Sử dụng tế bào gốc tự thân: Hy vọng mới cho bệnh nhân đột quỵ não

Mới đây, đề tài “Nghiên cứu sử dụng tế bào gốc tự thân trong điều trị nhồi máu não” thuộc Chương trình KH&CN trọng điểm cấp Nhà nước Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ tiên tiến phục vụ bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cộng đồng (KC.10/16-20) do Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt đã được nghiệm thu.

Những nghiên cứu thử nghiệm đầu tiên trong việc ứng dụng tế bào gốc (TBG) tự thân trong điều trị các bệnh nhân đột quỵ nhồi máu não (đột quỵ não) vừa được nhóm nghiên cứu thuộc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 thực hiện thành công trên bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện này. Thành công ấy đã mở ra niềm hy vọng mới cho các bệnh nhân đột quỵ nhồi máu não, căn bệnh là nguyên nhân gây tử vong hàng thứ ba và là nguyên nhân hàng đầu gây tàn phế.

Nghiên cứu sử dụng tế bào gốc tự thân trong điều trị nhồi máu não

GS.TS. Phạm Gia Khánh - Chủ nhiệm Chương trình KC.10/16-20 phát biểu tại buổi họp Hội đồng đánh giá nghiệm thu cấp Nhà nước

 

Đây là kết quả của đề tài “Nghiên cứu sử dụng tế bào gốc tự thân trong điều trị nhồi máu não” thuộc Chương trình KH&CN trọng điểm cấp Nhà nước Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ tiên tiến phục vụ bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cộng đồng (KC.10/16-20) được Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt.

Căn bệnh phổ biến, nguy cơ tử vong cao

PGS.TS Nguyễn Hoàng Ngọc – Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết, đột quỵ là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ ba và là nguyên nhân hàng đầu gây tàn phế. Đột quỵ thiếu máu não hay còn gọi là nhồi máu não chiếm tỷ lệ chủ yếu khoảng 80-85% các bệnh nhân đột quỵ não. Theo số liệu thống kê, mỗi năm có khoảng 700.000 người Mỹ bị đột quỵ và gây tử vong cho khoảng 150.000 người.Tỷ lệ mắc bệnh hiện tăng tới 40% ở tuổi 80 và 43% ở tuổi 85. Điều đó cũng để lại một gánh nặng kinh tế lớn. Thống kê năm 2010, ngân sách y tế Mỹ đã phải chi tới 71.55 tỉ USD, và con số đó dự kiến năm 2030 sẽ là 183.13 tỉ, năm 2050 sẽ là 2.2 nghìn tỉ USD.

Với những hậu quả nặng nề đó, đột quỵ não là một trong những mục tiêu hàng đầu của nhiều hệ thống y tế, trong đó có Việt Nam. Mục tiêu điều trị trong đột quỵ thiếu máu não cấp là phải khôi phục dòng máu đến vùng đang thiếu máu càng sớm càng tốt. Đến nay, điều trị đặc hiệu nhồi máu não là kỹ thuật tái thông mạch não gồm hai phương pháp: phương pháp dùng thuốc tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch và phương pháp lấy huyết khối bằng dụng cụ cơ học.

Cả hai phương pháp đều đòi hỏi bệnh nhân phải đến viện càng sớm càng tốt. Đối với phương pháp dùng thuốc tiêu sợi huyết, cửa sổ điều trị trong vòng 4,5 giờ, phương pháp lấy huyết khối bằng dụng cụ cơ học cửa sổ điều trị cũng chỉ trong vòng 6 giờ đầu, hoặc có thể có thời gian cửa số dài hơn, tuy nhiên, phụ thuộc vào vùng mô não còn có thể cứu sống được.

Theo các chuyên gia, ngay cả khi các bệnh nhân đến viện sớm được điều trị đặc hiệu thì tỷ lệ thành công, hồi phục chức năng tốt cũng chỉ chiếm khoảng 30-50%.

Chính vì vậy, điều trị các bệnh nhân nhồi máu não chủ yếu vẫn là điều trị bằng phác đồ cơ bản và điều trị phục hồi. Một hướng đi mới đang mở ra triển vọng lớn cho ngành Y học phục hồi đó là việc ứng dụng TBG trong điều trị các bệnh lý tổn thương hệ thần kinh nói chung và bệnh lý đột quỵ nhồi máu não nói riêng. Liệu pháp TBG là một mô hình mới xuất hiện trong lĩnh vực điều trị đột quỵ não và được coi là một chiến lược tiềm năng trong tái tạo những thiếu hụt thần kinh ở bệnh nhân đột quỵ não.

Theo PGS.TS. Nguyễn Hoàng Ngọc, TBG là những tế bào có khả năng tự đổi mới, tạo ra nhiều TBG tương tự nó và có khả năng biệt hóa thành tất cả hoặc một số dòng tế bào khác nhau. Từ TBG ban đầu, có thể biệt hóa thành các tế bào cơ tim, tế bào máu, tế bào gan hoặc tế bào thần kinh… Khác với các tạng khác khi cấy ghép phải dùng các tạng từ người hiến. Với liệu pháp TBG, nguồn TBG có thể được lấy từ chính các tế bào trong cơ thể bệnh nhân (TBG tự thân) hoặc lấy từ tế bào của người khác (TBG dị thân).

Tại Việt Nam, đã có nghiên cứu ứng dụng TBG tạo máu tự thân trong điều trị bệnh như ghép tủy trong điều trị ung thư máu, ghép tế bào gốc tạo máu trong điều trị thoái hoá khớp gối, nhồi máu cơ tim, xơ gan…

Từ thực trạng đó, nhóm nghiên cứu của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã đề xuất và được Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) hỗ trợ triển khai đề tài “Nghiên cứu sử dụng tế bào gốc tự thân trong điều trị nhồi máu não” thông qua Chương trình KH&CN trọng điểm cấp Nhà nước Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ tiên tiến phục vụ bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cộng đồng (KC.10/16-20). Đề tài vừa được Hội đồng KH&CN đánh giá nghiệm thu nhất trí thông qua và đánh giá cao các kết quả đạt được cũng như tiềm năng ứng dụng trong thực tế.

Làm chủ quy trình kỹ thuật

PGS.TS Nguyễn Hoàng Ngọc – Chủ nhiệm đề tài cho biết, nhóm nghiên cứu hướng đến mục tiêu xây dựng quy trình phân lập, bảo quản TBG tự thân sử dụng trong điều trị nhồi máu não. Đồng thời, xây dựng quy trình sử dụng TBG tự thân trong điều trị nhồi máu não. Đây là một trong những đề tài tiên phong trong đánh giá hiệu quả của TBG tạo máu trên bệnh nhân đột quỵ.

Nghiên cứu sử dụng tế bào gốc tự thân trong điều trị nhồi máu não
Nhóm nghiên cứu đang làm việc trong phòng mổ vô trùng

 

Nhóm nghiên cứu đã khám sàng lọc 162 bênh nhân đột quỵ não, lựa chọn 92 bệnh nhân nhồi máu não vùng cấp máu động mạch não giữa, chia 3 nhóm: Nhóm 1: nhồi máu não động mạch não giữa, điều trị bằng TBG tủy xương đường tĩnh mạch (31 bệnh nhân); Nhóm 2: nhồi máu não động mạch não giữa, điều trị bằng TBG tủy xương đường động mạch (31 bệnh nhân); Nhóm 3: nhóm chứng (30 bệnh nhân). Các bệnh nhân này đang được khám và điều trị tại Trung tâm Đột quỵ não, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Bệnh nhân đảm bảo các tiêu chí chẩn đoán đột quỵ dựa vào lâm sàng và hình ảnh và không có một trong các tiêu chuẩn loại trừ.

Đồng thời, thực hiện thu gom, chiết tách, xử lý, bảo quản và đánh giá chất lượng khối TBG tủy xương tự thân trên bệnh nhân đột quỵ nhồi máu não. Cùng với đó, xây dựng chỉ định, quy trình sử dụng TBG tủy xương tự thân điều trị bệnh nhân đột quỵ nhồi máu não; đánh giá kết quả điều trị bằng TBG tủy xương tự thân trên bệnh nhân đột quỵ não.  

Kết quả, nhóm nghiên cứu đã xây dựng thành công và làm chủ quy trình sử dụng TBG tủy xương tự thân trong điều bệnh nhân đột quỵ nhồi máu não. Quy trình phân lập, bảo quản, đánh giá chất lượng TBG tuỷ xương tự thân sử dụng trong điều trị bệnh nhân đột quỵ nhồi máu não. Đồng thời, chỉ định, quy trình sử dụng TBG tủy xương tự thân qua đường tĩnh mạch ngoại vi điều trị bệnh nhân đột quỵ nhồi máu não. Chỉ định, quy trình sử dụng TBG tủy xương tự thân qua đường can thiệp nội mạch điều trị bệnh nhân đột quỵ nhồi máu não.

Về kết quả sử dụng khối TBG tủy xương tự thân trong điều trị bệnh nhân đột quỵ nhồi máu não, theo nhóm nghiên cứu, nhómbệnh nhân được truyền TBG có kết quả tốt hơn nhóm chứng tại thời điểm 6 tháng có ý nghĩa thống kê. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, truyền TBG tuỷ xương tự thân đường động mạch và tĩnh mạch là phương pháp điều trị an toàn trong thời gian điều trị và theo dõi sau 6 tháng. Đây là phương pháp điều trị an toàn, không có khác biệt có ý nghĩa thống kê về biến cố bất lợi và tỷ lệ tử vong giữa nhóm điều trị và nhóm chứng trong và sau thời gian điều trị 6 tháng.

Theo các chuyên gia trong Hội đồng KH&CN đánh giá nghiệm thu đề tài, nghiên cứu đã đưa ra phương pháp hiệu quả trong cải thiện chức năng cho bệnh nhân nhồi máu não, giảm bớt các chi phí điều trị cho phục hồi chức năng. Bên cạnh đó, việc trả lại chức năng cho bệnh nhân, trong đó có những bệnh nhân có thể quay lại với công việc đã giúp giảm gánh nặng phụ thuộc, giúp giảm chi phí cho người bệnh. Kết quả của đề tài có thể cải thiện chức năng của các bệnh nhân đột quỵ não cũng như tiềm năng sẵn sàng ứng dụng, chuyển giao cho các cơ sở y tế khác đã và sẽ góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh nói riêng, giảm bớt gánh nặng về chăm sóc y tế, phúc lợi cũng như nhiều vấn đề xã hội khác nói chung.

TT Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN