Đặc biệt, dịp nghỉ lễ ngày Chiến thắng và Quốc tế Lao động 30/4-01/5 với chủ đề "Ngày hội non sông thống nhất" sẽ diễn ra nhiều hoạt động đặc sắc. Hấp dẫn nhất là tái hiện chợ phiên vùng cao chủ đề "Sắc màu phiên chợ non nước Cao Bằng."
Không gian chợ là sự kết hợp giữa không gian hội xuống chợ, không gian vui chơi gắn với các hoạt động dân ca, dân vũ, trò chơi dân gian, không gian ẩm thực, sản vật với sắc màu của các dân tộc Lô Lô, Mông, Tày, Nùng, Dao (Cao Bằng)...
Trung tâm của chợ vùng cao là các gian hàng của Cao Bằng trưng bày, giới thiệu các sản vật địa phương như: Rau củ quả (rau cải, măng khô, măng tươi, su su), các loại gia vị đặc trưng, các món ăn đặc trưng của dân tộc Mông (thắng cố, rượu ngô, xôi nếp màu, gà nướng, thịt lợn, cơm lam, cá nướng...), giới thiệu văn hóa - du lịch của tỉnh Cao Bằng (trưng bày triển lãm ảnh, sách, tờ rơi quảng bá du lịch…).
Ngoài ra, Ban tổ chức sẽ giới thiệu không gian văn hóa chợ của người Lô Lô, Mông, Tày, Nùng, Dao... Trong đó tái hiện các hoạt động mua bán, chế biến các món ăn truyền thống, uống rượu ngô, ăn thắng cố, chúc tụng chia vui, chàng trai người Mông say sưa với những điệu khèn; không gian đồng bào Tày, Nùng hát sli, lượn,… hát giao duyên khi chơi chợ. Đồng bào dân tộc sẽ giới thiệu lịch sử, quy trình, nguyên liệu, chế biến một số món ăn dân tộc đặc trưng độc đáo như nấu rượu, làm xôi ngũ sắc, quy trình dệt vải, làm hương, nghề in sáp ong...
Đến với Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam trong dịp này, du khách sẽ được trải nghiệm không gian chợ, thưởng thức chương trình dân ca dân vũ "Sắc màu chợ phiên" và trò chơi dân gian. Đồng thời được nghe giới thiệu nghệ thuật khèn Mông của đồng bào dân tộc Mông và trình diễn nghề thủ công truyền thống của các dân tộc tỉnh Cao Bằng như: Nghề thủ công truyền thống in sáp ong của dân tộc Dao (Dao Tiền); nghề làm hương của dân tộc Nùng cũng như tái hiện lễ hội cầu mưa dân tộc Lô Lô.
"Sắc màu văn hóa các dân tộc Việt Nam" còn được thể hiện đậm nét thông qua các hoạt động trong dịp cuối tuần với: Chương trình dân ca dân vũ "Rực rỡ sắc màu tự hào con cháu Rồng Tiên" của đồng bào các dân tộc đang hoạt động hàng ngày; đồng bào dân tộc Mường đến từ tỉnh Hòa Bình tổ chức tái hiện tục làm vía đặc sắc của dân tộc mình; đồng bào dân tộc Khmer đến từ tỉnh Sóc Trăng tổ chức tái hiện Tết Chôl Chnăm Thmây tại không gian chùa Khmer và các chương trình giao lưu ca nhạc như "Hoa của núi" của đồng bào các dân tộc phía Bắc và "Tình ca Tây Nguyên" của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên tại Làng.
Ngày 17/11/2008, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1668/QĐ-TTg lấy ngày 19/4 hằng năm làm "Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam" nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, góp phần củng cố, tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Trong năm 2023, tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam cũng đã diễn ra “Sắc màu văn hóa các dân tộc Việt Nam”. Trong đó, từ ngày 14 - 19/4 diễn ra các hoạt động nhân “Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2023”. Còn từ ngày 29/4 - 3/5 là các sự kiện dịp nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương (10/3 âm lịch) và dịp lễ với chủ đề “Ngày hội non sông thống nhất”.
Các hoạt động trong chương trình với sự tham gia của khoảng 100 đồng bào với 16 dân tộc nhằm giới thiệu nét văn hóa, phong tục tập quán của đồng bào các dân tộc; quảng bá, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc. Đặc biệt, các sự kiện cũng góp phần đa dạng, phong phú các hoạt động thu hút khách du lịch, hình thành điểm đến tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.