Vào ngày 28/11, Ủy ban cải cách và phát triển Trung Quốc (NDRC) đã cho biết sản lượng thép thô của Trung Quốc trong 10 tháng đầu năm 2013 đã tăng 8,3% so với cùng kỳ năm 2012 lên mức 652,48 triệu tấn; mức tăng này cao hơn mức tăng 2,1% của 10 tháng đầu năm 2012.
Theo NDRC, sản lượng thép cuộn của Trung Quốc trong 10 tháng đầu năm 2013 đã tăng 11,6% so với cùng kỳ năm 2012 lên mức 888,32 triệu tấn; cao hơn so với mức tăng 6,3% của 10 tháng đầu năm 2012. Số liệu của NDRC cũng cho biết, trong 10 tháng đầu năm 2013, Trung Quốc đã xuất khẩu được 51,97 triệu tấn thép, tăng 13,6% so với cùng kỳ năm ngoái; trong khi đó lượng thép được nhập khẩu vào Trung Quốc chỉ tăng nhẹ 0,6% đạt 11,62 triệu tấn.
Tuy nhiên, NDRC cho biết giá thép tại Trung Quốc đã giảm xuống trong tháng 10, chỉ số thép tổng hợp của Trung Quốc đã giảm 1,62 điểm từ mức 101,38 điểm trong tháng 9/2013 xuống còn 99,76 điểm trong tháng 10/2013.
Sản lượng thép của Trung Quốc gia tăng trong bối cảnh Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, vào tháng 7/2013, kêu gọi việc giải quyết tình trạng dư thừa công suất nên là ưu tiên hàng đầu của nền kinh tế Trung Quốc với các nỗ lực đẩy nhanh việc tái cơ cấu nền công nghiệp Trung Quốc.
Chính phủ Trung Quốc đã yêu cầu khoảng 1.400 công ty thuộc 19 lĩnh vực, bao gồm: sản xuất thép, xi măng, nhôm, thủy tinh tấm và đóng tàu phải loại bỏ phần công suất lỗi thời vào tháng 9 và phần công suất dư thừa vào cuối năm nay.
Bên cạnh đó, Chính phủ Trung Quốc cho biết cũng sẽ nâng yêu cầu đối với việc mở các mỏ khai thác than mới ở nước này và dừng phê duyệt cấp phép đối với các mỏ than không đáp ứng yêu cầu nhằm giải quyết tình trạng dư cung than tại nước này.
Theo một thông tư từ Văn phòng Quốc vụ viện Trung Quốc, Trung Quốc sẽ giảm thuế đối với các nhà khai thác than của nước này, thắt chặt việc nhập khẩu than và cải thiện cơ chế để cho phép đóng cửa nhanh chóng các mỏ than đã cạn kiệt.
Nền kinh tế Trung Quốc đang cho thấy các dấu hiệu ổn định trong bối cảnh tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Trung Quốc trong quý III/2013 đã tăng 7,8% so với mức 7,5% trong quý II/2013. Điều này cho phép Trung Quốc có thêm dư địa để tái cấu trúc nền kinh tế theo mô hình phát triển bền vững hơn.