Điều quan trọng là phải rà soát hệ thống quản lý nhà nước trong lĩnh vực dầu khí, bảo đảm phù hợp trong cách tiếp cận và phương thức điều hành mới.
Bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống pháp luật
Theo ĐBQH Nguyễn Ngọc Bảo (Bắc Ninh), trong bối cảnh sản lượng khai thác dầu thô đã giảm dần trong giai đoạn 2016 - 2020, hệ số bù trữ lượng dầu khí suy giảm ở mức báo động, trữ lượng mỏ hiện hữu đã vào các giai đoạn giảm sâu; cần có các cơ chế chính sách để thu hút đầu tư cũng như có cơ sở pháp lý để đẩy mạnh các hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí.
Ý kiến ĐBQH cho rằng, trong quá trình hoàn thiện thể chế; nhiều chính sách, nhiều luật mới được ban hành có liên quan đến Luật Dầu khí và hoạt động dầu khí như Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Quản lý vốn đầu tư nhà nước vào doanh nghiệp hay Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng và các luật khác cũng có tác động. Cho nên việc sửa đổi Luật Dầu khí lần này nhằm bảo đảm tính đồng bộ trong hệ thống pháp luật là hết sức cần thiết.
Làm rõ vấn đề các đại biểu quan tâm, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, cơ quan chủ trì soạn thảo giữ tên gọi của dự án luật là Luật Dầu khí (sửa đổi) bảo đảm tính kế thừa liên tục của pháp luật về dầu khí, không làm ảnh hưởng đến hoạt động dầu khí, hợp đồng dầu khí đã ký kết, đặc biệt là không để xảy ra những sự hiểu lầm đối với các nhà thầu hiện hữu.
Cho ý kiến vào nội dung dự thảo Luật, các ĐBQH cho rằng, dự thảo phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013; tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên. Hồ sơ dự án Luật cơ bản bảo đảm quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Để bảo đảm hiệu lực thi hành của Luật sau khi được ban hành, các đại biểu đề nghị rà soát, hoàn thiện đồng bộ dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật và dự kiến danh mục các văn bản hướng dẫn cần ban hành.
Bên cạnh đó, bổ sung quy định rõ ràng, cụ thể tại Điều 4 dự án Luật theo nguyên tắc bảo đảm tính đặc thù trong điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí thượng nguồn thực hiện theo quy định của Luật Dầu khí; bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật đối với các nội dung có liên quan đến Luật Xây dựng, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư công.
Băn khoăn về cơ chế ưu đãi
Một số ĐBQH cho rằng, hiện nay dự án Luật đang thiết kế 2 cơ chế ưu đãi: cơ chế ưu đãi thông thường và cơ chế ưu đãi đặc biệt, tuy nhiên, ưu đãi đặc biệt chỉ kích hoạt khi ưu đãi thông thường không đạt được, điều này dễ làm kéo dài thời gian thủ tục, quy trình về đấu thầu, tìm kiếm nhà đầu tư, giảm sự hấp dẫn và hiệu quả của cơ chế ưu đãi. Do đó, ban soạn thảo cần nghiên cứu để áp dụng ưu đãi đặc biệt như một lựa chọn bổ sung, kích hoạt song song, để nâng cao hiệu quả về mặt thời gian cũng như hiệu quả kinh tế.
Đối với các chính sách ưu đãi về thuế, ĐBQH Phạm Thúy Chinh (Hà Giang) cho rằng, việc dự thảo Luật quy định các chính sách về thuế đều giảm so với các quy định trước đây và tại thời điểm giá dầu thô đang tăng cao, không ổn định nên đề nghị cơ quan soạn thảo cần báo cáo thêm về dự báo tình hình, rà soát các chính sách về thuế trên cơ sở cân nhắc thận trọng, đánh giá tác động của việc điều chỉnh giảm thuế.
Về khoản 2, khoản 3 Điều 47 quy định các mức thuế suất, các ĐBQH nhận thấy, việc quy định chi tiết này khác với các quy định trong pháp luật về thuế, sẽ dẫn tới phá vỡ tính thống nhất, tương thích, đồng bộ với hệ thống pháp luật về thuế hiện hành. Do đó, cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu thêm ý kiến về việc bảo đảm tính thống nhất, tương thích của Luật Dầu khí trong hệ thống pháp luật và cần bổ sung quy định về thời hạn hưởng ưu đãi về thuế theo đúng quy định của Luật Đầu tư.
Một trong những nội dung quan trọng tại dự án Luật là bổ sung thêm một chương liên quan đến điều tra cơ bản về dầu khí, tuy nhiên, ưu đãi đầu tư chỉ quy định áp dụng cho hoạt động dầu khí, không bao gồm hoạt động điều tra cơ bản. ĐBQH Phan Đức Hiếu (Thái Bình) đề nghị, ban soạn thảo nghiên cứu xem xét để áp dụng những ưu đãi cho cả hoạt động điều tra cơ bản để huy động thêm nguồn lực vào hoạt động này…