Một số yêu cầu đối với doanh nghiệp Việt Nam trước những tác động của EVFTA

THS. TRẦN THANH PHÚC (Khoa Tài chính Ngân hàng, Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật công nghiệp)

TÓM TẮT:

Nghị viện châu Âu vừa chính thức phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), dự kiến khi có hiệu lực (tháng 7-2020), hiệp định sẽ mở ra những cơ hội lớn cho xuất khẩu hàng hóa của nước ta. Theo các chuyên gia kinh tế, EVFTA được kỳ vọng góp phần làm GDP Việt Nam tăng thêm ở mức bình quân từ 2,18% - 3,25% (giai đoạn 2019-2023); từ 4,57% -5,30% (giai đoạn 2024-2028) và 7,07% - 7,72% (giai đoạn 2029-2033).

Mặc dù EVFTA sẽ mang lại cho các doanh nghiệp Việt Nam nhiều cơ hội, nhưng cũng đặt ra không ít thách thức. Bài viết tập trung phân tích một số yêu cầu đối với doanh nghiệp Việt Nam trước những tác động của Hiệp định EVFTA .

Từ khóa: Liên minh châu Âu, hiệp định thương mại tự do, EVFTA, kim ngạch xuất nhập khẩu, thị trường EU.

1. Khái quát về Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA).

Ngày 30 tháng 6 năm 2019, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam và Liên minh châu Âu - EU (EVFTA) đã được ký kết chính thức. Việc ký kết thành công của hiệp định này đánh dấu một mốc mới trên chặng đường gần 30 năm hợp tác và phát triển giữa Việt Nam và EU.

Cam kết mở cửa thị trường mạnh mẽ trong Hiệp định EVFTA chắc chắn sẽ thúc đẩy quan hệ thương mại Việt Nam - EU, giúp mở rộng hơn nữa thị trường cho hàng xuất khẩu của Việt Nam. Với cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu lên tới gần 100% biểu thuế và giá trị thương mại mà hai bên đã thống nhất, cơ hội gia tăng xuất khẩu cho những mặt hàng Việt Nam có lợi thế như dệt may, da giày, nông thủy sản (kể cả gạo, đường, mật ong, rau củ quả), đồ gỗ, v.v… là rất đáng kể. Hiệp định cũng giúp người tiêu dùng Việt Nam được tiếp cận nguồn cung các sản phẩm và dịch vụ chất lượng cao từ EU trong các lĩnh vực như: dược phẩm, chăm sóc sức khỏe, xây dựng hạ tầng, giao thông công cộng…

2. Thực trạng những tác động tích cực của Hiệp định EVFTA đối với nền kinh tế Việt Nam

2.1. Kích thích xuất khẩu

Các chuyên gia kinh tế đều đưa ra nhận định, cam kết mở cửa thị trường mạnh mẽ trong Hiệp định EVFTA chắc chắn sẽ thúc đẩy quan hệ thương mại Việt Nam - EU, giúp mở rộng hơn nữa thị trường cho hàng xuất khẩu của Việt Nam. Với cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu lên tới gần 100% biểu thuế và giá trị thương mại mà hai bên đã thống nhất, cơ hội gia tăng xuất khẩu cho những mặt hàng Việt Nam có lợi thế như dệt may, da giày, nông thủy sản (kể cả gạo, đường, mật ong, rau củ quả), đồ gỗ... là rất đáng kể. Mức cam kết trong EVFTA có thể coi là mức cam kết cao nhất mà Việt Nam đạt được trong các FTA đã được ký kết cho tới nay. Điều này càng có ý nghĩa khi hiện nay, mới chỉ hơn 42% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU được hưởng mức thuế 0% theo Chương trình ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP).

Hiệp định EVFTA sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030 so với không có hiệp định. Đồng thời, kim ngạch nhập khẩu từ EU cũng sẽ tăng nhưng với tốc độ thấp hơn xuất khẩu, cụ thể là khoảng 33,06% vào năm 2025 và 36,7% vào năm 2030.

Theo tính toán, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của nhóm hàng nông sản sang EU: Gạo khoảng 65% vào năm 2025; đường 8%; thịt lợn 4%; lâm sản 3%; thịt gia súc, gia cầm 4%. Trong khi đó, với nhóm ngành chế biến, chế tạo: May mặc dự tính tăng 81%, da giày tăng 99%, dệt tăng 67%. Nhóm ngành dịch vụ cũng ước tính: Vận tải thủy tăng 100%, vận tải hàng không 141%, tài chính và bảo hiểm 21%, các dịch vụ phục vụ kinh doanh khác là 80%.

2.2. Thu hút FDI từ EU

Đối với tác động của Hiệp định tới đầu tư trực tiếp nước ngoài, mặc dù chưa tính toán được con số chính xác, tuy nhiên kỳ vọng về đổi mới thể chế, cải thiện môi trường đầu tư do thực hiện hiệp định sẽ tạo ra sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Cụ thể, các cam kết về thuận lợi hóa đầu tư cùng với tốc độ tự do hóa các ngành dịch vụ của Việt Nam dành cho các nhà cung cấp dịch vụ của EU tăng lên, đặc biệt là dịch vụ kinh doanh, môi trường, bưu chính, ngân hàng bảo hiểm và vận tải biển. Điều này sẽ thúc đẩy dòng vồn FDI từ EU vào Việt Nam tăng trong thời gian tới.

Cùng với đó, cơ cấu lĩnh vực đầu tư cũng có thể có thay đổi khi Việt Nam thu hút được các đối tác mới và lĩnh vực đầu tư mở rộng. Với EVFTA, cơ cấu dòng vốn FDI vào những lĩnh vực đầu tư còn dư địa lớn tại Việt Nam và EU cũng có thể mạnh như năng lượng sạch, năng lượng tái tạo.

3. Những thách thức đối với doanh nghiệp Việt Nam sau hiệp định EVFTA

Với EVFTA, cơ hội mở ra rất lớn nhưng các doanh nghiệp Việt Nam cũng sẽ gặp phải không ít thách thức trong thiết lập, vận hành và thực thi các cam kết trong tương lai, cả từ góc độ bảo đảm các nghĩa vụ theo cam kết được triển khai đồng bộ, đầy đủ lẫn từ góc độ bảo đảm tận dụng hiệu quả các quyền theo cam kết này.

- Các yêu cầu về quy tắc xuất xứ có thể khó đáp ứng

Một trong những thách thức lớn nhất đối với Việt Nam khi gia nhập Hiệp định EVFTA chính là quy trình sản xuất, nguồn gốc, xuất xứ và kiểm định chất lượng trong một loạt các ngành để đáp ứng được những yêu cầu nghiêm ngặt về nhập khẩu vào thị trường EU, cũng như các điều kiện để được hưởng ưu đãi loại bỏ thuế quan của EVFTA. Thông thường, hàng hóa muốn được hưởng ưu đãi thuế quan theo FTA thì nguyên liệu phải đáp ứng được một tỷ lệ về hàm lượng nội khối nhất định (nguyên liệu có xuất xứ tại EU và/hoặc Việt Nam). Đây là một thách thức lớn đối với các doanh nghiệp Việt Nam bởi nguồn nguyên liệu cho sản xuất hàng xuất khẩu hiện nay chủ yếu được nhập khẩu từ Trung Quốc hoặc ASEAN và các nước không thuộc khối, không thuộc các đối tác có FTA với Việt Nam.

- Các rào cản TBT, SPS và yêu cầu của khách hàng

EU là một thị trường khó tính. Khách hàng có yêu cầu cao về chất lượng sản phẩm. Các yêu cầu bắt buộc về vệ sinh an toàn thực phẩm, dán nhãn, môi trường... của EU rất khắt khe và không dễ đáp ứng. Vì vậy, dù có được hưởng lợi về thuế quan thì hàng hóa của Việt Nam cũng phải hoàn thiện rất nhiều về chất lượng để có thể vượt qua được các rào cản này. EVFTA có các quy định chi tiết, đặc biệt là thanh kiểm tra, công nhận tương đương, tương thích với điều kiện khu vực. Việc giải quyết các vấn đề SPS phải đối mặt với một phạm vi lớn các quy định pháp lý của quốc gia trong kiểm soát nhập khẩu liên quan đến nhiều cơ quan chuyên môn, sự khác biệt về trình độ phát triển, quy định khác biệt về SPS và thực tiễn áp dụng tại mỗi quốc gia, các biện pháp phi thuế quan đóng vai trò quan trọng trong đàm phán thương mại mở cửa thị trường và chủ nghĩa bảo hộ vẫn còn tồn tại.

- Nguy cơ về các biện pháp phòng vệ thương mại

Khi tham gia vào quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, các quốc gia cam kết cắt giảm những rào cản thương mại để hàng hóa có thể lưu thông một cách tối đa qua biên giới các nước. Tuy nhiên, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cho phép, áp dụng một số biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM) trong những trường hợp hàng hóa nhập khẩu cạnh tranh không công bằng, gây thiệt hại đáng kể để bảo vệ ngành sản xuất của nước nhập khẩu. Thông thường, khi rào cản thuế quan không còn là công cụ hữu hiệu để bảo vệ nữa, doanh nghiệp ở thị trường nhập khẩu có xu hướng sử dụng nhiều hơn các biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp hay tự vệ để bảo vệ ngành sản xuất nội địa. Và EU cũng là một trong những thị trường có "truyền thống" sử dụng các công cụ này, cho nên doanh nghiệp Việt Nam có thể bị lúng túng về mặt pháp lý.

- Sức ép cạnh tranh từ hàng hóa và dịch vụ của EU 

Mở cửa thị trường Việt Nam cho hàng hóa, dịch vụ từ EU vào, đồng nghĩa với việc doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải cạnh tranh khó khăn hơn ngay tại thị trường nội địa. Trên thực tế, đây là một thách thức rất lớn, bởi các doanh nghiệp EU có lợi thế hơn hẳn các doanh nghiệp trong nước về năng lực cạnh tranh, kinh nghiệm thị trường, cũng như khả năng tận dụng các FTA. Tuy nhiên, cam kết mở cửa của Việt Nam là có lộ trình, đặc biệt là đối với những nhóm sản phẩm nhạy cảm. Do đó, EVFTA là cơ hội, nhưng cũng tạo sức ép hợp lý để các doanh nghiệp Việt Nam điều chỉnh, thay đổi phương thức kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh.

- Thương hiệu sản phẩm vẫn còn yếu

 Hàng hóa Việt Nam vẫn chưa được thị trường EU biết đến, hiệu quả của công tác quảng bá và thúc đẩy các sản phẩm chưa cao. Việt Nam cũng chưa phải là quốc gia có nguồn hàng hóa chất lượng cao.

Kinh nghiệm thực thi các cam kết WTO và các FTA trước đây của Việt Nam cho thấy, các lợi ích suy đoán từ một hiệp định sẽ không đương nhiên trở thành hiện thực. Cũng như vậy, các quyền và nghĩa vụ theo các cam kết không tự nhiên phát huy tác dụng. Vì vậy, cần những nỗ lực lớn để thực thi các cam kết, hiện thực hóa các lợi ích và xử lý thách thức liên quan.

Với tính chất là một FTA thế hệ mới, EVFTA đặt ra những thách thức lớn cho Việt Nam không chỉ trong đàm phán mà cả trong quá trình thực thi. Việc chuẩn bị các yếu tố cần thiết cũng như xây dựng các tiêu chí, dự liệu các giải pháp để vượt qua các thách thức này cần phải được quan tâm hàng đầu. Bởi thực thi tốt EVFTA là điều kiện tiên quyết để Việt Nam có thể đạt được những lợi ích kì vọng từ FTA quan trọng này.

4. Một số yêu cầu đối với doanh nghiệp Việt Nam trước những tác động của EVFTA

Mục tiêu và danh mục đàm phán EVFTA không dừng lại ở các lĩnh vực truyền thống như: thương mại hàng hóa, dịch vụ,… mà còn mở rộng thêm nhiều lĩnh vực khác, gồm: sở hữu trí tuệ, mua sắm công, phát triển bền vững,… Do vậy, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động cập nhật thông tin về các cơ hội thị trường mà EVFTA mang lại, đặc biệt là thông tin về ưu đãi thuế liên quan đến hàm lượng giá trị gia tăng nội địa của các hàng hóa, dịch vụ và các hàng rào kỹ thuật khác.

- EU là thị trường có mức thu nhập cao song lại có chính sách bảo vệ người tiêu dùng chặt chẽ. Có thể nói, đây là một thị trường khó tính nên doanh nghiệp Việt Nam muốn xuất khẩu hàng hóa vào thị trường này phải vượt qua hàng loạt hàng rào kỹ thuật. Bên cạnh đó, sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam cũng cần phải có chất lượng và bảo đảm yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc,… Vì vậy, chiến lược dài hạn của các doanh nghiệp Việt Nam là cần bảo đảm chất lượng hàng hóa, đáp ứng những tiêu chuẩn đặt ra; xây dựng và phát triển thương hiệu,… mới có thể tạo nên sức cạnh tranh cho hàng Việt. Ngoài ra, các nhà xuất khẩu cũng cần tận dụng những cam kết, ưu đãi từ các hiệp định đã kí kết để tiếp tục khai thác thị trường này.

- Doanh nghiệp phải nỗ lực đổi mới thiết bị công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm… để khẳng định vị trí trên sân nhà và tận dụng các cơ hội vươn ra thị trường EU. Nên tập trung phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ mũi nhọn mà mình có khả năng, như: dệt may, giày dép… và lắp ráp (như ô tô, xe máy, thiết bị điện và điện tử).

Nói tóm lại, EVFTA cũng giống như các FTA khác, sẽ đem lại cả lợi ích, cơ hội và khó khăn, thách thức. Việt Nam cần cân nhắc lợi ích tổng thể của EVFTA và không nên quá lo lắng đến những tác động từ gia tăng cạnh tranh. Cạnh tranh sẽ gia tăng với mức độ khác nhau giữa các nhóm ngành, nhưng bù vào đó là lợi ích từ đẩy mạnh xuất khẩu, lợi ích người tiêu dùng gia tăng, phúc lợi xã hội gia tăng và những lợi ích khác từ FTA, đảm bảo phát triển kinh tế bền vững trong dài hạn.

TÀI LIỆU THAM KHẢO :

[1]. Lê Huy Khôi (2019). Tác động của các FTA thế hệ mới tới tăng trưởng kinh tế - xã hội Việt Nam, Tạp chí Tài chính,kỳ 1 tháng 9/2019.

[2]. Phương Thanh (2020).  Lợi thế và khó khăn từ EVFTA dưới góc nhìn doanh nghiệp, http://tapchitaichinh.vn/tai-chinh-kinh-doanh/loi-the-va-kho-khan-tu-evfta-duoi-goc-nhin-doanh-nghiep-318438.html [3]. Nguyễn Thành Công, Phạm Hồng Nhung (2019). Tác động của hiệp định EVFTA đối với nền kinh tế Việt Nam, Viện nghiên cứu phát triển kinh tế- xã hội Hà Nội;

[4]. Bộ Công Thương, về hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam- Liên minh Châu Âu: https://evfta.moit.gov.vn/

[5]. Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam, Trung tâm WHO và hội nhập,https://www.trungtamwho.vn/

 Some requirements for Vietnam enterprises to overcome challenges posing by the EVFTA

Master. Tran Thanh Phuc

Faculty of Finance and Banking

University of Economics - Technology for Industries

ABSTRACT:

The European Parliament has officially passed the EU – Vietnam Free Trade Agreement (EVFTA). This free trade agreement is expected to bring great opportunities to Vietnam’s exporters when it comes into force in July, 2020. According to economists, the EVFTA is forecasted to contribute to Vietnam's GDP growth by an average of 2.18 - 3.25% (from 2019 to 2023); 4.57% - 5.30% (from 2024 to 2028) and 7.07% - 7.72% (from 2029 to 2033). Besides opportunities that the EVFTA bring, it also poses challenges to Vietnamese enterprises. This article analyses the impacts of the EVFTA on Vietnamese businesses.

Keywords: European Union, free trade agreements, EVFTA, import and export turnover, EU market.