Phòng Phát triển Sản phẩm thuộc Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn – TNHH Một thành viên (SATRA) phối hợp với Công ty Cổ phần Nông sản Hoa Nắng vừa cho ra mắt thêm dòng sản phẩm gạo ST25 được sản xuất trên vùng đất luân canh giữa nuôi Tôm và trồng Lúa để phục vụ người tiêu dùng. Giá bán lẻ cho người tiêu dùng tại hệ thống bán lẻ Satra (Satramart và Satrafoods) là 37.500 đồng/1kg.
Gạo ST25 lúa – tôm của Satra được trồng tại vùng Thạnh Phú tỉnh Bến Tre, đây là vùng được chọn lọc, quy hoạch từ 2014 với hơn 100 hộ nông dân tham gia sản xuất, gắn bó và tuân thủ quy trình của Công ty Hoa Nắng đề ra.
Giống lua ST 25 đạt thương hiệu gạo ngon nhất thế giới 2019, được Hoa Nắng mua trực tiếp từ kỹ sư Hồ Quang Cua, đảm bảo đúng giống xác nhận đến từ nhà lai tạo. Đồng thời, vật tư phục vụ việc trồng lúa được Công ty Hoa Nắng hỗ trợ giao nhận đầy đủ trong suốt quá trình sản xuất.
Đội ngũ kỹ sư Hoa Nắng cũng trực tiếp tham gia sản xuất cùng người nông dân từ khâu xuống giống đến thu hoạch, đảm bảo việc kiểm tra, giám sát và tư vấn cho bà con nông dân kịp thời, đúng quy trình đề ra; Hỗ trợ nông dân ghi chép quá trình sản xuất, giúp truy xuất nguồn gốc khi cần và đánh giá quá trình sản xuất vào cuối vụ.
Bên cạnh đó, lúa được trồng theo hình thức canh tác này sau khi thu hoạch sẽ được vận chuyển bằng xe tải về sấy tại nhà máy đảm bảo không quá 48h để giữ nguyên mùi thơm và dinh dưỡng trong hạt gạo; Quá trình xay xát và đóng gói tại nhà máy đạt tiêu chuẩn HACCP.
Về hương vị, màu sắc: Gạo ST25 lúa - tôm của Satra có vị đậm, thơm. Hạt gạo khi nấu xong dẻo, dai và ngọt cơm hơn các loại gạo khác. Màu trắng trong, sáng, hạt gạo dài, thon đẹp.
Gạo Lúa Tôm là hình thức canh tác “Một vụ Tôm – Một vụ Lúa” trên vùng đất có 6 tháng nước ngọt và 6 tháng nước mặn. Nông dân sẽ kết hợp nuôi tôm vào 6 tháng nước mặn từ tháng 1 đến tháng 6 dương lịch, và trồng lúa khi mùa mưa đến vào tháng 7 đến tháng 12. Chính vì vậy gạo lúa tôm chỉ canh tác 1 vụ/ năm, vào thời điểm mà thời tiết thuận lợi nhất cho việc trồng lúa và mang lại dinh dưỡng nhiều nhất cho hạt gạo.
Không lạm dụng tài nguyên đất như các loại gạo canh tác 2,3 vụ/ năm. Canh tác 1 vụ lúa 1 vụ tôm cũng là hình thức sản xuất bền vững, thân thiên với môi trường. Sau một vụ nuôi tôm, các chất thải, phân tôm được cây lúa chuyển hóa và hấp thụ vào bên trong. Góp phần hạn chế lượng phân bón hoá học sử dụng trong đất. Ngược lại, sau một vụ lúa, các loại rơm rạ sẽ bị phân hủy và tạo môi trường sống. Cũng như nguồn thức ăn tự nhiên cho tôm trong vụ nuôi tiếp theo. Do đó, gạo lúa tôm phát triển hoàn toàn nhờ vào tự nhiên, tốt cho sức khỏe người sử dụng.
Trong quá trình trồng lúa, người nông dân còn xen canh thêm tôm sú, tôm càng, cua, cá…, không chỉ tạo thêm thu nhập mà còn giúp tiêu diệt sâu, rầy, các loại côn trùng gây hại trên lúa. Giúp hạn chế việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Chính vì vậy mà gạo lúa tôm an toàn hơn các loại gạo thông thường khác, hạn chế tối đa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật tồn dư trong hạt gạo. Nên Gạo lúa tôm an toàn cho người tiêu dùng, đặt biệt là đáp ứng tốt các yêu cầu nghiêm ngặt của ngững thị trường xuất khẩu khó tính.
Vì 1 năm chỉ sản xuất 1 vụ, nên lượng phân bón mà người nông dân bón cho lúa trồng trên vuông tôm chỉ bằng ½ so với lượng phân bón thông thường dùng trong sản xuất lúa. Việc xen canh giữa nuôi tôm và trồng lúa mang lại giá trị tương hỗ lẫn nhau, người nông dân sẽ không phun xịt các loại thuốc hoá học để hạn chế tối đa việc ảnh hưởng đến tôm,cá.
Hàm lượng dinh dưỡng hạt gạo trồng trên vuông tôm có hương vị đậm đà, nhiều dinh dưỡng hơn các loại gạo thâm canh 2,3 vụ/ năm. Vì dinh dưỡng trong đất nuôi tôm nhiều hơn và việc sản xuất luân canh giúp đất có thời gian phục hồi, mang lại nhiều hơn dưỡng chất vào từng hạt gạo.