Mất an toàn thực phẩm: Nguy cơ trước mắt và nguy cơ lâu dài
Theo nhận định của PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm TP. HCM, có 2 loại nguy cơ về an toàn thực phẩm mà TP. HCM đang đối mặt bao gồm nguy cơ trước mắt và nguy cơ lâu dài.
Nguy cơ trước mắt đến từ việc lựa chọn, bảo quản, chế biến và sử dụng thực phẩm không đúng. Với khí hậu nóng ẩm và môi trường ít nhiều bị ô nhiễm thì nguy cơ thực phẩm nhiễm khuẩn là rất cao, có thể gây ngộ độc thực phẩm cho các bếp ăn tập thể, trường học, nhà hàng.
Nguy cơ lâu dài chính là sự tồn dư của các hóa chất độc hại đến từ thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, chất cấm trong chăn nuôi, các chất phụ gia cấm..., với các biểu hiện không dễ phát hiện ngay mà có thể kéo dài hàng chục năm sau. Với thực trạng hệ thống sản xuất kinh doanh thực phẩm còn manh mún và thói quen ăn uống còn chủ quan, nguy cơ mất an toàn thực phẩm vẫn luôn hiện hữu ở TP. HCM nói riêng và cả nước nói chung.
Với dân số hơn 11 triệu người, TP. HCM là một đô thị có mật độ dân cư đông đúc, là một đầu mối lưu thông thực phẩm lớn của cả nước. Để kiểm soát vấn đề an toàn thực phẩm, từ ngày 5/6/2017, TP. HCM đã thí điểm thành lập Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP. HCM. Mặc dù trong thời gian thí điểm đã làm được hai việc quan trọng. Thứ nhất là tỉ lệ thực phẩm sạch tăng lên. Thứ hai là việc lấy mẫu kiểm nghiệm giám sát chất lượng nhiều hơn và tỉ lệ mẫu đạt chất lượng tốt nhiều hơn trước.
Tuy nhiên, trên thực tế, việc kiểm soát an toàn thực phẩm ở TP. HCM vẫn chưa triệt để và còn những khó khăn do vướng về mặt pháp lý. Các cơ chế và quy định pháp luật trong một số trường hợp không có hướng dẫn cụ thể dẫn tới nhiều lúng túng trong thực tế. Ví dụ như Ban chỉ được thực hiện thanh tra chuyên ngành, mọi hoạt động đều phụ thuộc vào kế hoạch và quyết định thanh tra của trưởng ban, không chủ động như thanh tra sở...
Nối dài cánh tay cho mạng lưới an toàn thực phẩm
Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 98/2023/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. HCM, trong đó Quốc hội quyết nghị về tổ chức bộ máy chính quyền của Thành phố. Cụ thể, Hội đồng nhân dân Thành phố thành lập Sở An toàn thực phẩm là cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân Thành phố.
Theo đề án, Sở An toàn thực phẩm TP. HCM sẽ chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trong suốt quá trình sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản, vận chuyển, lưu thông, phân phối, kinh doanh đối với thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm.
Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của Sở An toàn thực phẩm được quy định trên cơ sở chuyển chức năng quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm, việc cấp giấy chứng nhận kiểm dịch sản phẩm động vật ra khỏi địa bàn Thành phố từ Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương cho Sở An toàn thực phẩm.
Sở sẽ tiếp tục thanh tra và hoạt động thanh kiểm tra phát hiện và xử lý vi phạm. Đồng thời tham mưu cho Ủy ban nhân dân TP. HCM, xây dựng kế hoạch và triển khai chương trình hành động bảo đảm an toàn thực phẩm, giải quyết từng bước các nguy cơ mất an toàn thực phẩm, làm đầu mối phát hiện, phân tích, xử lý các sự cố về an toàn thực phẩm…
Đầu tháng 7/2023, Sở Nội vụ TP. HCM cho biết, đề án thành lập Sở An toàn thực phẩm đã xong, lấy ý kiến các bộ ngành đầy đủ và nhận được sự ủng hộ. Tuy nhiên, tại thời điểm lấy ý kiến, Quốc hội chưa ban hành Nghị quyết 98. Do vậy, Sở Nội vụ sẽ hoàn thiện lại đề án trên cơ sở Nghị quyết 98 để trình HĐND TP. HCM xem xét thông qua tại kỳ họp chuyên đề, dự kiến tổ chức vào tháng 9/2023.
Với việc thành lập Sở An toàn thực phẩm, người tiêu dùng hoàn toàn có thể kỳ vọng việc kiểm soát thực phẩm sẽ được thực hiện triệt để hơn. Bởi vì muốn nâng cao chất lượng an toàn thực phẩm thì cách tốt nhất vẫn là giám sát thường xuyên và xử phạt cương quyết đối với các trường hợp vi phạm, để từng bước nâng cao ý thức sản xuất và tiêu thụ thực phẩm của tất cả mọi người