“Đứt gãy” - Từ khóa của 2021!
Những tàu chở hàng nằm dài trên cảng biển, những xe container thảnh thơi trong bến bãi, những tin nhắn của nhà phân phối thúc giục nhà sản xuất… là hình ảnh thường xuyên đăng tải trên trang nhất các báo lớn trong năm qua.
Điều gì đang xảy ra? Câu trả lời được liệt kê rất dài: Nguyên vật liệu không đến các nhà máy; hàng hóa trong kho trống rỗng; thiếu tài xế chở hàng; hàng hóa không đến tay người tiêu dùng… Hay đơn giản hơn: Đứt gãy chuỗi cung ứng!
Cho đến nay, rất ít doanh nghiệp tự mình sản xuất từ A đến Z. Nhiều chục năm qua, chuyên môn hóa đã hình thành nên phương thức sản xuất theo sự phân công lao động. Phân công lao động hiện diện ở khắp mọi nơi, mọi lĩnh vực. Ngay cả một sản phẩm đơn giản, như bộ ấm chén cũng cần một vài doanh nghiệp khác thiết kế mẫu, sản xuất bao bì đóng gói, vận chuyển.
Rõ ràng, một doanh nghiệp thực hiện mua, thuê ngoài linh kiện, phụ kiện, hay công đoạn sản xuất sẽ chọn được thứ tốt nhất của doanh nghiệp tốt nhất trong lĩnh vực ấy, với giá rẻ nhất so với tự làm. Thủ pháp kinh doanh này không chỉ giúp doanh nghiệp có giá bán cạnh tranh mà còn tạo ra dòng chảy thương mại hàng hóa ngược xuôi khắp thế giới, có tên gọi là chuỗi cung ứng hay mạng sản xuất toàn cầu. Người ta tính, những chuỗi cung ứng đã làm tăng năng suất bình quân trên 10%, giảm giá thành sản phẩm khoảng 8% và kích thích tăng trưởng thương mại toàn cầu thêm 15%.
Nhưng năm 2020, kéo dài sang hết cả năm 2021, việc gián đoạn trao đổi mậu dịch và dây chuyền cung ứng đã làm chao đảo cả thế giới. Điểm mạnh nhất của phân công lao động là tiết kiệm chi phí thì đã bị dịch bệnh biến thành điểm yếu nhất: đứt gãy nguồn cung nguyên liệu.
Thay đổi cách hiểu “phân công lao động”
Làn sóng dịch Covid-19 trong năm 2021 làm bộc lộ nhược điểm lớn của hệ thống sản xuất toàn cầu. Người ta nhận ra rằng, sản xuất công nghiệp, trao đổi thương mại nội địa và thương mại quốc tế - những nguồn năng lượng chủ yếu của nền kinh tế dù quan trọng đến đâu cũng có giới hạn, thậm chí bị vô hiệu hóa từng phần nếu “nguồn năng lượng tái tạo” của nền kinh tế - chuỗi cung ứng - bị gián đoạn.
Vì vậy, mỗi quốc gia, nhất là Việt Nam - nước có giá trị xuất nhập khẩu trên 200% GDP, sẽ phải cân đối lại bài toán giữa tự chủ và tiết kiệm chi phí. Trong câu chuyện này, kinh nghiệm của dệt may, thủy sản có thể coi là những bài học kinh điển. Dệt may là một trong những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19, với 6.300 lao động là F0, có thời điểm trên 60.000 lao động phải ngưng việc từ 2 đến 2,5 tháng do thực hiện phong tỏa, nhưng kim ngạch năm 2021 vượt xa tất cả những dự báo lạc quan nhất: Xuất khẩu 39 tỷ USD, tăng 11,2% so với năm trước, hiện đứng top 3 các nước xuất khẩu dệt may, các tổ chức quốc tế đánh giá ở vị trí cao nhất trong cơ hội phục hồi năm 2022.
Giải thích kết quả ấn tượng này, Tổng giám đốc Vinatex Cao Hữu Hiếu cho biết: “Chúng tôi gặt hái từ chiến lược đầu tư nguyên liệu từ 5 năm trước”. Theo số liệu thống kê, từ 2016 mỗi năm chỉ tính riêng Vinatex đã đầu tư trên 5.000 tỷ đồng, trong đó, thứ tự ưu tiên luôn là sợi, dệt nhuộm, rồi mới đến các dự án may, thay thế máy móc thiết bị. Vì vậy, trong cao điểm nguồn cung bị gián đoạn, các nhà máy may vẫn đủ nguyên liệu, không phải hủy đơn hàng. Đây cũng là lý do năm đầu tiên lợi nhuận ngành sợi đạt trên 50%, phá tan công thức 20-80 của lợi nhuận ngành sợi - ngành may nhiều năm qua.
Tương tự là thủy sản, năm qua có tới 4-5 tháng lo ngại về chỉ tiêu sản xuất, đã có thời điểm dự báo tăng trưởng xuất khẩu âm. Nhưng khi thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ đầu tháng 10, kim ngạch xuất khẩu tăng vọt. Theo ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), chưa bao giờ kim ngạch thủy sản đạt 900 triệu USD trong 1 tháng như tháng 12/2021, đưa xuất khẩu cả năm tăng 6%.
Dĩ nhiên, tăng trưởng xuất khẩu thủy sản bắt nguồn từ chuyển hướng chiến lược “Zero -Covid” sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”; nhưng kim ngạch 3 tháng cuối năm không thể bùng nổ nếu không có nền tảng nội lực như mở rộng diện tích nuôi, bổ sung lực lượng tàu đánh bắt hùng hậu, tăng cường năng lực hậu cần nghề cá…
Nhìn rộng ra, “phân công lao động” từ nay sẽ được hiểu linh hoạt hơn, theo hướng ưu tiên cho chuỗi cung ứng quốc gia nhiều hơn. Ví dụ như mặt hàng thép, nếu nhập khẩu ở những nước có sản lượng lớn, giá sẽ cạnh tranh hơn so với sản xuất trong nước, nhưng giá trị thép chiếm tỷ trọng khá lớn trong các công trình xây dựng ở nước ta, nên phải cân đối đảm bảo tự chủ ở mức cơ bản, phòng khi giá cả hoặc chuỗi cung ứng toàn cầu biến động.
Sản xuất công nghiệp, trao đổi thương mại nội địa và thương mại quốc tế vẫn là nền tảng cấu thành nền kinh tế. Nhưng dịch bệnh nhắc nhở chúng ta rằng, với một số ngành sản xuất quan trọng của đất nước, như công nghiệp chế biến chế tạo, công nghiệp hỗ trợ, luyện kim, điện tử, hóa chất, chế biến nông thủy sản… cần được hình thành ở mức độ nhất định chuỗi cung ứng trong phạm vi quốc gia, bên cạnh chuỗi cung ứng toàn cầu.