Sáng ngày 20/12/2023, tại Hà Nội, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương Việt Nam) phối hợp với Sở Thương mại tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) tổ chức Hội nghị Xúc tiến Thương mại và Hợp tác kinh tế Việt Nam - Trung Quốc (Vân Nam).
Tham dự Hội nghị, về phía Việt Nam có đại diện các Đơn vị thuộc Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn); Đại diện Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại Côn Minh (Trung Quốc).
Về phía Trung Quốc có đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam, đại diện một số đơn vị thuộc Sở Thương mại tỉnh Vân Nam, Trung Quốc.
Tham dự Hội nghị có khoảng 80 công ty, tập đoàn sản xuất, xuất nhập khẩu thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau của Việt Nam và Trung Quốc.
Đây là hoạt động nhằm triển khai các nội dung hợp tác tại Bản ghi nhớ hợp tác phát triển thương mại giữa Sở Công Thương 12 tỉnh, thành phố của Việt Nam và Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương Việt Nam) với Sở Thương mại tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) được ký ngày 13 tháng 7 năm 2018; đồng thời thúc đẩy phát triển quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại giữa Việt Nam với Trung Quốc nói chung và với tỉnh Vân Nam nói riêng.
Nhiều dư địa, tiềm năng thúc đẩy hợp tác, giao thương
Phát biểu tại Hội nghị, ông Lê Hoàng Tài - Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho biết: Mặc dù chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch Covid-19 cũng như những bất ổn từ kinh tế toàn cầu nhưng hoạt động hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam - Trung Quốc vẫn không ngừng phát triển.
Theo thống kê của Hải quan Việt Nam, năm 2022 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Trung Quốc đạt 175,6 tỷ USD, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm 2021. Trong 11 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Trung Quốc đạt 155,8 tỷ USD, dự báo cả năm 2023 thương mại hai chiều sẽ đạt mức kim ngạch như hai Bên đã đạt được trong năm 2022. Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất và thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam.
Tỉnh Vân Nam có vai trò rất lớn trong hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai nước. Hiện tỉnh Vân Nam có chung đường biên giới với 04 tỉnh phía Bắc của Việt Nam là Lào Cai, Hà Giang, Lai Châu, Điện Biên. Đồng thời cũng là cửa ngõ giao thương quan trọng trong tuyến hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.
"Với vị trí thuận lợi nêu trên, tỉnh Vân Nam là cầu nối hữu hiệu cho hàng hóa của Việt Nam có thể tiến sâu, vươn xa đến các tỉnh, thành phố khu vực Tây Nam của Trung Quốc, và là cửa ngõ quan trọng đưa các sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Trung Quốc thông qua Việt Nam đến với thị trường khu vực ASEAN giàu tiềm năng", ông Lê Hoàng Tài cho biết.
Tuy có vị trí, vai trò quan trọng và thị trường đầy tiềm năng với dân số 47 triệu người nhưng hợp tác tác kinh tế, thương mại của Việt Nam với tỉnh Vân Nam còn chưa tương xứng với tiềm năng của hai bên, năm 2022, kim ngạch thương mại giữa Việt Nam với tỉnh Vân Nam mới chỉ đạt 3,2 tỷ USD và trong 10 tháng năm 2023 thương mại hai chiều chỉ đạt 2,2 tỷ USD, chiếm tỷ trọng còn rất khiêm tốn trong tổng kim ngạch thương mại Việt Nam - Trung Quốc.
Vì vậy, tiềm năng và dư địa để khai thác và phát triển hợp tác kinh tế, thương mại giữa các địa phương của Việt Nam và tỉnh Vân Nam còn rất lớn.
Theo ông Đàm Vỹ - Phó Giám đốc Sở Thương mại tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), không gian hợp tác kinh tế - thương mại giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc và giữa Việt Nam với tỉnh Vân Nam nói riêng còn rất rộng lớn.
"Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 3 của tỉnh Vân Nam", ông Đàm Vỹ cho biết.
Tại Hội nghị, đại diện các cơ quan, doanh nghiệp Việt Nam; đại diện Sở Thương mại tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) và các doanh nghiệp Trung Quốc đã giới thiệu về các cơ hội hợp tác thương mại, đầu tự giữa doanh nghiệp Việt Nam - Trung Quốc.
Trong chương trình của Hội nghị diễn ra Lễ ký kết 03 thỏa thuận hợp tác giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) về lĩnh vực nông sản, thực phẩm.
Song song với Hội nghị, Ban Tổ chức cũng tổ chức chương trình kết nối giao thương giữa các doanh nghiệp Việt Nam và các doanh nghiệp tỉnh Vân Nam (Trung Quốc). Thông qua việc kết nối, trao đổi này, các doanh nghiệp hai Bên có cơ hội tìm hiểu kỹ hơn nhu cầu xuất, nhập khẩu của nhau, xác định được đối tác tiềm năng, đề từ đó xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh phù hợp và hiệu quả.
Hội nghị Xúc tiến Thương mại và Hợp tác kinh tế Việt Nam - Trung Quốc (Vân Nam) mở ra những cơ hội mới, tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp Việt Nam và tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) tăng cường hơn nữa giao lưu, hợp tác trong lĩnh vực thương mại, góp phần tích cực vào việc thúc đẩy quan hệ kinh tế - thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc ổn định, cân bằng, tiếp tục là điểm sáng trong quan hệ song phương.
Cửa ngõ cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vào khu vực Tây Nam Trung Quốc
Theo Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), tỉnh Vân Nam ở khu vực Tây Nam Trung Quốc với dân số trên 47 triệu dân và có 26 dân tộc thiểu số. Vân Nam có diện tích 394.000 km2, có đường biên giới dài trên 3.450 km tiếp giáp với 3 nước Việt Nam, Lào và Myanmar.
Hiện tỉnh Vân Nam có 12 cửa khẩu quốc tế, bao gồm các cửa khẩu đường hàng không, đường bộ, đường thủy; trong đó có 8 cửa khẩu quốc gia.
Đối với Việt Nam, tỉnh Vân Nam có 3 cửa khẩu quốc tế, trong đó có 1 cửa khẩu hàng không và 2 cửa khẩu đường bộ.
Cụ thể, cửa khẩu Hà Khẩu tiếp giáp với cửa khẩu Lào Cai thuộc tỉnh Lào Cai là cửa khẩu quốc tế cả đường bộ và đường sắt; cửa khẩu Thiên Bảo tiếp giáp với cửa khẩu Thanh Thủy của tỉnh Hà Giang; có 02 cửa khẩu quốc gia gồm: cửa khẩu Kim Thủy Hà tiếp giáp với cửa khẩu Ma Lù Thàng của tỉnh Lai Châu, cửa khẩu Đô Long tiếp giáp với cửa khẩu Xín Mần của tỉnh Hà Giang. Ngoài ra tỉnh Vân Nam còn có hệ thống gồm 16 chợ biên giới.
Trong giai đoạn 2017 - 2021, kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - Trung Quốc (Vân Nam) không ngừng tăng.
Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của tỉnh Vân Nam vào Việt Nam gồm: Than cốc, phân bón, năng lượng điện, máy móc thiết bị điện, hóa chất khác, nông sản (các loại rau, củ, quả...).
Mặt hàng nhập khẩu chủ yếu của tỉnh Vân Nam gồm: Phốt pho vàng, hoa quả nhiệt đới (thanh long, xoài, chuối, dưa hấu, vải, nhãn.. .), sản phẩm số, ván bóc, dược liệu, sắn tươi, tinh bột sắn, nông sản, thủy hải sản...
Việt Nam xuất khẩu vào tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) thông qua đường bộ, đường sắt và đường thủy, hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Đường sông dựa vào hệ thống sông Hồng và sông Thái Bình. Đường bộ dựa vào tuyến đường cao tốc Côn Minh - Hà Khẩu trên lãnh thổ Trung Quốc, tuyến đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai, quốc lộ 5, đường cao tốc Nội Bài - Hạ Long trên lãnh thổ Việt Nam..
Trong số 02 cửa khẩu quốc tế đường bộ Việt Nam - Trung Quốc (Vân Nam), cửa khẩu quốc tế Lào Cai - Hà Khẩu là cửa ngõ giao thông quan trọng nhất giữa Việt Nam với Vân Nam và vùng Tây Nam Trung Quốc (gồm 12 tỉnh, thành phố có diện tích gần 5 triệu km2 với dân số trên 300 triệu người).
Trong Hành lang kinh tế nói trên, Hải Phòng và Quảng Ninh là hai đầu mối quan trọng để xuất khẩu hàng hóa từ Việt Nam sang Trung Quốc (Vân Nam). Vận chuyển từ Hải Phòng đi Vân Nam, từ Quảng Ninh đi Vân Nam ước tính chỉ 02 ngày đối với tuyến đường bộ. Đặc biệt, Hải Phòng có tuyến đường sắt dài khoảng 600km qua tỉnh Lào Cai sang Vân Nam, rất thuận lợi cho các doanh nghiệp Vân Nam mở rộng xuất khẩu hàng hoá sang nước thứ 3 thông qua cảng Hải Phòng...
Vân Nam chính là cửa ngõ khu vực Tây Nam Trung Quốc cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam và các nước ASEAN thông qua Hải Phòng, Quảng Ninh vào Trung Quốc.
Một số hình ảnh các doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) giới thiệu hàng hóa và xúc tiến giao thương bên lề Hội nghị: