Sứ mạng của 5G
Dự Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2020 của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), Thủ tướng dành phần lớn thời gian đề cập đến kinh tế số.
Thủ tướng yêu cầu Bộ TT&TT phải chỉ đạo các doanh nghiệp trong ngành đầu tư hạ tầng số đi trước một bước cho chuyển đổi số và đi đầu trong công cụ chuyển đổi số.
Trong lĩnh vực viễn thông, thương mại hóa 5G bằng thiết bị Việt Nam bước đầu thành công, đây là một thắng lợi cần phổ cập rộng rãi.
Trước đây, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã nhận định, công nghệ 5G sẽ tạo ra một cuộc cách mạng về kết nối. Nếu 2G, 3G, 4G kết nối 7 tỷ người thì 5G sẽ kết nối hàng ngàn tỷ thiết bị, chuyển tải toàn bộ thế giới vật lý vào thế giới ảo.
Mạng 5G là hạ tầng cho kết nối vạn vật - hạ tầng quan trọng nhất của CMCN 4.0. Việt Nam muốn đi đầu trong CMCN 4.0 thì mạng 5G phải đi trước cả đi đầu.
Năm 2020, Việt Nam sẽ đăng cai tổ chức triển lãm số thế giới, sự kiện công nghệ số lớn nhất thế giới, do Liên minh Viễn thông thế giới thuộc Liên Hợp Quốc tổ chức với trên 100 quốc gia, vùng lãnh thổ tham gia, Bộ TT&TT phải tổ chức tốt sự kiện này.
Năm 2020 cũng là năm chuyển đổi số quốc gia sâu rộng và toàn diện, Thủ tướng quyết định ban hành Đề án chuyển đổi số quốc gia, trên cơ sở đó các bộ, ngành và tỉnh, thành ban hành chương trình chuyển đổi số trong lĩnh vực, địa phương, doanh nghiệp.
Bộ TT&TT phải đi đầu về chuyển đổi số các lĩnh vực bưu chính, viễn thông, báo chí, truyền thông.
Sớm đưa vào vận hành
Trên tinh thần đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kỳ vọng Bộ TT&TT sớm đưa vào vận hành Trung tâm Nghiên cứu chính sách 4.0 (Trung tâm CMCN 4.0 ) mà Bộ trưởng đã ký với Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF).
Năm 2018 Chính phủ đã giao Bộ TTTT hợp tác với Diễn đàn Kinh tế Thế giới thiết lập một Trung tâm làm chính sách cho các công nghệ mới của cuộc CMCN 4.0, cũng như các mô hình kinh doanh mới.
Tại diễn đàn công nghệ thông tin tổ chức tháng 11/2018, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng kêu gọi các chuyên gia, học giả, doanh nghiệp, nhà tư vấn, hiệp hội, người dân hợp tác với Bộ TTTT trong Trung tâm này để hình thành các chính sách một cách kịp thời, phù hợp với sự phát triển, giúp Việt Nam đi đầu trong công nghệ mới.
Trung tâm CMCN 4.0 của WEF tại San Francisco (Mỹ) được thành lập vào tháng 4/2017. Đây là một tổ chức kết nối cộng đồng quốc tế trong các đối thoại đa bên và hợp tác cụ thể về cơ hội và thách thức từ các ngành công nghệ cao.
Trung tâm nghiên cứu chính sách sẽ là nơi xây dựng các chính sách, khuôn khổ pháp lý với mục tiêu thu hẹp khoảng cách giữa những công nghệ mới và hệ thống pháp luật.
Hiện nay, trên thế giới chưa có Trung tâm Affiliate Center nào được thành lập. WEF đang trao đổi với Brazil, Thụy Điển, Israel, Pháp, Đức và Các tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất để thành lập những cơ sở như vậy trong năm 2019. Việt Nam có thể sẽ là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới chứng kiến sự xuất hiện của một Affiliate Center.
Trung tâm CMCN 4.0 của WEF tại San Francisco nghiên cứu về 9 lĩnh vực chính của cuộc CMCN 4.0 gồm Trí tuệ nhân tạo và học máy, Internet vạn vật và kết nối, Block chain, Tự động hóa và đô thị di động, Drones và hàng không tương lai, Thương mại số, Công nghiệp 4.0 về trái đất, Dược phẩm chính xác và Chính sách dữ liệu.