Việc xác nhận các sản phẩm thủy hải sản được khai thác bền vững được thể hiện qua các loại nhãn sinh thái như: MSC, ASC… Trong đó, nhãn sinh thái MSC của Hội đồng Quản lý Biển (MSC) là nhãn sinh thái có độ bao phủ lớn trên thị trường, được nhiều người tiêu dùng chú trọng khi chọn mua các sản phẩm. Tiêu chuẩn MCS đã được sử dụng bởi các thương hiệu hàng đầu trên thế giới như Whole Foods Market, McDonald, IKEA... Thủy sản được dán nhãn sinh thái MSC được bán và xử lý bởi các tổ chức chứng nhận trên hơn 38.000 địa điểm ở hơn 100 quốc gia.
MSC có giá trị như một giấy thông hành, đảm bảo phát triển thủy sản an toàn và là thương hiệu bảo hộ cho các sản phẩm thủy sản khi tham gia thị trường. Tiêu chuẩn MSC bao gồm các yêu cầu đối với hệ thống kiểm soát bằng tài liệu, khả năng nhận biết và truy tìm nguồn gốc sản phẩm, nhãn hiệu hàng hóa và lưu trữ hồ sơ. Các ngư dân, các nhà máy chế biến, các nhà bán lẻ và các đầu bếp xử lý các sản phẩm thủy sản có chứng nhận MSC phải tuân theo các yêu cầu nghiêm ngặt để đảm bảo hải sản đó có nguồn gốc rõ ràng, được khai thác bền vững, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và được dán nhãn chính xác.
Hiện nay, xu hướng tiêu dùng các sản phẩm thủy sản được khai thác bền vững, có nguồn gốc rõ ràng ngày càng tăng trên thế giới. Theo một khảo sát của Hội đồng Quản lý Biển thực hiện tại Thụy Điển và Hà Lan có đến 28% người tiêu dùng tại Thụy Điển và 34% người tiêu dùng Hà Lan ưa chuộng các sản phẩm dán nhãn sinh thái MSC. Kết quả điều tra cũng chỉ ra rằng có 45% người tiêu dùng tại Thụy Điển và 34% tại Hà Lan ngày càng mua nhiều sản phẩm dán nhãn sinh thái hơn một năm trước.
Tại Hoa Kỳ - một trong những thị trường có lượng tiêu thụ hải sản lớn nhất thế giới cũng quan tâm đến các sản phẩm gắn nhãn MSC nói riêng và các mã sinh thái nói chung. Khoảng 2/3 (67%) người tiêu dùng thủy sản Hoa Kỳ muốn biết thủy sản mà họ sử dụng có nguồn gốc rõ ràng và đáng tin cậy, và 58% người tiêu dùng cho biết họ xem nhãn sinh thái là một nguồn cung cấp thông tin đáng tin.
Theo MSC, 10% sản lượng khai thác tự nhiên của thế giới hiện nay được khai thác từ các ngư trường đã tham gia chương trình chứng nhận của MSC. Ông Brian Perkins - Giám đốc khu vực châu Mỹ của MSC cho biết, với những sản phẩm đã dán nhãn sinh thái MSC, người tiêu dùng và các doanh nghiệp có thể tin rằng các sản phẩm thủy sản đó đã được khai thác một cách hợp pháp và khoa học.
MSC cho biết, tổ chức này sẽ đẩy mạnh việc phối hợp với các đối tác trên toàn cầu để giúp người tiêu dùng lựa chọn thủy sản đạt chứng nhận chất lượng và hướng tới nghề cá được quản lý tốt và phát triển bền vững.Hội đồng quản lý biển (Marine Stewardship Council, MSC) là một tổ chức quốc tế phi chính phủ được thành lập để khuyến khích các vùng khai thác thủy sản bền vững và thực hành nghề cá có trách nhiệm trên toàn thế giới thông qua các giải pháp thị trường dài hạn, nhằm đáp ứng nhu cầu và mục tiêu cả về môi trường và thương mại.