Sữa Quốc tế (IDP) muốn vay 2.100 tỷ đồng, tham vọng doanh nghiệp tỷ USD

Kết thúc nửa đầu năm nay, Công ty Cổ phần Sữa Quốc tế LOF (mã cổ phiếu IDP) đã hoàn thành 60% mục tiêu lợi nhuận cả năm, tăng 15% so với mức nền cao kỷ lục của cùng kỳ năm trước.
Tổng Giám đốc Sữa Quốc tế
Ông Bùi Hoàng Sang - Tổng giám đốc Sữa Quốc tế cho biết, bất chấp áp lực cạnh tranh, thị phần của công ty vẫn tăng thêm ở tất cả các phân khúc đang tham gia như sữa trái cây, sữa chua uống và ca cao lúa mạch.

Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Sữa Quốc tế LOF (tên cũ là Sữa Quốc tế IDP, mã cổ phiếu IDP - sàn UPCoM) vừa thông qua phương án vay vốn, phát hành bảo lãnh, phát hành thư tín dụng với hạn mức tín dụng 700 tỷ đồng từ Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (Ngân hàng BIDV); 600 tỷ đồng từ Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Ngân hàng Vietcombank); và 800 tỷ đồng từ Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Ngân hàng Vietinbank).

Sữa Quốc tế cho biết, số vốn vay trên sẽ được dùng để phục vụ các hoạt động sản xuất kinh doanh sữa và các sản phẩm từ sữa trong giai đoạn 2024 - 2025.

Về hoạt động kinh doanh, trong quý 2/2024, Sữa Quốc tế ghi nhận doanh thu thuần gần 1.930 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 288 tỷ đồng, lần lượt tăng 10% và 23% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của hãng sữa này đạt 3.514 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 511 tỷ đồng, lần lượt tăng 5% và 15% so với cùng kỳ năm trước.

Năm nay, Sữa Quốc tế đặt mục tiêu doanh thu thuần 7.800-8.000 tỷ đồng, tương ứng tăng 17-20%. Chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế trong dao động trong khoảng 850-950 tỷ đồng, tức trong kịch bản thấp sẽ giảm 5% và kịch bản cao sẽ tăng trưởng 6% trên mức nền cao kỷ lục của năm 2023.

Như vậy, Sữa Quốc tế đã hoàn thành khoảng 45% kế hoạch doanh thu và 60% kế hoạch lợi nhuận cả năm theo kịch bản thấp sau 6 tháng đầu năm nay.

Sữa Quốc tế được thành lập từ năm 2004, nổi bật với các dòng sữa như Kun, Bavi, LOF, LIF... Hồi tháng 7/2024, HĐQT Sữa Quốc tế đã thông qua phương án đổi tên từ Công ty Cổ phần Sữa Quốc tế IDP thành Công ty Cổ phần Sữa Quốc tế LOF. Đồng thời, chuyển trụ sở chính của công ty từ Ba Vì đến Khu công nghiệp Bàu Bàng (tỉnh Bình Dương).

Về dài hạn, công ty sữa này đặt tham vọng trở thành doanh nghiệp tỷ USD. Tại lễ công bố đổi tên công ty, ông Bùi Hoàng Sang - Tổng giám đốc Sữa Quốc tế chia sẻ: “Với nỗ lực và tầm nhìn mới, tôi hy vọng 5 năm tới, doanh số của LOF sẽ lên gấp đôi và dài hạn là có thể lọt vào danh sách công ty Việt đạt doanh thu tỷ USD”.

Giá cổ phiếu IDP Sữa Quốc tế
Khối lượng giao dịch và xu hướng giá cổ phiếu IDP của Sữa Quốc tế kể từ đầu năm 2024 đến nay. (Nguồn: TradingView)

Xem thêm: "Vinamilk (VNM): Giành thêm thị phần nội địa, dự kiến kết quả kinh doanh nửa cuối năm tăng 5-7%" trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Lãnh đạo Sữa Quốc tế cũng chia sẻ, trong năm 2023, công ty đã đạt mức tăng trưởng tích cực trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt, nhất là trong các hoạt động truyền thông và khuyến mãi. Thị phần của công ty vẫn tăng thêm ở tất cả các phân khúc đang tham gia như sữa trái cây (tăng 3%), sữa chua uống (tăng 0,3%) và ca cao lúa mạch (tăng 2%). Đồng thời, ngoài Campuchia và Indonesia, công ty dự kiến mở thêm các trụ sở mới ở khu vực Đông Nam Á. 

Hiện tại, Sữa Quốc tế đang đầu tư thêm dự án Nhà máy sữa tại Bình Dương với quy mô 2.800 tỷ đồng, công suất đạt khoảng 300.000 tấn sản phẩm/năm. Dự kiến dự án này sẽ được đưa vào hoạt động chính thức từ quý 1/2025, đánh dấu bước phát triển tại thị trường phía Nam của công ty.

Bên cạnh đó, Sữa Quốc tế cũng đang sở hữu 02 nhà máy chế biến sữa tại huyện Ba Vì (Hà Nội) và huyện Củ Chi (TP.Hồ Chí Minh) với tổng công suất lên đến 300.000 tấn sản phẩm/năm.

Trên bảng cân đối kế toán, tổng tài sản của Sữa Quốc tế tại ngày 30/6/2024 đạt 5.660 tỷ đồng, tăng 8% so với đầu năm. Trong đó, khoản tiền gửi có kỳ hạn đạt 1.385 tỷ đồng, giảm 32%; chi phí xây dựng cơ bản dở dang đạt 1.168 tỷ đồng, tăng 96%.

Ở phía đối ứng, nợ phải trả của Sữa Quốc tế tính đến cuối quý 2/2024 đạt 2.601 tỷ đồng, tăng 19% so với đầu năm, phần lớn là vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn (1.045 tỷ đồng).

Duy Quang