Ngày 27/7 tại Hà Nội, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia và Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công Thương phối hợp Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC tổ chức Chương trình “Thúc đẩy sản xuất – Tiêu dùng bền vững 2024”.
Chương trình gồm các hoạt động: Diễn đàn với chủ đề “Tiêu dùng bền vững: Cơ hội - Thách thức để doanh nghiệp phát triển”; Triển lãm “Sản xuất, tiêu dùng bền vững năm 2024” và nhiều hoạt động bên lề thúc đẩy doanh nghiệp, người tiêu dùng hướng đến tiêu dùng bền vững.
Tham dự chương trình có Đại diện Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Lãnh đạo Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Lãnh đạo Ủy Ban Cạnh tranh Quốc gia; các tổ chức quốc tế, Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Hà Nội, giới chuyên gia và cộng đồng doanh nghiệp trong nước và quốc tế, người tiêu dùng.
Phát triển bền vững là xu thế tất yếu
Thời gian qua, Việt Nam đã tham gia sâu rộng và cam kết mạnh mẽ với Quốc tế về các chương trình hành động bảo vệ môi trường, đặc biệt là giải bài toán vừa hướng tới một nền kinh tế Carbon thấp đồng thời có tốc độ phát triển vượt bậc để góp phần thúc đẩy Công ước khung Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26) cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050. Để thực hiện được các cam kết này cần có sự chung tay hành động của mỗi cá nhân, tổ chức, Doanh nghiệp và lộ trình thực hiện từ Chính phủ cũng như cả hệ thống chính trị.
Bên cạnh đó, Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 chính thức có hiệu lực vào ngày 01/7/2024 đã bổ sung quy định, chính sách về thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững, ban hành khái niệm tiêu dùng bền vững và xác định rõ trách nhiệm, nghĩa vụ của người tiêu dùng, doanh nghiệp, cơ quan quản lý từ Trung ương tới địa phương trong việc tham gia thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng bền vững nói riêng và phát triển các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại Việt Nam nói chung.
Phát biểu khai mạc diễn đàn, ông Lê Triệu Dũng, Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc Gia, Bộ Công Thương nhấn mạnh sự quan trọng, tính cấp bách của vấn đề sản xuất, tiêu dùng bền vững. Vì vậy, trong khuôn khổ Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021-2030, Bộ Công Thương đã chú trọng tổ chức nhiều sự kiện để thúc đẩy hiệu quả của hoạt động, trong đó đặc biệt là sự kiện Diễn đàn và Triển lãm đã được tổ chức trong 2 năm liên tiếp gần đây.
Để đạt được các mục tiêu của Diễn đàn, có tính thiết thực, Lãnh đạo Ủy ban Cạnh tranh Quốc Gia mong muốn lắng nghe những ý kiến, trao đổi, thảo luận tập trung giải đáp 03 câu hỏi lớn sau:
Một là, làm rõ vai trò, vị trí của hoạt động sản xuất bền vững trong việc phát triển bền vững, cơ hội, rủi ro, thách thức cho doanh nghiệp trong sản xuất bền vững.
Hai là, xác định vai trò, vị trí, khó khăn của người tiêu dùng trong quá trình thực hiện tiêu dùng bền vững; mối tương quan giữa người tiêu dùng và doanh nghiệp trong quá trình thực hiện sản xuất, tiêu dùng bền vững.
Ba là, đề xuất, chia sẻ, trao đổi các kiến nghị, giải pháp hướng tới chủ thể là doanh nghiệp và người tiêu dùng để thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng bền vững.
Chương trình “Thúc đẩy sản xuất – Tiêu dùng bền vững 2024” diễn ra trong giai đoạn Chính phủ đẩy mạnh phát triển bền vững tất các ngành nghề, lĩnh vực nhằm đạt được mục tiêu chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng xanh hóa các ngành kinh tế, áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn thông qua khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và năng lượng dựa trên nền tảng khoa học và công nghệ, ứng dụng công nghệ số và chuyển đổi số, phát triển kết cấu hạ tầng bền vững để nâng cao chất lượng tăng trưởng, phát huy lợi thế cạnh tranh và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường (theo Quyết định 1658/QĐ-TTg ngày 01/10/2021 về “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt).
Theo đó, cùng với việc tạo cơ chế, chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện sản xuất xanh, sản xuất bền vững thì cần chú trọng nâng cao nhận thức và phát huy sự tham gia từ phía người tiêu dùng trong việc thực hành tiêu dùng bền vững và đồng hành cùng doanh nghiệp để cùng đạt được các kết quả bền vững.
Sản xuất, tiêu dùng bền vững còn nhiều thách thức
Phát biểu tại Diễn đàn, Ông Tạ Đình Thi - Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội nhấn mạnh “Sản xuất, tiêu dùng bền vững có ý nghĩa và vị trí đặc biệt quan trọng trong tiến trình phát triển bền vững không chỉ tại Việt Nam mà còn ở phạm vi khu vực và trên toàn thế giới. Nhận thức được tầm quan trọng của sản xuất, tiêu dùng bền vững, từ năm 2015, với vai trò là thành viên của Liên hợp quốc, Việt Nam đã tham gia ký cam kết thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 với 17 mục tiêu phát triển bền vững, trong đó có mục tiêu sản xuất, tiêu dùng bền vững”.
Ông Tạ Đình Thi cũng thừa nhận rằng dù đã đạt được nhiều kết quả, tiến bộ trong việc ban hành chính sách, pháp luật cũng như trong tổ chức thực hiện nhằm thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng bền vững, song vẫn còn nhiều trở ngại, khó khăn, thách thức ở phía trước, làm sao sớm đưa các chính sách, pháp luật đi vào thực tiễn.
Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đánh giá: "Đa số doanh nghiệp đều nhận thức được vai trò của sản xuất bền vững đối với sự tồn tại, nâng cao năng lực cạnh tranh và sự phát triển lâu bền của chính mình, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, lúng túng trong việc tìm kiếm, huy động và sử dụng nguồn vốn đầu tư sản xuất xanh, nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo, mở rộng thị trường để tạo ra các sản phẩm có giá trị cao, thân thiện với môi trường; thực hiện tái chế, kinh tế tuần hoàn; thực hiện tốt trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp; nâng cao nhận thức cộng đồng về sản xuất và tiêu dùng bền vững".
Một số tổ chức tín dụng đã chủ động thiết kế các gói ngân sách để hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện sản xuất bền vững, thực hiện chính sách về tín dụng xanh nhưng tỷ lệ giải ngân vẫn còn thấp, ít thu hút được sự quan tâm và hấp dẫn các doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp lưu thông, phân phối, đặc biệt là các chuỗi siêu thị, các đại siêu thị đã từng bước xanh hoá quy trình phân phối, giảm thiểu bao bì trung gian, giảm thiểu chất thải; sớm sử dụng, phân phối sản phẩm, bao bì thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, theo ông Tạ Đình Thi nhận định các hoạt động này chưa có tính bền vững, việc sử dụng túi nilong, bao bì khó phân huỷ vẫn còn phổ biển, chưa có nhiều hoạt động nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng trong việc tiêu dùng xanh, tiêu dùng thông minh; chưa thực hiện tốt việc tiếp nhận các sản phẩm, bao bì thải bỏ để đem đi tái chế…
Về phía người tiêu dùng ngày càng hiểu biết hơn và có ý thức ưu tiên lựa chọn tiêu dùng xanh, thấy được trách nhiệm của mình trong quá trình thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng bền vững; nhận thức tốt hơn và thực hiện phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn; các hành động giảm thiểu chất thải nhựa ngày càng phổ biến. Tuy vậy, giá thành sản phẩm xanh vẫn còn cao so với mặt bằng thu nhập chung của người dân, trong khi đó các hành vi quảng cáo gian dối, lợi dụng thông tin sản phẩm xanh để bán giá cao ngày càng phổ biến, gây e ngại, tâm lý hoang mang đối với người tiêu dùng, thói quen và ý thức tuần hoàn tài nguyên chưa được hình thành nên quá trình hình thành phong trào người tiêu dùng thông thái còn nhiều hạn chế, ảnh hưởng đến quá trình tiêu dùng bền vững.
Ông Tạ Đình Thi cho rằng còn những hạn chế trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chính sách, pháp luật, thiếu những quy định và chế tài cụ thể trong thi hành pháp luật cũng như thiếu các công cụ, phương tiện trong công tác quản lý.
Diễn đàn là cơ hội để nắm bắt tình hình thực tiễn sản xuất của doanh nghiệp, mức độ nhận biết của người tiêu dùng về các sản phẩm xanh, sản phẩm thân thiện môi trường. Việt Nam đang dần chuyển hướng sang các mô hình sản xuất, tiêu dùng thân thiện hơn với môi trường, ít gây ô nhiễm. Điều này được thể hiện qua việc áp dụng các công nghệ sản xuất sạch hơn, tái chế, tái sử dụng nguyên liệu, giảm thiểu chất thải. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam cũng đang nâng cao cam kết và hành động về phát triển bền vững, như sử dụng nguyên liệu tái chế, thiết kế sản phẩm thân thiện môi trường, áp dụng các tiêu chuẩn quản lý môi trường.
Đồng thời, chương trình cũng là cầu nối để ghi nhận đầy đủ thông tin, tham khảo ý kiến phân tích, đánh giá đa chiều từ các nhà quản lý, các chuyên gia kinh tế trong nước và quốc tế, các hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp để kịp thời đề xuất những giải pháp có tính chiến lược, kịp thời nhằm thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng dùng bền vững tại Việt Nam. Các ý kiến đóng góp từ các bên liên quan sẽ giúp nhận diện đầy đủ các thách thức, xu hướng mới trong sản xuất, tiêu dùng bền vững ở Việt Nam.
Từ đó, khuyến khích các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân áp dụng khoa học, công nghệ và thay đổi phương thức quản lý nhằm hướng đến sản xuất sạch hơn mà còn định hướng và thay đổi hành vi tiêu dùng hướng đến tiêu dùng bền vững tại Việt Nam và đề xuất những chính sách, giải pháp mới mang tính đột phá, khả thi để Việt Nam có thể nhanh chóng chuyển dịch sang mô hình sản xuất, tiêu dùng thân thiện với môi trường.
Trong khuôn khổ Chương trình là các hoạt động bên lề như triển lãm với 30 gian hàng, quy tụ gần 20 doanh nghiệp, đơn vị đến từ trong và ngoài nước. Dự kiến, sự kiện thu hút khoảng 30.000 - 50.000 lượt người tham quan.
Bên cạnh đó là Talkshow “Công nghệ xanh cho sản xuất – Tiêu dùng bền vững” chia sẻ về những ứng dụng và lợi ích của công nghệ xanh trong sản xuất bền vững và những tác động của thương mại điện tử trong tiêu dùng xanh, bền vững. Talkshow “Tiêu dùng xanh – Chung tay giảm rác thải nhựa”, “Xanh hóa hệ thống phân phối”, “Hành động” để thay đổi thói quen tiêu dùng” tập trung chia sẻ, hướng dẫn sản xuất và phân phối các sản phẩm tiêu dùng thân thiện môi trường, nguyên vật liệu từ thiên nhiên trong hoạt động của các hệ thống bán lẻ, trung tâm thương mại.
Tại Chương trình “Thúc đẩy sản xuất - Tiêu dùng bền vững 2024”, Ban Tổ chức tạo nhiều hoạt động trải nghiệm nhằm hướng dẫn người tiêu dùng chọn lựa những sản phẩm xanh, thân thiện môi trường. Ngoài ra còn có các hoạt động bốc thăm trúng thưởng, nhiều trò chơi hấp dẫn dành cho người tiêu dùng.