khoản của hợp đồng và sẽ tính đến các tập quán thương mại áp dụng cho giao dịch.
Ðiều 34:
1. Nếu, trước khi phán quyết được lập, các bên thoả thuận được việc giải quyết tranh chấp, ủy ban Trọng tài sẽ ra quyết định kết thúc tố tụng trọng tài hoặc, nếu được hai bên yêu cầu và ủy ban đồng ý, ghi việc giải quyết dưới hình thức một phán quyết trọng tài về các điều khoản thoả thuận. Ủy ban không cần đưa ra căn cứ cho dạng phán quyết đó.
2. Nếu, trước khi phán quyết được lập, việc tiếp tục tố tụng trọng tài trở nên không cần thiết hoặc không thể được vì bất cứ lý do nào được nêu ở đoạn (1), thì ủy ban trọng tài sẽ thông báo cho các bên ý định của mình ra quyết định chấm dứt quá trình tố tụng này. Ủy ban trọng tài sẽ có quyền ra quyết định này trừ khi một bên nêu những căn cứ phản bác xác đáng.
3. Các bản quyết định về chấm dứt tố tụng trọng tài hoặc phán quyết về các điều khoản thoả thuận, được các trọng tài viên ký, sẽ được ủy ban trọng tài gửi cho các bên. Khi phán quyết trọng tài về các điều khoản thoả thuận được lập thì các qui định của Điều 32, các đoạn 2 và từ đoạn 4 tới đoạn 7, sẽ áp dụng.
Ðiều 35: Giải thích phán quyết
1. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được phán quyết, một trong các bên bằng việc thông báo cho bên kia có thể yêu cầu ủy ban trọng tài đưa ra việc giải thích phán quyết.
2. Việc giải thích sẽ phải đưa ra bằng văn bản trong thời hạn 45 ngày sau khi nhận được yêu cầu. Việc giải thích sẽ lập thành một phần của phán quyết và các qui định của Ðiều 32, các đoạn từ đoạn 2 đến đoạn 7, sẽ áp dụng.
Ðiều 36: Việc sửa chữa phán quyết
1. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được phán quyết, một trong các bên bằng việc thông báo cho bên kia, có thể yêu cầu uỷ ban trọng tài sửa các lỗi về tính toán, lỗi đánh máy hay in ấn hoặc các lỗi tương tự trong phán quyết. Uỷ ban trọng tài có thể chủ động trong thời hạn 30 ngày sau khi gửi phán quyết đi tiến hành sửa các lỗi này.
2. Tất cả những việc sữa chữa đó sẽ phải lập bằng văn bản và các qui định của Ðiều 32, các đoạn từ đoạn2 đến đoạn 7, sẽ áp dụng.
Ðiều 37: Phán quyết bổ sung
1. Trong vòng 30 ngày kể từ ngày nhận được phán quyết, một trong các bên bằng việc thông báo cho bên kia, có thể yêu cầu uỷ ban Trọng tài ra phán quyết bổ sung về các khiếu nại được trình bày trong quá trình tố tụng nhưng bị bỏ sót trong phán quyết.
2. Nếu ủy ban trọng tài xét thấy yêu cầu ra phán quyết bổ sung là chính đáng và thấy rằng việc bỏ sót có thể sửa được mà không cần có thêm bất cứ phiên họp nào hay bằng chứng nào thêm thì ủy ban sẽ hoàn tất phán quyết của mình trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu.
3. Khi một phán quyết bổ sung được lập thì các qui định của Ðiều 32, từ đoạn 2 đến đoạn 7, sẽ áp dụng.
Các Ðiều (Từ Ðiều 38 đến Ðiều 40) - Phí tổn
Ðiều 38:
Ủy ban trọng tài sẽ ấn định chi phí trọng tài trong phán quyết. Thuật ngữ "Chi phí" chỉ bao gồm:
a. Phí thù lao cho uỷ ban trọng tài sẽ được nêu riêng cho từng trọng tài viên một và được chính ủy ban ấn định theoÐiều 39.
b. Chi phí đi lại và các chi phí khác cho các trọng tài viên;
c. Những chi phí về tham vấn các chuyên gia và các trợ giúp khác theo yêu cầu của uỷ ban Trọng tài.
d. Mọi chi phí và phí tổn cho các nhân chứng trong phạm vi mà những chi phí này được ủy ban trọng tài phê chuẩn.
e. Các chi phí về đại diện pháp luật và hỗ trợ của bên thắng kiện nếu những chi phí này được khiếu nại trong quá trình trọng tài và chỉ trong phạm vi mà ủy ban trọng tài xác định là khoản chi phí này là hợp lý.
f. Mọi chi phí và phí tổn cho cơ quan có thẩm quyền chỉ định cũng như các chi phí cho Tổng Thư ký của Toà án Trọng tài Thường trực tại La hay.
Ðiều 39
1. Thù lao của ủy ban Trọng tài sẽ phải là khoản phí hợp lý, có tính đến trị giá tranh chấp, tính phức tạp của nội dung tranh chấp, thời gian mà các trọng tài viên bỏ ra và các hoàn cảnh liên quan khác của vụ kiện.
2. Nếu cơ quan có thẩm quyền chỉ định do các bên thoả thuận chọn hoặc do Tổng Thư ký của Toà án Trọng tài Thường trực tại La Hay bổ nhiệm và nếu cơ quan chỉ định đó ban hành biểu phí thù lao trọng tài viên trong các vụ kiện quốc tế mà cơ quan này giám sát thì ủy ban Trọng tài trong quá trình ấn định phí thù lao sẽ tính đến biểu phí thù lao này trong chừng mực mà ủy ban thấy là phù hợp trong các hoàn cảnh vụ việc cụ thể.
3. Nếu cơ quan có thẩm quyền chỉ định này không ban hành biểu phí thù lao trọng tài viên trong các vụ kiện quốc tế, thì bất cứ bên nào tại bất cứ thời điểm nào cũng có thể yêu cầu cơ quan này đưa ra một văn bản nêu căn cứ xác lập phí thù lao được tuân theo trong các vụ kiện quốc tế mà trong đó cơ quan này chỉ định các trọng tài viên. Nếu cơ quan chỉ định này đồng ý đưa ra văn bản đó thì ủy ban trọng tài trong quá trình ấn định phí thù lao sẽ tính đến việc đó trong chừng mực mà ủy ban thấy là phù hợp với hoàn cảnh vụ việc.
4. Trong mọi trường hợp được nêu ở đoạn 2 và đoạn 3, khi một bên có yêu cầu như vậy và cơ quan chỉ định đồng ý thực hiện chức năng trên, thì ủy ban trọng tài sẽ ấn định phí thù lao chỉ sau khi đã tham vấn ý kiến với cơ quan chỉ định - cơ quan mà có thể cho biết ý kiến thích hợp cho ủy ban Trọng tài liên quan đến phí thù lao.
Ðiều 40:
1. Ngoại trừ qui định tại đoạn 2, phí tổn trọng tài về nguyên tắc sẽ do bên thua kiện chịu. Tuy nhiên, ủy ban Trọng tài có thể phân bổ chi phí này giữa các bên nếu ủy ban thấy rằng việc phân bổ là hợp lý, có tính đến hoàn cảnh vụ việc.
2. Ðối với những chi phí cho đại diện pháp luật hay hỗ trợ pháp lý được nêu tại Ðiều 38, đoạn (e), ủy ban Trọng tài, tùy theo hoàn cảnh vụ việc, sẽ tự do quyết định xem bên nào sẽ chịu các chi phí này hoặc có thể phân bổ chi phí trên giữa các bên nếu ủy ban thấy việc phân bổ là hợp lý.
3. Khi ủy ban trọng tài ra quyết định kết thúc tố tụng trọng tài hoặc ra phán quyết theo các điều khoản thoả thuận, ủy ban sẽ ấn định chi phí trọng tài nêu tại Ðiều 38 và Ðiều 39, đoạn 1, trong quyết định này hoặc trong phán quyết.
4. Ủy ban Trọng tài sẽ không thu khoản phí bổ sung nào cho việc giải thích, sửa chữa hoặc hoàn tất phán quyết của mình từ Ðiều 35 đến Ðiều 37.
Ðiều 41: Phí ứng trước
1. Ủy ban trọng tài, trên cơ sở văn bản xác lập của mình, có thể yêu cầu mỗi bên ứng trước một khoản tiền như nhau cho các chi phí nêu tại Ðiều 38, các đoạn (a), (b) và (c).
2. Trong qúa trình tố tụng trọng tài, ủy ban Trọng tài có thể yêu cầu các bên nộp khoản tiền ứng bổ sung.
3. Nếu, cơ quan chỉ định do các bên thoả thuận chọn hoặc do Toà án La Hay bổ nhiệm và khi có một bên yêu cầu như vậy và cơ quan chỉ định này đồng ý để thực hiện chức năng đó thì ủy ban Trọng tài sẽ ấn định khoản phí ứng trước hoặc khoản phí bổ sung chỉ sau khi tham vấn ý kiến với cơ quan chỉ định mà cơ quan đó có thể cho ý kiến với ủy ban Trọng tài mà ủy ban trọng tài thấy là phù hợp liên quan đến khoản ứng trước và khoản phí nộp bổ sung trên.
4. Nếu các khoản ứng trước theo qui định không được nộp đủ trong thời hạn 30 ngày sau khi nhận được yêu cầu thì ủy ban Trọng tài sẽ thông báo cho các bên rằng một hoặc bên kia của các bên phải nộp khoản phí yêu cầu này. Nếu không thực hiện việc thanh toán đó, ủy ban Trọng tài có thể ra quyết định dừng hoặc chấm dứt tố tụng trọng tài.
5. Sau khi phán quyết được lập, ủy ban Trọng tài sẽ ra quyết định tính toán cho các bên về số tiền ứng trước đã nộp và hoàn trả phần còn lại cho các bên.
Ðiều khoản trọng tài Mẫu hoặc thoả thuận trọng tài Mẫu
Mọi tranh chấp, bất đồng hay khiếu nại phát sinh hoặc liên quan tới hợp đồng này, hoặc vi phạm, chấm dứt hay không có giá trị pháp lý của hợp đồng, sẽ được giải quyết bằng trọng tài theo Qui tắc Trọng tài Uncitral đang có hiệu lực thực thi. Các bên có thể xem xét đưa thêm những phần sau:
(a) Cơ quan chỉ định sẽ là _____________________ (Tên của cơ quan hoặc cá nhân)
(b) Số lượng trọng tài viên sẽ là _________________ (Một hoặc ba)
(c) Ðịa điểm trọng tài sẽ là _____________________ (Thị trấn hoặc quốc gia)
(d) Ngôn ngữ (các ngôn ngữ) được sử dụng trong tố tụng trọng tài sẽ là _____________