TCCT: Thưa ông, chỉ còn ít ngày nữa thôi các đại biểu Quốc hội sẽ bấm nút thông qua EVFTA, ông có chia sẻ điều gì qua sự kiện này?
Nhà sử học Dương Trung Quốc: Tôi muốn nói về Hiệp định này ở 2 chiều thức. Thứ nhất chúng ta là một trong những quốc gia rất mở cửa, tiếp cận với rất nhiều thị trường trên thế giới, nhất là những FTA thế hệ mới này. Việt Nam ngày càng trở thành một mắt xích quan trong trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Điều đó cho thấy những thuận lợi rất cơ bản, là đoàn đàm phán đã được tích lũy về kinh nghiệm, từ quá trình chuẩn bị đến đàm phán, thương lượng, và chúng tôi là những người theo dõi, có lẽ người dân cũng theo dõi thì cảm thấy kết thúc rất có hậu.
Có hậu là EVFTA đã đi hết đến tận cùng chặng đường của mình: được ký kết, sắp được phê chuẩn để đi vào thực thi; có hậu còn là đảm bảo được lợi ích cân bằng cho hai bên vốn rất chênh lệch về trình độ phát triển.
Với EVFTA, về cơ bản những mặt hàng mũi nhọn xuất khẩu của Việt Nam như dệt may, da giày, đồ gỗ… đã giành được sự ưu đãi ở mức cao, trong khi những sản phẩm của EU được ưu đãi khi xuất khẩu vào Việt Nam, thì chúng ta cũng có nhu cầu như thiết bị, máy móc, dược phẩm hay phương tiện vận tải.
Ở chiều thức thứ hai, mỗi lần Việt Nam ký kết một hiệp định thương mại tự do (FTA), chúng ta không chỉ trông chờ vào những thị trường rộng mở, mà điều cần hơn, xuất phát từ nhu cầu thực tế, chúng ta muốn tự thay đổi mình để đủ sức hội nhập quốc tế.
Đó là một yêu cầu rất lớn. Đây không chỉ là câu chuyện quốc gia, hay câu chuyện của Bộ Công Thương, mà là câu chuyện của những người tham dự cụ thể, từ người tiêu dùng, đến những hộ sản xuất, đặc biệt các doanh nhân việt Nam.
Vì thế, việc đàm phán, ký kết, đưa vào thực thi Hiệp định này là một nỗ lực của cả hệ thống chính trị, trong đó có sự chỉ đạo của Chính phủ, có sự chủ động triển khai các phương án đàm phán của Bộ Công Thương và các bộ ngành khác trong đoàn đàm phán Chính phủ.
TCCT: Thưa ông, khi EVFTA được ký kết, đã có những con số dự báo về tăng trưởng xuất khẩu hay thu hút FDI, nhưng còn những điều quan trọng khác là hoàn thiện quá trình nội luật hóa như là mua sắm công, quyền lợi người lao động, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững…?
Nhà sử học Dương Trung Quốc: Tôi nghĩ trong quá trình phát triển, mỗi quốc gia nói chung và Việt Nam đều có những đặc thù riêng của mình, về hệ thống chính trị, về tập quán, truyền thống văn hóa… Nhưng nói cho cùng, trong xu thế hiện nay phải tìm ra mẫu số chung, mang lại lợi ích công bằng cho những người tham gia ở cả hai bên.
Các cam kết trong EVFTA đòi hỏi chúng ta phải điều chỉnh lại một số quy định trong nước có liên quan. Nói đầy đủ hơn là chúng ta phải nội luật hóa để thực thi Hiệp định, như thời gian qua Bộ Công Thương đã kiến nghị Chính phủ và các Bộ, ngành khẩn trương xây dựng, sửa đổi pháp luật trong nước phù hợp với những cam kết của Việt Nam trong EVFTA.
Về cơ bản những điều chỉnh này phù hợp với chủ trương cải cách hành chính, đổi mới mô hình tăng trưởng của chúng ta, nên về lâu dài sẽ tác động tích cực đến tiến trình cải cách thể chế; và do đó, quyền kinh doanh của người dân thuận lợi hơn, chất lượng sống của người dân tốt hơn.
Theo quan sát của tôi, bắt đầu quá trình đàm phán, hai bên Việt Nam và EU có những khác biệt trong mua sắm công, cải cách doanh nghiệp nhà nước, hay một số nội dung về phát triển bền vững; nhưng càng về sau, khi chúng ta tích cực thương lượng, đàm phán thì khoảng cách thu hẹp dần.
Và khi đã bước qua ngưỡng ấy thì chúng ta tự trưởng thành, tạo cho mình cái bản lĩnh, ý chí, đồng thời cũng tự thay đổi mình theo xu hướng tích cực của hội nhập. Không có gì chỉ một chiều cả.
Tôi cho rằng, và kinh nghiệm cũng cho thấy thôi, trước chúng ta có những e ngại, phải chấp nhận điều kiện này điều kiện kia, nhưng quá trình đàm phán đã đặt tất cả lên bàn cân thì sự trao đổi lợi ích giữa hai bên (lợi ích quốc gia, lợi ích của người dân, doanh nghiệp); và hơn nữa, chúng ta bước vào cuộc với tất cả sự tự tin của mình thì vẫn bảo vệ được lợi ích căn bản, cùng những sắc thái riêng của mình.
TCCT: Ông có cảm giác thế nào khi Việt Nam lần đầu tiên bước ra biển lớn, gia nhập WTO và những lần gần đây bước vào sân chơi toàn diện của những FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA?
Nhà sử học Dương Trung Quốc: Nhìn lại tiến trình từ WTO là môi trường rất lớn, bước đi hết sức quan trọng. Đây là một FTA với nhiều đối tác khác nhau, với nhiều nền chính trị, văn hóa khác nhau. Còn EVFTA thì trải rộng ở những lĩnh vực khác nhau, từ hàng hóa, đầu tư, sở hữu trí tuệ…
Qua ý kiến các Đại biểu Quốc hội thảo luận trực tuyến về việc phê chuẩn EVFTA ngày 20/5 vừa qua, và ngay cả người dân nữa cũng cho thấy chúng ta đã có một Hiệp định mang lại những lợi ích chung, lợi ích của nhà nước, nhân dân và doanh nghiệp; lợi ích của ta và lợi ích của đối tác.
Đó là nền tảng cho mối quan hệ và sự phát triển bền vững của hai bên.
Nhưng hiện giờ, trong bối cảnh chúng ta chưa chuẩn bị tốt hạ tầng về mặt vật chất như các nước EU phát triển, thì quan trọng hơn là hướng đến thượng tầng về mặt tư duy, là làm sao cho chính người dân, doanh nghiệp chúng ta bắt nhịp theo kịp để trở thành những động lực chủ yếu trong thực thi EVFTA. Biến những ý tưởng tốt trong đàm phán, thương lượng, ký kết thành những kết quả hiện thực và hữu ích.
TCCT: Xin trân trọng cảm ơn ông!