Sớm quyết định phương án đầu tư mở rộng đoạn cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp báo cáo về việc triển khai lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư mở rộng đoạn cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành; phương án tài chính đầu tư Dự án trong trường hợp giao Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) thực hiện.

Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo 400/TB-VPCP ngày 30/8/2024 kết luận của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà về Phương án đầu tư mở rộng đoạn TP. Hồ Chí Minh - Long Thành thuộc Dự án đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây.

Cụ thể, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà kết luận như sau: Tại Thông báo số 200/TB-VPCP ngày 5/5/2024 của Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng đã giao Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chịu trách nhiệm toàn diện trước Thủ tướng Chính phủ về việc hoàn thành các nội dung điều kiện của Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) bảo đảm yêu cầu tiến độ, kịp thời báo cáo đề xuất ngay Phó Thủ tướng các vướng mắc, chậm trễ, không khả thi, không bảo đảm tiến độ và phương án triển khai. 

Tuy nhiên, đến nay Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp vẫn chưa thống nhất được với Bộ Tài chính về các điều kiện cần thiết để bảo đảm phương án tài chính giao VEC làm chủ đầu tư Dự án, đặc biệt là 2 vấn đề tăng vốn điều lệ của VEC; khoanh và lùi trả gốc, lãi liên quan đến trái phiếu Bộ Tài chính đã ứng trả nợ.

TP. Hồ Chí Minh
Việc đề xuất nghiên cứu mở rộng đoạn cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành là cần thiết và cấp bách để đáp ứng nhu cầu vận tải, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an toàn giao thông cho cả vùng miền Đông Nam Bộ nói riêng và cả nước nói chung.

Để sớm quyết định phương án đầu tư Dự án, Phó Thủ tướng giao Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan khẩn trương chuẩn bị báo cáo Thường trực Chính phủ một số nội dung.

Cụ thể, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp báo cáo về mô hình hoạt động và năng lực của VEC; việc triển khai lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án; phương án tài chính đầu tư Dự án trong trường hợp giao VEC thực hiện.

Bộ Tài chính báo cáo về việc xử lý tăng vốn điều lệ của VEC; căn cứ pháp lý, thẩm quyền khoanh và lùi trả gốc, lãi liên quan đến trái phiếu Bộ Tài chính đã ứng trả nợ thay cho VEC (trong đó cần báo cáo rõ về việc thực hiện các kết luận của Bộ Chính trị, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ liên quan đến nội dung này).

Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo về việc áp dụng pháp luật về đầu tư, đầu tư công và pháp luật có liên quan để thực hiện Dự án; đề xuất rõ phương án triển khai, nguồn vốn thực hiện, bảo đảm đúng quy định.

Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp báo cáo về cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn để đề xuất giao VEC thực hiện đầu tư Dự án; đề xuất phương án đầu tư khác (nếu có) trong trường hợp VEC không đủ điều kiện thực hiện.

Phó Thủ tướng yêu cầu các cơ quan nêu trên gửi báo cáo về Bộ Giao thông vận tải trước ngày 5/9/2024 để tổng hợp, xây dựng báo cáo gửi Thường trực Chính phủ trước ngày 6/9/2024. Sau khi có báo cáo của Bộ Giao thông vận tải, Văn phòng Chính phủ trình Thủ tướng Chính phủ cho phép họp Thường trực Chính phủ.

Theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ, Dự án đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây giai đoạn 1 do VEC đầu tư, khai thác có quy mô 4 làn xe, chiều dài 54 km, là một phần của đường trục cao tốc Bắc - Nam phía đông, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Từ khi đưa vào khai thác đến nay, lưu lượng phương tiện tham gia lưu thông trên tuyến đường liên tục tăng cao, trung bình khoảng 10,45%/năm, đến nay tuyến đường đã trong tình trạng mãn tải.

Đặc biệt, đoạn cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành đã vượt giới hạn năng lực thông hành mặt cắt ngang 4 làn xe 25% và sẽ không thể đáp ứng được khả năng thông hành khi cảng hàng không Quốc tế Long Thành đưa vào khai thác sử dụng (dự kiến năm 2026).

Như vậy, việc đề xuất nghiên cứu mở rộng đoạn cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành là cần thiết và cấp bách để đáp ứng nhu cầu vận tải, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an toàn giao thông cho cả vùng miền Đông Nam Bộ nói riêng và cả nước nói chung.

Thanh Hà