Nhiều sản phẩm OCOP của tỉnh Đắk Nông đã đáp ứng đủ các điều kiện tham gia vào các kênh phân phối hiện đại như siêu thị, trung tâm thương mại trong phạm vi toàn quốc. Sản phẩm OCOP Đắk Nông cũng nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm và thu nhập cho cộng đồng, tạo ra công ăn việc làm, phục hồi và phát triển sản phẩm truyền thống, tạo ra sự hấp dẫn cho khu vực nông thôn, giúp thu hút nguồn lao động, nguồn vốn cho khu vực này. Các đơn vị tham gia xác định, sản phẩm được công nhận OCOP sẽ góp phần nâng cao uy tín, thương hiệu và thúc đẩy sự đổi mới, sáng tạo trong sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm bảo đảm tiêu chuẩn trong nước và quốc tế.
Dựa trên kinh nghiệm triển khai của một số tỉnh, thành phố trong cả nước, tỉnh Đắk Nông xác định tiềm năng, thế mạnh sẵn có trong sản xuất nông nghiệp và bắt đầu triển khai Chương trình OCOP từ tháng 5 năm 2019 đến nhiều cấp, ngành, đoàn thể.. Nhờ đó, Chương trình nhận được sự tham gia từ nhiều hộ dân, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, tổ hợp tác, hợp tác xã..., cộng đồng xã hội đã nhìn nhận, đánh giá đúng vai trò của Chương trình OCOP trong việc nâng cao giá trị sản phẩm. Nhiều tổ chức kinh tế, các Hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ gia đình đầu tư sản xuất nông nghiệp bài bản, tạo ra những sản phẩm chất lượng, mang lại hiệu quả kinh tế cao, giải quyết việc làm cho nhiều lao động. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có từ 28 - 30 nhóm sản phẩm có chỗ đứng trên thị trường, mang lại thu nhập cao cho người dân.
Đến tháng 7/2021, tỉnh Đắk Nông đã có 41 sản phẩm nông nghiệp được chứng nhận OCOP hạng từ 3 - 4 sao. Nổi bật nhất có 3 sản phẩm đạt OCOP hạng 4 sao gồm: Dầu sachi, Cà phê Dak Dam và Gạo ST 24.
Sản phẩm OCOP của các Hợp tác xã (HTX) tại Đắk Nông bước đầu ghi dấu ấn trong phát triển nông nghiệp, nông thôn trong đó có sản phẩm Cà phê bột Đắk Đam của HTX Nông nghiệp Công Bằng Thuận An hiện có mặt tại thị trường các tỉnh, thành phố trong nước, trong đó có, Đắk Lắk, Đà Nẵng, Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Hiện nay, đơn vị đang liên kết với 58 hộ dân trồng 125 ha cà phê sạch cung cấp nguyên liệu chế biến cà phê bột Đắk Đam. Cà phê bột Đắk Đam của HTX trước đó từng được chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu chuẩn cấp tỉnh - năm 2018; sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu chuẩn cấp khu vực và được tổ chức FAIRTRADE chứng nhận đạt tiêu chuẩn…
Sản phẩm cà phê bột Đắk Đam đã và đang nâng cao giá trị sản phẩm cho nông dân và sự phát triển của HTX. Với việc sản phẩm của HTX được công nhận, xếp hạng sản phẩm OCOP Đắk Nông hạng 4 sao sẽ góp phần nâng cao giá trị sản phẩm và có cơ hội phát triển thị trường trong và ngoài nước.
Bên cạnh đó, thời gian qua tỉnh Đăk Nông đã tổ chức hội nghị kết nối, quảng bá sản phẩm OCOP thu hút nhiều doanh nghiệp và hộ kinh doanh trong và ngoài tỉnh Đắk Nông tham dự. Đây là dịp để trưng bày, quảng bá, giới thiệu sản phẩm nông sản đặc trưng, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh Đắk Nông đến với các nhà phân phối, các siêu thị, trung tâm thương mại trong cả nước.
Đồng thời, qua hội nghị, tham gia những chương trình xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu trong và ngoài tỉnh, các cơ quan, ban ngành trong tỉnh Đắk Nông đã đúc rút, nghiên cứu nhu cầu của thị trường, kết nối phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị nâng cao hiệu quả kinh tế cải thiện thu nhập cho nông dân đem lại lợi nhuận cho doanh nghiệp, từ đó các doanh nghiệp thúc đẩy hơn nữa trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến mẫu mã.
Đối với các sở, ngành có liên quan và chính quyền địa phương trong tỉnh Đắk Nông cần thực hiện đồng bộ việc tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật tới người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng; đồng thời, đẩy mạnh thực hiện khuyến công, xúc tiến thương mại, tiến tới quy hoạch các vùng sản xuất an toàn tập trung, tăng cường kiểm tra thường xuyên việc thực hiện các quy định về điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm gắn kết hiệu quả việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Thời gian tới, việc triển khai Chương trình OCOP Đăk Nông sẽ hướng tới việc khuyến khích và hướng dẫn người dân, chủ thể kinh tế tham gia tập trung vào các sản phẩm chủ lực, có lợi thế, bảo đảm tính cộng đồng cao, chất lượng tốt và quy mô sản xuất đủ lớn để đưa ra thị trường trong nước và xuất khẩu. Đắk Nông sẽ tập trung vào mục tiêu phát triển chương trình OCOP nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm địa phương góp phần phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà./.