Theo đó, sửa đổi quy định về phân loại doanh nghiệp (DN) để thực hiện đánh giá xếp loại DN như sau:
Cơ quan đại diện chủ sở hữu căn cứ vào danh mục sản phẩm, dịch vụ công sử dụng NSNN từ nguồn kinh phí chi thường xuyên theo quy định của Chính phủ về giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng NSNN từ nguồn kinh phí chi thường xuyên để phân loại DN.
(So với hiện hành, cụm từ “sản phẩm, dịch vụ công sử dụng NSNN từ nguồn kinh phí chi thường xuyên” được sử dụng để thay cho cụm từ “sản phẩm, dịch vụ công ích”).
Đối với DN an ninh quốc phòng, Cơ quan đại diện chủ sở hữu (Bộ Quốc phòng, Bộ Công an) quyết định phân loại DN cụ thể đối với từng DN.
Việc phân loại DN để thực hiện đánh giá xếp loại DN được Cơ quan đại diện chủ sở hữu nêu cụ thể trong quyết định giao kế hoạch sản xuất kinh doanh hàng năm cho từng DN.
Trường hợp là DN hoạt động kinh doanh thì xếp loại DN theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 30 Nghị định 87/2015/NĐ-CP.
Trường hợp là DN thực hiện cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng NSNN từ nguồn kinh phí chi thường xuyên thì xếp loại DN theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 30 Nghị định 87/2015/NĐ-CP.
Thông tư 77/2021/TT-BTC cũng sửa đổi tiêu chí chấp hành pháp luật trong đánh giá, xếp loại DNNN. Theo đó:
- Doanh nghiệp xếp loại A khi đáp ứng các điều kiện sau:
+ Trong năm đánh giá xếp loại, doanh nghiệp không bị cơ quan có thẩm quyền xử phạt hành chính trong lĩnh vực thuế đối với nhóm hành vi khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn, không thu và nhóm hành vi trốn thuế.
+ Không bị hoặc bị cơ quan đại diện chủ sở hữu/cơ quan tài chính nhắc nhở bằng văn bản 01 lần về việc nộp báo cáo để thực hiện giám sát tài chính, báo cáo xếp loại doanh nghiệp, báo cáo tài chính không đúng quy định, không đúng thời hạn.
- Doanh nghiệp thuộc một trong các trường hợp sau thì xếp loại B:
+ Trong năm đánh giá xếp loại, doanh nghiệp bị cơ quan có thẩm quyền xử phạt hành chính trong lĩnh vực thuế do có 01 hành vi vi phạm thuộc nhóm hành vi khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn, không thu.
+ Bị cơ quan đại diện chủ sở hữu/cơ quan tài chính nhắc nhở bằng văn bản 02 lần về việc nộp báo cáo để thực hiện giám sát tài chính, báo cáo xếp loại doanh nghiệp, báo cáo tài chính không đúng quy định, không đúng thời hạn.
- Doanh nghiệp thuộc một trong các trường hợp sau thì xếp loại C:
+ Trong năm đánh giá xếp loại, doanh nghiệp bị cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế do có từ 02 hành vi vi phạm khác nhau trở lên thuộc nhóm hành vi khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn, không thu; Hoặc doanh nghiệp có hành vi trốn thuế theo quy định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn.
+ Bị cơ quan đại diện chủ sở hữu/cơ quan tài chính nhắc nhở bằng văn bản từ 03 lần trở lên về việc nộp báo cáo để thực hiện giám sát tài chính, báo cáo xếp loại doanh nghiệp, báo cáo tài chính không đúng quy định, không đúng thời hạn.
+ Người quản lý doanh nghiệp vi phạm pháp luật trong quá trình thực thi nhiệm vụ của doanh nghiệp được đánh giá xếp loại thuộc một trong những lĩnh vực đã nêu tại điểm a khoản 4 Điều 12 Thông tư này theo công bố, kết luận của cơ quan chức năng. Việc đánh giá xếp loại doanh nghiệp chỉ tính 01 lần đối với cùng một (01) vụ việc sai phạm của Người quản lý doanh nghiệp.
- Các hành vi vi phạm thủ tục thuế không xem xét để thực hiện đánh giá xếp loại doanh nghiệp.”
Thông tư 77/2021/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 03/11/2021.