Hoạt động xuất khẩu thép của Việt Nam sang Hoa Kỳ đã gặp nhiều khó khăn trong năm 2019 và 2020 vừa qua khi Hoa Kỳ cáo buộc và điều tra áp dụng biện pháp chống lẩn tránh thuế do sử dụng nguyên liệu thép cán nóng nhập khẩu từ Đài Loan và Hàn Quốc đối với các nhà sản xuất thép tại Việt Nam.
Tuy nhiên, hoạt động xuất khẩu thép của Việt Nam sang Hoa Kỳ bắt đầu khởi sắc trở lại kể từ đầu năm 2021. Dữ liệu của Cơ quan Hải quan Hoa Kỳ cho thấy Hoa Kỳ đã nhập khẩu tới 123.691 tấn sản phẩm thép tấm từ Việt Nam trong 6 tháng đầu năm nay, tương đương với tổng khối lượng thép được nhập khẩu trong cả năm 2020.
Đồng thời, số lượng nhà xuất khẩu thép từ Việt Nam sang Hoa Kỳ cũng tăng mạnh từ mức 4 hãng trong quý 1/2021 lên 10 hãng vào tháng 7 vừa qua. Hiện tại, Hoa Kỳ chủ yếu nhập khẩu thép tấm cán nguội và thép không gỉ thông thường từ Việt Nam. Trong đó, Việt Nam vẫn chưa xuất khẩu bất kỳ lô thép HRC nào sang Hoa Kỳ.
Hãng S&P Global Platts (Anh) nhận định tình hình này sẽ sớm thay đổi trong những tháng còn lại của năm nay khi một số nguồn tin trong ngành thép Hoa Kỳ đã khẳng định có ít nhất hai nhà sản xuất thép Việt Nam đạt được hợp đồng xuất khẩu thép HRC sang nước này và các lô hàng sẽ được chuyển giao trong quý 4/2021.
Hãng S&P Global Platts cũng cho biết các đơn đặt hàng này có khối lượng “đáng kể”. Một doanh nghiệp tại khu vực miền Nam Hoa Kỳ cho biết đã ký kết hợp đồng nhập khẩu thép HRC từ hai nhà máy thép tại Việt Nam với mức giá 1.500 USD/tấn ngắn (907 kg) theo điều kiện giao hàng DDP đến cảng Houston (Hoa Kỳ), giao hàng trong tháng 11/2021. Cả hai nhà máy này đều đã từng bán các sản phẩm thép mạ kẽm nhúng nóng (HDG) sang Hoa Kỳ, theo hãng &P Global Platts.
Bên cạnh đó, cũng có một số thông tin về các đơn hàng đặt mua thép HRC từ Việt Nam với mức giá từ 1.480 USD – 1.510 USD/tấn ngắn theo điều kiện giao hàng DDP đến cảng Houston, giao hàng trong tháng 12/2021 hoặc tháng 1/2022. Theo điều kiện giao hàng DDP, đơn vị xuất khẩu sẽ phải giao hàng đến nơi nhập hàng theo quy định và phải chịu mọi cước phí liên quan đến vận chuyển, cũng như phải nộp mọi loại thuế khi hàng đến địa điểm giao hàng.
Ngay cả khi thép Việt Nam nhập khẩu vào Hoa Kỳ phải chịu mức thuế cao và chi phí vận tải tăng cao thì các doanh nghiệp kinh doanh thép tại Hoa Kỳ vẫn có mức lợi nhuận hấp dẫn. Theo dữ liệu của hãng S&P Global Platts, mức chênh lệch giá thép HRC trên thị trường nội địa Hoa Kỳ với khu vực Đông Nam Á hiện đã lên đến mức 1.075 USD/tấn, cao hơn rất nhiều so với mức chỉ khoảng vài trăm USD/tấn cách đây 1 năm.
Giá thép HRC tại Hoa Kỳ hiện đang ở mức cao kỷ lục. Giữa tháng 7 vừa qua, giá thép HRC trên thị trường giao kỳ hạn của Hoa Kỳ đạt mức cao nhất mọi thời đại 1.825 USD/tấn và nhiều nhà máy sản xuất thép tại nước này buộc phải ngưng nhận các đơn hàng mới cho đến hết mùa hè năm nay do tình trạng quá tải.