Sang năm 2024, thị trường này hứa hẹn sẽ đem lại triển vọng xuất khẩu khả quan hơn nữa khi Trung Quốc đang mở ra hướng đi bền vững, chính ngạch cho nhiều mặt hàng nông sản Việt Nam, đặc biệt là với sầu riêng.
Xuất khẩu sầu riêng tăng trưởng đột biến
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, tính đến tháng 11/2023, xuất khẩu sầu riêng Việt Nam đạt gần 2,2 tỷ USD, tăng 4,8 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài sầu riêng tươi nguyên trái, nước ta còn xuất khẩu sầu riêng đông lạnh, sầu riêng sấy,…
Về thị trường, hiện nay sầu riêng tươi của Việt Nam đã xuất khẩu đến 24 thị trường, sầu riêng đông lạnh cũng đã xuất khẩu đến 23 thị trường. Trung Quốc là thị trường xuất khẩu sầu riêng lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch gần 2 tỷ USD, chiếm 91% tổng giá trị xuất khẩu loại trái cây này của Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, khi Việt Nam và Trung Quốc ký nghị định thư xuất nhập khẩu sầu riêng chính ngạch thì dự báo giá trị của trái cây này chỉ đạt hơn 1 tỷ USD nhưng kết thúc năm 2023 đã đạt gần 2 tỷ USD.
Dự báo trong năm 2024, nếu Trung Quốc đồng ý nhập khẩu chính ngạch sầu riêng đông lạnh thì giá trị xuất khẩu của sầu riêng sẽ còn tăng mạnh hơn nữa. Hiện tại, các cơ quan chức năng phía Việt Nam và Trung Quốc đã hoàn tất việc đàm phán kỹ thuật để đi đến ký kết nghị định thư xuất khẩu sầu riêng đông lạnh và dừa tươi sang Trung Quốc, sau đó sẽ thống nhất và ký nghị định thư.
Bên cạnh thị trường Trung Quốc, xuất khẩu sầu riêng còn ghi nhận tăng “đột biến” tại các thị trường như Cộng hoà Czech tăng 28,195%; Canada, Mỹ, Papua New Guinea tăng từ 222-837% so với năm trước.
Đáng chú ý, Thái Lan - quốc gia trồng và xuất khẩu sầu riêng lớn nhất thế giới cũng đã chi 96,9 triệu USD để mua sầu riêng Việt Nam trong tháng 11/2023. Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, vì nước ta thu hoạch sầu riêng quanh năm, trong khi Thái Lan thu hoạch theo mùa nên Thái Lan đã phải nhập khẩu sầu riêng từ Việt Nam.
Dư địa lớn tại thị trường Trung Quốc
Hiện Việt Nam đã có 13 mặt hàng nông sản xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc, gồm: Tổ yến, khoai lang, thanh long, nhãn, chôm chôm, xoài, mít, dưa hấu, chuối, măng cụt, vải, chanh dây và sầu riêng.
Chi cục Hải quan Cửa khẩu Lào Cai-Cục Hải quan tỉnh Lào Cai cho biết, trong 3 ngày đầu năm 2024, các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc chủ yếu là nông sản; trong đó riêng mặt hàng quả sầu riêng đã xuất trên 255 tấn, đạt kim ngạch gần 1 triệu USD.
Theo Thương vụ Việt Nam tại Trung Quốc, Việt Nam xếp thứ 10 trong số các quốc gia xuất khẩu nông sản vào Trung Quốc, kim ngạch xuất khẩu năm 2022 đạt trên 6 tỷ USD, chiếm tỷ trọng khoảng 2,6% tổng giá trị nhập khẩu nông sản của nước này.
Riêng nhóm hàng rau quả thì Việt Nam nằm trong nhóm 3 nước có kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng rau quả lớn nhất sang thị trường Trung Quốc, sau Thái Lan và Chile.
Theo Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, dung lượng thị trường sầu riêng của Trung Quốc có thể đạt 20 tỷ USD và cả thế giới là 28,6 tỷ USD vào năm 2025.
Chia sẻ về hoạt động xúc tiến tiêu thụ sầu riêng của Công ty CP Ameii, ông Nguyễn Khắc Tiến - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cho biết, năm 2022 công ty không ghi nhận doanh thu xuất khẩu rau quả từ thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, sau khi thị trường này mở cửa với nhiều loại trái cây Việt Nam, đặc biệt là với sầu riêng, công ty đã chuyển hướng sang thị trường này và đã bắt đầu có khoảng 30% doanh thu từ thị trường này.
“2024 sẽ là năm bứt phá tại thị trường Trung Quốc khi dư địa và tiềm năng xuất khẩu rau quả còn rất nhiều. Sau quá trình làm việc, tiếp cận với các tập đoàn Trung Quốc, công ty đã nhận thấy khả năng gia tăng kim ngạch của sản phẩm sầu riêng chế biến, vì vậy, công ty sẽ tập trung vào phát triển và xúc tiến tiêu thụ các sản phẩm này.” - ông Nguyễn Khắc Tiến nhấn mạnh.
Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho rằng, cơ hội xuất khẩu sầu riêng sang thị trường Trung Quốc nói riêng và các thị trường khác nói chung còn rất lớn. Đặc biệt, các quốc gia trồng loại trái cây này chỉ thu theo mùa vụ, trong khi nước ta được thu quanh năm. Đây chính là thế độc quyền của sầu riêng Việt Nam.
"Năm 2023 kim ngạch sầu riêng của nước ta ước đạt 2,3 tỷ USD. Sang năm 2024, sản lượng sầu tăng cao, được cấp thêm nhiều mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói đủ điều kiện xuất khẩu thì kim ngạch có thể đạt khoảng 3,5 tỷ USD." - Ông Đặng Phúc Nguyên tính toán.
Nâng chất lượng để mở rộng thị trường
Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao cho biết, dung lượng thị trường sầu riêng của Trung Quốc có thể đạt 20 tỷ USD và cả thế giới là 28,6 tỷ USD vào năm 2025. Mức độ tăng trưởng của ngành sầu riêng trong giai đoạn 2019 - 2025 được dự báo khoảng 7,2%/năm. Đây được coi là cơ hội lớn cho trái sầu riêng Việt Nam nếu phát triển theo hướng bền vững trong thời gian tới.
Theo đánh giá của các chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp, để mở rộng thị trường xuất khẩu cho sầu riêng Việt Nam không chỉ tại Trung Quốc mà còn trên toàn thế giới, sầu riêng Việt Nam cần tập trung nâng cao chất lượng sầu riêng, tập trung vào các khâu: Bảo quản, sơ chế, chế biến để gia tăng giá trị.
Cụ thể, các vùng trồng, cơ sở đóng gói sầu riêng phải có biện pháp quản lý phù hợp để loại bỏ các đối tượng dịch hại, đặc biệt là ruồi đục quả và các loài rệp sáp; đáp ứng được yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm, không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức cho phép; thực hiện đúng quy cách về đóng gói, thông tin trên bao bì để bảo đảm truy xuất nguồn gốc chính xác.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp, người dân và cơ quan quản lý cần đáp ứng yêu cầu về nhật ký, hồ sơ sản xuất cũng như các chương trình giám sát an toàn thực phẩm trước khi thu hoạch mà phía Trung Quốc yêu cầu.
Thiết lập, xây dựng các mã số vùng trồng cho từng loại trái cây, cơ sở sơ chế, đóng gói trái cây nhằm đáp ứng các yêu cầu truy xuất nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm. Quy định này trước mắt phục vụ xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc, đồng thời cũng là cơ sở để Việt Nam mở rộng xuất khẩu sang thị trường khác như Mỹ, EU và Nhật Bản.