Những ngành này họ đang xem xét liên quan đến việc thắt chặt kiểm soát xuất khẩu để ngăn chặn các hàng hóa công nghệ cao này rơi vào tay các thế lực nước ngoài, đặc biệt nếu chúng được coi là quan trọng đối với an ninh quốc gia.
Đây sớm được coi là một động thái mở ra một mặt trận mới cho cuộc đối đầu Mỹ -Trung, trong bối cảnh nguyên thủ hai nước này đang bận bịu trong một cuộc chiến thương mại gây nhiều tổn thất bằng việc liên tục áp đặt thuế quan lẫn nhau. Ẩn sau đó còn là mối lo ngại ngày càng gia tăng của các quan chức và các giám đốc điều hành doanh nghiệp Mỹ khi cho rằng Trung Quốc đang giành chiến thắng trong cuộc đua phát triển các ngành công nghệ tương lai, và cần phải bị chặn đứng - vì lý do kinh tế, chiến lược và quân sự - nếu Mỹ vẫn muốn giữ vững vị trí thống trị toàn cầu của mình trong thế kỷ 21.
Cuộc chiến “2 trong 1”
Trump khởi phát cuộc chiến thương mại với Trung Quốc vì muốn tạo thêm việc làm cho người dân Mỹ cũng như để cắt giảm thâm hụt thương mại với quốc gia tỷ dân này. Tuy nhiên, sự cạnh tranh về công nghệ có lẽ là lĩnh vực khó giải quyết nhất trong thời gian Trump cố gắng đạt được một thỏa thuận “ngừng chiến” với Tập Cận Bình trước ngày 3/2, thời hạn mà họ đặt ra trong cuộc họp bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 tại Argentina.
Ely Ratner, quan chức chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama và hiện là Phó Giám đốc tại Trung tâm nghiên cứu về một nền an ninh mới của Mỹ đặt tại Washington, nói: “Cuộc cạnh tranh công nghệ là trung tâm của cuộc chiến thương mại và tôi hy vọng cuộc cạnh tranh này sẽ tiếp tục bất kể có thỏa thuận nào được ký kết hay không. Trung Quốc nhiều khả năng sẽ giải quyết một số lo ngại của Mỹ nhưng rất khó có thể nhượng lại cho chính quyền Trump… sự hỗ trợ của nhà nước trong lĩnh vực công nghệ, vì vậy, đây tiếp tục sẽ là một vấn đề gây xích mích”.
Mỹ đã cáo buộc Trung Quốc thực hiện các hành vi không công bằng - bao gồm các khoản trợ cấp công nghiệp, đánh cắp tài sản trí tuệ và buộc các công ty Mỹ chuyển giao công nghệ cho Trung Quốc để đổi lấy quyền tiếp cận thị trường của mình - nhằm đạt được mục tiêu phát triển thành một nền kinh tế đổi mới, có giá trị cao hơn vào năm 2025.
Tuy nhiên, các mối lo ngại của Washington vượt xa các vấn đề thương mại. Mỹ ngày càng lo sợ các thực thể của Trung Quốc cũng có thể sử dụng những tiến bộ trong công nghệ để thu thập thông tin tình báo, khai thác các lỗ hổng trong chuỗi cung ứng quốc phòng của Mỹ và tấn công mạng các cơ sở hạ tầng quan trọng.
Mối đe dọa về kiểm soát xuất khẩu - vốn vẫn phải trải qua một quá trình quan liêu khá dài trước khi chúng được chỉ định và thực hiện - chỉ là "phần nổi của tảng băng chìm". Kết hợp với chúng là điều luật mới thắt chặt sự giám sát đầu tư nước ngoài tại Mỹ. Điều này sẽ khiến các công ty Trung Quốc khó có thể trực tiếp giành được những công nghệ tiên tiến của các nhà sản xuất Mỹ.
Công nghệ 5G - vạch xuất phát?
Mỹ đã kêu gọi các công ty trong nước và các chính phủ nước ngoài ngừng hợp tác với Tập đoàn viễn thông công nghệ Huawei của Trung Quốc, đơn vị đang đi đầu trong cuộc đua phát triển mạng không dây 5G. Các nhà phê bình cáo buộc đây chỉ là một phương tiện phục vụ cho mục đích gián điệp. Huawei đã bác bỏ những cáo buộc này. Trong khi đó, các công tố viên Mỹ đang gia tăng nỗ lực trấn áp các thực thể Trung Quốc bị nghi ngờ có hành vi ăn cắp bí mật thương mại. Các quan chức Bộ Tư pháp Mỹ cho biết, các bản cáo trạng đang trong quá trình xử lý.
Mới đây, Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Mark Warner và thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Marco Rubio đã công bố một điều luật tạo lập một văn phòng trong nhánh hành pháp Mỹ để hạn chế hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ của nhà nước.
Ông Warner - Phó Chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ, cho biết: “Một điều rõ ràng rằng Trung Quốc quyết tâm sử dụng mọi công cụ trong kho vũ khí của mình để vượt qua Mỹ về mặt công nghệ và thống trị chúng ta về mặt kinh tế... Chúng tôi cần một chiến lược công nghệ của toàn chính phủ để bảo vệ khả năng cạnh tranh của Mỹ trong các ngành công nghệ mới nổi và công nghệ lưỡng dụng (sử dụng cho 2 mục đích) cũng như giải quyết mối đe dọa của Trung Quốc bằng cách chống lại việc chuyển giao công nghệ từ Mỹ”.
Bắc Kinh cho rằng, Mỹ không có quyền ngăn cản tham vọng kinh tế của họ. Theo họ, Washington kịch liệt phản đối bởi họ đang mất khả năng cạnh tranh, sự khéo léo và tầm cỡ đối trước đối thủ Thái Bình Dương của mình.
Nhiều công ty công nghệ Mỹ lo ngại rằng, Trung Quốc đang sử dụng các chiến thuật không công bằng và thậm chí là bất hợp pháp để tiến lên phía trước. Tuy nhiên, cũng có nhiều mối lo ngại cho rằng cách tiếp cận của chính quyền Trump gây phản tác dụng. Khi thông báo thắt chặt kiểm soát xuất khẩu được đưa ra, các nhà vận động hành lang công nghệ Mỹ ở Washington giải thích rằng họ có nguy cơ mất quyền tiếp cận vào một thị trường hàng hóa lớn và mất khả năng chia sẻ thông tin với các nhà nghiên cứu Trung Quốc, điều có thể giúp họ phát triển các sản phẩm tiên tiến hơn. Nhiều nhà phân tích chính sách cũng đồng tình rằng Mỹ có thể hứng rủi ro nếu đi quá xa.
Hai nhà nghiên cứu Ryan Hass và Zach Balin của Viện nghiên cứu Brookings cho biết trong một báo cáo mới đây, rằng “thật công bằng và thích hợp khi để các quốc gia bảo vệ báu vật kinh tế của mình khỏi sự bóc lột hay xâm phạm từ nước ngoài”. Tuy nhiên, Mỹ cũng cần “tránh tự gây hại cho bản thân”.
Các cuộc tranh luận có thể bị phủ bóng bởi cảm giác của một cuộc Chiến tranh Lạnh về công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc. Điều này khó có thể được giải quyết trong một sớm một chiều, cho dù Trump có giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020 hay không. Ratner nói: “Tôi cho rằng vấn đề này sẽ chẳng thể biến mất dù có một tổng thống Mỹ mới vào năm 2021”.