Theo chương trình, ngày đầu tiên của đợt 2 của Kỳ họp thứ 9, Quốc hội Khóa XIV, ngày 8/6/2020, trong phiên họp buổi sáng, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do giữa CHXHCN Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA).
Cùng đó Quốc hội cũng sẽ biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định bảo hộ đầu tư giữa một bên là CHXHCN Việt Nam và một bên là Liên minh Châu Âu và các nước thành viên Liên minh Châu Âu (EVIPA); Nghị quyết phê chuẩn gia nhập Công ước số 105 của Tổ chức Lao động quốc tế về xóa bỏ lao động cưỡng bức.
Dự kiến tại phiên họp thông qua Nghị quyết EVFTA và Nghị quyết EVIPA sẽ có sự tham dự của đại diện Đại sứ quán các nước Liên minh châu Âu tại Hà Nội.
Trước đó, tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 9, Quốc hội Khóa XIV, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo thuyết minh Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA).
Cụ thể, Báo cáo đã tập trung vào 2 nội dung quan trọng: Thứ nhất là các vấn đề pháp lý cần xử lý để có thể hoàn thành nghĩa vụ đặt ra trong hiệp định; Thứ hai là những chương trình, bước đi cụ thể mà Chính phủ sẽ thực hiện, từ đó đưa Hiệp định vào cuộc sống.
Theo Báo cáo thẩm tra về việc phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do giữa CHXHCN Việt Nam và Liên minh Châu Âu, Hiệp định sẽ giúp GDP của Việt Nam tăng thêm ở mức bình quân từ 2,18 đến 3,25% (cho giai đoạn 5 năm đầu thực hiện), 4,57-5,30% (cho giai đoạn 05 năm tiếp theo) và 7,07-7,72% (cho giai đoạn 05 năm sau đó).
EU là thị trường nhập khẩu lớn thứ hai thế giới và hiện là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam (sau Mỹ). Thông qua Hiệp định này, Việt Nam có thể tiếp cận một thị trường tiềm năng với dân số hơn 500 triệu người, GDP khoảng 15.000 tỷ USD chiếm 22% GDP toàn cầu.
Về trao đổi thương mại, Việt Nam và EU chủ yếu mang tính bổ trợ thay vì cạnh tranh lẫn nhau. Với những cam kết mở cửa thị trường mạnh mẽ, EVFTA dự kiến sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030.
Xuất khẩu tập trung vào một số ngành như nhóm hàng nông sản (gạo, đường, thịt lợn, thịt gia súc gia cầm, lâm sản, đồ uống và thuốc lá), nhóm ngành chế biến, chế tạo (dệt, may mặc, da giày), nhóm ngành dịch vụ (vận tải thủy, vận tải hàng không, tài chính và bảo hiểm, các dịch vụ phục vụ kinh doanh khác).
Về nhập khẩu, dự kiến nhập khẩu từ EU sẽ tăng khoảng 33,06% vào năm 2025 và 36,7% vào năm 2030, tập trung vào một số mặt hàng như phương tiện và thiết bị vận tải, máy móc thiết bị phụ tùng, điện thoại và linh kiện điện tử, dược phẩm.
Việc phê chuẩn EVFTA sẽ gửi đi thông điệp quan trọng về quyết tâm của Việt Nam trong thúc đẩy liên kết kinh tế quốc tế và ủng hộ hệ thống thương mại đa phương dựa trên luật lệ trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ thương mại diễn biến phức tạp; giúp đa dạng hóa thị trường của Việt Nam để không bị phụ thuộc vào một thị trường nào, góp phần đảm bảo an ninh kinh tế.