Trong Chỉ thị này, nhiệm vụ đầu tiên được đặt ra là “tăng cường kiểm soát quyền lực, trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị trong công tác quản lý cán bộ và thực thi công vụ”.
Không tính tới biện pháp chung chung như “Thường xuyên giáo dục chính trị tư tưởng về quan điểm đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và Bộ Tài chính”, thì có tới hơn 2 chục biện pháp kiểm soát quyền lực được cụ thể hóa.
Trước hết là thực hiện quy định về phân cấp, phân quyền và kiểm soát chặt chẽ quyền lực. Phân cấp, phân quyền chính là để rạch ròi trách nhiệm. Khi trách nhiệm thuộc về hơn một cấp, công chức có thể sử dụng “nghiệp vụ” xin ý kiến cấp trên, hoặc đơn vị liên quan để “vòi” doanh nghiệp.
Khi đã phân cấp, phân quyền, công chức sẽ buộc phải chủ động xử lý công việc, kể cả các tình huống khẩn cấp, đột xuất, bất ngờ trong đơn vị, lĩnh vực mình phụ trách. Nếu gặp vướng mắc, doanh nghiệp cũng biết được chính xác trường hợp của mình đang”vướng” ở khâu nào, ai phụ trách giải quyết.
Tiếp đến là hàng loạt các biện pháp:
- Cải cách thủ tục hành chính, phòng chống mọi hành vi cửa quyền, hách dịch, sách nhiễu, trì hoãn giải quyết, thờ ơ, vô cảm với đồng nghiệp và nhân dân, gây khó khăn đối với tổ chức, cá nhân; không có thái độ cửa quyền, gợi ý nhận tiền, quà biếu của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
- Phòng ngừa các biểu hiện độc đoán, chuyên quyền, quan liêu, xa dân, thờ ơ, vô cảm trước những khó khăn, bức xúc của nhân dân; định kiến với người góp ý, phê bình.
- Không lợi dụng vị trí công tác để can thiệp không đúng thẩm quyền, không đúng trách nhiệm, can thiệp trái quy định vào công tác cán bộ, công tác kiểm tra, thanh tra.
- Chấn chỉnh các vi phạm, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với công chức, viên chức vi phạm quy chế, quy trình nghiệp vụ, quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp, nhũng nhiễu, thờ ơ, vô cảm trong quá trình thực thi công vụ.
- Cấp ủy, Thủ trưởng đơn vị tăng cường quản lý, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, không để xảy ra những vụ việc gây hậu quả và tác động tiêu cực do quan liêu trong quản lý, sự thiếu trách nhiệm, tắc trách, vô kỷ luật trong quá trình thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.
- Cấp ủy, Thủ trưởng đơn vị là người chịu trách nhiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện công tác quản lý công chức, viên chức tại đơn vị; nghiêm túc thực hiện và công khai, minh bạch các quy định liên quan đến công tác quản lý cán bộ, kiên quyết không để xảy ra sai phạm, tiêu cực.
Trong hơn 2 chục biện pháp nêu trên, có 3 lần sử dụng biện pháp chống sự vô cảm:
- “Vô cảm với đồng nghiệp và nhân dân”;
- “Vô cảm trước những khó khăn, bức xúc của nhân dân”;
- “Vô cảm trong quá trình thực thi công vụ”.
Và có tới 4 lần nhắc đến trách nhiệm của người đứng đầu:
- “Tăng cường kiểm soát quyền lực, trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị…”
- “Trách nhiệm nêu gương đối với công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo…”
- “ Cấp ủy, Thủ trưởng đơn vị tăng cường quản lý…”
- “Cấp ủy, Thủ trưởng đơn vị là người chịu trách nhiệm…”.